Nhạc vàng với tôi: Khi tim tôi đã bị chiếm chỗ

Ảnh: Markus Spiske/Pexels

Tôi thuộc thế hệ 7x, cũng chẳng còn trẻ trung gì, nhưng nếu nói đến chuyện thưởng thức ca sĩ hát nhạc Việt xưa thì tôi từng bị xem là “đứa con nít” nhưng sao lại yêu những tác phẩm thời ba mẹ mình hoặc thậm chí những người lớn tuổi hơn họ.

Lịch sử oan khiên của dân tộc đã nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó có âm nhạc. Khi “bên thắng cuộc” lên ngôi, họ dốc sức triệt tiêu “văn hóa phẩm đồi trụy”. Tất cả ai lưu giữ hoặc thưởng thức những tác phẩm chan chứa tình quê hương, tình con người của nhạc sĩ, ca sĩ trình bày trước 1975, đều trở thành “tội phạm nguy hiểm”. Tôi còn nhớ khi còn bé tí hồi sau 1975, trong nhà còn giữ được hai cuộn băng cassette nhạc tiền chiến. Ba mẹ quý lắm, cất vô cùng cẩn thận. Lúc đó tôi chỉ được nhìn thấy thôi mà không biết trong đó có nhạc gì. Một cuốn màu cam và một cuốn màu xanh dương.

Ít lâu sau, ba mẹ kiếm đâu ra được cái máy cassette nhỏ xíu, hình chữ nhật như cái hộp, bên ngoài bọc lớp da màu đen có lỗ tròn lỗ chỗ. Ba mẹ mừng lắm, rón rén bỏ cuốn băng nhạc vào nghe. Mà không dám vặn to, cái thời tai mách vạch rừng, ai cũng sợ bị tố cáo. Chúng tôi quây quần lại trên giường, trùm cái mền bông lên đầu, và chụm vào nghe.

Tôi vẫn còn nhớ như in luyến láy mê hoặc của giọng hát Thái Thanh trong Khối Tình Trương Chi, Vần Thơ Sầu Rụng của Phạm Duy, Buồn Tàn Thu của Văn Cao, hay réo rắt trong trẻo song ca với Mai Hương trong Tiếng Sáo Thiên Thai. Tôi mê giọng nam vang sang trọng và đầy nội lực của Anh Ngọc với Mắt Biếc của Cung Tiến, Tình Hoài Hương của Phạm Duy, Xóm Đêm của Phạm Đình Chương hay Hình Ảnh Một Buổi Chiều của Lâm Tuyền. Tôi cũng thương giọng ca ấm êm nhẹ nhàng của Ngọc Long trong Con Thuyền Xa Bến của Lưu Bách Thụ… Chúng tôi nghe đi nghe lại đến khi hai cuộn băng nhão nhoẹt, nghe thuộc đến mức chị em tôi luôn biết trước tông của bài hát tiếp theo, và thuộc luôn tất cả những chỗ nào âm thanh bị ngắt vài nhịp vì băng quá cũ.

Ba mẹ cũng luôn hát và dạy chúng tôi nhạc xưa. Tôi nhớ những đêm cúp điện sáng trăng, trời Đà Lạt mát dịu và yên ắng, ba bắt ghế ra sân đàn và dạy chúng tôi hát nhạc xưa. Nhiều nhất là hai bài trường ca Con đường Cái QuanMẹ Việt Nam của Phạm Duy. Vừa dạy hát ba vừa giảng ý nghĩa những lời ca tuyệt đẹp. Tại sao “giọt máu rơi này, Mẹ nhận là con”, vì đâu “Chàng Trương có buồn thương khóc, rước Mẹ lên nước thiêng sẽ giải oan” …

Nhạc miền Nam trước 1975 bị cấm một thời gian khá dài. Tôi không nhớ chính xác bao lâu, nhưng tôi nhớ rõ mồn một cái cảm giác khi lần đầu được nghe bản nguyên gốc Trường Ca Con Đường Cái Quan, do Thái Thanh, Thái Hằng, Kim Tước, Duy Khánh, Nhật Trường, Trần Ngọc hát. Tôi nổi hết cả da gà. Trời ơi! Sao mà họ hát hay quá, tài tình quá, kỳ diệu quá. Rồi theo thời gian, sự cấm cản nào rồi chắc cũng tới lúc mệt mỏi. Từ từ người ta bí mật chia sẻ với nhau những lưu giữ, những lượm nhặt nhạc xưa. Từng chút một, tôi cũng gầy dựng một kho báu của riêng mình. Ngoài những ca sĩ gạo cội trong hai cuốn băng cassette của ba mẹ, kho tàng của tôi giờ có thêm Hà Thanh, Duy Trác, Sỹ Phú, Châu Hà, Mộc Lan, Kim Tước, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Lê Uyên Phương… Sau này hơn một chút thì tôi thích giọng Tuấn Ngọc.

Nhiều năm trở lại đây, nhạc Việt xưa, dòng nhạc miền Nam trước 1975, không còn là một điều lạ lẫm nữa. Nó được hát khắp nơi, từ sân khấu hải ngoại cho đến trong nước. Nhiều ca sĩ trẻ sau này đã cố thể hiện lại những giai điệu xưa theo cách của mình, với những hòa âm hiện đại. Tuy không là khán giả trung thành của Paris By Night hay các chương trình ca nhạc trong nước, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có nghe những bài hát xưa được trình bày lại.

Công bằng mà nói, tôi rất có cảm tình với nỗ lực của thế hệ ca sĩ trẻ nhưng những bài hát xưa qua cách thể hiện của họ lại không lưu lại cảm xúc gì đặc biệt trong trái tim tôi. Có lần kia, được nghe giới thiệu cô ca sĩ trẻ NT mới nổi hát nhạc Phạm Duy hay lắm, tôi háo hức tìm nghe ngay bài Cỏ Hồng. Cô nàng có chất giọng khỏe thật, nhưng tiếc thay lại quá thiên về kỹ thuật và nhấn nhá, nên bài ca cứ nặng nề sao đó. Nó không dịu dàng thướt tha như qua giọng ca Thái Thanh mà cũng không hừng hực nhục cảm qua diễn tả của Lê Uyên.

Thêm vào đó, rất nhiều bài hát xưa là tiếng kêu ai oán của chiến tranh. Trong thời bình này sẽ không ai có thể diễn tả bài Kỷ Vật Cho Em (Phạm Duy) hay Đừng Bỏ Em Một Mình (Phạm Duy) đau thương và tang tóc cho bằng Thái Thanh và Thanh Lan, khi họ ngày đêm chứng kiến sự thật trần trụi ngay trước mắt mình.

Theo nhận xét của tôi, nhiều ca sĩ thời nay hát từa tựa nhau về cách nhả giọng, nhấn nhá. Tất cả có thể đều do cùng bắt chước một “diva” nào đó nổi tiếng trước mình. Nếu như ngày xưa chỉ cần nghe vài chữ đầu tiên là bạn đã biết ngay đó là Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Thái Thanh, hay Anh Ngọc, Duy Khánh, thì bây giờ tôi không dễ dàng biết ngay được là ai, nếu không được giới thiệu tên ngay từ đầu.

Về phần hòa âm, ngày nay với kỹ thuật tiên tiến, khán thính giả được thỏa mãn với dàn âm thanh tuyệt vời bên cạnh kỹ thuật hiện đại. Nhưng tôi vẫn không tìm được cái nét sang trọng trong hòa âm của nhạc sĩ Vũ Thành, cái hào hoa của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, hay cái lả lướt rất nghệ sĩ của nhạc sĩ Văn Phụng. Vì vậy cho nên, với tôi, cái mộc, cái hồn của những ban nhạc xưa vẫn luôn mang một giá trị đặc biệt.

Để coi, vài bài xưa mới hát sau này mà tôi thích là Qua Xóm Nhỏ (Mạnh Phát) với Quang Linh, Em Lễ Chùa Này (Phạm Duy) với Khánh Linh, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi (Phạm Duy) với Quang Lê và Mai Thiên Vân… Tôi cảm thấy hơi xấu hổ vì chỉ kể ra được con số ít ỏi so với biển trời ca nhạc ngoài kia, nhưng mong các bạn ca sĩ trẻ tha lỗi. Đôi lúc tôi tự hỏi, không biết là nếu chưa từng bị ngăn cấm, bị cố xóa sổ xóa tên, thì nhạc Việt xưa qua giọng hát ca sĩ xưa có đọng lại trong tôi đậm nét đến ngần này không?

Tôi cũng không biết nữa. Dù sao thì trái tim tôi đã bị chiếm chỗ mất rồi.

Nếu anh chị có ý kiến về chủ đề này, vui lòng thư về [email protected]. Chúng tôi sẽ đăng bài viết của anh chị như một cách mở rộng diễn đàn: “NHẠC VÀNG TRONG TIM TÔI”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: