Phải gần nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh các vị Sơ, Sư cô mới có mặt đúng nghĩa trên bản tin hệ thống báo chí chế độ khi họ tình nguyện đi vào tâm bão đại dịch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam.
Hình ảnh các vị Thánh đời thường ấy chỉ được báo chí nhà nước đưa tin thoáng qua, để rồi sau đó các phục trang tôn giáo vốn là biểu tượng đức tin mà họ phát nguyện suốt cõi trần ai này, trong phút chốc đã mất hút dưới những bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch bệnh. Họ chọn nhập thế cùng sống, cùng chết với các nạn nhân đang suy kiệt và cô độc giữa ranh giới tử sinh.
Không ai còn lạ khi trong cơn khủng hoảng cực đỉnh, chế độ trong thế bí mới chấp nhận sự hiện hữu của các vị Thánh đời thường ấy – cũng như các đoàn thiện nguyện xã hội dân sự khác – vốn là ánh sáng của hiển nhiên của giá trị đức tin nhân văn cao cả của dân tộc, trong một xã hội bình thường vẫn phải có.
Những người có tuổi ở miền Nam Việt Nam hẳn không bao giờ quên hình cảnh các nữ tu, của các tôn giáo, bước vào vùng bom đạn chiến tranh để chăm sóc, điều trị binh sĩ, nạn nhân chiến tranh mà không hề có một chút phân biệt. Bởi hơn hết những nạn nhân trong cảnh hiểm nghèo cần họ đều là con người, và những người họ tìm đến đang cần ánh sáng tình nhân loại.
Có người kể rằng: Hầu hết các nhà thương Sài Gòn và miền Nam trước 1975 đều có các bà Sơ kề cận bên giường các bệnh nhân nặng. Bà N. kể, “năm 1965, mẹ tôi bị bịnh nặng. Mình là con nhưng có ngày không vô thăm mẹ được nhưng các Sơ thì luôn ở bên săn sóc cho mẹ. Lúc mẹ hấp hối, các Sơ đọc kinh, mình không hiểu trước khi lìa trần mẹ mình có tin vào nước Chúa hay không, nhưng mình tin chắc là vị Sơ mà mẹ nắm chặt tay, là niềm tin vĩnh hằng là người thật sự giúp mẹ mình được an tâm nương tựa.”
Sài Gòn vào những ngày phong thành ác hiểm này, cộng đồng mạng được đọc bài ghi chép của một vị Sơ tình nguyện vào tâm dịch, trong đó có đoạn Sơ viết:
“Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà, một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả: “Các Sơ ơi, có người mới qua đời. Các Sơ vào cầu nguyện cho ông đi!”. “Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần. Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi, cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau một hồi cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi. Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.”
Các vị Sơ “chưa đọc xong nhưng lời kinh phó linh hồn“. Ánh mắt cuối cùng của nạn nhân cũng không tìm thấy hình ảnh các vị Sơ trong phục trang đức tin tôn giáo, nhưng ắt hẳn nạn nhân đã nghe thấy được chút tình yêu thương nhân loại qua những lời kinh dẫu không trọn vẹn: Một điều mà suốt gần nửa thế kỷ hầu như bị cấm ở tất cả cách bệnh viện của chế độ. Sao lại cấm một điều chỉ để bừng thức sự hồi hướng niềm tin cuối cùng vào tình yêu giữa người và người trước lúc vĩnh biệt?
Đã gần nửa thế kỷ, người ta mới đọc được trên báo Tuổi Trẻ (21 Tháng Bảy 2021), rằng chính quyền thành phố đã chấp thuận cho các linh mục đến cử hành nghi thức cuối cùng cho bệnh nhân là tín hữu Công giáo qua đời do Covid-19 trước khi hỏa táng. Tòa Tổng Giám mục sẽ tổ chức một nhóm linh mục luân phiên nhau làm nhiệm vụ này.
Trong hàng chục trung tâm điều trị Covid-19 cho các bệnh nhân nặng ở Sài Gòn, trong hàng ngàn nạn nhân không may đang hấp hối hay vừa lìa trần những ngày qua, thì thật ân phúc thay cho những ai được sự kề cận bên tình yêu tận hiến của các vị ma-sơ, sư cô.
Tất nhiên sự tận tâm hết lòng của đội ngũ bác sĩ, y tá vẫn là điều kính phục hiển nhiên. Nhưng nếu thấu hiểu hơn thì chia sẻ: Các nạn nhân nhiễm Covid-19 biến thể Delta đang trở nặng, sự sống họ từ nỗi sợ virus lại bị xô đẩy vào nỗi sợ chết, trước và sau chỉ toàn nỗi sợ hãi kinh khiếp, nỗi sợ hãi mà chỉ mỗi mình họ cô độc cưu mang thì ánh sáng tình yêu con người mà các Ma Sơ, các Ni Cô mang đến là sự cứu rỗi duy nhất.
Rõ là chế độ vẫn không chấp nhận các tôn giáo, các đoàn thể xã hội dân sự khác chính kiến, vốn vẫn bị chế độ cho là “thù địch”. Nhưng dẫu vậy, điều mặc nhiên là giá trị cao thượng, tình yêu chân thật dành cho con người, cho đồng bào luôn như một loại “thế lực thù địch ấy”, vẫn luôn hiện hữu, sâu sắc, và lớn rộng hơn mọi thể chế cầm quyền chuyên chế ấu trĩ.
Các bản tin hôm qua 12 Tháng Tám cho biết có đến 61 Sơ dòng Đa Minh, địa phận Phú Cường nhiễm coronavirus. Tu sĩ-bác sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Trường Thế ở bệnh viện Thánh Tâm (Biên Hoà), đã chết vì Covid ở tuổi 39. Chương trình xét duyệt của Nhà nước, được biết cho phép phía Phật giáo, tổng cộng có gần 310 tăng ni tình nguyện, còn Công giáo có 430 dì phước và linh mục tham gia trong những ngày qua.
Giữa những ngày đỉnh điểm đầy chết chóc này, không ai có thể biết đầy đủ sự tận hiến sức khoẻ và sinh mệnh của những nhân cách cao cả ấy. Nhưng các dòng tin, con số lạnh lùng nói trên mà người ta biết đến, dù chỉ như lá rừng rơi trong im lắng nhưng luôn là tin lành, ân phúc từ chân lý bất biến: Họ đã chọn sống và chết với tình yêu nhân loại thuần khiết từ các nhân cách cao cả là ánh sáng phục sinh.