Lời người viết:
Vào độ tuổi 80, người viết buộc phải nhận ra thực tế: Không thể làm được việc gì khác hơn quá trình đã trải qua (đã hoặc không hoàn tất) từ thuở 20, 30, 40… Trong tình cảnh nầy, thấy ra lời (tự) xác định có tính “tiên kiến” viết xuống từ 1968 trong cuốn sách đầu đời “Dấu Binh Lửa- Nhà Xuất Bản Đại Ngã. SG. VN-1969”: Tôi không phải là “nhà văn”! Lời nói thật lòng vì thấy rõ: Bản thân không là người viết nên “tác phẩm văn học”.
Trước, sau, tôi chỉ là “Người Lính-Viết Văn” nay điều chỉnh lại: “Người Viết Sách” vì chẳng còn, chẳng có (chuyện) lính tráng, chiến trận gì để viết xuống. Bài viết nầy liên quan đến nhiều người, nhiều việc chung quanh chuyện “Viết Sách” trong đó có tôi.
Một.
Thân gởi Anh “Nông Phu-Viết Sách”, Năm Danh,
Sở dĩ tôi không sử dụng danh xưng, “nhà văn/viết văn” giữa anh với tôi, dẫu anh (và tôi) đã viết sách/nhiều cuốn sách như trong phần dẫn nhập bên trên đã nói qua. Nay, tôi nói rõ hơn: Thời gian gần đây, tình cờ được đọc một tham luận của người nữ trẻ tuổi (thuộc thế hệ con, cháu) trình bày tại Hội Thảo Collège de France ngày 8 Tháng Sáu 2023 về chủ đề: “Sáng Tạo và Dấn Thân” – cô Phan Thúy Hà giải thích:
“Tôi ‘không phải là nhà văn’, dù nhiều người gọi tôi như vậy. Sáu năm qua, tôi dành nhiều thời gian để làm một việc: Viết Sách… Với tôi, đây là một công việc đau khổ… Bởi vì tôi luôn sống cùng với những ký ức đau buồn của các nhân vật của mình”.
Cô Thúy Hà tự hỏi: “Tại sao họ lại có thể giữ cho riêng mình câu chuyện dữ dội như vậy? Vì họ là đàn ông. Vì họ là người lính. Hay vì họ là người Việt Nam? Vì không ai hỏi. Vì chúng ta đã tỏ ra không xứng đáng để được nghe?”
Trời đất! Tôi kêu lên thành lời: “Từ đâu người trẻ tuổi nầy nói đúng quá vậy?” Cũng bởi, cuối đời, cuối cuộc, bản thân nhận ra rằng: Chúng ta/tất cả chúng ta những người cầm bút/dùng computer để viết thực tế chỉ làm công việc “Viết Sách”. Chúng ta/Tất cả chúng ta, từ Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội trước 1945 đến Sáng Tạo, Văn, Văn Học… nơi Sài Gòn của thời gian dài (1955-1975), qua 48 năm gọi là “văn học Việt Nam hải ngoại” nơi Nam Cali, vùng Bolsa đã hoàn toàn “Không Viết Văn/Không có Tiểu Thuyết”.
Đây không là ý kiến (riêng) của bản thân mà cũng là của cán bộ cộng sản, Nguyên Ngọc (sinh 1931), Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nguyên Ngọc bắt đầu viết sách, viết báo từ 1950; mới đây phát biểu trong cuộc phỏng vấn 9 Tháng Ba 2023. Tương tự như Nguyên Ngọc, tôi đã có nhận định: “Suốt một thế kỷ (từ đầu Thế Kỷ 20) đến nay (2023), “Văn Học Việt Nam/Tiểu Thuyết/Nhân Vật Tiểu Thuyết” chưa có (ai) thay thế được Xuân Tóc Đỏ/Vũ Trọng Phụng (1912-1939); bi kịch của Thị Mịch trong Giông Tố cũng chưa có người thế chỗ – Dẫu “Bi Kịch Việt Nam/Thảm Kịch Việt Nam” từ 1945, 1954, 1960, 1968, 1972, 1975… ngật ngật như lửa.
Họa chăng (theo ý tôi) có “Chú Tư Cầu” của Lê Xuyên nơi Miền Nam, nhưng khổ thay Lê Xuyên viết “Chú Tư Cầu” cho feuilleton/báo in hằng ngày nên người đọc (ở Miền Nam) chỉ lưu tâm về việc Chú Tư mở khuy áo của cô bồ hơn bi kịch lặng lẽ của chú trong lần trở về quê nhà trên con đê, buổi cuối cuộc.
Riêng “tác phẩm” của những người miền Bắc như Bảo Ninh với Nỗi Buồn Chiến Tranh, hay Dương Thu Hương với Tiểu Thuyết Vô Đề, có lẽ do yêu cầu “chống Mỹ cứu nước” quá nặng, nên đã viết sai lạc về chiến tranh nơi miền Nam! Vì tìm đâu ra trong ngày 30 Tháng Tư 1975, một “thằng giặc Mỹ xâm lược” trong lần 16 sư đoàn bộ binh Bắc Việt đánh chiếm Sài Gòn? Chắc rằng, Bảo Ninh không biết người Mỹ đã hoàn toàn ra khỏi Việt Nam sau Hiệp Định Paris 27 Tháng Giêng 1973.
Và kể từ “Việt Nam Hóa Chiến Tranh-1970” thì bộ binh Mỹ không còn tham chiến nơi miền Nam. Và Dương Thu Hương thì không thể/không hề biết: Lính biệt kích miền Nam hoạt động nhảy toán phải áp dụng một tiêu lệnh tối thượng: Tuyệt đối tránh đụng độ/Xóa sạch dấu tích, sinh hoạt/hiện diện… Nên không thể nào thực hiện loại “tội ác được formatted”: “Sau khi hiếp xong, đến màn cắt đầu vú, vạch nát cửa mình nữ bộ đội trên đường giây giao liên”.
Motif chủ đạo “giặc Mỹ-Ngụy mổ bụng, ăn gan người…” không chỉ tác động với người làm công tác tuyên huấn ở miền Bắc trước 1975, mà vẫn còn hiệu lực sau 30 Tháng Tư 1975 kéo dài xuống đồng bằng sông Cửu Long, tận Cà Mau, Minh Hải để “nhà văn trẻ” Nguyễn Ngọc Tư (sinh 1976) cho “thằng thiếu úy Cón” mổ bụng người đàn bà lôi thai nhi ra ném vào lửa! Nhưng đây không phải chủ đề bài viết. Tôi muốn nói cùng người Bạn, Năm Danh, nông dân Miền Tây về chuyện “viết sách”.
Hai.
Trở lại việc “nhà văn/viết sách”. Sau khi nhận được cuốn “Chuyện Đời-Chuyện Nghề – NXB Sống, CA, US- 2022” tôi mất hai đêm để “cưa” cho hết 636 trang sách! Cũng may corps chữ 11 nên dễ đọc. Xong, qua hết hai đêm trắng, trong nỗi não nề (thật lòng) tôi gấp cuốn sách để trở lại câu hỏi khắc nghiệt từ lâu mang nặng: “Bi kịch/thảm kịch Việt Nam có từ đâu? Như thế nào? Do ai?” Tuy nhiên, trước khi trả lời vấn nạn thương tâm nầy, tôi cần phải nêu những chi tiết “kỹ thuật”; việc nhắc (lại) những chi tiết nầy không phải vô cớ, cốt ý săm soi, chi li giữa những dòng chữ từ cuốn sách của một người bạn. Không phải như vậy, tôi cần nêu lên những chi tiết nầy để làm cớ chứng cớ cho câu trả lời cuối cùng: Tại sao? Do ai?
Những chi tiết ấy là:
#1“Đồng Phong Thạnh/Chó Ngáp/Vàm Bà Thông” là một “vùng bình yên” vì “… cho đến khi râu mọc tới rún cũng chẳng có thằng lính quốc gia nào dám mò tới!” (Chuyện Đời-Chuyện Nghề, trang 20). Tóm lại: KHÔNG có lính VNCH/KHÔNG có chiến tranh – Chỉ du kích, cán bộ cộng sản qua lại dập dìu. Lẽ tất nhiên không hề có Mỹ!
#2/ Sau khi gia đình tôi rời khỏi Vàm Bà Thông chưa đầy một năm thì nơi (vùng) đó (Đồng Phong Thạnh/“Chó Ngáp”/Vàm Bà Thông) xảy ra một trận bom tàn khốc… Vàm Bà Thông thiệt mạng 94 người. Gia đình cô Ba Tấn chỉ còn mỗi dượng Ba… Gia đình chú Tư Nhựt bị nguyên trái bom chết sáu người… Nhưng sau đó xóm làng trở lại bình yên (Chuyện Đời-Chuyện Nghề, trang 20). Tóm lại: Vẫn “chưa/không” có lính VNCH xuất hiện, chỉ có người chết vì bom do máy bay cồng cộc (vô cớ) bay qua dội xuống!
#3/Xóm tôi vẫn bình yên… Thỉnh thoảng máy bay cồng cộc, phản lực lại ném bom, có một vài trận B52 bừa qua một một xóm làng nào đó (?!) (Chuyện Đời-Chuyện Nghề, trang 29). Tóm lại, thôn xóm vẫn bình an, “chưa/không” có lính Bộ Binh, Biệt Kích VNCH xuất hiện chỉ có cán bộ và du kích tới lui ăn ở.
#4/ Sau Tết Mậu Thân (1968) xóm tôi không còn bình yên như trước… Một chiếc đầm già L19 bay ngang trong tầm thấp, anh du kích nào đó nổi hứng bắn ba phát súng… Vài phút sau, ba chiếc cồng cộc từ đâu bay tới, ném bom ngay vị trí khói màu cách chỗ chúng tôi hơn trăm thước… Xong đợt dội bom, máy bay không trở lại (Chuyện Đời-Chuyện Nghề, trang 37). Vẫn “không” thấy mặt lính bộ binh VNCH.
Qua những trích dẫn và ghi chú như trên thì người đọc (cụ thể đối với người thuộc thế hệ sinh, lớn lên sau 1975) phải đặt câu hỏi: Như thế là thế nào? Chiến tranh ở đâu? Với ai? Khi KHÔNG thấy bóng dáng Người Lính Bộ Binh/Biệt Kích VNCH xuất hiện?! Chỉ có máy bay cồng cộc bay vu vơ qua dội bom và cả vài trận B52.
Như thế, với cảnh tượng gọi là “Chiến Tranh” trên chính xóm làng của mình nhưng người bạn Năm Danh, gã Nông Phu – Viết Sách (cũng) Viết không đúng/Viết không đủ – Làm sao trách Ken Burns, Lynn Novick trình bày đúng, đủ về chiến tranh Việt Nam? Những năm trước, sau 1968, Bảo Ninh, Dương Thu Hương đang ngồi học (viết văn) nơi trường Nguyễn Du, Hà Nội. Chúng tôi tiếp chứng minh.
Ba.
Người “Nông Dân-Viết Sách” Năm Danh viết về chiến tranh xảy ra trên chính xóm làng mình, với người cha, người anh, và những hàng xóm quen thân là nạn nhân (nạn nhân trực tiếp) của bom đạn! Nhưng, Viết không đúng-Viết không đủ bởi lẽ: Sinh 1960, đến 1969 mới bắt đầu đi học vào lớp Tư (Lớp Hai) thì vào thời đoạn trước, sau 1968, chú nhỏ Danh không thể nào biết được những điều mà tại hôm nay (2023) cũng chẳng mấy ai nơi miền Nam trong hơn 90 triệu người Việt, kể cả ba triệu người hải ngoại biết ra:
#1/Máy bay khu trục AD 6 hoặc AD1 Skyraider (máy bay cồng cộc trong chuyện kể) chỉ (được) ném bom sau khi nhận ra trái khói/hỏa tiễn chỉ định mục tiêu từ máy bay quan sát (Máy bay L19 trong chuyện kể).
#2/Nhưng điều kiện #1 chỉ được thực hiện sau khi máy bay quan sát (L 19) đã kiểm chứng (được) với lực lượng dưới đất về tính cách, hình thái mục tiêu.
#3/Và điều kiện #2 chỉ được xác nhận khi lực lượng (hành quân) dưới đất đã hoàn tất quá trình yêu cầu/kiểm chứng với: (21) Trung tâm Hành Quân Không Trợ (DASC) của Không Quân làm việc bên cạnh (22) Trung Tâm Hành Quân (TOC) của mỗi Quân Đoàn liên hệ.
Với hệ thống chi tiết kỹ thuật/liên lạc vừa nêu thì không thể nào có những sự kiện như các Tiểu Đoạn #1,#2, #3, #4 của Phần Hai đã mô tả! Họa chăng chỉ Tiểu Đoạn #4 mới đúng được NỬA sự thật. Nhưng cũng không hẳn như vậy, chúng tôi muốn nói một điều (khác) quan trọng hơn liên quan đến chủ đề lớn: Chiến tranh? Do Ai? Tại sao? Từ đâu?
Bốn.
Chúng tôi lặp lại Tiểu Đoạn #3/Phần Hai: “… Những năm sau đó (?) mặc dù xóm tôi vẫn bình yên, nhưng chiến tranh bắt đầu xảy ra ở vùng lân cận. Thỉnh thoảng máy bay còng cọc, phản lực lại ném bom, có một vài trận B52 bừa qua một một xóm làng nào đó… Lính bộ binh và lính biệt kích VNCH chưa xuất hiện trận nào nên xóm tôi vẫn dập dìu cán bộ và du kích tới lui ăn ở” (Chuyện Đời-Chuyện Nghề, trang 29). Vấn đề CHÍNH là ở đây:
41/B52 không bao giờ được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (1964-1973) ở Vùng IV Chiến Thuật/Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hai hệ thống B52 từ Hạm Đội 7 yểm trợ cho chiến trường Việt Nam bao gồm những mục tiêu do Tổng thống Johnson, Bộ trưởng McNamara đích thân chọn lựa đối với Hệ Thống Bắc/Yankee Station; Hệ thống Nam/Dixie Station có nhiệm vụ yểm trợ cận phòng cho quân đội Mỹ hoặc các đại đơn vị VNCH trong những chiến dịch lớn như Khe Sanh, 1/1968; MHĐL, 3-9/1972. Hồ sơ phi vụ (hiện còn lưu trữ) của B52 nơi chiến trường Đông Dương suốt giai đoạn 1964-1973 không hề có một phi xuất B52 nào ở Vùng ĐBSCL – cũng bởi Bộ Binh Mỹ không hề hoạt động nơi Vùng IV/DB/SCL. Không bao giờ!
42/Đơn vị Bộ Binh Mỹ không hề hoạt động ở Vùng IV – Duy chỉ có Lực Lượng Thủy Bộ/Đơn Vị Đặc Nhiệm 117 được biệt phái đến Đồng Tâm sau Mậu Thân 1968 để hoạt động nơi thượng lưu sông Mekong, vùng Hồng Ngự, Kiến Phong. Lực Lượng Đặc Nhiệm 117 lại là đơn vị Mỹ đầu tiên rời vùng hoạt động khi kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” bắt đầu (1969-1970).
Kết từ:
Anh “Nông Dân-Viết Sách” Năm Danh không viết những điều về chiến tranh Việt Nam như trên một mình. Anh (ngẫu nhiên, vô tình) có những đồng sự từ lâu, về trước trong một phong trào toàn cầu. Phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam có nhiều nguyên nhân, nhiều nhân sự lãnh đạo, nhưng xuất sắc nhất là “sứ giả hòa bình Nhất Hạnh Nguyễn Xuân Bảo” với cáo buộc “quyết liệt”, cụ thể trong buổi họp báo Ngày 16 Tháng Năm 1966, nơi New York:
“… Số người nông dân Việt vô tội bị lính Mỹ giết vượt hẳn số lượng cộng sản nơi vùng Bến Tre (?!)… Tôi (NH) được biết rằng: Có một thị xã với ba trăm ngàn dân đã bị tàu bay Mỹ dội bom vì chỉ có vài du kích trong đó… Và thị xã đã bị phá hủy!” Tóm lại, lời tố cáo của Nhất Hạnh trước diễn trường, dư luận thế giới là một “cáo chứng gian/vô lý/vô nghĩa” cùng cực – Bởi lẽ: Vào thời điểm 1950-1960, thành phố Đà Nẵng (lớn thứ hai của VNCH) chỉ có dân số khoảng “100.000/Một trăm ngàn” người – Lấy đâu nơi Bến Tre, chỉ là một “thị xã” vùng Đồng Bằng sông Cửu Long có dân số 300.000 người?! Và như Phần Bốn đã trình bày: Bộ Binh Mỹ không hề tham chiến, và Không Quân Mỹ không hoạt động yểm trợ cho Vùng IV. B52 lại càng không có!
Hôm nay, Thế Kỷ 21, cuốn sách Chuyện Đời-Chuyện Nghề của “Nông Dân–Viết Sách” Năm Danh từ trang 20 của Chương 1 đến trang 631 của chương cuối cùng có nội dung: “… Không thể có một nhà văn nào trên quả đất nầy có đủ sức để tưởng tượng hư cấu ra ở Thủ Thiêm một hiện thực đầy bi thương và tội ác, thậm chí rất man rợ bên cạnh một thành phố được nhân danh là Văn Minh, Hiện Đại (Capitalized trong nguyên bản)…”
Phần kết luận nầy cho tôi thấy được hai điều: Lòng dạ nào bình yên để có thể “Viết Văn/Viết Tiểu Thuyết” trong hoàn cảnh, tình thế bão lửa từ “Đồng Phong Thạnh/Chó Ngáp/Vàm Bà Thông” đến Thủ Thiêm hôm nay sau hơn nửa thế kỷ đẫm máu và nước mắt (1960’s-2023). Và trong khoảng thời gian khởi đầu chiến tranh (thập niên 1960’s) cho đến bi/thảm kịch hiện tại (Thế Kỷ 21), sự có mặt của Người Lính VNCH/Thành phần “gọi là “Ngụy quân-Ngụy quyền” không hề được kể đến – Vậy thì Bi Kịch/Thảm Kịch VN từ đâu? Do ai? Như thế nào?
Dương Thu Hương trong một phỏng vấn đã nhận định: “HCM là người Việt Nam vĩ đại nhất Thế Kỷ 20, vĩ đại như một con người với tất cả chiều kích nông sâu, nhầm nhỡ và lầm lạc…” Bản thân hoàn toàn đồng ý với đánh giá nầy, nhưng nói vậy chưa đủ, phải nói rõ hơn: “Đó là người Việt Nam ÁC nhất Thế Kỷ 20 với Chiến Tranh Việt Nam”. Cũng bởi, thảm kịch mà Chuyện Đời-Chuyện Nghề trình bày cho thấy Thủ Thiêm nằm trong địa bàn của “thành phố HCM”, là biểu tượng tiên tiến của “bác Hồ quang vinh”.
_________
8 Tháng 8, 2023