Yitzhak Rabin: Người chết cho hòa bình

Share:
Cố Thủ Tướng Israeli Prime Minister Yitzhak Rabin. (Ảnh: Central Press/Getty Images)

Cách đây 28 năm, vào ngày 4 Tháng Mười Một năm 1995, Thủ tướng Israel, Yitzhak Rabin, đã bị một người Israel bảo thủ cánh hữu ám sát, khi đang tham dự một cuộc tuần hành cho hòa bình.

Lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine và Tổng thống Palestine, Yasser Arafat, lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền ở Dải Gaza, đã tới Israel để chia buồn với góa phụ của cố thủ tướng Yitzhak Rabin vào ngày 9 Tháng Mười Một, năm 1995. Chính quyền Israel lúc đó đã yêu cầu ông Arafat không đến dự đám tang của Rabin vì lý do an ninh, và chuyến thăm bí mật chỉ được tiết lộ sau khi ông quay trở lại Gaza. 

Lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine và Tổng thống Palestine, Yasser Arafat (thứ 5, từ phải) tham dự lễ tưởng niệm cố thủ tướng Yitzhak Rabin vào ngày 2 Tháng Mười Một, năm 1999 ở Oslo. (Ảnh: SVEN NACKSTRAND/AFP via Getty Images)

Tổng thống Arafat khi ấy đã nói với bà quả phụ Rabin rằng:

Chúng ta đã mất đi một người dũng cảm, người đã mang lại hòa bình cho những người dũng cảm cùng chúng tôi. Anh ấy là đồng minh của chúng tôi, và chúng tôi cảm ơn các bạn vì đã tiếp tục con đường và hành trình của anh ấy (đến hòa bình).” 

Hiệp định Oslo: Hiệp định trả bằng máu

Đã hơn 30 năm kể từ khi Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký Hiệp định Oslo vào ngày 13 Tháng Chín năm 1993, sau nhiều năm xung đột, đặt nền móng cho chính quyền tự trị lâm thời của Palestine ở West Bank và Dải Gaza. Các cuộc đàm phán dẫn đến Hiệp định Oslo, do Na Uy làm trung gian, và sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ.

Hiệp định Oslo là nỗ lực và công sức của những người đã nhận thức được tầm quan trọng của việc Israel trở lại vùng đất hứa sau các thảm kịch cũng như về việc Palestine bị tước quyền và chiếm đóng nhục nhã. Tuy nhiên, hiệp định Oslo chưa bao giờ được coi là một giải pháp cuối cùng của tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Nó là bước khởi đầu của một quá trình, trong đó hai bên sẽ gầy dựng niềm tin và sự tin tưởng, để giải quyết những xung đột lịch sử: yêu sách của người Palestine về quyền trở về quê hương, mà họ đã bị đuổi ra khỏi năm 1948; giải pháp vấn đề Jerusalem, nơi mà cả Palestine và Israel đều tuyên bố là thủ đô thiêng liêng của mình; giải pháp cho các khu định cư của người Do Thái ngày càng tăng trên các vùng đất bị chiếm đóng của Palestine.

Năm 1994, Thủ tướng Rabin, Bộ trưởng Ngoại giao Shimon Peres, và Tổng thống Arafat đã cùng được trao Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ nhằm tạo dựng hòa bình ở Trung Đông thông qua Hiệp định Oslo.

Mặc dù vậy, Hiệp định Oslo cũng đã khiến hai nhà lãnh đạo Rabin và Arafat trở thành mục tiêu chỉ trích nặng nề và tấn công bạo lực của các phe phái cực đoan. 

Yitzhak Rabin: Người chết cho hòa bình

Thủ tướng Yitzhak Rabin không xa lạ với xung đột lịch sử kéo dài giữa Israel và Palestine, khi chính ông đã từng ra lệnh cho quân đội Israel dập tắt các cuộc biểu tình của người Palestine. Nhưng khi xung đột kéo dài, quan điểm của Thủ Tướng Rabin dần dần thay đổi: ông coi sự phản kháng của người Palestine không phải là một mối đe dọa quân sự , nhưng là một bất bình chính trị cần được giải quyết.

Ông đóng một vai trò then chốt trong Hiệp định Oslo, để giải quyết những hiềm khích lịch sử giữa Israel và Palestine. Cái bắt tay ký kết Hiệp định Oslo trên bãi cỏ trước Tòa Bạch Ốc giữa Rabin và Arafat, với sự ủng hộ của cựu tổng thống Bill Clinton, đã đi vào lịch sử chính trường thế giới, trở thành biểu tượng của đàm phán và hòa giải, ngay cả cho những cuộc xung đột khó giải quyết nhất.

Cái bắt tay ký kết Hiệp định Oslo trên bãi cỏ trước Tòa Bạch Ốc giữa Thủ Tướng Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine, Yasser Arafat với sự ủng hộ của cựu tổng thống Bill Clinton, đã đi vào lịch sử chính trường thế giới (Ảnh: FILES/J. David AKE/AFP via Getty Images)

Lời phát biểu của ông Rabin vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người yêu chuộng hòa bình: “Hôm nay chúng tôi nói với các bạn bằng một giọng to và rõ ràng: đã đủ máu và nước mắt. Quá đủ.” Lời nói của ông Rabin còn ý nghĩa hơn vì xuất thân của ông: từ một người lính thành chính trị gia. Ông từng là chỉ huy trong cuộc Chiến tranh giành độc lập năm 1948 của Israel và tổng tham mưu trưởng trong cuộc chiến tranh năm 1967 mà người Israel đã giành được chiến thắng trước âm mưu tuyệt chủng của ba quốc gia Ả Rập láng giềng. 

Ngay sau khi Hiệp định Oslo được ký kết, phe cánh hữu của Israel, và đặc biệt là những người định cư ở West Bank và Gaza, đã tố cáo thỏa thuận này là sự phản bội. Xung đột càng gia tăng khi Hamas và Thánh chiến Hồi giáo của Palestine phản đối Hiệp định Oslo bằng cách cho nổ bom tự sát ở Israel, khiến nhiều người bị thiệt mạng. Lúc đó, làn sóng đổ tội và kết án Rabin gia tăng. Các giáo sĩ Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã gọi Rabin là kẻ sát nhân, và theo luật Do Thái giáo, những kẻ sát nhân có thể bị giết để ngăn chặn những hành vi giết người tiếp theo. 

Lãnh đạo phe đối lập lúc bấy giờ, cũng là Thủ tướng hiện tại của Israel, Benjamin Netanyahu, là một trong những tiếng nói chỉ trích Rabin dữ dội nhất. Người đứng đầu cơ quan an ninh Israel lúc đó đã thỉnh cầu Netanyahu giảm nhẹ những phát ngôn kích động bạo lực nhắm vào Rabin, cảnh báo rằng tính mạng của ông thủ tướng đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, Netanyahu đã thẳng thừng từ chối. 

Vào đêm ngày 4 Tháng Mười Một năm 1995, Thủ tướng Rabin mặc một áo sơ mi cotton trắng, đeo cà vạt, và một chiếc áo khoác, đứng trước một đám đông ở Tel Aviv trong một cuộc tuần hành vì hòa bình. Yigal Amir, một thanh niên Do Thái Israel 25 tuổi, theo khuynh hướng bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc, đã lạnh lùng bắn hai phát  liên tiếp vào ông Rabin. Một tiếng rưỡi sau, tin tức cho biết ông đã chết tại bệnh viện. Những người thân đã tìm thấy trong túi của Rabin một tờ giấy, là lời bài hát “Bài hát cho Hòa bình”, nhàu nát và nhuốm đầy máu.  

Yigal Amir, một thanh niên Do Thái Israel 25 tuổi, theo khuynh hướng bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc, đã lạnh lùng bắn hai phát  liên tiếp vào Thủ Tướng Rabin (Ảnh: JACK GUEZ/AFP via Getty Images)

Sau cái chết của Thủ tướng Yitzhak Rabin, triển vọng về một nền hòa bình lâu dài giữa người Palestine và người Israel cũng tan theo mây khói. Bộ trưởng Ngoại giao Shimon Peres đã thất bại trước Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử năm 1996. Với khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, Netanyahu đã đảo ngược mọi biện pháp thực thi của Hiệp định Oslo, và bắt tay vào một con đường đối đầu với Palestine, bằng cách mở rộng các khu định cư bất hợp pháp của Israel và tiến hành các hành động khiêu khích.

Trong những năm tiếp theo, Netanyahu đã liên minh với các chính đảng cực hữu (far-right parties) để thành lập chính phủ, nắm quyền lãnh đạo, và tiếp tục mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở Gaza bất chấp luật pháp quốc tế. Cho nên, nỗi thống khổ của người Palestine tại Gaza ngày càng sâu sắc hơn, khi việc đi lại đã bị hạn chế từ năm 2007 do lệnh phong tỏa của chính quyền Israel.

Người dân Israel tưởng niệm cố Thủ Tướng Yitzhak Rabin tại nơi ông bị ám sát. (Ảnh: MANOOCHER DEGHATI / AFP) (Photo by MANOOCHER DEGHATI/AFP via Getty Images)

Dường như, hai viên đạn giết chết Thủ tướng Rabin đã thay đổi vận mệnh của Palestine và Israel. Cho đến nay, cái chết của Yitzhak Rabin được cho là vụ ám sát thành công nhất trong lịch sử, khi nó đã đạt được mục đích là xóa sổ tiến trình hòa bình. 

Gần 30 năm sau khi Rabin bị ám sát, phe cánh hữu của Netanyahu đã nắm giữ quyền lực chính trị Israel. Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Lao động của cố Thủ Tướng Yitzhak Rabin chỉ giành được ít hơn 6% số phiếu bầu và chỉ có 7 ghế tại quốc hội. Trong gần ba thập kỷ, Đảng Lao động đã nỗ lực tìm kiếm một nhà lãnh đạo có thể đưa ra những điều mà cố Thủ tướng Rabin đã làm: sẵn sàng thỏa hiệp vì hòa bình cũng như uy tín và kỹ năng chính trị để thực hiện điều đó.

Trong bài phát biểu tại lễ ký kết Hiệp định Oslo, Tổng thống Yasser Arafat từng tuyên bố:

Cuộc chiến vì hòa bình là trận chiến khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta.”

Để đạt được hòa bình vĩnh viễn, các bên phải dung hòa, thậm chí thỏa hiệp giải pháp cùng chung sống hòa bình. Bài học cho Israel và Palestine là phải lắng nghe lời kêu gọi của hai nhà lãnh đạo từng là kẻ thù của nhau, nhưng vượt qua sự thù hận, để tái tạo hòa bình cho người dân. Có lẽ, chỉ khi nào Israel và Palestine có được lãnh đạo cấp tiến, bản lĩnh, và yêu chuộng hòa bình thì tiến trình hòa bình cho Israel và Palestine mới có hy vọng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: