Chuyện Trung Quốc làm khó dễ và Hollywood cúi đầu nhượng bộ đã không còn là chuyện lạ. Trong quyển sách mới phát hành Red Carpet: Hollywood, China, and the Global Battle for Cultural Supremacy, tác giả-nhà báo Erich Schwartzel cung cấp thêm nhiều chi tiết ít được biết…
Trước Thế chiến thứ hai, Đức là một trong những thị trường lớn nhất của công nghiệp điện ảnh Mỹ và giới chủ hãng phim Mỹ cũng nhân nhượng Nazi đủ đường. Giới điều hành Universal phải chỉnh sửa để tác phẩm chuyển thể từ All Quiet on the Western Front (cuốn tiểu thuyết phản chiến kinh điển của Erich Maria Remarque) có thể lọt vào thị trường Đức. Trùm tuyên truyền Nazi Joseph Goebbels ra “huấn dụ”: Universal phải chiếu bản được hiệu chỉnh ở thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng Đức. Từ tiền lệ All Quiet on the Western Front, năm 1932, Nazi tung ra Điều luật 15, nói rõ rằng Đức “có quyền hủy các thỏa thuận phân phối với bất kỳ hãng phim nào sản xuất một bộ phim mà họ thấy (gây) xúc phạm”. Bây giờ, Hollywood với Trung Quốc cũng chẳng khác.
Chế độ cộng sản Bắc Kinh nhìn đâu cũng thấy “vi trùng” chính trị. Khi xem Titanic, Chủ tịch Giang Trạch Dân tỏ ra rất thích. Cảnh xô xát giữa “giai cấp vô sản” thiệt thòi ở dưới boong và “những kẻ ăn bám” ở trên có phải hàm ý chính trị? “Tôi mời các đồng chí trong Bộ Chính trị xem phim này” – Giang nói tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. “Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ duy nhất biết cách thuyết phục mọi người” – Giang nói (Erich Schwartzel kể lại trong Red Carpet). Tuy nhiên, một tác phẩm văn hóa “có sức thuyết phục” đối với chế độ cộng sản không phải là những cảnh xúc động trong một bộ phim hay một tiểu thuyết. Nó còn phải “phù hợp” với quan điểm của nhà nước độc tài.
“Trên thực tế, chẳng có cái quái gì gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật” – Mao tiên sinh từng nói trong một bài giảng ở Diên An năm 1942. Mao nói không sai và lời Mao đặc biệt đúng với Hollywood ngày nay, khi mà giới làm phim Mỹ luôn tuân phục giá trị đồng tiền hơn là giá trị nghệ thuật. Ít người biết rằng tác phẩm tuyệt vời The Patriot với thủ diễn của Mel Gibson khi được Sony gửi đến Bắc Kinh duyệt đã bị khước từ. Bộ phim với bối cảnh thế kỷ 18 nói về sự chống trả chính quyền để giành tự do hoàn toàn không phù hợp với Trung Quốc!
Từ khi Trung Quốc trở thành thị trường khổng lồ mang lại doanh thu nhiều nhất, Hollywood bắt đầu trở nên “biến chất” và “tha hóa” – nói theo ngôn ngữ cộng sản. Ngôi sao Hollywood đến Trung Quốc thực hiện các chương trình quảng bá phim tuyệt đối không được đề cập Tây Tạng hoặc Đài Loan. Trong Red Carpet, tác giả Erich Schwartzel thậm chí cho biết, dây phơi quần áo trong một cảnh đường phố Thượng Hải trong Mission: Impossible III đã bị yêu cầu cắt; rồi những yêu cầu gay gắt chẳng hạn viết lại kịch bản World War Z để “làm rõ” rằng virus zombie ngày tận thế không bắt nguồn từ Trung Quốc; hoặc việc cắt một cảnh trong phim Skyfall trong đó có đoạn James Bond “xử” một nhân viên bảo vệ Trung Quốc…
Không chỉ tự kiểm duyệt hoặc nghe theo chỉ thị kiểm duyệt của Trung Quốc, Hollywood còn tự đưa vào những thứ mà Trung Quốc chắc chắn hài lòng. Chẳng hạn bằng mọi giá phải có cảnh một thành phố Trung Quốc, bằng mọi giá phải casting một nữ diễn viên Trung Quốc hoặc phải có hình ảnh lon nước giải khát tăng lực Trung Quốc… Đó là những thứ mà giới sản xuất Hollywood gọi là “yếu tố Trung Quốc”. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc “gợi ý”: Thay vì máy bay phản lực Mỹ ào ạt xông vào cứu Hong Kong khỏi những con robot khổng lồ trong cảnh cao trào của Transformers: Age of Extinction thì sao không phải là máy bay phản lực Trung Quốc?!
Trong khi đó, điện ảnh Trung Quốc mặc sức miêu tả méo mó người Mỹ. Tác giả Erich Schwartzel viết: “Trong khi giới làm phim Hollywood loại bỏ những nhân vật phản diện Trung Quốc thì điện ảnh Trung Quốc đã không mở rộng phép lịch sự như vậy”. Trong Wolf Warrior 2 năm 2017, một người hùng Trung Quốc tên Leng đã giải cứu dân làng châu Phi khỏi tên lính đánh thuê Mỹ tên Big Daddy trông “kinh tởm, ngổ ngáo, và cực đoan”. “Những thằng như mày luôn thấp kém hơn những người như tao” – Big Daddy nói với Leng. Leng trả lời: “Lịch sử đây!” rồi thọc dao vào cổ “thằng Mỹ” Big Daddy. Rạp chiếu phim “vỡ òa” tiếng vỗ tay – Erich Schwartzel kể. Cuối phim này còn chạy hàng chữ: “Hỡi những công dân Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, khi bạn đối mặt hiểm nguy ở một vùng đất nước ngoài, đừng đầu hàng! Hãy nhớ, sau lưng bạn là bàn tay mạnh mẽ của đất mẹ!”.
Chừng nào Hollywood ngưng quỵ lụy hèn hạ trước Trung Quốc? Sau khi phim Bohemian Rhapsody (về ca sĩ quá cố Freddie Mercury thuộc nhóm Queen) của hãng 20th Century Fox giành loạt Oscar 2018, Trung Quốc mới cho phép chiếu tại nước mình, với điều kiện tất cả nội dung liên quan sự đồng tính của Freddie phải bị loại bỏ. Năm 2021, bản dựng lại bộ phim một thời ăn khách Friends của WarnerMedia, khi chiếu tại Trung Quốc, phải cắt nhiều cảnh, trong đó có cảnh ca sĩ Lady Gaga. Ngôi sao Mỹ này đã là một “virus chính trị” của Trung Quốc từ khi cô gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2016.
ĐỌC THÊM:
Sau “bài học” Mulan, Hollywood sẽ giảm “cúi đầu” trước Trung Quốc?