Ở Việt Nam, vào bệnh viện gặp… “tá lả âm binh”!

Ký sự SGN
Hồi Sài Gòn trải qua đợt bùng phát COVID-19, nhiều người phải “ôm” vàng vào bệnh viện nhờ bác sĩ cứu chữa người thân (minh họa: trang web Chính Phủ)

Hồi mười lăm tuổi tôi bị sốt xuất huyết rất nặng, khắp người đầy vết xuất huyết dưới da, tiêu tiểu và ói ra máu, chảy máu cam liên tục không cầm máu được. Lúc đó quê tôi chưa ai biết gì về bệnh sốt xuất huyết, bệnh viện chẩn đoán sốt rét và chuyển sang khoa Nhiễm. Trưởng khoa là một y sĩ trung niên. Mẹ tôi khóc nức nở xin bác sĩ cứu mạng cho tôi – chỉ năn nỉ miệng thôi, không hề nghĩ đến chuyện phong bì quà cáp gì cho bác sĩ cả. Vị y sĩ an ủi mẹ tôi rằng: “Tất nhiên đã là thầy thuốc thì tôi sẽ cố gắng hết sức để chữa trị cho cháu, chị đừng lo”.

Trong lời nói của ông, tôi nhận ra niềm tự hào và trách nhiệm nghề nghiệp cao cả. Ông ấy làm đúng như lời, ngày đêm túc trực bên giường bệnh của tôi với tất cả tấm lòng người thầy thuốc…

Mới hôm qua, bạn tôi làm trong bệnh viện kể lại, khi dịch Covid bùng phát nặng ở Sài Gòn, nhiều người đã mang tiền bạc vàng vòng, của cải tài sản gia đình đưa hết cho bác sĩ, quỳ lạy xin bác sĩ cứu người thân của họ. Bạn cho rằng điều đó thật cảm động, chứng tỏ vai trò quan trọng của bác sĩ đối với người dân. Tôi lại nghĩ khác, khi bệnh nhân phải đem đồng tiền đặt vào tay bác sĩ chứ không phải là niềm tin, thì đó chính là nỗi xấu hổ của người thầy thuốc.

Thảm cảnh bệnh viện quá tải (ảnh: Dân Việt)

“Tiêu cực phí”

Rõ ràng, đối với ngành y bây giờ, quan điểm đạo đức nghề nghiệp đã khác xưa và cái nhìn của bệnh nhân đối với bác sĩ cũng khác hơn. Cứ mỗi bệnh nhân vào bệnh viện là gia đình, người thân phải chuẩn bị sẵn phong bì cho bác sĩ, cùng với tiền viện phí, tiền thuốc men… Đó là nỗi ám ảnh của người dân nghèo. Bệnh tật chồng thêm nỗi lo về tiền khiến cho người bệnh suy sụp thêm.

Cách đây mười hai năm, tôi đi nuôi em gái sinh con ở một bệnh viện công ở Sài Gòn. Sản phụ chuyển dạ mà không có giường nằm, bệnh viện báo “Hết phòng”. Em rể đưa phong bì 200 ngàn đồng thì ngay lập tức: “Có phòng” – phòng dịch vụ riêng biệt giá 1.2 triệu/ngày (khoảng hơn $51).

Sản phụ sinh xong, đẩy băng ca về phòng, hộ lý đẩy rầm rầm dọc hành lang, dằn xóc khiến cô em rên rỉ vì đau đớn. Cậu em rể thấy vậy, nhét vội vào túi áo bà hộ lý 100 ngàn (khoảng hơn $4), thế là bà ta gọi ngay một bà hộ lý khác phụ đẩy đi nhẹ nhàng chậm rãi ngay. Buổi sáng, điều dưỡng ẵm em bé đi tắm: 100 ngàn đồng; làm vệ sinh cho sản phụ: 100 ngàn đồng. Thay drap giường: 50 ngàn đồng. Vệ sinh phòng và toilet: 50 ngàn đồng. Một hôm, cậu em rể chạy ra ngoài hút thuốc, tôi không thèm đưa tiền cho hộ lý. Thế là bà ta mặt chù ụ, vào toilet quăng ném xô chậu loảng xoảng khiến bé mới sinh giật mình khóc điếng.

Nhân viên y tế, từ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, lao công… mỗi người bước chân vào phòng bệnh, ta đều phải nhét tiền cho họ, như một thứ luật bất thành văn mà bất cứ người dân Việt Nam nào khi vào bệnh viện đều phải biết, phải làm theo. Cũng là bệnh viện, nhưng bệnh viện tư nhân thì không như vậy, nhân viên y tế từ một lò trường y khoa đào tạo ra nhưng cách cư xử rất khác: Tôn trọng, lễ độ, liêm khiết và có tinh thần tự hào về nghề nghiệp. Tại sao có sự khác biệt đó?

Bởi “cơ chế”: Ở bệnh viện tư nhân chỉ cần sai sót trong chuyên môn, thiếu lễ độ trong ứng xử thì mất việc. Còn ở cơ quan nhà nước nói chung, bệnh viện công nói riêng, nhân viên được bảo đảm việc làm bằng cái biên chế: Đã có biên chế thì không dễ đuổi việc được họ. Hơn nữa, khi đã vào được bệnh viện công có nghĩa là họ có thân thế, hoặc đã “trả” một khoản phí nào đó để có chân trong cơ quan nhà nước. Và bởi vì đã trả phí nên họ cần “lấy lại vốn” bằng mọi khoản tiêu cực phí bổ vào túi tiền bệnh nhân.

Kinh doanh trên nỗi khổ bệnh nhân

Ở Việt Nam bây giờ, không có cái gọi là nhà thương thí như ở miền Nam trước 1975. Từ 2015 trở về trước, người bệnh chỉ phải trả tiền viện phí với sự hỗ trợ của ngân sách quốc gia. Bệnh viện do nhà nước xây, lương của nhân viên y tế, trang thiết bị y tế nhà nước chi trả. Nhưng, từ 2015 trở đi, với Thông tư 37 của Liên bộ Tài chính-Y tế thì bệnh viện hoàn toàn tự thu tự chi, tất cả chi phí khám điều trị bệnh đều được hạch toán vào viện phí.

Điều đó có nghĩa là người bệnh phải trả lương, thưởng, trợ cấp chức vụ… cho nhân viên y tế, trả chi phí khám và điều trị theo giá tăng lên gấp nhiều lần, trả tiền khấu hao máy móc trang thiết bị y tế, trả phí vệ sinh công nghiệp, chống nhiễm khuẩn, bông băng cồn gạc… Tất tần tật mọi thứ. Theo thống kê, từ 2015, bình quân viện phí tăng gấp bảy lần so với trước đó. Điều đó còn có nghĩa là người bệnh phải chi trả viện phí hai lần chồng lên nhau: Một là đóng thuế, hai là đóng viện phí thực tế. Cả hai đè nặng lên vai người bệnh.

Có nhiều trường hợp bệnh viện từ chối chuyển lên “tuyến trên” để giữ “chỉ tiêu doanh số” nhưng trong trường hợp khác thì bệnh viện tống khứ bệnh nhân đi cho nhanh vì sợ ảnh hưởng “chỉ tiêu thi đua” giảm tỉ lệ tử vong (minh họa: trang web Bộ Y tế)

Khi tôi đưa mẹ đi mổ mắt thay thủy tinh thể, bệnh viện quê tôi lúc đó chỉ có mổ hở, chưa có mổ Phaco, nhưng họ nhất định không cho phép chuyển viện lên Sài Gòn. Cuối cùng tôi phải bỏ bảo hiểm y tế, đưa mẹ lên Sài Gòn mổ Phaco theo giá dịch vụ. Có một tình trạng là các bệnh viện ra sức giữ người bệnh không cho chuyển viện, dù điều kiện chữa trị không bằng tuyến trên, để đến khi bệnh nhân ngắc ngoải thì họ mới cho chuyển viện để phủi bỏ trách nhiệm, hạn chế con số tử vong để “giữ thành tích”.

Bệnh viện có số tử vong cao thì sẽ mất thi đua khen thưởng. Tàn nhẫn tới mức khi chuyển viện thì người bệnh đã ngắc ngoải, hoặc chết dọc đường hoặc lên tuyến trên bị bác sĩ chửi do chuyển viện quá trễ, khó cho việc điều trị và đẩy con số tử vong cho bệnh viện tuyến trên.

Tại sao không cho chuyển viện? Người bệnh nằm viện càng lâu thì “doanh thu” càng cao, ngu sao chuyển viện cho “thằng” bệnh viện khác nó hưởng? Việc giữ thành tích tàn nhẫn tới mức khi thấy bệnh nhân khó qua khỏi, thay vì “còn nước còn tát”, thay vì cố gắng điều trị tới cùng, thì bệnh viện “khuyên” người thân cho bệnh nhân xuất viện về chết ở nhà, hạn chế con số tử vong cho bệnh viện.

Còn một kiểu tăng doanh thu cho bệnh viện nữa, đó là chỉ định thật nhiều các xét nghiệm, các chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh quê mùa dốt nát, bác sĩ chỉ đi đâu đi đó, sao dám cãi? Tâm lý sợ bác sĩ là có thật, thế là bác sĩ mặc sức chỉ định. Nếu bạn bị nhức đầu do… stress, vào bệnh viện, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm gan, thận, đường huyết, cholesterone, xét nghiệm máu, nước tiểu đủ thể loại, chụp X quang, chụp MRI, nội soi bao tử, siêu âm tá lả âm binh, cốt để móc hầu bao bệnh nhân, tăng doanh thu thật nhiều tiền cho bệnh viện. Lương thưởng của nhân viên y tế đều ở đó cả.

Nói ra thấy thật tàn nhẫn, nhưng chính vì cái chủ trương tự hạch toán trong bệnh viện mà tất cả bác sĩ đều được giao làm công việc của bác sĩ ngoại khoa: Đó là “róc xương” người bệnh. Lời thề Hippocrates có được tuyên thệ đối với nhiều người làm nghề y ở Việt Nam? Mơ đi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: