Hình ảnh các cái rổ, thau nhựa xếp hàng dài trên phố, trong hẻm ở Sài Gòn, giữa đỉnh điểm phong tỏa các khu dân cư vì Covid-19, cho thấy sự kiệt quệ của các cộng đồng người nghèo, dân lao động, và hơn hết đó là dấu hiệu báo trước về nạn đói. Hình ảnh này xuất hiện trên mạng Facebook, không rõ ở quận nào, nhưng được nhiều người chuyền nhau xem với sự đau xót.
Người ta có thói quen kết luận nạn đói ở một nơi nào đó, qua việc nhìn thấy có người chết đói, nhưng định nghĩa đúng của nạn đói là tình trạng thiếu ăn trầm trọng của cộng đồng.
Tất nhiên, người dân biết các con số chế độ tuyên truyền thành tích, cả báo cáo của Work Bank rằng: Năm 2019 thu nhập bình quân theo đầu người ở VN đạt $2,700/năm, riêng ở thành phố HCM theo tạp chí VN Economy là $6,328/năm.
Sau 46 năm, Sài Gòn rơi vào tay những người cộng sản quản lý, vậy mà chỉ hơn ba tháng chịu đựng các lệnh phong toả nghiêm ngặt vì dịch Covid-19, hiện trạng giới lao động, bình dân thiếu ăn, đói ăn phơi bày ra như một sự thật, phủ nhận hết mọi truyên truyền về “thành tích”.
Thêm nữa, hệ thống chống dịch mà các nhà lãnh đạo ở thành phố công bố rằng có hai triệu gói thực phẩm an sinh đưa đến người dân, để gọi là “không bỏ ai lại phía sau”; con số hai triệu gói thực phẩm an sinh trị giá vài trăm ngàn một gói, cũng là bằng chứng cho thấy số lượng dân nghèo, người lao động đang cần được cứu đói lớn đến mức nào.
Không ai lợi dụng dịch bệnh để bêu xấu hệ thống cầm quyền, vốn đang phải căng hết sức để chống dịch, nhưng nếu họ biết con số thật của người dân đang thiếu đói trầm trọng, mà vẫn tô hồng thành tích giữa cảnh đói khổ của dân và tìm cách tuyên truyền việc cứu trợ để dân mang ơn, thì điều đó là vô nhân.
Câu hỏi đặt ra lúc này với dư luận Sài Gòn là: Thấy gì trước cảnh hàng dài các cái rổ của dân nghèo xếp hàng, trên phố, trong hẻm và cả hình ảnh người dân phải chui rào kẽm gai, vượt chốt kiểm soát, bị bắt, bị phạt để đi tìm thực phẩm? Không thể tin được là các công dân Sài Gòn, những người phải đóng thuế cao và nhiều nhất Việt Nam, lúc này lại phải đưa cái rổ ra để mong nhận thực phẩm chính quyền ban phát. Có một bà nội trợ nói trong nước mắt: “Tui đâu muốn lấy đồ nhà nước. Cả đời nhà tui tự làm tự ăn quen rồi giờ bấm bụng lấy đồ người ta cho, xấu hổ lắm nhưng phải chịu!”.
Những cái rổ trống không thực phẩm, không hàng thiết yếu đang xếp hàng là sự nối tiếp của cục gạch, cục đá, lọ ve chai… đã từng xếp thành hàng trong thời bao cấp ở thế kỷ trước của chế độ.
Nhưng ở một góc nhìn khác, việc những cái rổ của dân nghèo, người lao động Sài Gòn xuống đường, chính là hình ảnh biểu tượng của tiếng nói dân sự vang lên trên cổng thông tin mạng xã hội.
Hình ảnh những cái rổ xếp hàng làm dư luận nhớ tới các sự kiện xuống đường ở các quốc gia có nề nếp Dân Chủ-Tự Do luôn tạo ra những biểu tượng rõ ràng và mạnh mẽ: Như Hồng Kông khi xuống đường tạo ra dù vàng, bắt chéo hai cánh tay hoặc khi Thái Lan, Miến Điện biểu tình, thì giơ bốn ngón tay lên; và gần hơn là ở Việt Nam là các áo thun, khẩu trang gạch chéo đường lưỡi bò phản đối Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông phi pháp.
Và giờ, biểu tượng mới của đời sống, là những cái rổ trống, nối dài với nhau.
Thật trớ trêu đến trào nước mắt tức giận, khi tiếng nói của hệ thống cầm quyền với ngôn ngữ chiến tranh “Chống dịch như chống giặc”, “mỗi phường xã là pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ”… ầm ào vang lên. Thì âm thanh câm lặng nhưng dữ dội của dân nghèo, được thể hiện qua hình ảnh những cái rổ trống trơn xếp hàng, cũng truyền đi nhanh chóng.
Chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam, từ lãnh tụ đến cán bộ phường vẫn chỉ một kiểu nói tuyên truyền hiếu chiến. Vậy kẻ thù, thế lực thù địch trong cuộc chiến chống dịch này là ai? Ai cũng biết coronavirus biến thể Delta vốn vô hình. Vậy ai hay biết dân nghèo Sài Gòn, chọn đưa những cái rổ trống không thực phẩm xuống đường, như là cách để lên tiếng hữu hình về thực trạng thảm thương tinh thần và vật chất trong cảnh phong thành.
Trước đại dịch cúm Tàu, có lúc thành phố rực rỡ pháo hoa lễ, tết hào nhoáng đèn màu, cao ốc, sự phồn vinh dù chỉ dành cho giới tư bản đỏ, trung lưu đỏ cũng gợi lên giấc mơ. Lúc này khi những hàng dài những cái rổ trống xuống đường, hình ảnh đó, tiếng nói đó, không chỉ về cơn vỡ mộng của sự sung túc, no đủ mà chính là sự lên tiếng về nổi thống khổ quá sức chịu đựng! Nhưng ai được nghe thấy? Và ai thì không bao giờ được nghe thấy?
Tiếng nói dân sự thông qua những cái rổ trống không đang xuống đường của người lao động Sài Gòn, dù với người nào đó cho là đáng thương cảm nhưng đó thật sự là tiếng nói thật nhất, mạnh mẽ nhất, làm chấn động dư luận.
Chế độ có quyền không nghe thấy, không chấp nhận tiếng nói dân sự qua hình ảnh những cái rổ xếp hàng xuống đường; nhưng chắn chắn hình ảnh biểu tượng này ở Sài Gòn trong những ngày phong toả vì dịch cúm, luôn hiển hiện và sẽ mãi lưu lại trong trang sử đen tối của người Sài Gòn.