Tin nóng tuần này không thiếu, nhưng nóng nhất có lẽ là bản tin đến từ miệt Texas, nơi nhiệt độ có bữa lên đến 105F. Tại thủ phủ của tiểu bang, một bồi thẩm đoàn đã xử vụ kiện dân sự đối với Alex Jones và công ty Free Speech Systems của hắn tại Austin. Sau hơn mười ngày tranh biện giữa luật sư hai bên, cuối cùng jury đã ra lệnh Jones phải trả cho nguyên đơn một số tiền “compensatory damages” trị giá $4.1 triệu, và một số tiền “punitive damages” trị giá $45.2 triệu. Tại sao lại có hai thứ thiệt hại khác nhau?
Nguyên đơn, tức plaintiffs, trong vụ này là phụ huynh của bé Jesse Lewis nạn nhân 6 tuổi trong vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook, Connecticut, vào Tháng Mười Hai 2012 khiến 26 người thiệt mạng. Ông Neil Heslin và bà Scarlet Lewis đâm đơn kiện Alex Jones tội mạ lỵ, vì trong chương trình Infowars của y, Jones liên tục đưa ra mưu thuyết vụ xả súng tại Sandy Hook không hề xảy ra. Jones gọi nó là “a hoax” – một cú bịp. (Chữ “hoax” gốc là động từ có nghĩa lường gạt.)
Sự lừa dối trắng trợn không ngừng của Jones đã khiến cha mẹ bé Jesse không những bị tra tấn tinh thần (emotional distress) mà họ còn bị vô số thính giả cuồng điên của Jones trên mạng quấy phá (harass), thậm chí đe dọa đến bản thân (physical threats). Một nhà phân tâm học đã khai trước tòa rằng vì bị bọn côn đồ mạng tấn công liên tục, hai ông bà Heslin đã bị tổn thương bởi một hội chứng gọi là “complex post-traumatic stress disorder” – chấn thương tâm lý phức tạp gây nên do căng thẳng quá độ.
Tháng Mười năm ngoái, thẩm phán Maya Guerra Gamble của Toà án Địa Hạt 459 ở Texas tuyên bố Jones thua kiện một cách mặc định – “lost by default”, vì không chịu ra hầu tòa mà cũng chẳng nộp hồ sơ theo yêu cầu. Vụ xử lần này là phần thứ nhì của vụ kiện để định đoạt mức bồi thường tương xứng với thiệt hại của bên nguyên đơn – gọi là “compensation damages” tức đền bù thiệt hại. Trong trường hợp này, thiệt hại đối với hai ông bà Heslin phần lớn thuộc phạm vi tâm lý và tinh thần.
Ngoài việc đền bù thiệt hại ra, bồi thẩm đoàn còn có thể buộc bên thua kiện trả thêm một số tiền phạt, gọi là “punitive damages”, nhằm mục đích răn đe bị can và những ai khác có ý định giở những trò tương tự sau này. Chữ “punitive” cùng gốc với chữ “punish” có nghĩa là trừng phạt. Như đã nói ở đầu bài, Alex Jones bị trừng phạt $45.2 triệu, tức gấp mười lần số tiền đền bù thiệt hại $4.1 triệu.
Tuy nhiên, luật bồi thường của Texas có một điều khoản lạ kỳ, khác nhiều tiểu bang khác, gọi là “damage cap”. Cap đây không phải là cái nón mà là cái… nắp, tức là mức phạt tối đa bên thua kiện phải chịu. Chiếu theo luật Texas thì tiền phạt “punitive damages” không được quá gấp đôi tiền đền bù thiệt hại “compensatory damages.” Tuy nhiên bồi thẩm đoàn vẫn có thể cộng thêm một khoản tiền phạt riêng, không quá $750,000, cho mỗi đơn kiện.
Chắc chắn luật sư của Alex Jones sẽ kháng cáo để tìm cách giảm số tiền phạt xuống mức tối thiểu. Câu hỏi đặt ra là bồi thẩm đoàn dựa vào những yếu tố nào để đề nghị số tiền phạt tương xứng? Giáo sư luật Jamie Abrams của Đại học American Unversity giải thích như sau:
“Punitive damages are typically more of a bellwether or a barometer of where we are culturally; they are more iconic messages sending verdicts from the public to the defendant directly. And so, on that front, this trial is uniquely interesting because it is really a political barometer of how much misinformation the public is willing to accept.”
Tạm dịch: Số tiền phạt thường được xem như thước đo văn hóa của xã hội đương thời. Nó là thông điệp từ quần chúng [đại diện bởi bồi thẩm đoàn] gởi đến bị can. Nhìn từ góc độ đó, vụ kiện này khá là độc đáo. Nó là chiếc thước đo áp suất chính trị, giúp ta nhìn thấy công chúng chấp nhận tin giả đến mức nào.
Mặc dù Alex Jones sẽ phải trả tiền phạt khá thấp so với số tiền $150 triệu bên nguyên đơn yêu cầu, nhưng việc bồi thẩm đoàn đã cho họ thắng nhiều gấp mấy lần luật Texas cho phép cũng nói lên một điều: Công chúng (ở Texas) không ưa cho lắm những điều Alex Jones đã làm đối với gia đình bé Jesse Heslin, do đó họ muốn gởi ra một thông điệp cực kỳ mạnh mẽ và quyết liệt. Điểm nhấn này vô cùng quan trọng, vì đây chỉ mới là vụ kiện đầu tiên Alex Jones phải đối mặt. Kế tiếp y và công ty Free Speech Systems còn phải hầu toà cho hai vụ kiện tương tự – một ở Texas và một ở Connecticut, nơi không có luật “damage cap.”
Cũng cần nói thêm là lúc vụ xử này đang xảy ra thì công ty Free Speech Systems (FSF) nộp đơn khai phá sản theo Khoản 5 của bộ luật Bankruptcy. Đây là dạng phá sản dành riêng cho “tiểu thương” – small business. Có lẽ Alex Jones đoán trước mình sẽ thua kiện nên hắn tìm cách tẩu tán tài sản trước. Nhưng đến nước này thì Alex Jones có mà chạy đằng trời. Nhất là sau khi luật sư của Jones đã bất cẩn trao nhầm toàn bộ dữ liệu trên điện thoại di động của hắn cho luật sư bên nguyên đơn.
NBC cho biết trong các email trong điện thoại của Alex Jones, luật sư của các gia đình bên nguyên đơn đã tìm thấy hình ảnh khiêu dâm có trẻ em nên họ liền báo cáo với FBI. Sau khi điều tra, FBI cho các luật sư hay họ đã tìm ra thêm một số hình ảnh khiêu dâm có trẻ vị thành niên khác được gởi đến email của Infowars. Nhưng luật sư Norm Pattis của Alex Jones phủ nhận thân chủ của mình đã mở những email ấy ra để xem:
“Any suggestion that anyone at Infowars knew child pornography was embedded in emails is risible.” (Chẳng một ai ở Infowars biết trong những email đó có kèm hình khiêu dâm trẻ em cả. Đúng là chuyện nực cười.)
Nực cười (risible) hay không ta chưa thể nói, nhưng báo chí cho biết Alex Jones và Roger Stone đã trao đổi nhiều mẩu tin nhắn được cho là khá “intimate” (gần gũi và thân mật). Roger Stone, như ta biết, là nhân vật thân cận của Donald Trump từ nhiều thập niên qua và y đã bị kết án 40 tháng tù vì tội nói dối trước Quốc Hội, nhưng giờ chót được Trump ân xá.
Từ nhiều năm qua hai vợ chồng Roger Stone còn nổi tiếng là dân làng chơi thứ thiệt, thành viên của các sex club hạng sang ở DC và New York. Thậm chí họ từng đăng quảng cáo tìm trai tơ trên báo nữa mới ghê. Nếu các tin nhắn giữa Jones và Stone có dính dáng tới các vụ ái tình tay ba, tay tư thì bảo đảm hình ảnh Alex Jones như một nhà truyền thông hữu khuynh bảo thủ sẽ rất ư là… risible!
Nhưng đó chỉ là ba chuyện sex vớ vẩn. Nghiêm trọng hơn nhiều là những mẩu tin nhắn có liên quan đến cuộc phiến loạn mà Uỷ Ban Điều tra 6/1 của Quốc Hội cũng như Bộ Tư Pháp chắc chắn sẽ xin xem cho bằng được. Đến lúc ấy, việc công ty Free Speech Systems phá sản hay không đối với Alex Jones sẽ là chuyện nhỏ. Ngồi đếm lịch dài hạn trong tù mới ngán. Tiếng Việt có câu “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.” Tiếng Anh có câu này còn hay hơn một bậc, dùng cho trường hợp Alex Jones rất hạp: Out of the frying pan, into the fire – Ra khỏi chảo dầu, rơi ngay vào lửa!
_________