Bộ sưu tập trọn vẹn 12 năm tạp chí Văn

Share:

Một lục thập hoa giáp (tính từ số ra mắt 1 Tháng Giêng 1964) và hai thập niên là một thời gian không phải ngắn mà nói dài cũng không phải dài. Đó là thời gian tôi sưu tầm đủ 210 số Bán Nguyệt San Văn và tiếp theo sau là các số Giai Phẩm (từ 1972 đến 1975).

Có những hiện vật khó/không thể quy đổi thành tiền, vì có tiền cũng không kiếm được. Nào có thể mua được định mệnh, mua được những hạnh ngộ hãn hữu, những tình cờ được sắp đặt, những gom góp chắp vá qua tơi bời của điêu linh, của tàn nhẫn thời gian… mà mỗi tờ báo đã như là một sinh mệnh.

Dịch giả Trần Thiện Đạo tóm tắt về các “khuynh hướng” trên Văn:

“Đầy đủ mọi lập trường, khuynh hữu có, lừng khừng có, khuynh tả có; đầy đủ mọi thế hệ, trẻ có, già có; đầy đủ mọi tài năng, nghiệp dư có, chuyên nghiệp có; đầy đủ mọi chiều hướng, cổ điển, lãng mạn, tả chơn, siêu thực, hiện thực, hiện sinh, hiện đại và nhiều thứ khác nữa. Chính nhờ mô hình làm văn như vậy, xin nhắc:

Độc lập, cởi mở, không qui lụy bất cứ định chế hay trường phái nào, mà tạp chí Văn và đặc san Tân Văn đáp ứng được nhu cầu khẩn thiết của độc giả lẫn tác giả bấy giờ. Đúng như họ mong muốn, đòi có một chỗ để viết và để đọc nhiều loại tác phẩm chiều hướng khác nhau, phong cách khác nhau, giọng Nam, giọng Trung, giọng Bắc song song với nhau – họ đã quá ngấy thứ văn chương lụt đầy hai nửa đất nước thời ấy, thứ văn chương độc thoại một chiều và đúng lập trường trong lời ăn tiếng nói, vừa thô thiển vừa nhạt nhẽo.”

Quả thật vậy, lần giở từng số một ta có thể điểm qua:

Những số rất “đương thời”, tiệm cận với văn chương thế giới khi giới thiệu rất nhanh chóng và gần như cùng lúc những nhà văn và tác phẩm thời danh lúc bấy giờ:

Albert Camus, Stefan Zweig, Alberto Movaria, Guy de Maupassant, André Malraux, Jacques Prevert, William Faulkner, Kafka, Francoise Sagan, Ernest Hemingway, Saint-Exupéry, Graham Greene, Hermann Hesse, Simone de Beauvoir, Marcel Proust, André Gide, Léon Tolstoi, Kawabata, Jean Paul Satre…,

Những số trang trọng tưởng niệm tài danh của văn chương Việt:

Nhất Linh, Lê Văn Trương, Triều Sơn, Tản Đà, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử, Hồ Biểu Chánh, Đinh Hùng, Bích Khê, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Thạch Lam, Tchya Đái Đức Tuấn, Y Uyên, Doãn Dân…;

Những số “tưởng mộ” các văn nhân: Bùi Giáng, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Võ Hồng, Hồ Dzếnh, Quách Tấn…;

Những số Văn về “văn chương nữ giới”; tuyển tập một “hiện tượng” đặc sắc của văn chương trước 1975; những số Giáng Sinh, Xuân và “đầu xuân lộc mới” mang dư vị và cảm hoài khó tả của một miền Nam & Việt Nam đẹp-buồn…, tập hợp những tên tuổi cự phách của các tác giả thời danh, quy tụ các tên tuổi ba miền:

Từ “lão thành” Vũ Hoàng Chương, Ðông Hồ, Vũ Bằng, Lê Văn Trương cho đến “thời danh” và “ăn khách” như: Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Linh Mục Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Vĩnh Lộc, Văn Quang, Phan Du, Võ Hồng, Ðặng Tiến, Trần Thiện Ðạo, Tô Thùy Yên, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Hoàng, Vũ Ðình Lưu, Nguyễn Ðình Toàn, Tuấn Huy, Viên Linh, Ðỗ Quí Toàn, Phạm Công Thiện, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Nam, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Ký, Trần Dzạ Từ…

Về các nhà văn nữ, có Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ…

Những số Xuân Đặc Biệt chính là chứng từ khi nói đến cái đẹp của văn chương và cũng là một thế giới thu nhỏ khi ai muốn đọc hoặc tìm hiểu về “văn chương miền Nam”, ở đó lấp lánh chút niềm bình an qua từng con chữ với những hoài vọng một tương lai tươi sáng hơn, yên bình hơn, dù rằng qua ngọt ngào của “nắng thi ca, mưa tiểu thuyết” hay qua những những tiếng kêu trầm thống của những cây bút tràn đầy sinh lực “ngoài vòng đai” trong cơm trầm luân của chiến tranh…

Các tuyển tập với tên của một tác phẩm được lấy ra làm tên số báo trên trang bìa rất thơ, như một làn gió làm dịu nhẹ bớt cái rát buốt của chiến tranh, cái căng thẳng của thời cuộc lúc bấy giờ (hầu hết đều theo tiêu chí ủy lạo cho các cây bút trẻ, những gương mặt không-thời-danh, những cây bút dấn thân trong cuộc chiến…), có thể kể đến như:

Mây mùa thu, Lệ đá đêm sâu, Mưa khóc tan mùa, Lối về chợ Trúc, Nói với mùa thu, Phiến đá chưa mòn, Sầu xưa chín rụng, Mưa chưa dứt hạt, Bóng tối vây quanh, Khi mùa mưa tới, Trên ngọn sầu đông, Mịt mờ thức mây, Tiếng hát lên trời, Trong nỗi buồn vàng, Mảnh vụn trong hồn người, Mùa đông trong trí nhớ…;

Mạnh mẽ và trực diện hơn cho cuộc chiến như: Viết trong khói lửa, Văn chương trong thời bình, Mở mắt nhìn quê hương, Trên vai Việt Nam…;

Những số đặc biệt về Thơ, về Hội Họa, về Sân Khấu; những số ghi thẳng chủ đề “cây bút trẻ” ân cần giới thiệu và khai phá những giọng văn rất mới và chính là những khởi đầu cho những tên tuổi và đều có những dấu ấn riêng sau này…, như thư ngỏ mở đầu số 11 “Những cây bút trẻ đang lên”:

“… Văn nghiệp của những cây bút góp mặt nơi đây mặc dù còn đang được xây đắp bằng rất nhiều công khó, cũng đã có được ít nhiều sắc thái riêng biệt khả dĩ xác nhận sự hiện diện của họ trên văn đàn. Họ đang cố vươn tới, đi lên. Nội sự cố gắng đó thiết tưởng đã đủ để bạn đọc tiếp nhận tác phẩm của họ bằng rất nhiều thiện cảm” (có thể kể đến: Trần Hoài Thư, Hà Thúc Sinh, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Lương Vỵ, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Cao Thoại Châu, Lâm Chương, Huy Tưởng, Đynh Trầm Ca, Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Lâm Hảo Dũng, Vũ Hữu Định, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Thị Minh Ngọc,…)

Về hình thức, các bìa Văn còn là tuyển tập những bức tranh rất u hoài, rất “văn chương”, rất “trữ tình”, những vóc dáng “em gầy như liễu trong thơ cổ”, những gương mặt đẹp-đau-thương, những đường nét khêu gợi trí tưởng, những mảng màu siêu thực…, khiến tạp chí này – ngoài giá trị nội dung không thể phủ nhận – còn bật lên với những giá trị thẩm mỹ và có thể được xem là một trong số ít những tạp chí văn chương được chăm chút nhất về mặt mỹ thuật của làng báo chí “ngàn hoa đua nở” trước 1975.

Những họa phẩm ấy đến từ các họa sĩ: Văn Thanh (cũng là người vẽ logo), Ngọc Dũng, Rừng, Thái Tuấn, Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Lê Vĩnh Ngọc, Hồ Đắc Ngọc; các bức chân dung văn nghệ sĩ “kinh điển” và hình màu chụp bởi Trần Cao Lĩnh…

Tòa soạn Văn ở 38 Phạm Ngũ Lão cũng là nhà in của ông Nguyễn Đình Vượng. Ông Vượng đứng tên chủ nhiệm Văn với Trần Phong Giao lo phần bài vở. Trần Phong Giao, trước khi đảm nhận tờ Văn, làm việc ở tạp chí Tin Sách của Hội Văn Bút do linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch. Ngoài công việc làm báo, Trần Phong Giao còn sáng tác và dịch sách.

Văn như ngay từ số đầu đã đề ra chủ trương: Dành cho lớp độc giả hiếu học ham đọc, ưa suy nghĩ.

Tờ Văn, Trần Phong Giao đảm nhận từ số 1 năm 1964 đến cuối năm 1971 thì ngưng. Ông rời khỏi tòa soạn với một lá thư gởi bạn đọc cùng ngỏ lời chia tay với những người viết trẻ. Tiếp tục công việc cho Văn, ông Nguyễn Ðình Vượng mời hai nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Mai Thảo.

Hơn một năm giữ vai trò phụ trách bài vở, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vì bận công việc dạy học lại thôi, để một mình nhà văn Mai Thảo cáng đáng. Nhà văn Mai Thảo một mình với tờ Văn, đã giữ được tới số cuối cùng, ngừng hẳn khi cuộc chiến đi tới giai đoạn kết thúc. Và sau đó, ông đã tục bản Văn hải-ngoại từ 1982-1996; trao lại giai đoạn sau (cũng cho) Nguyễn Xuân Hoàng từ Tháng Giêng 1997 đến Tháng Tư 2007.

Ngoài những tác giả thời danh hoạt động tại Sài Gòn thời bấy giờ, trong một bài viết, nhà văn Nguyễn Chí Kham đã tổng kết những gương mặt không đến từ Sài Gòn nhưng góp một tiếng nói hết sức mạnh mẽ trong quá trình Văn được phát hành như sau:

“… Báo Văn đã có một công lớn dạy viết văn cho lớp người trẻ bằng sự kích thích họ đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, tự dưng khám phá vỡ ra được một cách nhìn, một cách viết.

Chỉ sau một năm đầu còn ít ỏi, lớp trẻ chỉ mới có một số tên tuổi sớm xuất hiện trên Văn như Y Uyên, Phan Duy Nhân, Ðào Trường Phúc, NH Tay Ngàn, Trần Như Liên Phương, Nguyễn Vũ Ðan Vy, Nguyên Vũ, Thái Lãng, Lê Cao Nguyên, Văn Lệ Thiên; qua những năm sau, những cây bút lúc đầu hẳn còn non kém dần tiến lên làm nên một đội ngũ, một lực lượng dự trữ cho Văn. Khi được một đội ngũ trẻ có học vấn, yêu thích văn chương, anh Trần Phong Giao rất hài lòng và kỳ vọng. Từ tỉnh đầu giới tuyến đến Sài Gòn, đến miền Ðông, miền Tây đã có:

– Quảng Trị: Phan Phụng Thạch, Thạch Nhân, Sương Biên Thùy.

– Huế: Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Lê Bá Lăng, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Lữ Quỳnh, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Hoàng Hạ Lan, Hoàng Ngọc Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy, Lê Nhược Thủy, Yên My, Trần Yên Du, Trần Ðình Sơn Cước, Võ Quê.

– Ðà Nẵng: Nguyễn Nho Sa Mạc, Chu Trầm Nguyên Minh, Phương Tấn, Luân Hoán, Thành Tôn, Hà Thúc Sinh.

– Hội An: Thái Tú Hạp, Ðinh Trầm Ca, Hoàng Thị Bích Ni.

– Tam Kỳ: Huy Tưởng, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Thư.

– Quảng Ngãi: Hà Nguyên Thạch, Mê Cung, Phan Nhự Thức, Vương Thanh.

– Qui Nhơn: Trần Phiên Ngung, Ðặng Tấn Tới, Võ Chân Cửu.

– Tuy Hòa: Nguyễn Lệ Uyên, Trần Huyền Ân, Hoàng Ðình Huy Quan, Mang Viên Long, Cảnh Cửu.

– Nha Trang; Phạm Chu Sa, Văn Lệ Thiên.

– Phan Rang: (không nhớ)

– Phan Thiết, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Minh.

– Pleiku: Kim Tuấn, Lâm Hảo Dũng.

– …

Dù ở xa thủ đô Sài Gòn, nhưng từ các tỉnh miền Trung, miền Ðông, miền Tây, hay cao nguyên, sáng tác của những cây bút trẻ kể trên vẫn gởi đến Văn một cách đều đặn và thể hiện sự tiến bộ rõ rệt. Những sáng tác của người viết mới, không chỉ giữa anh em cùng lứa tuổi biết nhau mà còn được các nhà văn đàn anh để mắt đến. Từ đó, mỗi người viết trẻ có chỗ đứng, một vị trí vững vàng trên Văn. Ðể khích lệ, mỗi năm, người phụ trách bài vở Trần Phong Giao cũng dành một vài số đặc biệt cho tất cả những cây bút trẻ được thành danh.”

_____________

“Bàn tay làm sao níu một đời vừa đi qua

Bàn tay làm sao giữ một thời yêu thiết tha…”

(Trầm Tử Thiêng)

Tôi đang giữ đây, tròn một giáp – 12 năm, 1964-1975 – một “di tích” văn chương thăng trầm nhưng rực rỡ… Để có được những số liên tiếp, may mắn thôi chưa đủ, còn là một chữ duyên và phận. Đằng đẵng của hơn 4,000 ngày và sống sót sau hơn nửa thế kỷ, chứa trong nó nhiều hơn là những áng văn đoạn thơ – còn là khai phóng, còn là nhân bản, còn là rộng mở của viết và đọc, còn là khói lửa, còn là máu và nước mắt, là chôn sâu, là xé nát, là một “chứng từ” tri thức, còn là Nam Việt Nam, còn là một “quê hương thu nhỏ”, còn là một “Sài Gòn kiếp trước” ngỡ như “kiếp xưa bước nhẹ về”…

Nguyễn Trường Trung Huy

Ngày 20 Tháng Mười Hai 2023

(20 năm từ ngày đầu biết đến tạp chí Văn)

______________

Bán nguyệt san Văn ra đời đầu Tháng Giêng 1964, với chủ nhiệm: Nguyễn Đình Vượng, thư ký tòa soạn: Trần Phong Giao, ban biên tập: Tràng-Thiên, Nguyễn Minh-Hoàng, Nguyễn Ngọc-Phách, Trần Thiện-Đạo và Thư-Trung.

Số 209 (ra ngày 1 Tháng Chín 1972) là số ra quyết định kết thúc hình thức Bán Nguyệt San (đọc lý do trong “Thư tạm biệt thân hữu & bạn đọc”); và số 210 (ra ngày 15 Tháng Chín 1972) là số loan tin đổi thành Giai Phẩm Văn.

____________________

Năm thứ nhất 1964

#1 – Tuyển tập Thơ Văn
#2 – Đặc biệt về Albert Camus
#3 – Giai phẩm Xuân Giáp Thìn – Tuyển tập Thơ Văn
#4 – Tuyển tập Thơ Văn
#5 – Những tiếng nói mới trong văn học
#6 – Tuyển tập Thơ Văn – Những cây bút trẻ
#7 – Đọc văn Stefan Zweig
#8 – Tuyển tập Thơ Văn
#9 – Đọc văn Alberto Movaria
#10 – Văn hóa Phật giáo
#11 – Những cây bút trẻ đang lên
#12 – Đọc văn Guy de Maupassant
#13 – Thơ văn nữ lưu
#14 – Tưởng niệm Nhất Linh
#15 – Tưởng niệm Tagore
#16 – Tuyển tập thơ văn – Đêm tóc rối của Dương Nghiễm Mậu
#17 – Đặc biệt: Jean-Paul Sartre
#18 – Thơ văn có lửa
#19 – André Maurois tự thuật

#20 – Tuyển tập Thơ Văn
#21 – Đọc văn André Malraux
#22 – Tưởng niệm Khái Hưng
#23 – Đọc thơ Jacques Prevert
#24 – Đọc văn Marie Noel

Năm thứ hai 1965:

#25 – Số đặc biệt Đệ Nhất chu niên – Albert Camus
#26 & 27 – Giai phẩm Xuân Ất Tỵ
#28 – Tuyển tập Thơ Văn
#29 – Tưởng niệm Lê Văn Trương
#30 – Đọc văn John Steinbeck
#31 – Tuyển tập Thơ Văn
#32 – Một tác giả: Erskine. Một tác phẩm: Kinh nghiệm đời văn
#33 – Đọc văn Lâm Ngữ Đường
$34 – Truy niệm Triều Sơn
#35 – Tản Đà
#36 – Tưởng niệm Thạch Lam
#37 – Đọc văn William Faulkner
#38 – Tuyển tập Thơ Văn
#39 – Tìm hiểu Franz Kafka
#40 – Tuyển tập Thơ Văn
#41 – Đọc văn Ernest Hemingway
#42 – Hà Nội, quê hương trong trí nhớ
#43 – 200 năm Nguyễn Du
#44 – 200 năm Nguyễn Du
#45 – Giới thiệu Francoise Sagan
#46 – Tuyển tập Thơ Văn
#47 – Giải Nobel Văn chương 1965
#48 – Kỷ niệm Đệ Nhị chu niên – Đọc văn Saint-Exupéry

Năm thứ ba 1966:

#49 & 50 – Giai phẩm Xuân Bính Ngọ
#51 – Đọc văn Somerset Maugham
#52 – Tuyển tập Thơ Văn
#53 – Đọc văn Anton Chekhov
#54 – Tuyển tập Thơ Văn
#55 – Đọc văn Luigi Pirandello
#56 – Tuyển tập Thơ Văn
#57 – Đọc văn Shintaro Ishihara
#58 – Tuyển tập Thơ Văn
#59 – Đọc văn Graham Greene
#60 – Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Bính
#61 – Đọc văn Richard Wright
#62 – Tuyển tập Thơ Văn
#63 – Tuyển truyện Đại Hàn
#64 – Tưởng niệm Bích Khê
#65 – Đọc văn John Updike
#66 – Tuyển tập Thơ Văn
#67 – Tưởng niệm Vũ Trọng Phụng
#68 – Đọc văn Quỳnh Dao
#69 – Tuyển tập Thơ Văn
#70 – Đọc văn Hermann Hesse
#71 – Tuyển tập Thơ Văn
#72 – Mùa giải thưởng Văn chương

Năm thứ tư 1967:

#73 & 74 – Tưởng niệm Hàn Mặc Tử
#75 & 76 – Giai phẩm Xuân Đinh Mùi
#77 – Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập)
#78 – Đọc Simone de Beauvoir, nữ văn sĩ thời danh Pháp
#79 – Tuyển tập Thơ Văn
#80 – Tưởng niệm Hồ Biểu Chánh
#81 – Đọc văn Tennessee Williams, kịch tác gia lẫy lừng Hoa Kỳ
#82 – Nắng Hè (Tuyển tập)
#83 – Đọc văn Boris Pasternak, văn hào Nga, giải Nobel Văn chương 1958
#84 – Tuyển tập Thơ Văn
#85 – Đọc văn Marcel Proust, nhà văn kinh điển lớn của Pháp
#86 – Viết về Thơ
#87 – Tuyển tập Thơ Văn
#88 – Đọc văn Erskine Caldwell, tiểu thuyết gia thời danh Hoa Kỳ
#89 – Mây mùa Thu (Tuyển tập)
#90 – Tưởng niệm Hồ Thích, tư tưởng gia Trung Hoa
#91 – Thương nhớ Đinh Hùng
#92 – Tuyển tập Thơ Văn
#93 – Viết về Hội họa
#94 – Đọc văn André Gide, giải Văn chương Nobel 1947
#95 – Mưa cuối mùa (Tuyển tập)
#96 – Đọc Thomas Mann, văn hào Đức, giải Nobel Văn chương 1929 (số Giáng Sinh)

Năm thứ năm 1968:

#97 – Giới thiệu Eugene Evtouchenko, thi sĩ thời danh Nga-sô
#98 & 99 – Giai phẩm Xuân Mậu Thân
#100 & 101 – Viết trong khói lửa (Tuyển tập)
#102 – Mịt mờ thức mây (Tuyển tập)
#103 – Tưởng niệm Carlson McCullers, nữ văn sĩ danh tiếng Hoa-kỳ
#104 – Trên vai Việt Nam (Tuyển tập)
#105 – Đọc truyện Quách Lương Huệ, nữ văn sĩ thời danh Trung-hoa
#106 – Mảnh vụn trong hồn người (Tuyển tập)
#107 & 108 – Tưởng niệm Hoàng Đạo
#109 – Giới thiệu M.A. Asturias, nhà văn Guatemala, giải Nobel Văn chương 1967
#110 – Ngày trở lại Huế (Tuyển tập)
#111 – Mồng Một tháng Tám (Tuyển tập)
#112 – Giỗ đầu Đinh Hùng
#113 – Giới thiệu Bertolt Brecht, kịch tác gia bậc nhất nước Đức
#114 – Những cây bút trẻ (Tuyển tập)
#115 – Mở mắt nhìn quê hương (Tuyển tập)
#116 – Giới thiệu Norman Mailer, nhà văn nổi loạn xứ Hoa-kỳ
#117 – Thương nhớ Tchya Đái Đức Tuấn
#118 – Lối về chợ Trúc (Tuyển tập)
#119 – Tưởng niệm André Maurois, nhà văn lớn nước Pháp
#120 – Đêm Bethléem (Tuyển tập Giáng sinh)

Năm thứ sáu 1969:

#121 – Kỷ niệm Đệ Ngũ chu niên. Casey Calvert, nhà văn xứ Cuba
#122 – Mùa đông trong trí nhớ (Tuyển tập). Kawabata, nhà văn Nhật giải Nobel 1968
#123 & 124 – Giai phẩm Xuân Kỷ Dậu
#125 – Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập)
#126 – Như nước trong nguồn (Tuyển tập). Stefan Zweig, nhà văn Đức
#127 – Đầu mùa nắng lửa (Tuyển tập). Jakov Lind, nhà văn Đức
#128 – Số đặc biệt: Léon Tolstoi, văn hào Nga
#129 – Thương nhớ Y Uyên
#130 – Mặt trời tháng Tư (Tuyển tập). A. Solzhenitsyn, nhà văn Nga
#131 – Lệ đá đêm sâu (Tuyển tập). G.C. Infante, nhà văn xứ Cuba
#132 – Phượng trong thành nội (Tuyển tập)
#133 – Về nhánh sông xưa (Tuyển tập). Klaus Rochter, nhà văn Đức
#134 – Sầu xưa chín rụng (Tuyển tập). I.B. Singer, nhà văn Do-thái
#135 – Tuyển tập văn mới
#136 – Trên ngọn sầu đông (Tuyển tập)
#137 – Người đàn bà thành Prague
#138 – Những cây bút trẻ (Tuyển tập)
#139 – Nói với mùa thu (Tuyển tập). Tiber Déry, nhà văn Hung-gia-lợi
#140 – Số đặc biệt: Kawataba Yasunari
#141 – Phiến đá chưa mòn (Tuyển tập). John Cheever, nhà văn Hoa-kỳ
#142 – Đường bay của nghệ thuật (họa và thơ)
#143 – Mưa khóc tan mùa (Tuyển tập). Rafael Steinberg, nhà văn Hoa-kỳ
#144 – Bình an dưới thế, số đặc biệt Giáng sinh

Năm thứ bảy 1970:

#145 – Tưởng niệm Đông Hồ
#146 & 147 – Giai phẩm Xuân Canh Tuất
#148 – Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập trẻ)
#149 – Tuyển tập Thơ Văn
#150 – Số đặc biệt: Vũ Hoàng Chương
#151 – Tuyển tập Thơ Văn. Bernard Malamud, nhà văn Hoa-kỳ
#152 – Số đặc biệt: Jean-Paul Sartre (Pháp)
#153 – Trong nỗi buồn vàng (Tuyển tập trẻ)
#154 – Số đặc biệt: Mừng Phật đản 2514
#155 – Tuyển tập Thơ Văn. Irwin Shaw, nhà văn Hoa-kỳ
#156 – Số đặc biệt: Hoài niệm Nhất Linh
#157 – Số đặc biệt: Simone de Beauvoir (Pháp)
#158 – Mưa chưa dứt hạt (Tuyển tập trẻ)
#159 – Số đặc biệt: Hoài niệm Tchya Đái Đức Tuấn
#160 – Tuyển tập Thơ Văn. Dylan Thomas, nhà văn Anh-cát-lợi
#161 – Số đặc biệt: thi sĩ Quách Tấn
#162 – Tuyển truyện Á châu
#163 – Tuyển tập Thơ Văn. Alexander Solzhenitsyn, nhà văn Nga-sô
#164 – Đi giữa mùa Thu (tuyển tập trẻ)
#165 – Tuyển truyện Phi Châu da đen
#166 – Tuyển tập Thơ Văn. Irwin Shaw, nhà văn Hoa-kỳ
#167 – Tuyển tập Thơ Văn. Akutagawa Ryunosuke, nhà văn Nhật-bản
#168 – Tiếng hát lên trời, tuyển tập. Số đặc biệt mùa Giáng sinh

Năm thứ tám 1971:

#169 – Tưởng niệm Phạm Duy Tốn
#170 & 171 – Giai phẩm Xuân Tân Hợi
#172 – Đầu Xuân Lộc Mới (Tuyển tập trẻ)
#173 – Tuyển truyện “Gió Đông” của các nhà văn Á châu (tập 2)
#174 – Tuyển tập Thơ Văn
#175 – Số đặc biệt: Viết về Tản Đà
#176 – Bóng tối vây quanh (Tuyển tập trẻ)
#177 – Tuyển tập Thơ Văn
#178 – Tuyển truyện Nga-la-tư
#179 – Số đặc biệt: Viết về Hàn Mặc Tử
#180 – Tuyển tập Thơ Văn. Alexis Tolstoi, nhà văn Nga
#181 – Khi mùa mưa tới (Tuyển tập trẻ)
#182 – Tuyển tập Thơ Văn. Slawomir Mrozeki, kịch tác gia Ba-lan
#183 – Tuyển tập Thơ Văn. Sata Ineko, nữ văn sĩ Nhật-bản
#184 – Tuyển truyện Hung-gia-lợi
#185 – Tuyển tập Thơ Văn
#186 – Tưởng niệm Đông Hồ
#187 – Tuyển tập các tác giả trẻ

#188 – Tuyển tập thơ văn

#189 – Viết về Nguyễn Bính

#190 – Thư chủ nhiệm gửi thân hữu và bạn đọc (15/11/1971)

#191 – Nhà văn Nhật Naoya Shiga, Pablo Neruda Nobel 71 (1/12/1971)

#192 – Số đặc biệt Giáng Sinh 1971 (15/12/1971)

Năm thứ chín 1972:

#193 – Kỷ niệm đệ nhất bát chu niên

#194-195 – Giai phẩm xuân Nhâm Tý (1/2/1972)

#196 – Số đặc biệt đầu năm (15/2/1972)

#197 – Số đặc biệt Sáu nhà văn trẻ (1/3/1972)

#198 – Số đặc biệt về thơ (15/3/1972)

#199 – Số đặc biệt về hội họa

#202 – Sáu nhà văn trẻ (15/5/1972)

#203 – Tuyển truyện Ý Đại lợi

#204 – Tùy bút, Bút ký, Hồi ký

#205 – Tuyển tập thơ văn

#206 – Bàn tròn: Thế giới tiểu thuyết của các nhà văn nữ

#207 – Tuyển tập thơ văn

#208 – Truyện ngắn Hồi giáo

#209 – Tuyển tập thơ văn

#210 – Tuyển tập thơ văn

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: