Quẳng gánh căng thẳng, bớt lo suy nghĩ

(Minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels)

Cho dù đã cố gắng thư giãn bằng cách ngâm mình trong bồn tắm với một bản nhạc du dương, uống một cốc sữa ấm, không gian trong phòng ngủ cũng thoang thoảng mùi hương tinh dầu và có nhiệt độ lý tưởng, nhưng bạn vẫn trằn trọc cả đêm, trong đầu vẫn còn nhiều suy nghĩ.

Thậm chí một số người dễ ngủ nhưng đôi khi cũng phải đối mặt với việc suy nghĩ nhiều, khiến tinh thần bị căng thẳng và lo âu.

Dưới đây là những mẹo giúp bạn bớt suy nghĩ lại, tránh xao nhãng, giúp tâm trí và cơ thể có cơ hội được nghỉ ngơi, theo trang mạng Brightside.

1. Đừng ép bản thân phải ngủ

Thay vì cố gắng mà không ngủ được, hãy ra khỏi giường và làm điều gì đó. Bạn có thể uống một cốc trà ấm, đọc sách hoặc viết nhật ký và quay lại giường khi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ.

Nằm trên giường và ép bản thân đi ngủ có thể khiến bộ não liên tưởng giường ngủ với chứng mất ngủ và lo lắng, biến phòng ngủ thành một nơi khó ngủ.

2. Tập trung vào hiện tại

Chúng ta thường khó ngủ vì bận lòng với các dòng suy nghĩ thuộc về chuyện tương lai hoặc quá khứ. Thông thường, chúng sẽ lo lắng về những việc chưa xảy ra, hoặc hối hận vì đã làm hoặc không làm những việc trong quá khứ.

Thay vì tập trung vào tương lai và quá khứ, bạn hãy cố gắng tập trung vào những gì đang diễn ra ngay tại đây và ngay bây giờ. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ cũng như không thể dự đoán tương lai, nhưng khoảnh khắc hiện tại là thứ chúng ta có thể kiểm soát. Sự thay đổi trọng tâm này mang lại cho bạn sự thư giãn mà tâm trí cần.

3. Học cách dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho việc lo lắng

Cũng giống như cách bạn sắp xếp thời gian để đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè hoặc làm việc nhà, bạn nên thử lập kế hoạch từ 15 đến 30 phút trong ngày cho việc lo lắng của mình. Khi dành ra một thời gian nhất định trong ngày để suy tư những lo âu, bạn hãy viết ra những căng thẳng và vấn đề khiến bạn cảm thấy như thế. Sau đó, ở mỗi vấn đề đang khiến bạn đau đầu, hãy viết ra một lời động viên cho bạn.

Hãy duy trì thói quen này, bạn sẽ thấy đầu óc sẽ bớt suy nghĩ hơn và diễn ra liên tục trong đầu. Bên cạnh đó, nó còn là cơ hội để bạn ghi ra những lời động viên cho chính bản thân mình, thôi thúc chúng ta hạnh phúc, vui vẻ và tin vào những điều tích cực.

(Minh họa: Ivan Samkov/Pexels)

4. Tập thở

Suy nghĩ liên tục thường liên quan đến căng thẳng, và căng thẳng khiến tim bạn đập nhanh hơn bình thường. Thở chậm và sâu có thể giúp bạn bình tĩnh và lắng đọng suy nghĩ của mình.

5. Làm xao nhãng bản thân

Bạn có thể thử một sở thích nhẹ nhàng hoặc một hoạt động thư giãn phù hợp nhất với mình, chẳng hạn như đọc sách, sử dụng sách tô màu, nghe nhạc, đi dạo hoặc nấu ăn. Khi bạn không thể chìm vào giấc ngủ vì những suy nghĩ liên tục chạy đến với bạn, hãy thực hiện một hoạt động thư giãn sẽ giúp bạn chuyển sự tập trung từ những suy nghĩ và việc mất ngủ sang một thứ gì đó dễ chịu hơn.

6. Giãn cơ

Thực hiện lần lượt các động tác căng và thư giãn các cơ như di chuyển từ ngón chân đến đầu sẽ giúp thư giãn các cơ bắp bị căng và buộc bạn phải tập trung vào những phần này của cơ thể. Lúc này, bạn sẽ phân tán sự chú ý khỏi việc phải suy nghĩ liên tục, tập trung vào cơ thể và hơi thở của chính mình.

7. Hít thở hương thơm của tinh dầu oải hương

Tinh dầu oải hương thường được sử dụng trong liệu pháp giảm căng thẳng, thư giãn và giúp ngủ ngon hơn. Không chỉ để tinh dầu trong phòng ngủ, bạn còn có thể cho từ hai đến ba giọt tinh dầu oải hương lên khăn tắm, khăn lau mặt, khăn lau tay để có thể luôn hửi được mùi. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý xem cơ địa của mình có bị dị ứng với mùi này không nhé!

8. Tránh dùng điện thoại hay các thiết bị điện tử vào ban đêm

Sử dụng điện thoại, máy tính xách tay hay iPad trước khi đi ngủ có thể làm tăng mức độ lo lắng và căng thẳng, đặc biệt nếu bạn đọc tin tức. Những dạng tin như thế sẽ khiến bạn cảm thấy bạn lo lắng, căng thẳng và não bộ sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, ánh sáng từ các thiết bị điện tử này ảnh hưởng không tốt đến quá trình sản xuất melatonin trong cơ thể, khiến giấc ngủ trở nên khó khăn hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: