Ngày thứ năm của Sài Gòn bị phong thành! Và số ca dương tính ở đô thị lớn nhất nước liên tục tăng mức bốn con số. Đợt dịch bệnh coronavirus lần thứ tư không có dấu hiệu thuyên giảm, đang trở thành nỗi ám ảnh rằng Sài Gòn có nguy cơ sẽ rơi vào khủng hoảng thành phố ma như Vũ Hán đầu năm 2020, hay các lò thiêu xác bệnh nhân tử nạn như Ấn Độ.
Sợ hãi! Các thế hệ cư dân Sài Gòn sau biến cố 30 Tháng Tư, chứng kiến người Sài Gòn sợ hãi! Không ai có kinh nghiệm về nạn đại dịch để so sánh về tầm mức sợ hãi của mình, cộng đồng mình. Đa phần từng người, từng nhà, từng hẻm phố, chỉ chung một cảm giác cả không gian đô thị với hơn 10 triệu dân cư, nay trở nên hoang vắng, trống hoác, lạnh tanh giữa mùa hè, để cho sóng thần hắc ám của dịch bệnh và từ thông tin về dịch bệnh nhận chìm, ăn mòn, hủy hoại tinh thần và thể xác con người.
Nhưng người dân đâu biết phải làm gì ngoài cam chịu. Rồi như quy luật họa vô đơn chí, lập tức hiện trạng mất việc, hết tiền tiết kiệm, đưa đến chuyện thiếu đói hiện ra với sức bức hại không thua gì đại dịch, bởi ngay trong những ngày phong tỏa theo Chỉ thị 16 của chế độ, những ngày phong tỏa mà hầu hết người dân đều biết khó có thể kết thúc sau 15 ngày như chế độ tuyên truyền.
Ai từng sống ở Sài Gòn hẳn không thể tưởng tượng ra cảnh Sài Gòn không có chợ. Sự hoảng sợ của cả hệ thống cầm quyền đã khiến cấm hết mọi loại chợ. Mệnh lệnh cực đoan này ngay cả trong 20 năm chiến tranh Việt Nam cũng chưa từng xảy ra. Việc mớ rau, con cá, cân thịt… tăng giá phi mã, vét cạn túi tiền người lao động đã không thảm thương cho bằng việc từng người dân phải sống trong cảnh lén lút, săn tìm thực phẩm, đưa, nhận thực phẩm.
Như tôi, người viết bài này, đi nhận mớ rau mà nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ. Người nhạc sĩ ấy không biết tìm đâu ra được mớ rau xanh, anh nhắn tin qua messenger, rằng sẽ nhờ shipper chuyển cho tôi, khi được tin, tôi đứng chờ dưới chân cầu thang chúng cư, trước mặt tôi là hàng dây căng ngang cấm người ra, vào. Người shipper đến, anh ấy và tôi ra dấu đồng thuận để gói hàng ra xa hai người, rồi tôi lớn tiếng xác nhận tên chủ mớ rau. Người shipper lấy di động chụp ảnh mớ rau, xong chạy đi, chờ anh ta đi khuất, tôi vén lằn dây cấm, khom người đi lấy.
Tôi ôm lên nhà, trước khi vô nhà phải dùng dung dịch sát khuẩn xịt quanh cái bao ni-long rau, xịt lên tay, lên cả quần áo, rồi mới dám bước vô nhà, mở bao đựng rau ra, chỉ là vài bó rau cải ngọt, cải xanh trước giờ là loại rẻ tiền muốn mua lúc nào cũng có, nhưng giờ đây, đó là thứ thực phẩm tươi quý giá để dành ăn trong những ngày bị lệnh phong tòa như nhốt tù. Chính mớ rau ít ỏi này khiến người ta phải thêm lo lắng, biết lấy gì ăn nữa đây, khi hệ thống chống dịch tiếp tục khóa cửa người dân thêm những tuần phong tỏa nữa. Ai đã từng ở Sài Gòn mà sống qua cảnh này chưa!
Việc từ các trang mạng facebook của người Sài Gòn hiệp lực trợ giúp, thực phẩm, hộp cơm cho người thiếu đói, mất việc, cơ nhỡ trong lúc phong thành là đáng trân trọng, và đó là văn minh-nhân văn tinh hoa gốc cội của đô thị này.
Nhưng nếu tường tận thì hẳn là tự biết, các nghĩa cử cộng đồng đó, chỉ là điềm sáng an ủi, bởi vì với dân số 10 triệu người, trong đó hàng triệu người chỉ bám giữ được mức sống đủ ăn hàng ngày nếu họ được tự do kiếm sống. Vậy thì, cấm mua bán, cấm ve chai, cấm vé số, cấm hàng loạt các dịch vụ thông thường, thì cảnh các đường phố hoang vắng không người khác gì tường rào, thép gai của một nhà tù lớn; vậy thì các tù nhân vì dịch bệnh ở Sài Gòn đó ai thăm nuôi, nguồn thực phẩm nào giúp họ giữ được sức khỏe, hết tiền, và chết đói.
Vài người bà con, bạn bè kể qua mạng xã hội việc các chính phủ ở Mỹ, châu Âu và thậm chí ở vài quốc gia đang phát triển láng giềng với Việt Nam, trong thời gian chính phủ các nước đó ra lệnh lockdown, họ xuất quỹ an sinh xã hội cho từng người, từng gia đình để bảo đảm nhu cầu sinh sống cần thiết cho người dân. Vậy người lao động nghèo, dân cơ nhỡ ở Sài Gòn thì được gì? Tất nhiên là có; hệ thống tuyên truyền cho biết là chính quyền hứa xét duyệt cho mỗi trường hợp gần hai triệu đồng.
Ai từng sống ở Sài Gòn đều biết mức thu nhập thấp nhất của dân kiếm sống với hàng trăm nghề từ đường phố, mua gánh bán bưng, phụ hồ… thì số tiền cứu trợ từ chính quyền – nếu có – chỉ để khỏi chết đói khi bị lệnh ngừng việc, phải ở nhà, không có việc tối cần thiết thì không được ra đường.
Hàng trăm ngàn người dân nghèo khổ khi nhận số tiền đó, có người ắt phải rơi nước mắt. Rơi nước mắt vì lẽ gì? Người Sài Gòn sẽ không quên văn hóa cất tiếng cảm ơn, nhưng hẳn cũng rơi nước mắt chua xót, đắng cay, cảm thương thân phận công dân cả đời làm việc đóng thuế, nay trong nghịch cảnh phải nhận đồng tiền như bố thí từ chính tiền thuế của mình.
Hôm qua, một người mẹ có ba đứa con tuổi học tiểu học, đang tạm trú ở quận Tân Phú. Cô điện thoại hỏi tôi: “Cháu bán đồ ăn sáng, nay họ không cho bán nữa, ông chồng thì trong cảnh bán thất nghiệp, cháu tính đưa các con về quê ở Long Khánh, không biết đi được không chú, mà làm cách nào đi được, xe khách không chạy, đi xe máy thì phải có giấy thông hành, xét nghiệm…?”
Tôi không biết phải trả lời cô ra sao, dù là góp ý có tính an ủi. Đúng là tôi cũng thật sự không biết có cách nào.
Con người trong chiến tranh hay dịch bệnh, việc bùng phát sợ hãi là do bị ám bởi cái chết. Nhưng trong chiến tranh dù không chắc sẽ thoát bom rơi, đạn lạc nhưng người vô tội vẫn còn con đường là chạy giặc với hy vọng sinh tồn. Với dịch bệnh như hiện nay, lúc này người thành phố này không thể chạy đi đâu được. Đó là chưa nói tới việc người càng có ý thức thì không thể đem đến nguy cơ lây nhiễm virus cho người và nơi mình đến.
Mỗi sáng, người hàng xóm là tài xế xe bus, anh thức giấc trước tôi; việc lệnh ngừng các chuyến xe công cộng khiến anh hàng xóm tài xế dư thời gian chờ nhà lối xóm mở cửa mà bày tỏ nỗi sợ. Suốt các ngày giãn cách, anh luôn lặp đi lặp lại với quanh quẩn vài người, câu: “Chết rồi, mới sáng mà thành phố mình có thêm cả trăm ca, thành phố mình chết rồi, tiêu rồi”.
Bạn tôi, nhà văn Mai Sơn, anh ngoài tuổi sáu lăm. Cái tuổi mà ở nhiều nước trên thế giới là tuổi dễ tổn thương trước dịch coronavirus và được ưu tiên chích ngừa, nhưng ở Sài Gòn tại thời điểm này, đối tượng ưu tiên chích ngừa thuộc về hệ thống phòng chống dịch, cán bộ điều hành bộ máy cai trị và công nhân sản xuất cho mục đích vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế cho chế độ. Hiện ông bạn nhà văn của tôi đang sống cô độc trong một chúng cư bị phong tỏa nghiêm ngặt vì có người bệnh thuộc ổ dịch ở quận 3. Hàng ngày anh chỉ biết nhắn tin với bạn bè qua facebook, những tin nhắn của anh trong tình cảnh mà ai từng sống ở Sài Gòn, dù có trí siêu tưởng tượng cũng không thể hình dung, từ trung tâm đô thị phồn hoa năng động nhất cả nước lại có những mẫu tin nhắn nhằm trò chuyện để không sớm tê liệt ý chí sinh tồn của một trí thức, tin nhắn hiện ra trong thế giới ảo như tiếng kêu từ vực thẳm tù đọng vô vọng.
Thành phố hơn 10 triệu dân đang từng giây, từng phút phóng thích sợ hãi. Cái khối lượng sợ hãi đặc quánh như bùn đen từ địa ngục đó đang dâng lên. Quả đó là khối lượng đè bẹp, bóp nghẹt lên từng sợi dây thần kinh và mạch máu con người.
Ai đang sống ở Sài Gòn lúc này, nếu là người trung thực sẽ thấy bất lực trước lẽ sinh tồn ngày mai; như hệ thống phòng chống dịch đang bất lực, buông xuôi, thì lại càng muốn kiểm soát khắc nghiệt những dân lành đang hốt hoảng trong cơn khủng hoảng vì đại dịch chưa từng có trong lịch sử.