Truyện ngắn: Ca dao

(Hình minh họa: Christine Sandu/Unsplash)

Nhờ vài sự kiện ngẫu nhiên, chị và nàng trở thành đôi bạn. Cả hai ở chung thành phố gần mười năm trời, mà mãi đến giờ mới chạm mặt.

Có lẽ muốn bù đắp cho thời gian dài hụt nhau, chị và nàng thân thiết ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Hai đứa ngồi nói bao nhiêu là chuyện, tưởng như đã quen tự xửa, tự xưa. Rù rì chuyện trò, chị và nàng nhận ra hai đứa có nhiều mẫu số chung đó đây trong những góc nhìn cuộc đời. Nàng cũng nghĩ như chị, sự mong đợi trong quan hệ tình cảm của người nữ và người nam khác biệt rất nhiều.

Chị đã đến gần, thật gần một mối tình. Sợi dây nối giữa chị và người ấy là những điện thư nhiều trang và những cuộc điện đàm hàng tiếng đồng hồ. Tình cảm hai người khắng khít thật nhanh trong giai đoạn người-tình-không-chân-dung. Nàng tưởng tượng được sự hồi hộp của chị, khi nhận được điện thư có kèm tấm hình của người ấy. Lúc trên màn ảnh hiện lên hình người ấy, chị đã tắt vội máy trong giây phút hốt hoảng, hụt hẫng.

Không phải vì người ấy giống “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” hay “Trương Chi”. Nhưng những lá thư và những cuộc điện đàm đã vẽ trong trí chị một nhân dạng khác. Trấn tĩnh lại, chị dần dà tìm được những đại đồng, tiểu dị giữa văn và người của người ấy. Chị hân hoan trong mơ mộng của một hạnh ngộ. Với những sắp xếp mang vẻ tình cờ mà lãng mạn, người trong mộng đến với chị. Điều kiện khách quan, chủ quan hết thảy đều thuận lợi.

Cuộc sống hình như sắp tròn trịa, gặp nhau đôi tâm hồn được nghỉ ngơi. Nhưng mọi việc diễn tiến khác với dự tưởng của chị, của người ấy. Cả hai cùng choáng váng, cùng mất thăng bằng. Chị xuống tinh thần dữ dội. Người ấy vẫn giữ liên lạc với chị. Nhưng những tờ giấy đầy chữ không thể gọi là thư mà là những bài báo cáo khô như ngói. “Anh đang đi làm ở tỉnh X. Anh sắp sửa đi dự hội nghị ở tỉnh Y”. Chị tiếc, chị nhớ những lá thư đầu Ngô, mình Sở, chêm vào đôi câu ca dao ngất ngơ. “Thương em chẳng dám vô nhà/ Đi ngang qua ngõ hỏi: ‘gà bán không?’” Những lá thư mở đầu với những danh từ ngọt ngào của nhiều ngôn ngữ Cưng, Schatz, Honey, Chérie…

Chị ngưng câu chuyện. Cả hai ngồi lặng yên một lúc, quan sát nhân gian rộn rịp giữa phố. Nàng quay qua chị:

-Sự khác biệt vẫn muôn đời còn đó. Người nữ lý tưởng hóa mối quan hệ thành một tình yêu. Người nam cụ thể mong đợi một người yêu.

Chị mỉm cười, gật nhẹ đầu:

-Bạn bè chọc mình nhà quê, lỗi thời. Tụi nó vẫn không tin được giữa mình và người ấy không có gì. Mà có lẽ tại vậy, cho nên người ấy bây giờ chỉ viết tường thuật chứ không viết thư nữa.

Nàng nói thầm, chị ơi, tụi mình lập “hội nhà quê yêu người” đi. Điều kiện nhập hội là tuổi đời mênh mông, nhiều mơ mộng, yêu người trong điều kiện “thượng tầng cơ sở” với thơ, văn, nhạc, với những điều mơ hồ, lửng lơ con cá vàng. Chứ không mặn mà với “hạ tầng cơ sở” có chăn gối mùng mền rầy rà.

Trở về, sau giờ nghỉ trưa khá dài và bao mẫu chuyện lan man, chuyện chị, chuyện nàng. Đầu óc nàng vẫn còn ngập những ấn tượng, ý tưởng của buổi gặp gỡ. Chàng lặng yên, sau khi lặp lại câu hỏi ba lần mà nàng dường như vẫn chưa hiểu. Nàng hỏi:

-Sao ai không kể chuyện chi vui vui hè?

Chàng mát mẻ:

-Đâu có gì vui để kể. Mà có kể, chẳng ai hiểu. Người thì đó, mà hồn đâu mất tiêu.

-Coi bộ làm cao, làm khó dữ.

-Ừ, thì vậy. Chứ làm thấp, làm dễ, người ta chẳng để ý tới mình.

Nàng dọ dẫm:

-Tiếc quá! Phải chi điện thoại có màn ảnh để được thấy bánh bao chiều.

-Trời ơi. Em nhớ hàng bánh bao ở gần rạp hát không? Ông già chỉ bán buổi chiều thôi. Bánh ngon dễ sợ.

Đột nhiên, giọng chàng sống động hẳn lên, quên đi vai làm nư chàng đang diễn.

-Em thích bánh da lợn, bánh ít lá gai hơn.

-Bánh bò trắng cũng ngon ghê gớm…

Vậy là hai đứa tranh nhau kể những món ăn tuyệt vời trong tưởng tượng. Chàng đề nghị, bữa nào hai đứa viết chung một cuốn sách về những món ăn trong ký ức.

Mùa xuân, nàng bị dị ứng phấn hoa. Lắm lúc, nàng nghĩ, mình bị hắt hơi liên tục tại vì ai đó thường nhắc mình. Bác sĩ cho nàng đúng thuốc. Ngày một, ngày hai, nàng hết “ách- xì”. Nàng vặn vẹo, có phải tại chàng không nhắc, cho nên nàng hết hắt hơi. Chàng nỉ non:

-Sao không! Không những anh nhắc, anh còn mơ nữa. Anh mơ có ngày gặp em. Mơ hoài, thể nào giấc mơ cũng thành sự thật, phải không?

Chàng hát nhỏ: “Một lần nào cho tôi gặp lại em…”

Nàng ngúng nguẩy:

-Đã gặp-đi bao giờ đâu mà anh đòi gặp-lại.

Nàng đằng hắng:

-À, cô ca sĩ ruột của anh, cô ngang xương đổi cách xưng hô trong bài hát. Nhạc sĩ mà biết đứa con tinh thần của ông bị hành hạ như vậy, chắc phải khóc thét.

Chàng ngạc nhiên:

-Ủa, sao em lại níu áo, mắng vốn anh.

Nàng trề môi:

-Tại anh cứ xuýt xoa khen cô ca sĩ xinh xắn, hát hay.

Chàng nói ba phải:

-Ờ, ca sĩ có lúc này, lúc khác.

Nàng chì chiết:

-Cô ca sĩ mơ Một lần nào cho em gặp lại anh. Ai đời, “anh” của cô như vầy đây: Ôi mái tóc mây bay/Giờ còn không tiếng nói thơ ngây/Giờ còn không anh có vui không/Hai má còn hồng. Nghe nổi da gà.

Chàng phì cười:

-Vậy là cô ca sĩ mơ gặp… Michael Jackson. Nè, sao em đánh trống lảng, không trả lời câu hỏi của anh vậy?

Nàng hỏi ngược chàng:

-Anh biết tại sao tháng Bẩy mưa ngâu không?

-Tại trời khóc Ngưu Lang, Chức Nữ xa nhau.

-Không phải. Ngưu Lang, Chức Nữ  cùng khóc, vì tiếc, đã lỡ gặp nhau, tình hết đẹp.

-Em đừng xuyên tạc chuyện xưa tích cũ. Mà thôi. Kệ người xưa. Em có bao giờ thích mình gặp nhau không?

-Như bây giờ là vui quá chừng.

-Em tập trả lời đơn giản. Có nói có. Không nói không. Dễ ẹc hà.

-Gặp nhau. Tình cảm giảm sút, buồn vô cùng. Nàng nói thật điều mình nghĩ.

-Sao lại giảm sút. Càng nhiều hơn chứ. Chàng nói nhanh.

-Bây nhiêu là đã chới với rồi. Rối rắm thêm, như canh hẹ, làm sao mà gỡ.

Nói chuyện lan man một hồi, chàng nàng rộn ràng kể chuyện thời đi học. Chàng huyên thuyên:

-Cô giáo ấy trẻ lắm, có lẽ lớn hơn học trò tụi anh năm, sáu tuổi là cùng. Đặc biệt, cô giáo chỉ mặc áo dài trắng hoặc đen. Nhiều lần, anh canh giờ cô rời trường, anh đi theo sau cô một quãng đường…

Nàng tưởng tượng, nếu đứng trước mặt chàng, sẽ thấy chàng đang chìm đắm người ngỡ đã xa xăm, bỗng về quá thênh thang… Nàng nói, giỡn ít, thiệt nhiều:

-Phải chi anh lớn hơn em chừng ba, bốn chục tuổi, để khi em gặp anh, anh chỉ còn lại ngăn tim cuối cùng. Cho dù là một ngăn tim nhỏ bé, tội nghiệp, nhưng là ngăn cuối…

Nàng nhắc đến thầy giáo Việt Văn, dạy hay nổi tiếng. Thầy cho đọc bài Hoa Học Trò của Xuân Diệu. Nàng sôi nổi:

-Em còn nhớ vài đoạn… Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực…

Chàng cắt ngang:

-Hồi đó em xao xuyến dữ lắm phải không?

Nàng ú ớ:

-Trời đất. Em còn con nít mới rời tiểu học. Có mấy chị lớn học ban C chăm sóc phần hồn cho ông thầy rồi.

-Vậy là em có bồi hồi. Chàng tuyên bố chắc như đinh đóng cột.

Nàng quê quê:

-Bộ anh lúc nào cũng có sẵn chồng mũ bên cạnh. Có dịp là chụp mũ người ta à.

Chàng cười cười:

-Yêu nhau chụp mũ cho nhau mà.

Tự nhiên trong tình cảm của chàng nàng có những dấu hiệu quái chiêu. Nàng kể, ông anh họ mời nàng dùng bữa ở nhà hàng hải sản, đãi cua bảy món. Ông anh đùa, cho hợp với tính tình ngang bướng của cô em. Chàng không thèm hỏi ngon dở ra sao. Chàng nghiêm giọng:

-Thôi, em đừng đi ăn với ông anh dở hơi ấy. Mai mốt gặp nhau, anh đãi em sơn hào hải vị. Em thích ăn món gì, anh nhất định tìm cho được.

Cuối thư, thay vì chúc nàng một ngày vui, chàng viết Em thì xa, mà ngày qua rất vội/Có bao giờ em hiểu nỗi đau ta. Ủa, sao đâu đó cả hai đều có cái tính kỳ cục. Nàng cười một mình: Đúng là… già không nên nết. Đã yêu không đúng lúc, mà còn bày đặt ghen không đúng chỗ.

Trong Giấc Mơ Tôi. (Tranh: Đặng Mậu Tựu)

Bên cạnh những lúc cười vui, chọc ghẹo, nàng vẫn có những khắc khoải, băn khoăn. Nàng âu lo, ngờ ngợ mình đang trót nghe theo lời u mê. Có đâu là tình cờ khi nàng nhớ câu chuyện cũ rích thời trung học. Nhỏ bạn túm tóc đuôi ngựa của nàng, cười khúc khích: “Cái ót mày ngồ ngộ. Tao là con trai, chắc tao thương mày vì cái ót”. Nàng chẳng mấy để ý đến lời bàn nhảm của nhỏ bạn, chỉ ngồi lim dim, cho bạn vọc tóc.

Giờ đây, buổi sáng sửa soạn đi làm, khi kẹp tóc, nàng đã kéo tấm kiếng sau lưng nghiêng nghiêng, để ngắm cái gáy của mình, coi thử nó ngồ ngộ ra sao. Nàng len lén nghĩ, nếu người ta thấy gáy của mình, người ta có giống con nhỏ bạn, đem lòng thương không. Nàng lắc đầu quả quyết. Không được! Không được! Đi chung với nụ cười mời gọi là tô cháo lú to tướng. Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Nàng áp dụng kế này đã bao lần. Tái tam, tái tứ, mà vẫn giậm chân tại chỗ. Ngoài ra, chưa chạy trốn được, nàng lại nhầm hướng, chạy lại phía người ta. Hôm nào đây, điện thư của chàng với cái tựa thật dài, “Từng ngày tình đau cho trái tim se thêm những mỏi mòn”, đã làm nàng ủ dột suốt ngày. “Anh tự hỏi, tại sao mình quá bận tâm về cuộc sống. Tại sao mình để những điều hời hợt bên ngoài chi phối đời mình. Dần dà, anh học được cách sống, sống trọn ngày hôm nay, cho mình. Em, lúc nào đó, em thấy mọi việc quá xa tầm tay em, em cứ bỏ đi, để còn đủ sức gánh vác những góc đời khác quan trọng hơn. Anh hiểu, rất hiểu, cuộc sống mong manh thế nào.”

Nàng hoảng sợ, tình cảm sao như xe tuột dốc, làm sao thắng lại được. Nàng vội gấp thư lại, hai tay để hờ trên bàn phím run rẩy. Người khác nhìn vào, thấy sắc diện của nàng đổi như con cắc kè. Khác một điều, con cắc kè đổi màu phù hợp với môi trường chung quanh. Còn nàng, màu áo nàng hồng thắm tươi tắn vẫn không thể làm sáng lên mặt nàng đổi thành xanh mét. Có người hỏi nàng điều gì đó, nàng lập cập: “Yes, yes”. Rồi nàng chợt tỉnh, mình có hiểu gì đâu mà nói yes, nàng lại lúng búng, “No, no”. Cô bạn đồng nghiệp bật cười:

-Sao, yes hay no đây? Trời đất ơi! Sao mặt mày chị nhợt nhạt ghê quá vậy?

Thực tại vẫn hiển hiện trước mắt. Ràng buộc cuộc sống vẫn vây quanh hai đứa. Hạnh phúc nhỏ nhoi nơi góc này, là ân sủng hiếm hoi trong cuộc sống. Nàng biết, mắt nàng đang ướt. Nước mắt của hạnh phúc chen lẫn niềm đau không bao giờ có nhau trong đời. Suốt đoạn đường dài trên xe lửa, nàng không đọc nổi một chữ trong cuốn sách mang theo. Nàng suy nghĩ lẩn thẩn rằng, khi không nói ra những tình cảm có thật đang chật kín trong tim, mình sẽ nhẹ tội hơn. Tính ra, cả hai cùng cảm, cùng nghĩ như nhau. Trong toán học, cả hai là động tử cùng chiều. Có điều, vận tốc của chàng vượt xa vận tốc của nàng. Có lần chàng nói: “Nếu anh too much, anh xin lỗi”. Nàng không đáp, mà tự nhủ: “Nếu em too slow, em xin lỗi.”

Đôi chuyện buồn đang quật ngã nàng. Ngồi co ro trong ánh đèn đêm, nàng muốn được trò chuyện với chàng. Giữa khuya, nàng mở hộp thư. “Em, anh nghe được tiếng em. Đó là lý do duy nhất giờ này vào máy viết thư cho em. Anh biết em có nỗi buồn, cho anh được san sẻ với em.”

Nàng như được nghe chàng vỗ về: “Em, em, đưa hết nỗi buồn cho anh, anh chịu cho”. Nàng mở đường link bài hát chàng gởi. … Tựa vai nhau/ Cho nhau yên vui ấm áp cuộc đời… Thuở nhỏ, nàng đã yêu vô điều kiện các ca khúc trong cuốn cassette Tình Ca Ngô Thụy Miên, mặc dầu nàng chưa hiểu, chưa thấm ý nghĩa các bài hát, ngay cả bài Tuổi Mười Ba, tuổi của nàng. Nàng tắt nhạc. Nàng không dám nghe hết bài hát, vì nàng đã thuộc lòng lời ca của tất cả bài hát trong cuốn băng này.

Nàng chợt nhớ “bất phương trình”: tình- yêu/người-yêu hôm nào đây nàng và chị bạn mằn mò tìm cách giải đáp. Hình ảnh sầu não của chị bạn khi nhắc đến hư hao trong tình cảm hiện rõ trong trí nàng. Phút chốc, nàng thấy mình cũng chông chênh, xiêu vẹo trong nỗi buồn sắp sửa đánh mất niềm yêu. Nàng vẫn mong chàng đứng xa xa bên kia hàng rào, hát hò, thơ thẩn. Bên này, nàng cuống quýt, bâng khuâng nghe tiếng chàng ầu ơ câu ca dao ngọt ngào: “Thò tay mà ngắt ngọn ngò/Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.” Bỗng nhiên, tai nàng văng vẳng câu ca dao khác, nghèn nghẹn. Nàng cúi xuống, gõ nhẹ bàn phím, những giọt nước mắt lặng lẽ nhỏ xuống bàn. Nếu nàng dùng bút mực như thuở xưa, chàng sẽ thấy câu ca dao bị nhòe nhoẹt vài chữ: “Yêu nhau mà đứng đàng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần.”

***

Trích lời trong các nhạc phẩm:

Tìm nhau, nhạc sĩ Phạm Duy

Một lần nào cho tôi gặp lại em, nhạc sĩ Vũ Thành An

Tình nhớ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Lời tình buồn, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

Niệm khúc cuối, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: