Diễm Xưa vẫn chưa xưa

GÓC NHẠC XƯA
Share:
Ấn bản bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn in tại Sài Gòn năm 1968 vẫn lưu hành trong các tiệm sách cũ – Ảnh Tidoo Nguyễn

Dường như cứ mỗi lần Sài Gòn đổ cơn mưa ban chiều thì đó cũng là lúc thích hợp để nghe lại ca khúc “Diễm Xưa”.

Trong không gian mịt mù của làn mưa, hình ảnh những con đường, những mái nhà đan xen dường như cũng bị xóa nhòa dưới cơn mưa ào ạt, xối xả hay dai dẳng… Lúc đó,  giai điệu “Diễm Xưa” bất chợt vang lên, đưa hồn người chìm vào mộng ảo. Mộng ảo về một câu chuyện tình đẹp nên thơ của ngày xưa ấy.

Đã có biết bao người nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ… tốn nhiều giấy mực để bàn về bài “Diễm Xưa” và nàng Diễm, với nhiều câu hỏi đặt ra “Diễm là ai?”. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng nhiều lần giải thích về nàng Diễm của ngày xưa trong lòng ông. Tuy nhiên, ở góc độ là khán giả cảm thụ âm nhạc, chúng ta không cần tò mò về một nàng Diễm cụ thể nào đó của ông nhạc sĩ Trịnh, bởi có khi mỗi người đàn ông đều có một nàng Diễm để nhớ trong cuộc đời.

Trong một cơn mưa dai dẳng ở xứ Huế vào năm 1960, Trịnh Công Sơn đã chấp bút viết lên lời ca tiếng nhạc cho bài hát “Diễm Xưa”. Rồi cứ mỗi độ mưa về, hay thậm chí những lúc người ta thả hồn theo giai điệu ấy để có thể lãng quên đau khổ, nhọc nhằn của cuộc sống, thì cũng chính là lúc “Diễm Xưa” hiền hòa xoa dịu tâm trí người nghe.

Bìa tờ nhạc Diễm Xưa in tại Sài Gòn năm 1968 – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Cuối Tháng Bảy, Sài Gòn đã vào mùa mưa, Diễm lại xuất hiện ru hồn người vào quên lãng. Ca sĩ Khánh Ly hóa thân thành Diễm để cất giọng ca da diết sâu lắng quyện vào tiếng gió, tiếng lá, tiếng mưa, xua tan đi những tiếng ồn ào phố thị và mang chánh niệm đến cho người nghe. Trong thời điểm đó, bất cứ chàng trai nào đang sống ở Sài Gòn, thoáng thấy bóng người con gái nào đi dưới cơn mưa cũng có thể là Diễm ngự trong trái tim chàng.

Minh họa: anna-atkins-unsplash

Trong đời, chàng trai nào mà không một lần trải qua mối tình đầu, may mắn thì thành đôi, chứ thường là… thất bại, rồi đành phải cất hình bóng Diễm tận đáy con tim, tiếp tục cuộc sống mới theo đời biến động. Nhưng sao cứ mỗi lần mưa đến, thì Diễm lại hiện ra:

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ,

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao.

Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ,

Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu.

 

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ,

Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua.

Trên bước chân em âm thầm lá đổ,

Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa.

 

Chiều nay còn mưa sao em không lại?

Nhỡ mai trong cơn đau vùi,

Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau,

Bước chân em xin về mau.

 

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động,

Làm sao em nhớ những vết chim di?

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,

Để người phiêu lãng quên mình lãng du.

 

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động,

Làm sao em biết bia đá không đau?

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. 

Sài Gòn không như Huế nên những hạt mưa không bay trên những “tầng tháp cổ”. Tuy nhiên, thử hỏi cơn mưa nào mà không gợi cho người ta, nhất là các chàng trai, nhớ về ký ức cho dù ở bất cứ nơi đâu?

Lúc ấy, những thước phim quay chậm của dòng ký ức dần dần hiện ra dưới cơn mưa. Rồi chàng với cánh tay chấp chới hòng nắm giữ hình bóng nàng trong miền ký ức. Vì luôn ngóng trông chờ đợi với hy vọng rằng một ngày nào đó trên bước đường đời tha hương như cánh chim di trú, chàng sẽ gặp lại nàng Diễm, nên tâm trí chàng đôi khi lơ đãng, lơ ngơ giữa dòng đời.

Mỗi lần mưa về, chàng lại nhớ về hình bóng cũ, đưa mắt nhìn vào con hẻm sâu để tìm kiếm bóng dáng nàng, lòng thầm nghĩ rằng biết đâu nàng cũng đang tha hương giữa Sài Gòn phố thị trong hành trình di trú?

Minh họa: pexels-tuấn-kiệt-jr

Cho dù Diễm vẫn biền biệt, mưa vẫn ở đây, ngay tại chốn Sài Gòn này. Ở nơi nào đó, Diễm có còn nhớ đến chàng chăng? Chàng ước gì vào lúc này đây chàng đang tận hưởng cơn mưa ở miền quê rộng lớn, để không phải cảm thấy cô đơn lẻ loi của đời phiêu lãng tha hương.

Khi ca sĩ Khánh Ly cất tiếng ca vút cao đoạn:

Chiều nay còn mưa sao em không lại

Nhỡ mai trong cơn đau vùi

Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau

Bước chân em xin về mau…

Đây cũng là lúc cảm xúc chàng dâng tràn nỗi nhớ nàng quay quắt. Nhớ cơn mưa hôm nào ở quê, chàng cùng nàng ngồi đếm tiếng mưa rơi, nhớ cảm giác mát dịu của làn gió trong mưa, nhớ bàn tay mềm mại của nàng, và bất chợt chàng gọi tên nàng trong mưa.

Mà giữa Sài Gòn này, dù chàng có gọi tên ai đi nữa thì cũng chẳng có ai lắng nghe chàng, đáp trả chàng. Chàng trở nên vô hình giữa dòng đời ngược xuôi, chàng trách nàng vô tình.

Nhưng sau cùng, chàng lại chánh niệm bình tâm, chấp nhận phận đời, phận người trong cuộc sống đầy biến động. Chàng chỉ mong một ngày nào đó, chàng có thể gặp lại nàng bằng xương bằng thịt, dù chỉ một lần thôi.

“Miền đất rộng” được nhắc đến hai lần trong “Diễm Xưa”. Đối với những chàng trai xa quê để mưu sinh tại Sài Gòn, họ thường nhói lòng khi có ai đó đề cập đến miền quê.

Ở đó, nếu may mắn thì chàng sẽ trải qua một thời niên thiếu êm đềm bên cạnh nàng Diễm nào đó với những cơn mưa, nhưng thường thì chỉ có một tuổi thơ ngây ngô với những xao động đầu đời chưa kịp chín đã bị đè bẹp bởi thực tại nghèo khó.

Minh họa: brian-stalter-unsplash

Tuy vậy, có những chàng ngây ngô đến mức mỗi khi nghe tiếng vạc sành kêu đêm mà cứ ngỡ như đó là âm thanh truyền đến từ những vì sao đang nhấp nháy. Có những chàng tưởng tượng đám ếch nhái là những ca sĩ tí hon đang hát trên sân khấu lá sen…

Ngày xưa ấy dù có đẹp đến mấy rồi cũng qua đi và phai mờ dần trong tâm tưởng. Diễm đến rồi Diễm cũng đi, chàng chẳng còn lại gì ngoài những cơn mưa Sài Gòn và niềm thương nhớ về Diễm, về miền quê bao la rộng lớn.

Từ năm 1960, Trịnh Công Sơn đã tạo ra nàng Diễm (hay nhớ tới nàng Diễm thật) trong bối cảnh mưa rơi. Những cơn mưa luôn mang đến cho con người cảm xúc mềm lòng nhất, dễ nhớ về Diễm thật hay cũng dễ tạo ảo ảnh Diễm trong tâm trí cho lòng bớt trống vắng.

Có nhiều phiên bản “Diễm Xưa” từ nhiều ca sĩ. Tuy nhiên, ca sĩ Khánh Ly là phiên bản Diễm hoàn hảo nhất mà một khi cất tiếng hát thì sẽ làm các chàng trai dù cho cứng rắn đến mấy cũng phải mềm lòng và cần một ai đó bên cạnh. Sỏi đá còn phải cần có nhau, huống chi là trái tim con người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: