Bình an chính là món quà Giáng Sinh

Share:
Minh họa: myriam-zilles-unsplash

Đối với tôi, âm nhạc hay nhất là những bài hát về Giáng Sinh. Những câu chuyện hay nhất cũng dính dáng đến Giáng Sinh và mùa đẹp nhất trong năm là Tháng Mười Hai, tháng có ngày lễ Giáng Sinh.

Ngày còn trẻ, tôi thường háo hức chờ mong ngày lễ Giáng Sinh và dù gia đình tôi chưa bao giờ có lệ tặng quà cho nhau ngày Giáng Sinh, tối 24 Tháng Mười Hai vẫn được chị em chúng tôi mong chờ nhất. Sau Tháng Tư 1975 và cho đến thập niên 1990, bữa tối đêm 24 Tháng Mười Hai ở nhà cha mẹ tôi luôn là đặc biệt nhất, là ngon nhất.

Món ăn lặp đi lặp lại bao nhiêu mùa Giáng Sinh ở nhà cha mẹ tôi là món cà ri gà ăn với bánh mì, món độc nhất đó không làm chúng tôi ngán, dù có năm, con gà trước khi vào nồi đã được mẹ tôi tận dụng lấy trứng nhiều đợt nên trở thành “gà mái già”, khi làm món cà ri thì thịt… dai ơi là dai. Cái thời cả miền Nam và Sài Gòn đói ăn, một năm chỉ được ăn thịt gà vào ngày lễ Giáng Sinh và dịp Tết, thì cái món gà hầm dù có dai, vẫn hết sạch với bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nhà tôi.

Rồi đến khi tôi lập gia đình riêng, đêm Giáng Sinh 24 Tháng Mười Hai, tôi vẫn tụ tập ở nhà cha mẹ. Giáng Sinh đối với người Công giáo Việt Nam còn thiêng liêng hơn cả Tết Nguyên đán. Thế mà như một định mệnh, tôi nếm trải đêm Giáng Sinh buồn thảm đầu tiên vào năm 2006 và vài năm sau đó, đến mức nhiều năm sau tôi không còn tâm trạng chờ mong ngày lễ đó như trước.

Hơn 10 năm trước, cứ gần đến ngày lễ, những ngày buồn thảm của Giáng Sinh 2006-2007-2008 – 2009 cứ tua lại trong đầu tôi như những thước phim quay chậm.

Minh họa: tim-mossholder-unsplash

 

1.

Đúng vào đêm 24 Tháng Mười Hai 2006, tôi ở trong một bệnh viện tại Singapore cùng với con trai út và lo lắng chờ đợi chai hóa chất nhỏ xuống những giọt cuối cùng để mẹ con tôi có thể trở về phòng trọ. Năm đó, con trai út của tôi chỉ hơn 3 tuổi, cháu rất thông minh, năng động và nhạy cảm, thế mà không thể đi được nữa vì khối u ung thư từ thận tái phát vào xương.

Đó là đợt truyền hóa chất lần thứ nhất vào người cháu kể từ khi mẹ con tôi đến Singapore vào giữa Tháng Mười Hai, khi các bác sĩ ở Sài Gòn cho biết họ bất lực trước căn bệnh của cháu và không thể làm gì được nữa.

Sau nửa năm chữa trị cho cháu ở Sài Gòn, với hai lần mổ, nhiều lần hóa trị và xạ trị, tôi những tưởng con của mình sẽ khỏe lại, cho đến khi bẹn của cháu xuất hiện hạch mới và kết quả sinh thiết cho biết tế bào ung thư từ thận đã chạy vào xương, khiến cháu không thể đi được nữa.

Ngày 24 Tháng Mười Hai có rất nhiều đoàn từ thiện của Singapore vào khoa ung thư nhi để tặng quà. Nhìn con trai nhận những túi quà của ông già Noel mà tôi ngậm ngùi. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng những túi quà Noel lại đến với con theo cách này.

Gần nửa đêm, khi y tá rút đường truyền hóa chất khỏi người con trai, mẹ con tôi vội vã đón xe taxi trở về phòng trọ ở gần công viên Botanic. Khi xe chạy ngang qua phố Orchard lộng lẫy giàn đèn chào đón Giáng Sinh, tôi nhắm mắt lại, ôm chặt con trai đang say ngủ vào lòng, chỉ cầu mong những ngày sắp tới, con trai không bị hành sốt lên sốt xuống vì thiếu máu hay thiếu tiểu cầu…

Minh họa: kelly-sikkema-unsplash

2.

Đêm 24 Tháng Mười Hai 2007 là Giáng Sinh cuối cùng của hai mẹ con ở nhà cha mẹ tôi. Sau một năm chữa trị ở Singapore, con trai tôi có vẻ khỏe hơn và đêm đó ở nhà ông bà ngoại, con trai tôi đã vui chơi hết mình, lấn lướt hết các em họ lớn tuổi hơn, như chưa bao giờ từng được chơi. Đêm đó tôi cũng chụp những tấm ảnh cuối cùng của đứa con bé bỏng mà không hề biết.

Rạng sáng ngày 25 Tháng Mười Hai, những cơn đau quặn trong bụng xuất hiện trở lại dữ dội hơn và con trai tôi bắt đầu mớ sảng và khóc thét. Hành trình khốn khổ ra vào bệnh viện của mẹ con tôi quay trở lại, cho đến giữa Tháng Hai 2008 thì cháu ngủ yên mãi mãi.

3.

Giáng Sinh 2008. Mẹ tôi xuất ngoại chuyến đầu tiên qua Singapore với hai con trai cưng của bà. Tiếc rằng chuyến đi đó là để sinh thiết khối u trong phổi, với kết quả… là ung thư phổi giai đoạn 3. Khi được bác sĩ tư vấn là mẹ tôi phải phẫu thuật lấy khối u và sau đó là hóa trị, hai em trai đã bàn tính với tôi và chúng tôi quyết định đem mẹ về Sài Gòn, không chữa trị và cũng không cho mẹ biết, vì bà rất sợ căn bệnh này.

Năm đó mẹ tôi chỉ hơn 60 tuổi, bà vẫn còn đẹp lắm. Đêm Giáng Sinh năm đó, chúng tôi vẫn tụ tập ở nhà mẹ, giả bộ vui dù trong lòng buồn thảm. Nhìn mẹ tôi vui mừng vì kết quả là “khối u lành”, tôi phải quay mặt đi không dám nhìn lâu vào mắt bà. Cha tôi cũng vui mừng với kết quả đó, vì chứng kiến cháu ngoại vật vã với căn bệnh này trong hai năm, ông cũng sợ hãi, nên chúng tôi cũng không dám cho ông biết.

Sau đó, chị em chúng tôi lên kế hoạch cho mẹ đi chơi, bất kỳ nơi đâu bà muốn đi. Gần cuối năm 2008, mẹ tôi phải ra vào bệnh viện nhiều lần vì xuất hiện những cơn đau từ bên trong. Chúng tôi đã đưa mẹ đi điều trị giảm nhẹ ở một bệnh viện tư nhân có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chu đáo và tiện nghi như trong một kỳ nghỉ dưỡng. Mỗi lần vào bệnh viện với bà, tôi thường lảng tránh mỗi khi mẹ hỏi: “Mẹ bị bệnh gì vậy? Bệnh này có hết không?”.

4.

Đêm Giáng Sinh 2009, mẹ tôi phải nhập viện cấp cứu và bà phải nằm ở đó gần một tháng sau. Năm đó, nhà tôi không có đêm Giáng Sinh.

Gần cuối Tháng Giêng 2010, khi em trai vừa đưa bà về đến nhà một lúc thì bà qua đời, vẻ mặt điềm nhiên như đang ngủ. Trong nhà, bà là người “gặp lại” đứa cháu ngoại cưng sớm nhất, tôi an ủi chính mình, khi cùng cha và các em lo đám tang cho mẹ.

Tôi chỉ không ngờ rằng, từ năm 2009 cho đến tận bây giờ, ngôi nhà của cha mẹ tôi không còn không khí rộn ràng chờ đợi đêm Giáng Sinh như trước nữa.

Hóa ra, mẹ tôi chính là linh hồn của ngôi nhà. Khi bà ra đi, cha tôi ủ rũ dần, ngày càng nhận ra sự mất mát không thể bù đắp của bà. Cho dù năm nào cha tôi cũng cố gắng làm hang đá Giáng Sinh ở một góc trong nhà, tôi và các em hiếm khi tụ họp đầy đủ vào đêm Chúa giáng trần như trước. Thay vào đó, chúng tôi tụ họp đầy đủ ở nhà ông vào ngày giỗ của mẹ tôi, thường rơi vào Tháng Giêng hằng năm, trước khi Tết Nguyên đán gõ cửa.

Minh họa: robert-thiemann-unsplash

5.

Mười sáu năm trôi qua kể từ lễ Giáng Sinh cuối cùng của con tôi và 14 năm trôi qua kể từ lễ Giáng Sinh cuối cùng của mẹ tôi, tôi chỉ cầu xin bình an như một món quà của Chúa.

Không có món quà nào trên thế gian đáng giá hơn thế. Khi tôi ngắm nhìn những kiểu trang trí Giáng Sinh trên đường và trong nhà nhiều bằng hữu… – người không theo đạo Công giáo có xu hướng trang trí Giáng Sinh ngày càng phổ biến, tôi cầu mong cho sự bình an hiện diện ở đó.

Thay vì vật vã buồn đau với ký ức, tôi chọn cách chia sẻ nỗi đau cùng với những gia đình có bệnh nhân ung thư vào mỗi dịp Giáng Sinh và thấy lòng mình vơi nhẹ đi rất nhiều. Giờ thì ung thư đã thành phổ biến, không còn là căn bệnh hiếm, nhưng nỗi đau có thân nhân (nhất là con cái) bị ung thư luôn xói mòn và hủy hoại hạnh phúc của nhiều gia đình.

Được lắng nghe, được chia sẻ với bất kỳ ai về căn bệnh ung thư là một phương thuốc nhiệm màu có thể vực dậy tinh thần của những người trong cuộc, khi họ đang trên hành trình chữa trị cho chính mình hoặc cho con cái của họ.

Khi tìm được chỗ đứng bên cạnh những gia đình có bệnh nhân ung thư, cũng là lúc tôi tự chữa lành cho chính mình, để đủ sức bước tiếp đoạn đường còn lại.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới đất cho người thiện tâm”…

Gia đình bình an và không có ai bị bệnh, đó chính thật đã là món quà Giáng Sinh vô giá.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Em phải sống
Cắm xong ba nén nhang, tôi liếc nhìn bức hình của anh trên bàn thờ. Đại uý Nguyễn Tường Lân trong chiếc áo trận bạc màu, mất ngày 25 Tháng…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: