Sóc Trăng vừa thông báo chủ trương đầu tư dự án lắp đặt hình tượng “cá chép hoá rồng” với số tiền khi hoàn thành lên đến 15 tỷ. Theo nghị quyết của HĐND thành phố Sóc Trăng, mục tiêu dự án là tạo sự đồng bộ với hệ thống vỉa hè dọc hai bên tuyến bờ kè, kết hợp hình thái kiến trúc hài hòa, tạo điểm nhấn đô thị về biểu tượng đặc trưng của thành phố Sóc Trăng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố; hình thành điểm tham quan, vui chơi, giải trí, sinh hoạt công cộng cho người dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố phát triển, thu hút du khách.
Tuy không công khai ra nhưng người dân thừa biết tại sao dùng hình ảnh con cá chép hóa rồng bởi thành phố Sóc Trăng cũng như nhiều thành phố khác mơ ước nền kinh tế của nó phải chấp cánh như con rồng trong truyền thuyết, như ước mơ chung của những nhà nước lạc hậu lại muốn một bước lên cung mây, vì chuyện mơ làm rồng không bị phạt vạ, có chăng chỉ là một thứ thuốc phiện nhằm quên đi cái lạc hậu thâm căn cố đế khó có thể san bằng để kiến tạo một tầng nấc khác do chính người đang ngồi mơ thực hiện.
Con rồng bay lên từ những nhà nước phong kiến Trung Hoa. Nó tượng trưng cho sức mạnh của vương triều, nó cũng hàm chứa sức quyến rũ về một hào quang ảo trong mọi lĩnh vực muốn lấy nó làm đại diện. Con rồng Trung Hoa bay khắp các vòm trời bị nó đồng hóa để từ đó mọi hào quang, sức mạnh từ nước Tàu phủ sóng gây tê liệt ý chí hơn là lấp đầy lòng tự trọng dân tộc.
Hóa rồng là hình ảnh gần gũi nhất với sự lười nhát và mông muội. Mọi ý thức vươn lên không những bị triệt tiêu mà còn ẩn chứa sự khích bác. Tâm lý cưỡi rồng mà không cần cố gắng gần với thứ chủ nghĩa franchise – thương hiệu nhượng quyền – chỉ cần theo và không cần suy nghĩ tính toán, như “chủ nghĩa xã hội” chẳng hạn.
Con rồng Việt Nam, tuy nhiên, cố gắng rất nhiều để khác với con rồng nguyên bản. Thay vì hùng dũng, mạnh bạo nó trở thành hiền lành và yếu ớt đến thảm hại. Cứ nhìn con rồng trên cầu sông Hàn Đà Nẵng thì thấy, mọi cố gắng bay lên bị níu xuống và an ủi một chút là những ánh đèn màu làm cho nó lung linh nhằm nhắc nhở với con dân Việt Nam rằng dù mong muốn cách nào thì con rồng Việt khó mà bay lên như con rồng phương Bắc.
Hình tượng con cá chép vượt vũ môn hóa rồng là cách mà phong kiến Trung hoa bơm vào đầu sĩ tử những ước muốn không thể vói tới. Cổ tích chỉ giúp cho người già vui chuyện trong lúc rảnh rỗi chứ không thể giúp cho thanh niên tráng kiện thêm sức mạnh vào đời bằng con đường tự lập. Cá chép hóa rồng giống như thuốc phiện, có khả năng ru ngủ và làm cho người ta vừa ú ớ trong cơn mơ vừa cười khằng khặc vì tay đã nắm được… niềm mơ ước như thật mà khi còn thức cứ luôn nghĩ tới.
Trong khi thế giới lẳng lặng tìm hướng đi tốt nhất để phát triển kinh tế thì ở xứ cá chép cứ tự sướng bằng những bài báo, những thông tin giả, những tin đồn về thành tựu này nọ. Khi người ta không cảm thấy bứt rứt trước sự lừa phỉnh thì lúc ấy mọi giá trị đều trở thành giả mạo, và những con rồng nanh vuốt kia không khác gì những chú giun đất cố trằn mình tránh bị chụp hình đưa lên mặt báo.
Bức tranh vân cẩu về những hợm hĩnh được cân bằng lại bằng sự thật khó thể chối cãi. Một bài báo có tựa nghe thê thảm và buốt tới óc nếu người đọc có được một chút trăn trở về hiện tình đất nước. Cái tựa “Nhiều trường học ở Quảng Ninh, Hải Phòng có nhà vệ sinh khiến học sinh hãnh diện” như một vết chém vào bộ ngực hãnh tiến Việt Nam.
Có xót xa đấy nhưng đây là một “hãnh diện” có thật. Hãnh diện vì khi nhìn ra khắp nước học sinh Quảng Ninh, Hải Phòng thấy rằng mình còn may mắn, hơn hẳn các trường khác nhất là những trường học ở tỉnh Sóc Trăng khi các bạn ấy chỉ mơ tới rồng khi ngồi ngoài đồng vừa ước ao vừa hãnh diện.
Những cháu bé vùng sâu vùng xa không hề mơ thành rồng mà giấc mơ hàng ngày của các cháu là cơm, là khoai sắn. Các cháu không thể ăn bằng cái chén cổ tích với thức ăn được vẽ ra bằng những ý tưởng đen tối của bọn trí thức đỏ. Các cháu vừa ê a đánh vần vừa nghĩ tới cái đói túc trực, mặc cho một lớp người súng sính những từ ngữ lóng la lóng lánh nhưng thực chất chỉ là cách làm tiền hèn mọn và trơ trẽn.
Có những con rồng trong ký ức thực sự là ác mộng cho quân xâm lược nhưng đã bị bẻ móng, chặt cánh và cưa sừng làm rồng đất từ lâu. Những con rồng biên ải nay đã trở thành quá khứ, có chăng chỉ là hoài niệm và gợi hứng cho những bài thơ rất hùng tráng trên giấy hay những ca khúc đậm chất quân hành trên những nốt nhạc ò e mãi một điệp khúc chiến công thần thánh.
Không biết người dân Sóc Trăng có thật sự vui khi nhìn con cá hóa rồng phun nước ào ào nhưng mỗi lần cơ thể thúc bách lại bỏ chạy tìm chỗ giải thiêng thì niềm vui ấy có trở thành bực bội?