Điều 331 bộ luật Hình sự (BLHS) như một chiếc thòng lọng tròng vào cổ nhân dân, sẵn sàng bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng của lương tri trước những vấn nạn của xã hội.
Bà Nguyễn Phương Hằng, CEO công ty Đại Nam ở tỉnh Bình Dương, bị bắt giam hồi Tháng Ba năm ngoái vì can tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 bộ luật Hình sự.”
Điều 331 BLHS 2015, tiền thân là điều 258 đầy tai tiếng trong BLHS 1999, viết như sau:
- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Hành vi phạm tội của bà Hằng, theo kết luận điều tra của Công an TPHCM, là trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) kể từ Tháng Ba năm 2021, bà đã nói nhiều điều xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư nghệ sĩ hài Hoài Linh, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và nhà báo Nguyễn Đức Hiển. Những buổi livestream của bà Hằng thu hút hàng triệu lượt người xem, trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.
Đến nay vụ án bà Hằng đã có kết luận điều tra nhưng chưa đưa ra tòa xét xử. Cùng bị truy tố với bà Hằng có một số nhân viên của bà ở Công ty Đại Nam; mới vừa bị bắt có ông tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, giảng viên Đại học Luật TP HCM, người xuất hiện bên bà Hằng trong nhiều buổi livestream của bà.
Câu chuyện bà Hằng trở nên nóng sau khi công an bắt bà Đặng Thị Hàn Ni, tức nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 24 Tháng Hai 2023 vừa qua.
Bà Hàn Ni là một trong chín “nạn nhân” đã tố cáo bà Hằng “xâm phạm đời tư” trong các buổi livestream kể trên. Oái ăm là ở chỗ, bà Hàn Ni cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 BLHS như bà Phương Hằng, bị bà Hằng và chồng bà ta là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò vôi) tố cáo bà đăng nhiều đoạn video trên kênh YouTube những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của gia đình ông bà Dũng-Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Cùng bị bắt với bà Hàn Ni – mà ngoài nghề viết báo còn là một luật sư – còn có luật sư Trần Văn Sĩ, cựu chủ nhiệm Đoàn luật sư Vĩnh Long bị bắt hôm 26 Tháng Hai và ông Sĩ cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 bộ luật Hình sự. Được biết, ông Sĩ là chủ kênh YouTube mang tên ông, có 124,000 người ghi danh theo dõi, trong đó có một số video bình luận vụ bà Nguyễn Phương Hằng từ trước khi bà này bị bắt.
Rốt cuộc người bị hại và người gây hại cứ lộn tùng phèo trong cái mũ to rộng là điều 331 bộ luật Hình sự; ai cũng là nạn nhân và thủ phạm. Tuy vậy, theo dõi sự việc từ đầu, chúng ta vẫn có thể nhìn ra một số hiện tượng mà truyền thông của nhà nước không trình bày hết được.
1.
Đầu tiên như một số bình luận viên trên mạng đã chỉ ra, việc cáo buộc những người này vi phạm điều 331 BLHS là việc làm khiên cưỡng.
Điều 331 BLHS là một điều luật hết sức mơ hồ, xưa nay được sử dụng làm công cụ để trấn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, nói lên tiếng nói của lương tâm trước những bất công đầy rẫy của xã hội. Nhưng tại sao bây giờ nhà cầm quyền lại sử dụng điều luật vi hiến, bất nhân đó cho những người không có dấu hiệu phản đối đảng và chính quyền cộng sản?
Dù thu hút được đám đông và tạo thành một hiện tượng xã hội, hành vi của những người này, cả bà Hằng và bà Hàn Ni, nói cho cùng cũng chỉ là một vụ cãi vã to tiếng, hai bên đều lôi kéo những người cộng sự và khán giả, lôi cả một số luật sư vào cuộc để “cố vấn pháp lý”. Hai bên, nhất là bà Hằng, đã dùng những ngôn từ kích động để bôi nhọ, mạt sát những người thuộc phe đối phương, nặng nề đến mức cả hai bên đều có đơn tố giác tới cơ quan công an, buộc tội phía bên kia.
Dù vậy, cuộc cãi vã to tiếng và kéo dài chỉ là một vụ xung đột dân sự, và đã có những điều luật quy định việc xử lý các hành vi như vậy. Nếu phạm tội xúc phạm người khác thì đã có tội “Làm nhục người khác” quy định tại điều 155 BLHS với mức hình phạt lên tới 05 năm tù giam; nếu tố cáo vô căn cứ, đã có tội “Vu khống” theo điều 156, với mức hình phạt lên tới 07 năm tù giam… Vụ án bà Phương Hằng và bà Hàn Ni có thể xem xét theo các điều luật này, không cần phải viện đến điều 331 mơ hồ và nặng tính chất chính trị.
Suy cho cùng, Việt Nam không phải là quốc gia có tự do dân chủ để người dân có thể lợi dụng để phạm pháp như cáo buộc của cơ quan điều tra. Vậy tại sao chính quyền cộng sản lại áp dụng điều 331 BLHS, thực chất của các vụ án này là cái gì?
2.
Bà Phương Hằng làm livestream từ Tháng Ba 2021 cho đến khi bị bắt vào Tháng Ba 2022, kéo dài suốt một năm trời, “xâm phạm lợi ích” của hàng chục cá nhân và tổ chức, kể cả hệ thống báo chí quốc doanh của nhà nước, nhưng các cơ quan chính quyền hầu như đều im lặng, không có biện pháp nhắc nhở hay chấn chỉnh những phát ngôn quá khích của bà ta. Dư luận đã có lúc đồn rằng, bà Hằng có người chống lưng, được cơ quan tuyên giáo của đảng CSVN bí mật sử dụng các buổi livestream của bà Hằng để tấn công một số người, một số hành vi mà đảng chưa kiểm soát được.
Cú ngã của bà Hằng đẩy bà vào vòng lao lý là khi bà “thừa thắng xông lên”, buông lời miệt thị không có căn cứ chống lại ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành Hồ, trong cú livestream sau cùng, chỉ hai ngày trước khi bà bị bắt.
Bà Hàn Ni có thời là nhà báo danh nổi như cồn nhờ vụ viết bài bảo vệ quán phở – cà phê Xin Chào trước cổng trụ sở Công an huyện Bình Chánh, Sài Gòn, lúc đó đang bị ông trưởng công an huyện buộc phải dẹp tiệm để người nhà của ông ta mở quán kinh doanh. Sau loạt bài của bà Hàn Ni, ông trưởng công an bị kỷ luật theo lệnh của ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM – người được biết đã ủng hộ bà Hàn Ni của báo đảng Sài Gòn Giải Phóng. Truyền thông quốc doanh ca ngợi quyết định “hợp lòng dân” của ông Bí thư Thăng, và tán dương nhà báo Hàn Ni là “bông hồng thép”, là “hiệp sĩ công luận” v.v… Thế rồi Đinh La Thăng vào tù đếm kiến, không còn ai nhắc tới “người dũng cảm đi tìm công lý” năm xưa nữa.
Giá như bà Hàn Ni chỉ làm YouTube cãi nhau với bà Phương Hằng thì chắc sẽ không có cảnh bị còng tay hôm nay. Nhưng do bức xúc trước sự im lặng khó hiểu của chính quyền sau các buổi livestream của bà Hằng, do đơn thưa của mình bị ngâm tôm và quá trình điều tra xử lý vụ bà Hằng quá chậm chạp, bà Hàn Ni và ông Sĩ đã đôi lần lên mạng phản đối cách xử lý sự việc của cơ quan điều tra, đặt nghi vấn về “tính trong sáng” của các viên chức thực thi pháp luật. Và thế là bà bị phản pháo mà đơn thưa của vợ chồng ông Dũng Lò Vôi nộp lên trước đây cả năm trời chỉ là cái cớ.
Nhà cầm quyền phải dùng điều 331 BLHS vì thực chất các vụ bà Phương Hằng, bà Hàn Ni là hành vi phản kháng trên mạng xã hội, “xâm phạm lợi ích” của [một vài quan chức] Nhà nước; còn chuyện cãi nhau, phỉ báng nhau, thưa kiện nhau của hai người đàn bà chỉ là một cái cớ hợp lý để che mắt dư luận.
3.
Hồi đầu năm ngoái, chúng tôi đã phân tích hiện tượng Tịnh thất Bồng Lai, còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, bị nhà nước khủng bố, cáo buộc nhiều tội nghe rất khiếp như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, loạn luân, nhưng rồi bị truy tố và xử án tù rất nặng theo điều 331 BLHS khi chính quyền nhìn thấy ở đây một mầm mống của xã hội dân sự trong hoạt động thiện nguyện về giáo dục nên quyết ra tay bóp chết ngay trong trứng nước dù không có bằng chứng nào về tội danh của họ.
Bây giờ, trong năm luật sư biện hộ cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai thì có ba người có nguy cơ bị bắt và truy tố theo điều 331 BLHS. Theo một thông tin được chia sẻ rộng rãi trên mạng Facebook từ giữa Tháng Hai thì “Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an phát hiện một số cá nhân trong đó có ông Đặng Đình Mạnh (Ls. Manh Dang), bà Ngô Thị Hoàng Anh (Ls. Anh Ngo) và ông Đào Kim Lân (Ls. La Kim) đã có hành vi phát tán lên không gian mạng qua đoạn video, clip, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.”
Nếu thông tin này là thực thì ba luật sư Đình Mạnh, Hoàng Anh và Kim Lân sẽ khó tránh được chiếc thòng lọng mang số 331 trong những ngày sắp tới. Và nếu những luật sư này – những người am hiểu luật pháp và thường sử dụng mạng xã hội để phổ biến những kiến thức sơ đẳng về pháp luật, thông tin về các vụ án mà họ tham gia bào chữa – bị trừng phạt bởi một đạo luật mơ hồ vì hành xử chức nghiệp của họ thì hầu như không ai trong xã hội có thể tránh được một kết cục tương tự, nếu như còn chút lương tri, còn biết phẫn nộ và lên tiếng nói.
4.
Những trường hợp trên cho thấy điều 331 BLHS là một thứ công cụ đàn áp rất hữu hiệu của nhà cầm quyền cộng sản đối với mọi hành vi phản kháng cả ở ngoài đời lẫn trên mạng truyền thông. Nội dung hết sức mơ hồ và “xảo quyệt” (lợi dụng các quyền tự do) của nó cho phép đảng Cộng sản cầm quyền, thông qua guồng máy công an trị, có thể bắt giam và kết án nặng nề bất kỳ ai không tuân phục sự cai trị của họ.
Trong một xã hội toàn trị như Việt Nam, khi đảng cầm quyền khống chế toàn bộ mạng lưới truyền thông báo chí thì người dân chỉ còn có mạng xã hội (Facebook, YouTube, Instagram) để thâu nhận thông tin và bày tỏ ý kiến cảm xúc trước những vấn đề của xã hội. Sự thể hiện đó là quyền tự do ngôn luận thiêng liêng của mỗi người.
Do đặc thù nghề nghiệp, các nhà báo, luật sư là những người có tiếng nói được theo dõi nhiều nhất trên mạng xã hội; bởi vì họ là người có kiến thức về pháp luật, từng trải những cảnh đời oan khuất và có kỹ năng viết lách, diễn đạt lôi cuốn. Nếu làm đúng chức trách một cách lương thiện thì luật sư, nhà báo có vai trò quan trọng trong công cuộc khai dân trí, cổ xúy tự do và dân chủ, góp phần đưa xã hội tiến tới một xã hội pháp quyền, trong đó pháp luật được tôn trọng và người dân được đối xử bình đẳng.
Nhưng đó cũng là những thứ mà nhà nước toàn trị lo sợ nhất, vì dân trí xói mòn quyền lực độc tôn của đảng. Đặt ra một đạo luật mơ hồ và phi lý như điều 331 BLHS là cách thâm độc để bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng dù nhỏ, như vụ án bà Hằng, bà Hàn Ni chứng tỏ, bảo vệ đảng cầm quyền. Trớ trêu là ở chỗ người dân không có tự do dân chủ để lợi dụng như điều 331 vu khống họ, mà ngược lại họ bị nhà cầm quyền lợi dụng một điều luật mơ hồ do đảng đặt ra để đàn áp. Nhìn từ khía cạnh nào thì điều 331 BLHS cũng giống như một thứ thòng lọng, một lưỡi dao treo trên đầu trên cổ người dân, sẵn sàng siết cổ bịt miệng khi có dấu hiệu bất tuân, phản kháng. Nó làm, cho xã hội tê liệt; công dân bị biến thành thần dân chỉ biết ngoan ngoãn và im lặng làm việc, đóng thuế mà không dám lên tiếng vì quyền lợi chính đáng của mình.
Tệ hại hơn nữa, điều 331 BLHS tạo ra tâm lý sợ hãi bao trùm xã hội, khiến cho người dân ngoảnh mặt che mắt trước những vấn đề chung, “không nghe, không thấy, không biết” vì các ý kiến, quan điểm của họ có thể không vừa lòng kẻ cầm quyền, có khi chuốc lấy tai họa! Nền tảng đạo đức, văn hiến của đất nước bị sụp đổ vô phương cứu vãn khi người dân không còn dám lên tiếng để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều 331 BLHS là một trong ba điều luật mà mới đây nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và hải ngoại đã đề nghị hủy bỏ, cùng với điều 109, 117 của BLHS 2015 – những điều luật từng bị Liên Hiệp Quốc cho là có nội dung mơ hồ. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là nhà cầm quyền cộng sản sẽ không bao giờ bãi bỏ chúng, vì đó là những công cụ hiệu quả nhất để bịt miệng một dân tộc giàu truyền thống đấu tranh.
Đọc thêm: