Buổi chiều hôm sau, cũng như mọi buổi chiều khi nắng hoàng hôn Đà Lạt tuôn đều trên những con đường vương vãi những cánh hoa anh đào, phượng hồng, phượng tím cùng những chiếc lá nhỏ li ti màu xanh; và ngoài phố, trong khi xe cộ dập dìu, giai nhân tài tử lao xao thả bộ mua sắm hay tụ tập ở những quán kem, quán chè, quán cà phê ngồi tán gẫu; Nhạn không có giờ học ở lớp, Nhạn ngồi nhà học bài làm tính vì đó là năm thi.
Cuộc thi Tú Tài phần một sắp tới tuy chưa quan trọng như Tú Tài phần hai, nhưng đối với Nhạn, đó là cánh cửa mở đường cho nàng chuẩn bị chuyển mình bước vào giai đoạn mới của một cô sinh viên tương lai, Nhạn không thể lơ mơ coi thường được. Vốn quý sự học và ham học, Nhạn say sưa không biết mệt lo thanh toán tất cả những bài vở ở lớp mà thầy cô giao phó, rồi thừa thắng, nàng giải quyết chuẩn bị luôn những bài tập sắp tới.
Tuy Dung và Nhạn học chung một lớp và dù Nhạn phận em, song Nhạn càng chăm chỉ học hành bao nhiêu Dung càng lười biếng bấy nhiêu. Dung không muốn học, chỉ thích đi chơi, ưa la cà đến nhà bạn bè, tổ chức nhảy đầm hay các cuộc picnic. Thỉnh thoảng lắm Nhạn mới tham dự vào các buổi của Dung. Nay ông Hải muốn làm mai cho Dung vì thấy Dung là chị lớn. Phần nữa, quan niệm của ông Hải, con gái không cần học nhiều, chỉ cần “công, dung, ngôn, hạnh” biết vài ba chữ làm vốn là đủ rồi, học cho lắm, bằng cho cao cũng cất tủ hoặc treo xó bếp, rồi xắn tay áo nấu cơm hầu chồng, con mà thôi.
Điều cần thiết quan trọng nhất đối với ông, Dung là con của ông bà Trí, bạn ông, ông muốn kết thông gia để thắt chặt tình thân, hơn nữa thời gian đi lại, ông thấy Dung cũng dễ thương không đến nỗi nào.
Còn Nhạn, Nhạn nghĩ, chị Dung không thích học hành, chị Dung nên lấy chồng là đúng. Nhưng…!
Chiều hôm nay khi Nhạn ngồi vào bàn học cố hữu của mình, đang say sưa với những bài đại số, những hình học không gian, thì bà Trí nhè nhẹ bước đến vỗ vai nàng:
-Nhạn này!
Nhạn ngước mắt lên nhìn:
-Gì mẹ?
Bà Trí thong thả nói:
-Thằng Khải nó bảo, nó không hỏi con Dung mà nó muốn hỏi… con Nhạn!
-Cái gì?
Nhạn sững sốt kêu lên, xoay người nhìn mẹ, đôi mắt tròn xoe, chỉ kịp kêu hai tiếng “trời đất!” rồi bủn rủn cả chân tay, tưởng như trời đang sụp. Mặt nàng đỏ bừng. Nàng không hiểu tâm trạng mình ra sao nữa.
-Eo ơi! Con mà lấy chồng!?
Bà Trí nhỏ nhẹ:
-Thì cũng được chứ sao. Con cũng đã 17 tuổi rồi.
Nhạn ngẩn người:
-Con tưởng chị Dung lấy chồng mới phải.
-Nhưng họ không hỏi chị Dung.
-Nếu như vậy thì thôi, chứ con còn đi học.
-Họ biết vậy nên nói, cứ ăn hỏi rồi để đó, đợi con học thêm ba, bốn năm tốt nghiệp đại học xong thì cưới.
Nhạn thừ người, chấn động cả tim gan. Nàng tưởng như mình đang lên cơn sốt:
-Thôi mẹ từ chối đi, con chỉ thích học hành, chưa nghĩ đến chuyện yêu đương hay bận rộn việc chồng con trong lúc này.
-Nhưng mẹ đã nhận lời.
Nhạn hậm hực:
-Mẹ nhận lời thì mẹ, thì mẹ… lấy!
Bà Trí bỗng phát cáu :
-Lấy cái, cái… tiên sư mày! Chứa con gái trong nhà như chứa trái mìn chưa nổ! Cút!
Thế là từ đấy “chiến tranh” nổ bùng ra khi cái tin “tréo cẳng ngỗng” được lan rộng trong nhà. Minh là người khoái nhất, được dịp trả đũa về cái cú đau điếng của Dung. Nó nhìn Dung và chọc:
-Đấy chị Dung thấy chưa? Em biết ngay mà, cái cú hôm qua đó là điềm… bất tường, cực xấu cho chị đấy!
Rồi quay sang nịnh Nhạn:
-Này chị Nhạn ơi! Vậy số quà hôm qua bây giờ là của chị, chị nhớ dành phần cho em hộp bánh nhá.
Nhạn gắt:
-Mày có im đi không? Tao đang điên đầu đây này. Muốn bánh bung gì cứ tha hồ mà… nốc!
Và bữa cơm tối đó, cả Nhạn và Dung mặt ai nấy buồn hiu, nhai cơm như nhai sạn. Mỗi người một nỗi buồn riêng. Nhạn thì bị ép duyên, còn Dung thì tự ái bị xúc phạm. Không khí trong gia đình trở nên nặng nề, ngột ngạt. Thằng Minh xưa nay hay nói nhiều cũng không còn hứng thú để chọc phá mọi người, chỉ cắm đầu vào ăn. Ông Trí lẳng lặng và cơm, được chừng nửa bữa cơm, ông mới thong thả cất tiếng:
-Người ta đã có lòng, lặn lội từ Sài Gòn lên Đà Lạt, lại con nhà gia đình nề nếp, chả nhẽ mình từ chối sao?
Nhạn buồn bã đáp:
-Nhưng con còn đi học, con đã biết yêu đâu?
Họ hỏi rồi để đấy, đã cưới đâu mà vội. Còn tình yêu, nó sẽ đến sau hôn nhân.
Nhạn cãi:
-Sau hôn nhân mà tình yêu không đến chả lẽ vợ chồng lại bỏ nhau?
Bà Trí vội chen vào:
-Sao lại không đến? Trước kia bố mẹ có biết nhau trước ngày cưới đâu? Vậy mà khi thành gia thất, vợ chồng vẫn hoà thuận…
Nhạn lắc đầu:
-Mẹ ơi, sự hòa thuận của bố mẹ chẳng qua là một thói quen thành nếp của những phụ nữ xưa biết nhẫn nhục chấp nhận và an phận chấp nhận để mong gia đình êm ấm. Thời nay không còn như thế nữa. Những suy nghĩ của chúng con đều đổi khác. Riêng con, con chưa biết tính nết anh Khải ra sao. Dù anh ấy thuộc gia đình nề nếp nhưng chưa chắc anh đã theo vào khuôn khổ. Thời buổi này mà bố mẹ làm như thời xưa ấy.
Bà Trí gắt nhẹ:
-Con bé này ương ngạch, gàn dở. Cha mẹ đặt đâu lại không chịu ngồi đấy.
Nhạn bướng bỉnh:
-Ngồi không đúng chỗ, đúng lúc thì làm sao “ngồi” được hở mẹ?!
Ông Trí nghe tới đây, tức giận quát:
-Thế là hỏng. Cho con ăn học, con văn minh không cần bố mẹ nữa phải không?
Rồi ông ra lệnh:
-Ngày mai, con Nhạn phải nghỉ học!
Nhạn bực bội bỏ chén cơm đứng dậy, bước vào buồng vừa đi vừa thút thít khóc:
-Một ông chồng như từ trên trời rơi xuống, ai biết đâu mà lấy? Sao bố mẹ vội vàng? Có ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên.
Ông Trí cũng bực bội, sẵn chuyện Nhạn, ông trở sang Dung.
Dung đang tiu nghỉu ngồi yên. Mọi diễn tiến xảy ra, nàng cũng bực bội không kém. Dung đã yêu Khải đâu, và đã muốn lấy chồng đâu.Tự nhiên khi không ma đưa lối qủy dẫn đường thế nào để gia đình nàng đang vui vẻ ấm êm bỗng đất bằng nổi sóng. Nàng bỗng ghét ông Hải, chính ông là con… ma, con… qủy đưa lối dẫn đường chứ ai, đến quấy phá, chẳng những cả nhà nàng mà cả tâm tư đang bình lặng trong nàng, làm xáo trộn hết mọi nếp sống thường nhật. Rồi nàng ghét lây sang Khải. Hứ, có đẹp trai gì lắm cho cam. Có ngon lành gì lắm cho cam. Bất quá cũng chỉ mới tàm tạm… ngấp nghé gần trên trung bình như Nhạn cho điểm. Còn nàng, nàng đã chấm điểm đâu, ngồi mà suy nghĩ, tướng tá dung nhan đó với nàng chưa đủ lọt nửa con mắt, dù là mắt… hí của nàng vậy mà dám… chê nàng. Nếu Khải chọn nàng, nàng còn phải đưa lên cân tiểu ly chứ chả phải loại cân thường để cân nhắc và xét tới xét lui may ra rũ lòng thương ký cho Khải giấy phép cùng lên xe hoa với nàng ở… kiếp sau, chứ kiếp này thì miễn! Dung bực bội, hậm hực nghĩ thế, nhưng nàng không nói ra, chỉ lẳng lặng cúi đầu để nghe ba nàng cất tiếng:
-Còn con Dung, phận con là chị, con phải biết làm gương, lo chăm chỉ học hành, thêu thùa vá may, chứ cứ lêu lổng chơi bời, họ mới thấy đã chê. Phải nhìn đấy mà sửa mình.
Dứt lời, ông đứng lên đi mất. Bữa cơm bỗng tẻ ngắt, thức ăn thức uống gần như còn nguyên vẹn, chả ai tha thiết dùng bữa. Bà Trí và Thảo buồn bã dọn dẹp. Dung cũng bỏ về phòng úp mặt thút thít khóc…..
* * *
Đối với Nhạn đây là một… tai họa khi không rớt xuống cho nàng. Nhạn điên cả cái đầu bài vở xếp de vào một xó, không màn tới nữa. Ngồi vào bàn học, lòng nàng cứ bứt rứt bực bội không yên. Tâm tư nàng xáo trộn, đầu óc nàng quay cuồng có nhét chữ vào, chữ cũng chạy đi đâu mất. Buồn bã, bực bội, giận bố mẹ, Nhạn xách xe đạp, đạp ra hồ “Than Thở” để thở than nỗi sầu muộn mà nàng đang gánh chịu.
Dựa xe vào một gốc thông già, Nhạn thẫn thờ thả phịch người xuống bãi cỏ xanh cạnh bờ hồ mơ màng nhìn khoảng trời bao la để thấy lòng tê tái. Trên kia, ông Trời đang mỉm cười. Ông vui sướng lắm sao mà mặt mày sáng rỡ, đỏ au chiếu thứ ánh sáng chói chang như chưa bao giờ hợm hĩnh đến thế để chế nhạo con bé Nhạn đang cảm thấy lẻ loi giữa những hàng thông sừng sững. Ngày ngày thông vẫn bình yên đứng đó, an nhiên vui sống bên nhau dâng cho đời những tiếng reo vi vu, âm thanh dịu ngọt như tấu khúc nhạc du dương khi một làn gió nhẹ mơn man thổi đến.
Nhạn chợt nhớ đâu đó câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Ôi, lời thơ sao thấm thía. Nhạn không muốn đợi ở kiếp sau. Nhạn muốn được là thông ngay ở kiếp này, để là một trong những hàng thông vô tư lự kia.
Thẫn thờ, Nhạn đưa mắt nhìn xuống dòng nước trong xanh một màu êm ả mà nghe tâm tư thổn thức. Ôi, đến bây giờ, nàng mới thấm thía “yêu là chết ở trong lòng một ít.” Mà nàng đã yêu đâu, người ta yêu nàng đó chứ. Chỉ mới “bị” yêu thôi mà Nhạn đã thấy lòng chết lịm chứ chả “chết một ít” như bài hát kia đâu. Và trong tình yêu này, Nhạn đã được vui tí nào đâu, “trăm lần vui” chỗ nào đâu để lãnh đủ chẳng những “vạn lần sầu” mà là triệu triệu lần sầu mới đúng! Nghĩ đến bài vở còn chất đống đang chờ nàng, ngày thi cũng gần kề, Nhạn càng đau đớn hơn. Ấm ức, nước mắt Nhạn tuôn trào như suối. Nhạn úp mặt vào lòng bàn tay khóc hu..hu…
Nhạn giận chàng Khải kia ít mà giận bố mẹ nhiều hơn. Sao bố mẹ lạc hậu, không thức thời tí nào để hiểu nếp sống và cách suy nghĩ của giới trẻ hiện nay. Đâu phải Nhạn văn minh, đâu phải Nhạn muốn nổi loạn chống đối bố mẹ hay tập tục xưa, Nhạn chỉ là người được sinh ra trong thời đại này để rồi theo đà tiến hóa của xã hội, cách sống và nếp suy nghĩ mới mà không sao cưỡng lại được, không ai đi ngược được. Nhạn muốn đến trường, như chúng bạn, được học đến nơi đến chốn rồi nghĩ đến tình yêu và hôn nhân sau cũng chưa muộn. Không thể kết hôn khi chưa có sự nghiệp trong tay, ít ra là có một nghề nào đó để bảo đảm kinh tế gia đình. Đâu thể dựa vào người chồng mãi. Thời buổi chiến tranh, nghĩ dại, nếu chồng tử trận, không dựa được nữa, thì người vợ làm sao để nuôi con và nuôi chính mình. Trước mắt nàng đầy dãy những góa phụ bơ vơ túng thiếu, con cái vất vưởng vì kinh tế eo hẹp. Đó chả phải là bài học để nàng rút kinh nghiệm quan tâm lo học hành đấy ư. Đó chưa kể, nếu dựa vào nhà chồng giàu có, ăn của nhà chồng bộ dễ sao, tập tục đã thành truyền thống, nhà chồng đối xử với con dâu còn thua cả con ở. Đi ở còn có lương. Làm dâu thì không. Làm việc quần quật, chả nhận đồng nào. Lương ông chồng, mẹ chồng đều nắm cả. Con dâu không được quyền sống như mong muốn. Mọi thứ đều lệ thuộc cả từ vật chất lẫn tinh thần. Không, Nhạn không muốn phải dựa dẫm vào kinh tế của bất cứ ai, chỉ mong dựa vào bản thân mình thôi.Thế thì nàng phải học, chỉ có sự học mới đem lại cho nàng tương lai tươi sáng, chẳng những bảo đảm kinh tế mà còn giúp nàng mở mang trí tuệ để hiểu rõ và đối phó với những bất trắc của cuộc đời.
Nàng không thể lấy chồng bây giờ, càng không thể lấy người khi nàng chưa biết rõ người đó là ai, nhất là nàng chưa ý thức được tình yêu và hôn nhân là gì. Không thể cúi đầu cam phận như… mẹ nàng, làm vợ rồi làm mẹ theo thói quen của tập tục xưa được. Lấy một người rồi phó thác cuộc đời cho số phận “mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu.” Không, nàng không thể thả đời bơi trong dòng nước đục mịt mờ. Nàng cũng không muốn đem số phận để đánh lô tô mong trúng nước trong. Nhạn muốn chủ động đời mình, tự lựa chọn người nàng trao thân gởi phận. Nếu rơi vào nước đục, nàng chịu, không oán trách ai hết và nàng sẽ tự đánh phèn cho trong ra, theo cách nghĩ của nàng… Ôi, điên cả cái đầu khi nghĩ đến tình yêu và hôn nhân trong lúc này. Càng nghĩ, Nhạn càng tức tối, bực bội. Nhạn muốn hét to, hét thật to cho át cả tiếng thông reo vi vu như đang trêu ghẹo nàng, để phá tan bầu không gian xung quanh đang thờ ơ với nỗi đau của nàng hiện tại và cho cả thế gian biết Nhạn đang muốn lao đầu xuống dòng nước trong xanh kia chết phứt cho rồi để kết thúc nợ đời và cũng để bố mẹ nàng ân hận đã đẩy nàng vào đường cùng. Hừ, phải chết thôi. Chết mới giải quyết mọi vấn đề. Nghĩ rồi, Nhạn đứng dậy dợm chân lấy đà… nhìn xuống nước. Ồ, dưới kia, đàn cá từng bầy đang vẫy đuôi nhởn nhơ bơi lội. Chúng sao thanh thản quá, tự do quá, đang lượn lờ vui đùa bên nhau giống như Nhạn và chúng bạn vào những ngày tung tăng trong sân trường. Nghĩ đến bạn bè, một tình cảm thân thương nhẹ nhàng len lỏi vào hồn Nhạn.
Nhạn nhớ những buổi tan trường, đám bạn cùng nàng ríu rít như chim vỡ tổ, nói cười đùa giỡn vang một góc trời. Có hôm cả đám cùng kéo nhau vào quán cóc ăn một dĩa bánh bèo Huế. Bánh bèo vừa ngon vừa rẻ hợp với hầu bao của lũ học sinh. Từng chiếc bánh trắng hếu tròn tròn mềm mại cõng theo một lô đậu xanh vàng vàng, tôm cháy nâu nâu, hành lá xanh xanh, tất cả quyện trong một chút nước mắm chua chua , ngọt ngọt, cay cay pha ớt đỏ đỏ… Dĩa bánh bèo màu sắc hài hòa mang theo đầy mùi vị trôi tuột vào cuống họng để nghe đê mê thắm đượm vào vị giác lẫn cả tình bằng hữu trong đó sao mà tuyệt vời. Có hôm lũ bạn kéo nhau về nhà học tổ rồi bày nấu nướng, đúc những chiếc bánh xèo, quây quần bên nhau vừa ăn vừa trò chuyện để thấy lòng reo vui trong không khí thân thương nồng nàn của tình học trò. Rồi còn tình cảm của thầy, cô nữa. Thầy, cô có khác nào anh trai chị gái hay như cha mẹ, hằng ngày Nhạn tiếp xúc để nghe những lời bảo ban, những hướng dẫn tận tình giảng dạy bài vở cho Nhạn mở mang trí tuệ, cho Nhạn có tương lai. Những ngày vui sống trong lớp học có khác nào mái ấm gia đình mà giữa thầy, cô và học trò dành cho nhau. Những tình cảm đó bây giờ đang sống dậy trong nàng, nhẹ nhàng như đàn cá lượn dưới nước, và sâu sắc như lòng hồ.
Nàng không thể đánh đổi hay để mất đi chỉ vì một anh Khải xa lạ, chưa hề quen biết, chưa nhen nhuốm một chút tình cảm nào. Đúng rồi, Nhạn không thể chết lãng xẹt như vậy, hy sinh thân mạng một cách vô duyên trơ trẽn cho một chàng Khải… dễ ghét kia. Nàng phải sống để nghĩ cách đối phó cấp thời. Đời là trường tranh đấu mà. Nghĩ xong, Nhạn cảm thấy tâm tư nhẹ nhàng đôi chút. Nàng cúi xuống vu vơ bứt vài cọng cỏ ném mạnh xuống nước, mặt nước động nhẹ loang ra thành nhiều vòng. Miệng Nhạn buông ra một tiếng “xì!” như trút hết bao phiền muộn trong lòng rồi nàng quay lại gốc cây, xách xe đạp, đạp về nhà.
Trong nhà, Nhạn chỉ biết cầu cứu với Thảo:
-Chị nghĩ xem, em phải làm gì bây giờ? Bố mẹ mình lạc hậu. Có người hỏi là gả ngay, không thức thời tí nào. Cứ sợ chị em mình chưa kịp lấy chồng là… nhốn nháo hỏng. Nếu bố mẹ làm quá, em bỏ nhà em đi…!
Thảo hỏi:
-Em bỏ nhà đi đâu?
-Em đi lang thang. Vô định!
Thảo cười:
-Ôi, em tôi buồn em đi lang thang bởi vì đâu, đấy phải không.
Nhạn trách:
-Đến nước này mà chị còn đùa được.
Thảo an ủi em:
-Em đừng lo nhảm, chuyện đâu còn có đó, cứ từ từ mà tính, việc gì phải bỏ nhà đi.
Nhạn nhăn nhó:
-Trời ơi, giờ này mà còn từ từ, tính với toán gì nữa. Bố mẹ đã làm găng.
Thảo như chợt nhớ ra điều gì, vội nói:
-À này, sáng nay chị đi chợ có ngang qua nhà ông Hải, tình cờ gặp Khải, Khải nhắn chị mời Nhạn tối lại chơi. Vậy sẵn dịp em cứ nói thẳng với Khải.
Nhạn hung hăng:
-Còn lâu. Bộ ới một tiếng là xuống ngay đấy hẳn. Đến ngay, nhỡ ổng tưởng em ưng ổng đó?
-Em mà không xuống, Khải cứ ngỡ em lặng thinh tức là bằng lòng, Khải về Sài Gòn lẳng lặng đem trầu cau lên. Lúc đó xem như là hết gỡ.
Nhạn làm thinh, suy nghĩ. Một lát, Nhạn tiu nghỉu nói:
-Nếu vậy, tối nay chị đi cùng em, chị Thảo nhé!
Thảo gật đầu ưng thuận. Rồi nghĩ đến việc coi mắt vợ kỳ quái của Khải, nàng mỉm cười lắc đầu.
Và tối đó, sau khi cơm nước xong Nhạn sửa soạn đi theo Thảo xuống nhà Khải, nét mặt nàng buồn thiu. Nhạn mặc chiếc quần Jeans bạc màu, áo sơ-mi ca rô xắn lên khỏi cùi chỏ, tóc tai nàng chải sơ sài, trông thật ngổ ngáo. Thảo lắc đầu nghĩ thầm “con bé này đến hỏng, ngổ ngáo như con trai, trông nó bất cần đời. Vậy mà tên Khải gàn dở kia lại “si” nó mới kỳ”. Thảo bảo:
-Dù em có ưng Khải hay không, em vẫn phải chứng tỏ em là con nhà đàng hoàng chứ. Chị không muốn em ăn mặc lôi thôi khi đến gặp Khải. Để chị “diện” cho em.
Nhạn vùng vằng:
-Em không muốn diện vì… ông đó!
Nhưng Thảo vẫn lấy chiếc áo bằng lụa hồng hoa có in những cành trúc xen lẫn những chữ thọ hình tròn màu trắng bắt Nhạn mặc và mở hộc tủ lấy chiếc băng đô màu lơ noa, bắt Nhạn cài lên tóc. Màu trắng làm Nhạn sáng rỡ ra nhưng vẫn không mất nét mặn mà. Thảo nhìn em, bỗng thấy Nhạn có duyên lạ lùng. Màu da của Nhạn tuy ngăm đen nhưng mịn và hồng. Môi Nhạn tươi, mắt sáng ướt. Con bé này khi lớn lên, nếu dùng son môi phấn dặm màu cam, màu đỏ thì nổi bật phải biết. Tiếc rằng Nhạn không cao sang thanh thoát như Dung. Nhưng Nhạn chỉ mập để xinh, chứ không xồ xề, thô kệch. Dung dù trắng trẻo, dù thanh thoát lúc nhìn ở xa, nhưng khi lại gần nàng để chuyện vãn, người đối diện sẽ thấy nàng tẻ ngắt. Dung kém ăn nói, tâm hồn không phong phú, không sâu sắc. Cặp mắt của Dung dù một mí, nhưng đó chưa phải là khuyết điểm của nàng. Cái khuyết điểm có chăng là cái nhìn thiếu âu yếm, thiếu niềm nở, đôi lúc có vẻ lạnh nhạt, lơ đãng…
Trong lúc Thảo ngắm Nhạn, Nhạn cũng ngắm lại chị. Thảo mặc áo tơ nội hóa màu hoàng yến, trang điểm vừa phải. Khuôn mặt Thảo không có nét thô, nét vụng. Thảo đẹp cũng vừa phải, dù ưa lý sự với em út trong nhà, tựu trung Thảo tốt bụng.
Hai chị em vượt qua khỏi cái dốc là thấy nhà ông Hải. Đó là một ngôi biệt thự sơn trắng, chung quanh rào dây kẽm gai, thả đầy hoa ti gôn. Trời tối bóng đèn ở ngoài cổng bện bằng cây bông giấy được thắp sáng. Ngọn đèn chong ở hành lang cũng được bật lên tỏa ánh sáng dịu dàng xuống nền đá hoa cương. Thấy Nhạn đến, Khải lăng xăng hớn hở ra chào. Nhạn lầm lì chỉ gật đầu không nói.
Vào đến phòng khách, Thảo và ông bà Hải biết ý rút lui, chỉ còn lại Nhạn và Khải. Nhạn thấy thế, rủa thầm: “Cái bà chị Thảo này hoá ra đi với mình chỉ vô tích sự. Khi không bỏ đi, để mình ta ở lại một mình.”
Nhạn rụt rè như một tội phạm, đứng dựa vào thành ghế salon, hai tay mân mê chéo áo, mặt cúi gằm nhìn xuống đất. Một hồi lâu, không đợi Khải mời, Nhạn nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, mặt tư lự.
Khải thấy Nhạn ngồi thừ người nghĩ ngợi, chàng lên tiếng:
-Hôm nay trông Nhạn giống “người em sầu mộng.”
Nhạn không đáp, song lòng thì nghĩ “sầu mộng gì, đang rầu thúi ruột thì có.” Thấy Nhạn lặng thinh không tíu tít như hôm nọ, Khải chột dạ cụt hứng:
-Sao hôm nay Nhạn có vẻ… làm sao ấy! Sao em hà tiện lời nói vậy?
Nhạn ngẩng mặt nhìn Khải:
-Dạ, nói gì cơ?
-Nói chuyện.
-Thì nói đây này.
Khải bắt đầu gạ chuyện:
-Nhạn có đi Sài Gòn lần nào chưa? Sài Gòn đẹp lắm Nhạn ạ, nhưng không thơ mộng như Đà Lạt.
Nhạn vẫn buồn hiu, chỉ “dạ” một tiếng ngắn ngủi rồi lặng thinh. Khải rót trà mời nàng, rồi bảo:
-Có dịp Nhạn nên đi Sài Gòn cho biết.
-Dạ.
-Lần đầu tiên anh đến Đà Lạt, nhận thấy khí hậu ở đây thật tốt. Buổi sáng sương giăng đầy. Trời se se lạnh. Cô nào cô nấy da cứ ửng hồng cả lên.
-Dạ.
Thấy Nhạn cứ “dạ” mãi mà không bắt chuyện, Khải tìm cách khơi mào:
-Ở đây, Nhạn có hay đi ngắm cảnh không?
Nhạn đáp cộc lốc:
-Không.
Rồi ngồi thộn ra, mặt nặng như cái cối đá. Khải lại gợi chuyện.
-Nhưng chắc Nhạn thích đi xem xi-nê chứ?
-Không.
-Chứ hằng ngày ngoài giờ học Nhạn làm gì?
-Không.
-Sao Nhạn cứ “không” hoài vậy?
Nhạn đáp:
-Thì… không đi, không thích, không làm thì bảo không. Anh hỏi ba câu nhằm “ba không” thì bảo không chứ.
Khải cười:
-Chắc Nhạn giận gì anh?
-Không.
-Lại không.
… Đợi mãi, chẳng thấy Khải vào vấn đề chính “anh muốn cưới Nhạn” để Nhạn trả lời phứt cho rồi “chưa muốn lấy chồng.” Nhạn chán phèo:
-Thôi về.
Rồi đứng dậy réo tên chị Thảo:
-Chị Thảo ơi! Về!
Thảo đang ở nhà trong, nghe Nhạn gọi, tưởng “xong việc” cũng vội đứng dậy xin phép ông bà Hải.
Khi hai chị em vừa ra khỏi cửa, Nhạn oà ra khóc:
-Khi không chị bảo em xuống đây, nói chuyện chán phèo, ổng tưởng em ưng rồi đó.
Thảo ngạc nhiên:
-Sao em không nói?
-Nói gì? Ổng có hỏi đâu mà nói. Chẳng lẽ mình hỏi thẳng người ta: “Anh cưới cô Nhạn?”, nhỡ ổng bảo “không” có phải mình… lãng nhách.
Híc…híc mũi, Nhạn ấm ức:
-Cứ nói bâng quơ mãi, mất cả buổi học của người ta, biết thế em ở nhà.
Nghe Nhạn nói, Thảo cũng đầu hàng:
-Vậy giờ em tính sao?
-Nhất định không bằng lòng.
* * *
Bà Trí nằm vắt tay lên trán. Kim đồng hồ đã nhích sang số 12. Trời đêm Đà Lạt se lạnh, không sương mù mà hơi lạnh như phảng phất đâu đây. Gió đêm nhẹ nhàng vẫn xạc xào qua kẽ lá. Giữa thời tiết như vậy, trong chăn ấm, dễ đem giấc ngủ đến với mọi người, thế nhưng vài hôm nay, bà Trí vẫn không sao chợp mắt. Nằm trên giường, mắt bà vẫn mở thao láo. Đầu óc nghĩ vẩn vơ. Câu chuyện của Nhạn khiến bà nhiều nghĩ ngợi. Phải giải quyết sao đây. Một bên là hạnh phúc của con, một bên là nghĩa bạn bè. Mấy hôm nay thấy Nhạn buồn, bỏ ăn, lơ là chuyện học, lòng bà cũng xốn xang. Có người mẹ nào không xót xa khi nhìn thấy con ủ rủ. Con chim sơn ca líu lo hằng ngày đã không còn cất tiếng. Mấy hôm nay trong nhà bà, mùa xuân như biến dạng đi đâu, nắng cũng nhạt phai, mây xanh đã không lơ lửng. Không ai mong chờ mùa đông mà bầu trời xám xịt, khí lạnh vẫn tỏa ra làm mọi người co ro ủ rủ, thật chẳng vui vẻ tí nào. Bà chợt thở dài, trở mình quay sang ông Trí, hờ hững quàng tay qua ngang eo ông. Bên cạnh bà, trong thế nằm xoay lưng về phía bà, chân hơi co lại, hai tay chắp vào nhau, mặt day hướng cửa sổ; trời đêm lác đác vài sao khuya, ánh đèn đường tỏa một màu vàng đục, ông Trí cũng thao thức nằm đếm sao trời.
Bà cất tiếng hỏi:
-Ông ngủ chưa đấy?
-Chưa.
-Ông cũng khó ngủ à?
Ông Trí không trả lời câu hỏi của bà, chợt thở dài:
-Con cái ngày nay ương ngạnh quá, văn minh quá. Chúng không còn như mình ngày xưa nữa. Quan niệm sống hoàn toàn đổi khác. Cách sống và lối suy nghĩ cũng khác. Biết làm sao đây.Thôi, ta cứ kiên quyết bắt vào khuôn phép thì mọi chuyện cũng đâu vào đấy.
Ông nghĩ mình có thể ép được sao? Nhất là với con Nhạn. Nó đang đam mê việc học…
Con cái thì phải vâng lời. Mình đã vạch cho nó một hướng đi. Nó chỉ nương theo đó mà đi. Dù gì mình cũng từng trải kinh nghiệm hơn nó sẽ dẫn dắt nó có một cuộc sống hạnh phúc. Mình đâu muốn nó vấp ngã để phải đau khổ ân hận suốt đời. Người ta con nhà tử tế, chỗ quen biết với nhau, còn ngại gì chứ. Việc học của con Nhạn vẫn cứ học, đỗ đạt xong thì cưới. Như vậy trọn vẹn đôi đàng, không cản trở việc học của nó mà mình cũng không phụ lòng ông Hải.
Bà Trí xót xa:
-Ông nghĩ thế cũng phải. Nhưng nó có nghĩ như mình đâu. Mấy hôm nay thấy nó buồn, tôi không đành lòng, ông ạ.
-Bà lại yếu vía rồi. Gia đình ta không chấp nhận thứ con cãi lời cha mẹ! Không chấp nhận thứ con bất hiếu. Nó còn bé, mình sắp đặt tương lai cho nó cũng chỉ vì bổn phận trách nhiệm của mình và vì hạnh phúc của nó.
-Hạnh phúc. Ông quan niệm hạnh phúc như thế nào hở ông?
-Ơ…ơ… hạnh phúc là nó phải biết chấp nhận những gì nó có và đến với nó!
-Dù nó không muốn?
-Nó còn bé, biết gì mà muốn với không muốn. Cứ áp đặt vào khuôn khổ, quen, rồi đâu cũng vào đấy.
-Nhưng trước mắt, tôi thấy nó không vui. Tôi chỉ sợ nó quẫn trí làm liều.
Ông Trí vỗ nhẹ lên bàn tay bà, an ủi:
-Thôi, bà an tâm ngủ đi .Chuyện đâu còn có đó.Cứ từ từ rồi tính. Nhạn còn bé mà, sôi nổi một tí rồi sẽ quên ngay.
Nói xong, ông lặng thinh, cựa mình một chút cho thư giãn rồi khép mắt ru giấc ngủ. Bà Trí trở mình xoay lưng lại với ông. Bà nằm yên không nói nữa nhưng trong trí bà hình ảnh buồn thảm của Nhạn vẫn lờn vờn không sao quên được. Bà tự hỏi, có phải bà khắt khắt lắm không? Có phải bà ích kỷ chỉ mong cầu sự an tâm cho chính mình, niềm vui cho mình khi thấy con gái được đặt cọc và làm đẹp lòng bạn bè tức là giữ thể diện cho mình hơn là hạnh phúc của con cái. Không đâu, là mẹ, bà cũng như bao bà mẹ khác, có ai mà không mong con hạnh phúc, an ổn nơi tử tế để giao gởi tấm thân. Gia đình ông Hải chỗ thân tình đi lại bao năm, đáng tin cậy lắm chứ. Làm sao có thể an tâm để Nhạn tự do lựa chọn, tuổi non nớt, thiếu kinh nghiệm để rồi lầm lỡ đem về một người chồng giời ơi đất hỡi, chẳng những khổ đời nó mà còn lây lan đến gia đình. Ôi, tiếc là, điều bà nghĩ, Nhạn chẳng hiểu cho. Hai thế hệ chả ai chịu hiểu cho ai, biết làm sao giờ. Bà trăn trở mãi, không ngủ được, không biết phải liệu sao cho trọn vẹn đôi bề. Bà tiếc thầm, giá mà Khải chọn Dung, có phải mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Dung tuy ngang ngạnh, bướng bĩnh, nhưng Dung không có hướng đi, không có chủ đích trong cuộc sống, nếu lái Dung và đặt vào chỗ nào, chắc chắn sẽ không là vấn đề. Bà nghĩ lan man mãi, nằm nghe tiếng thở nhè nhẹ và tiếng ngáy nho nhỏ của ông Trí, bà lại trở mình quay sang phía ông, ôm nhẹ lưng ông rồi cố nhắm mắt ru giấc ngủ…
Ngoài trời, một vài vì sao cũng biến dạng, chỉ còn ánh đèn đường le lói đủ soi rõ một màn đêm đen nghịt trên bầu trời.
* * *
Sáng hôm sau, Khải ghé nhà ông bà Trí. Chàng đến để chào và tạm biệt ông bà để sắp sửa về Sài Gòn. Khải bước vào nhà, đụng độ ngay Nhạn, nhằm hôm Nhạn không có giờ ở lớp. Thấy Khải đến, Nhạn… mát mẻ:
-Ơ, hôm nay anh Khải lại chơi.
-Anh đến để chào bố mẹ và báo Nhạn hay, anh sắp sửa về Sài Gòn.
Nhạn cay cú:
-Ơ… anh đến hay đi, mắc mớ gì đến ơ…tui!
Khải cười:
-Vì anh còn vấn vương… Nhạn.
-Lãng xẹt.
Rồi nhớ chuyện ấm ức tối qua, Nhạn vào thẳng:
-À này, nghe… đồn anh đến Đà Lạt này để “coi mắt”… vợ phải không?
Khải gật, đáp xa xôi:
-Vâng, mắt của Nhạn đẹp lắm!
-Đẹp gì! Mắt chị Dung mới đẹp.
-Không, mắt chị Dung… một mí!
Nhạn ngỡ ngàng:
-Trời đất, anh “coi mắt” gì mà kỹ lưỡng quá vậy? Chê một mí, để… tui giới thiệu cho một cô bạn… ba mí.
Khải say đắm:
-Không, anh chỉ thích “coi mắt” hai mí như mắt của Nhạn thôi.
Nhạn đưa tay chỉ vào mắt mình:
-Nhưng con mắt này… cận thị.
-Cận thị càng đẹp thêm, trông rất trí thức.
-Xạo.
-Thấy Nhạn bớt gay gắt, Khải nhỏ nhẹ:
-Sao tối qua Nhạn đến chơi mà buồn quá vậy?
Nhạn đáp nhanh:
-Vì anh quấy rầy tui.
Khải ngạc nhiên:
-Quấy rầy sao?
Nhạn tỉnh bơ:
-Tui nghe đồn anh coi mắt… tui. Nhưng tui còn đi học và tui chưa biết yêu.
Khải tha thiết:
-Chính vì em còn đi học và em chưa biết yêu nên mới gặp, anh đã thấy… yêu em và anh có thể chờ, Nhạn ạ. Hôm qua bác anh có bảo thường đến nhà chơi, thấy em chăm học và ngoan lắm.
-Thế sao lại làm mối cho chị Dung?
-Vì thấy chị Dung là lớn. Em còn ham học.
-Biết tui ham học sao anh còn hỏi tui?
-Vì anh chỉ thấy mến em, mến người ham học.
Nhạn đã quên buồn và cười hì hì
-Mến tui thì tui… mến lại, chứ tui không chịu lấy chồng. Tui… đi tu.
Khải cười :
-Nhạn đi tu ở chùa nào?
-Tu chùa… ông.
-Cho anh… tu cùng với nhá !
Nhạn nghếch mắt:
-Đâu được. Đàn ông phải tu riêng. Phải hai chùa cơ.
-Nhưng tu một chùa thì vui hơn.
Nhạn bụm miệng cười híc híc:
-Sư ông “tu” với sư bà cùng một chùa thì thế nào cũng có thêm… chú tiểu.
Khải cười theo:
-Em có duyên lắm Nhạn ạ!
Nhạn háy:
-Thôi đừng khen, không có tiền lẻ “lì xì” đâu nhé!
-Thì đưa tiền chẵn vậy.
-… ?
Thời gian im lặng trong tích tắc, Khải lại tiếp:
-Nhạn này, thôi làm em gái anh nhé!
-Thì Nhạn vẫn là em gái chứ có phải em trai đâu.
-Nhạn lúc nào cũng nhí nhảnh hồn nhiên, ai trông thấy cũng phải thương.
Nhạn cười:
-Thương thì thương nhưng đừng hỏi cưới nhé!
-Nhưng anh muốn đợi Nhạn.
-Đợi cho đến bao giờ?
-Đợi cho đến…
Nhạn cướp lời :
-Đến bao giờ… hết đợi.
Thằng Minh từ đâu chạy tới, thấy Khải, nó leo lẻo:
-Này anh Khải, hôm kia “nhờ” anh mà em được “thưởng” một cái cú nên thân ấy nhé!
Khải ngạc nhiên :
-Sao thế hả Minh?
Nhạn cướp lời:
-Tại nó… hư.
Minh sừng sộ:
-Hư gì. Em mới chỉ…
Nhạn nạt:
-Thôi cút đi! Giờ ra mách để “bắt đền” đấy hả?
Minh vừa lửng thửng đi vừa để chuôi mắt lại:
-Đền chứ sao không đền.
Khải và Nhạn cùng cười, vừa khi ấy Dung lửng thửng từ dưới bếp đi lên. Thấy Dung, Khải vội chào:
-Kính chào…ơ…Dung.
Dung chỉ “hứ” một tiếng rồi đi thẳng…
Câu chuyện qua đối với Dung như một điều “sỉ nhục.” Cũng… quê quá đi chứ, mặc dù đối với Khải, Dung chưa có một thứ tình cảm nào, song cũng thấy tự ái bị xúc phạm, bị tổn thương, nàng đâm ra… đổi tính. Gọi là “đổi tính” thật ra không đúng lắm, vì từ xưa Dung đã… ít nhu mì, nay chỉ còn… dữ thêm. Dung hay cáu gắt và thường khó chịu hơn, hơi một tí là nạt và gây gổ. Thằng Minh thì cứ để bụng về cái cú kỷ niệm của ngày nào, hễ có dịp là tìm cách trả đũa để chọc tức Dung.