“Long tranh hổ đấu” Mỹ-Trung: Nỗ lực “bứt toa” đạt được gì?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại buổi lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung tổ chức ở Bắc Kinh ngày 5 Tháng Giêng 2024 (Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images)

Chưa bao giờ yếu tố Trung Quốc trở thành vấn đề chính sự lớn trong chính trường Mỹ bằng lúc này. Cộng hòa và Dân chủ luôn gầm gừ nhau ở mọi vấn đề nhưng khi bàn Trung Quốc, họ gần như luôn có tiếng nói chung.

Ngày 12 Tháng Mười Hai 2023, các nhà lập pháp lưỡng đảng một lần nữa kêu gọi cắt đứt nhiều hơn mối quan hệ kinh tế và tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có việc thu hồi mức thuế suất thấp mà Hoa Kỳ đã cấp cho Bắc Kinh sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hơn hai thập niên trước.

Cảnh báo đỏ

Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (The House Select Committee on the Chinese Communist Party) đã đưa ra loạt khuyến nghị nhằm tái thiết lập mối quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc. Báo cáo, được cả Dân chủ lẫn Cộng hòa tại Hạ viện ký, lập luận rằng Trung Quốc đã thực hiện một “chiến dịch xâm lược kinh tế kéo dài nhiều thập niên” nhằm hạ gục các công ty Mỹ, thống trị các ngành công nghiệp quan trọng trên toàn cầu và khiến Hoa Kỳ rất dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn.

Báo cáo 53 trang có gần 150 khuyến nghị mà Quốc hội lẫn Chính phủ Mỹ nên thực hiện, từ việc áp đặt mức thuế mới đối với các loại chip cũ của Trung Quốc cho đến cắt giảm hơn nữa dòng vốn và công nghệ; từ việc yêu cầu các công ty Mỹ công khai mối quan hệ với Trung Quốc đến việc đầu tư hơn nữa vào năng lực nghiên cứu và sản xuất của Mỹ để chống lại sự thống trị Trung Quốc trong các lĩnh vực như dược phẩm và khoáng sản. Báo cáo thậm chí đề xuất phát triển kế hoạch phối hợp với các đồng minh như thế nào nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Báo cáo trên là một dấu hiệu hữu hình và rõ ràng nhất cho thấy sự đồng thuận lưỡng đảng Hoa Kỳ đối với vấn đề Trung Quốc đã thay đổi như thế nào trong vài năm gần đây.

Lập luận phổ biến cách đây một thập niên – chịu ảnh hưởng của “lý thuyết gia” Henry Kissinger – khẳng định rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là động lực cho hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, chính sách này ngày càng nhường chỗ cho những lo ngại rằng mối quan hệ với Trung Quốc có thể bị “vũ khí hóa” trong trường hợp xảy ra xung đột; và sẽ là thảm họa đối với kinh tế hoặc thậm chí quân đội Hoa Kỳ nếu Trung Quốc cắt đứt nguồn đến Mỹ các chuyến hàng dược phẩm, khoáng sản hoặc linh kiện sản xuất vũ khí. Việc Bắc Kinh trợ cấp các công ty Trung Quốc cùng những vụ trộm cắp tài sản trí tuệ cũng là nguyên nhân khiến Washington cảnh giác. Ngoài ra, trong một số trường hợp, Trung Quốc chỉ cho phép các công ty nước ngoài hoạt động tại nước họ nếu đối tác nước ngoài chấp nhận chuyển giao công nghệ cho công ty địa phương.

Báo cáo nhấn mạnh, Hoa Kỳ chưa bao giờ đối mặt với một đối thủ địa chính trị có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế với nhau như vậy trong khi người ta chưa thể đánh giá đầy đủ toàn bộ rủi ro khi dựa vào một đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc. “Việc giải quyết cuộc tranh chấp mới này đòi hỏi phải đánh giá lại một cách cơ bản chính sách của Hoa Kỳ đối với sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc, cũng như việc xây dựng những công cụ mới để giải quyết chiến dịch xâm lược kinh tế của Trung Quốc,” báo cáo cho biết.

Dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc khó có thể thoát khỏi nhau một cách tuyệt đối. Hạ tuần Tháng Tám 2023, nghiên cứu công bố tại hội nghị thường niên Ngân hàng Dự trữ Liên bang Thành phố Kansas (Federal Reserve Bank of Kansas City) cho thấy, chuỗi cung ứng của Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành sản xuất của Trung Quốc.

Trong bài nghiên cứu, kinh tế gia Laura Alfaro thuộc Trường Kinh thương Harvard và Davin Chor tại Trường Kinh thương Tuck thuộc Đại học Dartmouth cho biết, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ của Trung Quốc đã giảm xuống khoảng 17% vào năm 2022 sau khi đạt mức cao nhất khoảng 22% vào năm 2017; cùng lúc, một số nước như Mexico và Việt Nam lại nhảy vào trám chỗ Trung Quốc. Tất cả cho thấy có vẻ như Mỹ đang giảm bớt sự phụ thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế lại khác: Cả Mexico và Việt Nam đều bắt đầu nhập nhiều sản phẩm hơn từ Trung Quốc; và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào những nước này cũng tăng mạnh với việc lập nhiều nhà máy hơn. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ thay đổi “địa chỉ” khi xuất hàng sang Mỹ.

Trong bài báo mới đây (ngày 27 Tháng Hai 2024), tờ The Economist cho biết thêm, năm 2023, Mexico đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu Mỹ, kể từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc đã giảm 1/3 – xuống còn khoảng 14%. Một phần của sự sụt giảm xảy ra sau khi Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế cao vào năm 2018. Một phần khác phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc: Nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, nhiều chuỗi cung ứng ở châu Á sẽ không thể hoạt động.

Một lần nữa, trường hợp Việt Nam và Mexico là điển hình. Thương mại Việt Nam với Mỹ đang bùng nổ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Việt Nam vẫn gắn bó sát với chuỗi cung ứng Trung Quốc, có nghĩa, cái gọi là sản phẩm “made in Vietnam” nhập sang Mỹ vẫn chứa nhiều thiết bị/linh kiện Trung Quốc! Không phải tự nhiên mà tỉ lệ “hàng Việt Nam” nhập sang Mỹ tăng cùng lúc với tỉ lệ hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Ở Mexico, tình hình phức tạp hơn một chút. Các tiêu chuẩn được thiết lập bởi Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada yêu cầu “hàm lượng giá trị khu vực” (“regional-value content”) cao, có nghĩa xuất khẩu được xem xét kỹ lưỡng để biết chắc rằng qui trình sản xuất được thực hiện ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tương tự Việt Nam, nhập khẩu vật tư công nghiệp từ Trung Quốc sang Mexico đã tăng mạnh, với khoảng 40% kể từ năm 2019. Ngay cả ở sân sau của Mỹ, việc bứng Trung Quốc một cách tuyệt đối cũng không phải dễ dàng.

Vấn đề của sự nhận thức

Với không ít nhà bình luận, việc “bứt toa” – decoupling – giữa Mỹ và Trung Quốc là điều viển vông không thực tế. Về lý thuyết lẫn thực tế, điều đó là bất khả, bởi không thế lực nào có thể đập bỏ hoàn toàn nền móng thương mại được xây dựng từ nhiều thập niên giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, một cách công bằng, không thể không thừa nhận rằng tác động của chính sách xuất phát từ nhận thức mối nguy hiểm Trung Quốc được thực hiện từ thời Trump đến thời Biden đã và đang ít nhiều hiệu quả.

Chính sách đối với Trung Quốc ở Mỹ bây giờ không chỉ là từ chính phủ trung ương mà xuống đến tận địa phương. Nhiều biện pháp cứng rắn, ở những nơi như Florida, Utah và South Carolina, là một phần trong nỗ lực chính trị ngày càng tăng nhằm làm cho Hoa Kỳ bớt phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc và hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Gần hai chục tiểu bang chủ yếu thiên về cánh hữu – trong đó có Florida, Texas, Utah và South Dakota – đã đề xuất hoặc ban hành luật nhằm hạn chế việc Trung Quốc mua bất động sản nói chung.

Năm 2023, các nhà lập pháp Texas đề xuất mở rộng lệnh cấm được ban hành vào năm 2021 đối với việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi những nhà đầu tư có quan hệ trực tiếp với Trung Quốc; cũng như ngăn chặn công dân và công ty Trung Quốc mua đất, nhà hoặc bất kỳ bất động sản nào khác. Tại Florida, Tháng Năm 2023, Thống đốc Ron DeSantis đã ký luật cấm các công ty hoặc công dân Trung Quốc mua hoặc đầu tư vào bất động sản nằm trong phạm vi 10 dặm tính từ các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy lọc dầu, trạm khí đốt tự nhiên lỏng và nhà máy điện…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: