“Rề Rề” Mà “Chết Lịm”…

Share:

Khi nhận xét về một bài hát hay điệu nhạc, nếu dùng từ “rề rề” thì thường là chê nhiều hơn khen; đại loại như: “Bài chi mà rề rề, nghe thiệt mệt”, hay: “Đoạn này rề rề quá”… Thế nhưng, John Lennon có một bài rề rề lắm, rề rề đến sốt ruột, vậy mà nghe thật đã, nghe đâu thấm đó, da gà nổi lên vì rung động và giai điệu đọng lại trong trí nhanh và dễ dàng đến ngạc nhiên. Và đó là bài Oh My Love trong album Imagine, thời hậu Beatles.

 

Oh My Love như một bài thơ nhỏ nhắn, xinh xinh. Vì như một bài thơ, ý tưởng liên kết nhau một cách logic, chữ này kéo theo chữ kia, nhiều ý lập đi lập lại nên lại càng dễ nhớ, dễ thuộc. Ngôn ngữ trong Oh My Love lại cực kỳ đơn giản và giàu hình ảnh. Trái với nhiều bài hát trước đây của cặp John và Paul của thời Beatles, có khi lời ca phức tạp và rối rắm với những kết hợp từ ngữ nghịch ngợm rất kỳ khôi, kiểu như các nhà thơ, nhà văn hay cắc cớ đúc (coin) ra từ mới vậy. Thời hậu Beatles, John bỗng nhiên có nhiều bài đơn giản đến bất ngờ, từ giai điệu cho đến lời ca. Có người bảo do ảnh hưởng của vợ là Yoko Ono, một nghệ sĩ tiên phong (avant-garde) chuộng sự tối giản (minimalism).

Đó là nói về lời ca. Còn về giai điệu của Oh My Love thì đích thị là rề rà, chậm rãi. Chỉ với một cây guitar (do George Harrison chơi) và một cây piano (John Lennon), giọng John vốn thô mộc, cứng cỏi, khi hát bài hát này với tông thật thấp và giai điệu nhát gừng, nghe lại càng cứng hơn. Bài hát khá đơn điệu, không có cao trào để ca sĩ khoe giọng hát, phô bày kỹ thuật, mà nhẹ lướt như hơi thở, hát mà như nói, như tâm sự. Vậy mà cuốn hút, mà lôi cuốn mới lạ. Kiểu người ta hay nói về một con người “có duyên ngầm”. Bài hát này đúng kiểu như thế, chừng mực, kín kẽ, nhưng khi đã ngấm thì ngấm rất sâu…

Oh My Love đơn giản, lại quá ngắn, nên tạo cảm giác thèm thuồng. Cái này ngẫu nhiên mà giống với ăn kiểu Huế, một chút thôi để phải ăn thêm, ăn để thưởng thức, chứ không phải ăn để chỉ mà ăn. Oh My Love cũng vậy, nó buộc người nghe phải tập trung, phải lắng nghe và nuốt lấy từng lời ca, từng hơi thở, từng nốt nhạc, chứ không phải bật máy lên để cho có không khí rồi đi làm việc khác. Mỗi khi đến bài này, hiếm khi tôi nghe một lần, mà luôn phải quay trở lại để nghe lần nữa, lần nữa.

Để thấy rằng có khi càng tối giản, lại càng đẹp. “Less is more”.

2…

Một bài khác mà tôi cho cũng thuộc nhóm “rề rề”, đó chính là Death is not the End (Chết không phải là hết) của Bob Dylan.

Death is not the End, như chính cái tựa của nó, là một lời động viên, an ủi, hay cảnh tỉnh những kẻ cô đơn, đang ở bên bờ tuyệt vọng, mất phương hướng, hay rơi vào nghịch cảnh hỗn loạn, rằng cái chết không phải là kết thúc. Vẫn còn đó: “Cây đời đang lớn lên, linh hồn sẽ bất tử và trên bầu trời đen tối và trống rỗng kia vẫn còn đó ánh sáng của sự cứu rỗi”. Lời ca của Bob Dylan, như thường lệ, luôn giàu hình ảnh và ngôn từ thì biến hoá tài tình.

 

Cũng cái giai điệu chậm chạp và “rề rề” như Oh My Love của Beatles, nhưng nếu Oh My Love là một lời thì thầm ca ngợi tình yêu thì Death is not the End lại là một tuyên ngôn về sự sống và cái chết. Lối diễn đạt nhát gừng, khật khưỡng, nghe có phần uể oải của Bob như thể gợi nhắc tiếng bước chân thất thểu, nặng như chì, hay tiếng thở dài của kẻ tuyệt vọng, muốn tìm đến cái chết. Bob Dylan hát mà như nói, như thủ thỉ, khuyên răn. Câu hát “Death is not the End” được nhắc đi nhắc lại trong bài một cách có chủ đích sau mỗi nghịch cảnh, như một lời khuyên nhủ, tâm sự, sẻ chia, khi thì nhẹ nhàng thuyết phục, có khi lại mạnh mẽ, dứt khoát như một mệnh lệnh.

Chiếm gần hết bài hát là giai điệu khá đơn giản, lập đi lập lại nghe có vẻ nhàm chán, đôi khi gây ngột thở vì những hình ảnh dồn dập nối tiếp nhau. Vậy mà lôi cuốn người nghe mãnh liệt. Lối hát thì thào buộc người nghe không thể xao nhãng, mà phải chú tâm lắng nghe. Tiếng hát bật ra, được tiết chế thành tiếng thì thầm như thể sợ rằng âm thanh lớn và mạnh sẽ kích động mà dồn đẩy người ta rơi vào những hành động không kiểm soát được. Chỉ duy nhất đoạn cao trào đầy lạc quan được Bob Dyan vẽ lên một cách mạnh mẽ và dứt khoát như tia sáng, dù là cuối đường hầm, vẫn chói lọi đầy đức tin. Nó cho người ta niềm hy vọng để thoát ra khỏi những suy nghĩ đen tối đang xâm chiếm cõi lòng vào những phút giây tận cùng của tuyệt vọng:

Oh, the tree of life is growing

Where the spirit never dies

And the bright light of salvation shines

In dark and empty skies

Rồi rất nhanh, nó quay trở lại với lời an ủi, vỗ về, mơn trớn. Bài hát có cách gieo vần của một bài thơ, đặc biệt ở các âm tiết cuối. Mở đầu bằng tiếng kèn harmonica thiệt thà và đơn giản, rồi kết thúc cũng vậy, cũng nhát gừng và khật khưỡng như chất giọng vốn có của Bob. Nhưng nó lại thấm rất nhanh để rồi đọng lại trong người nghe ngay sau lần nghe đầu tiên câu nói: “Remember Death is not the End”. Bob Dylan đã rất khéo léo khi để cho dàn vocal phụ hoạ lồng ghép vào chữ “No” để ăn nhập với câu chủ đề “Death is not the End” như một khẳng định nhẹ nhàng mà dứt khoát, rằng: “Không, chết không phải là hết”. Bài hát, như một liệu pháp tâm lý, có thể chữa lành vết thương lòng của con người trong những phút giây tuyệt vọng, muốn buông xuôi. Và cuối cùng, cái kết làm tôi liên tưởng đến Hey Jude của Beatles, một cái kết mà không-bao-giờ-kết-thúc, khiến người hát có thể hát mãi, hát mãi, hát mãi, như những đợt sóng nối đuôi nhau vỗ bờ bất tận…

Cái tin thoạt nghe có vẻ trái khoáy rằng giải Nobel văn chương 2016 được trao cho Bob Dylan, vốn ai cũng biết là một ca-nhạc sĩ. Không, Uỷ ban xét chọn giải Nobel không nhầm đâu, họ muốn một lần nữa khẳng định mối lương duyên giữa âm nhạc và thi ca mà bài hát này là một ví dụ: ca từ tự nó cũng là một bài thơ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: