Từ sự cố Rào Trăng 3 đến dự án hồ thủy điện Ka Pét
Tháng Mười 2020, cơn bão số 9 càn quét miền Trung và Trung Nam Bộ gây thiệt hại lớn cả về nhân mạng lẫn của cải xã hội. Có đến 102 người chết và 26 người mất tích, thiệt hại về hạ tầng, vật chất hàng ngàn tỷ đồng. Cơn bão lũ dồn dập đó bộc lộ rất nhiều yếu kém trong cách thức vận hành, phối kết hợp, thông tin liên lạc giữa các đơn vị vận hành hồ chứa, nhà máy thủy điện và cơ quan chức năng trong việc phòng chống thiên tai; cũng như năng lực hạn chế của lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong công tác di tản và bảo vệ người dân.
Chỉ riêng sự cố sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 – một công trình thủy điện nhỏ nằm giữa khu vực lõi của khu bảo tồn thiên nhiên ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế – đã cướp đi 17 sinh mệnh là công nhân đang xây dựng nhà máy và vùi lấp 13 lính và sỹ quan trong đó có cả Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Sau hơn một năm tìm kiếm, người ta vẫn không thể tìm thấy 15 công nhân vẫn còn bị vùi sâu dưới hàng triệu mét khối đất đá.
Rất nhiều nước mắt đã rơi trước đau thương mất mát. Đồng thời, dư luận bức xúc về tình trạng các dự án thủy điện nhỏ, được cho là một trong những nguyên nhân trực tiếp tàn phá rừng tự nhiên, vốn còn lại rất ít ỏi, vẫn được cấp phép và triển khai ồ ạt. Cứ mỗi 1MW thủy điện thì người ta phải hy sinh 10-30 ha rừng tự nhiên trên vùng thượng nguồn của các dòng sông để làm hồ chứa, một công trình thủy điện cỡ nhỏ công suất 20-30 MW đã hủy diệt những cánh rừng hàng trăm hecta.
Không những thế, trong quá trình làm hạ tầng đường sá, hàng trăm hecta rừng khác cũng sẽ bị “cạo trọc” dưới danh nghĩa “tận thu lâm sản lòng hồ thủy điện”. Theo Viện Tư vấn và Phát triển (CODE) khi khảo sát 163 trong 287 công trình thủy điện vừa và lớn ở Tây Nguyên, người ta thấy rằng tính đến năm 2012, các công trình này đã chiếm dụng 65.239 ha đất các loại, trong đó có 16.600 ha rừng tự nhiên.
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ đến cuộc chất vấn nảy lửa của đại biểu Quốc hội khóa 13, Ksor H’bơ Khắp với hai ông bộ trưởng là Trần Tuấn Anh và Trần Hồng Hà. Khi đó, để xoa dịu dư luận, Bộ trưởng Công thương, Trần Tuấn Anh, khẳng định “Cho dù bất cứ một công trình thủy điện qui mô nào nếu sử dụng 1m2 rừng tự nhiên, cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện”.
Ông Trần Hồng Hà trên diễn đàn Quốc hội còn trắng trợn phủ nhận việc thủy điện làm mất rừng và hứa rằng “Sắp tới, đối với rừng phòng hộ đặc dụng, những nơi nào mà không còn rừng nhưng chức năng phòng hộ và bảo vệ con người thì chúng ta phải phục hồi lại rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên”. Trong khi đó, ông Thủ tướng (lúc đó) Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025. Thử hỏi cái đề án đó đã thực hiện được mấy phần, trồng được bao nhiêu cây xanh rồi?
500 ông bà đại biểu Quốc hội bây giờ chỉ biết bấm nút theo “ý đảng”, nhanh chóng thông qua dự án tiếp tục chặt phá hàng trăm hecta rừng đặc dụng, hủy hoại một khu di tích lịch sử văn hóa của người Champa từng tồn tại gần 300 năm, để xây dựng một hồ chứa phục vụ thủy điện. Không một ai trong 500 ông bà “đại biểu nhân dân” ấy, cũng như ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quan tâm gì đến sự tồn tại của những cánh rừng có ý nghĩa vô giá về sinh thái, môi trường và chứa đựng trong nó những di tích của nền văn hóa Champa.
Thánh tích và rủi ro “xung đột sắc tộc”
Ông Phạm Khanh, một người sắc tộc Chăm, đang ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột sắc tộc giữa người Kinh và Chăm nếu các cơ quan chức năng địa phương vẫn tiếp tục thực hiện dự án hồ Ka Pét. Cũng theo ông Khanh, phần mộ của Pô Cei Khar Maah Bingu, mà người Kinh gọi tắt là “Mộ Cậu” hay “Mộ Cậu Hoa”, được xem như là trái tim hành hương của cộng đồng người Chăm và Raglai ở ba huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh.
“Đụng vào cái gì thì được chứ đụng vào vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh thì ngàn đời sau người ta vẫn nhớ và nó dẫn đến nguy cơ xung đột sắc tộc thì làm sao. Chúng ta có thể có rất nhiều giải pháp để làm cái hồ đó, nhưng nếu đụng vào vấn đề xung đột sắc tộc thì không giải quyết được, khó lắm chứ không phải dễ đâu. Cho nên bây giờ vẫn còn kịp” – ông Phạm Khanh nói.
Về di tích phần mộ của Pô Cei Khar (hay Dhar?) Maah Bingu, nhà cầm quyền phải có một nghiên cứu lịch sử nghiêm túc. Trong tiếng Champa thì “Pô” có nghĩa là “ngài”, còn “Cei” có nghĩa là “hoàng tử”, “Dhar Maah Bingu” có thể là một chức vụ trong quân đội của chính quyền Champa. Nhân vật này có thể là người có dòng dõi hoàng tộc và là một nhân vật lịch sử trong giai đoạn tồn tại nhà nước Champa cuối cùng, dưới thời vua Gia Long.
Dù trên thực tế Champa đã chấm dứt về mặt địa lý từ cuối giai đoạn chúa Nguyễn và cuộc chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1771-1802); tuy nhiên, nhóm dân sắc tộc Chăm ở phủ Bình Thuận vẫn được hưởng cơ chế “tự trị”, vẫn có vua và quân đội riêng, dù họ chịu sự thần phục và thuế dịch nặng nề với triều đình Huế. Sự tôn kính đặc biệt của cộng đồng sắc tộc Chăm bản địa đối với khu Thánh tích là một minh chứng về vị thế, xuất thân của nhân vật Pô Cei Dhar Maah Bingu, cũng như tình cảm của người dân sắc tộc Chăm đối với một anh hùng của dân tộc họ, không đơn thuần là một “quan ngự y” như truyền miệng.
Lời cảnh báo không phải là không có cơ sở
Vào ngày 11 Tháng Sáu qua, vụ bạo loạn đẫm máu do một nhóm người Thượng tấn công vào hai đồn công an ở Ea Ktur và Ea Tiêu ở Dak Lak đã làm rung động bộ máy chính trị cũng như gây sự chú ý quốc tế. Ngày 6 Tháng Chín vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đã thừa nhận tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp về công tác tư pháp của Chính phủ, rằng vụ Dak Lak có “nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc vẫn là những vấn đề kinh tế xã hội của đồng bào trong vùng; phân hóa giàu nghèo; quản lý đất đai; xây dựng hệ thống chính trị và cuối cùng là một số nội dung khác về quản lý an ninh trật tự ở cơ sở” – theo VnExpress.
Câu hỏi đặt ra ở đây là xung đột và bạo loạn liệu có thể xảy ra đối với nhóm sắc tộc Chăm hay không? Trong trường hợp cụ thể với dự án hồ thủy điện Ka Pét, xung đột sắc tộc có thể bùng nổ như ở Tây Nguyên vừa qua?
Hỏi tức là trả lời.
Về mặt chủng tộc, Chăm và các sắc dân thiểu số Tây Nguyên gọi chung là người Thượng gồm Jrai, Ede, Bahnar, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông… đều có nguồn gốc Mã Lai Đa Đảo. Trong suốt tiến trình lịch sử di cư, định cư, xung đột, hội nhập và chịu ảnh hưởng của các tôn giáo và văn hóa du nhập để hình thành các sắc dân và nền văn minh khác nhau, mối liên quan giữa Champa với các sắc tộc Tây Nguyên là một lĩnh vực rất cần được nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và khoa học.
Những dấu tích của nền văn minh Champa như tháp Yang Praong ở huyện Ea Sup, Dak Lak, tháp Yang Mun ở Cheo Reo và tháp Bang Keng ở huyện Kroong Pa, Gia Lai… đã hiện diện khắp Tây Nguyên. Trong tấm bia ký ở Mỹ sơn có ghi lại sự kiện những người Gia Rai, Bahnar Tây Nguyên đã từ chối uy quyền vua Jaya Harivarman I – vị vua Champa tiếm ngôi vào năm 1149. Thay vào đó, người Gia Rai, Bahnar đưa hoàng tử Varisaraya, gốc Vijaya lên ngôi. Thậm chí, vua Chăm là Po Rome (1627-1651) là người mang dòng máu dân tộc Churu và bà thứ hậu gốc Ê đê (Rhade). Triều đại Po Rome đã tập hợp được 12 vị vua trong gần 150 năm. Tất cả những sự kiện và di tích trên đều chứng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa các dân tộc Tây Nguyên với Chăm.
Trong suốt quá trình Nam tiến của người Việt, máu của Chăm đã nhuộm đỏ từ đèo Ngang cho đến tận trấn Tây Thành trong 700 năm. Cuộc diệt chủng tàn bạo và khốc hại không thể hình dung nổi dưới thời Minh Mệnh đã chấm dứt sự tồn tại một nền văn minh Champa rực rỡ và đẩy sắc dân Chăm trở thành kiếp trâu ngựa.
Trở lại với dự án hồ thủy điện Ka Pét, mâu thuẫn và rủi ro “xung đột sắc tộc” không cao. Đơn giản bởi lẽ sắc dân Chăm còn lại quá ít ỏi. Nói như thi sĩ Inra Sara “Cham chỉ khóc”. Những uất hận hờn căm của Chăm, giống như lời ca trong Hận Đồ Bàn của nhạc sỹ Xuân Tiên, rồi sẽ lại vùi lấp trong rừng hoang, gió ngàn… Nhưng nếu là một thể chế “do dân và vì dân”, thì có lẽ những vị “mũ cao, áo dài” như ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nên một lần cúi xuống để nghe tiếng kêu khóc của người dân. Đừng để nước mắt và cả máu của Chăm đong đầy cả hồ Ka Pét.