Trần Quốc Bảo – Để tin nhau giữa cuộc đời

Trần Quốc Bảo trong chuyến lưu diễn Úc

Tháng Tám 2023, bà Minh, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh nhắn với tôi rằng tình hình tài chính gia đình bà ngày càng khó khăn và thu nhập từ việc bán vé số gần như không thể lo nổi thuốc men cho ông chồng đau yếu – nhạc sĩ Nguyễn Trung Vinh, tay trống của ban nhạc Phượng Hoàng ngày nào.

Nổi trôi dòng đời

“Con coi có ai giúp được chút nào để cô góp mua cái xe lăn, chứ chân cẳng giờ đau nhức khó đi quá”, bà Minh nhắn với sự ngại ngùng. Tình hình kinh tế ở Việt Nam đang trở nên khó khăn, trong khi vợ chồng bà cũng được giúp vài lần từ đầu năm đến nay rồi nên giờ bà rất ngại. Các nhóm yểm trợ nghệ sĩ trước năm 1975 thay nhau quyên góp, gửi đi lời kêu gọi, nhưng cũng lo vì lúc này không chỉ có vợ chồng ông Nguyễn Trung Vinh mà nhiều nhạc sĩ khác đang đau yếu cũng kêu gọi giúp đỡ.

Vậy mà cuối Tháng Mười, bà Minh gửi một bức ảnh chụp hai vợ chồng đứng cạnh chiếc xe lăn điện, vui mừng cho biết một người từ hải ngoại gửi tiền về giúp bà mua chiếc xe lăn điện để có thể di chuyển mưu sinh. Người đó chưa bao giờ gặp vợ chồng bà và cũng chưa bao giờ trò chuyện trên điện thoại với bà. Đó là nghệ sĩ, MC, nhà báo Trần Quốc Bảo. Không quen biết gì nhau, nhưng được người quen nhắn tin, Trần Quốc Bảo chạy đi gọi đồng nghiệp, anh em, người góp một chút, rồi gửi về giúp cho đôi vợ chồng người nghệ sĩ già.

Ở Mỹ, cộng đồng người Việt đều nghe quen cái tên Trần Quốc Bảo, nhưng thật khó nhớ công việc chính của anh. Kể từ năm 1980 khi đặt chân đến Mỹ, trải qua một chuyến chìm tàu, Trần Quốc Bảo làm đủ mọi nghề trong khả năng của mình, từ sáng tác, ca sĩ, tổ chức biểu diễn, làm báo, đến tổ chức kết nối cộng đồng văn nghệ người Việt. Chuyện duy nhất anh không làm, mặc dù có nhiều người hỏi, là nối nghiệp người cha – chiêm tinh gia Huỳnh Liên lừng danh trước năm 1975.

Cuộc đời đi tìm tự do của anh Trần Quốc Bảo trải qua 12 lần ra biển. Anh kể, đến chuyến đi thứ 13, chiếc ghe chở trên 60 người bị sóng đánh tan từng mảnh, nhưng may mắn là anh sống sót. Ký ức thanh xuân của Trần Quốc Bảo đầy ám ảnh với những hồi ức thảm khốc, với cảnh phụ nữ trẻ con chìm trong biển cả trước mắt mình. Có lẽ vì vậy, Trần Quốc Bảo cố gắng làm mọi thứ để yêu thương, chia sẻ với mọi người, đặc biệt với giới nghệ sĩ.

Trần Quốc Bảo kể rằng thời gian đó, các nước Đông Nam Á đã bắt đầu mệt mỏi với làn sóng người tỵ nạn. Trong lần vượt biên cuối của anh, thuyền của anh gặp nhiều thương thuyền của các quốc gia khác nhau nhưng không tàu nào dám ngừng lại tiếp nhận thuyền nhân tị nạn, vì sợ phải mang trách nhiệm. Cuối cùng, một chiếc tàu buôn Thái Lan dừng lại, tiếp tế thực phẩm, nước uống cho chiếc thuyền của Trần Quốc Bảo đang rệu rã chìm. Trần Quốc Bảo liều nhảy sang tàu Thái và may mắn được giữ lại. Trong khi đó, những người trên thuyền chìm dần giữa đại dương.

Nhạc sĩ Trần Quốc Bảo với cuộc đời làm báo và MC

Góp mặt trong thế giới văn nghệ hải ngoại

“Sau khi đến Mỹ, tôi cho là mình đã tái sinh với một cuộc đời mới. Tôi tự viết lại ngày sinh, và ghi nhớ một linh hồn của mình đã chết trên biển. Tôi gọi đó là Trầm Từ Đông – tức là một người đã chết trên biển Đông – khi viết những bài hát về người vượt biển”, anh Trần Quốc Bảo kể. Tập Hát Trên Đường Lưu Vong của anh với 15 ca khúc ra mắt năm 1981 được ký với cái tên này.

Bước chân đầu tiên vào thế giới văn nghệ của người Việt hải ngoại, Trần Quốc Bảo đã xuất hiện như một nhạc sĩ kiêm ca sĩ. Viết về buổi ra mắt chương trình âm nhạc đầu tiên của Trần Quốc Bảo, nhà thơ Du Tử Lê trân trọng ghi lại cảm nhận của ông về một người nghệ sĩ trẻ, và rất mới này, như sau:

“Người trẻ tuổi sống sót, lại hát cùng tiếng đàn guitar bập bùng qua mấy ngón tay anh khô ải: ‘Còn mảnh đất nào cho ta dung thân? Còn hạnh phúc nào cho đời tỵ nạn? Còn biển xanh nào chôn thân lưu đầy. Còn Mặt trời nào soi sáng thế gian đây…/ Thân chim trời còn cành còn tổ. Nhưng ta là người sao không chỗ dung thân…

Càng hát, giọng người trẻ tuổi càng trở nên phẫn nộ. Càng hát, giọng người trẻ tuổi càng trở nên xa vắng. Như những con sóng cấp năm, cấp sáu đập tan những mảnh thuyền, chẻ vỡ những khoang tàu, rút đi những thân người, dập tắt những tiếng kêu giữa Biển Đông – giữa đời sống – thực sự – là Việt Nam hôm nay”.

Trong giai đoạn sinh hoạt tuổi trẻ của người Việt tỵ nạn ở Mỹ vào thập niên 1980, không chỉ làm báo với tờ Tuổi Ngọc, Trần Quốc Bảo còn thực hiện những cuộc lưu diễn với Việt Dzũng, Khúc Lan, Khúc Minh, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn… Anh cũng xuất hiện vai trò dẫn chương trình và tổ chức các sự kiện âm nhạc hết sức độc đáo. Thúy Nga Paris từng mời anh làm người dẫn chương trình, trước khi làm việc độc quyền với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn.

Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi kể lại rằng, vào giai đoạn thuyền nhân vượt biển chông chênh chờ đợi những quyết định ân huệ của Hoa Kỳ và các quốc gia thứ ba, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã tổ chức nhiều chương trình vận động cho chính sách định cư, đón người Việt đang kẹt ở các trại tỵ nạn.

Trần Quốc Bảo là người đầu tiên tổ chức một đại nhạc hội quy mô cả chục nghệ sĩ tên tuổi, quy tụ đến hàng ngàn khán giả, trong chương trình có tên Giọt Nước Mắt Cho Tuổi Thơ Việt Nam tại Anaheim để gây quỹ giúp trẻ mồ côi ở các trại tỵ nạn khu vực Đông Nam Á. Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi nói lúc đó ông mới thật sự hiểu hết con người Trần Quốc Bảo, thấy được trái tim của một Trần Quốc Bảo luôn khắc khoải cho thuyền nhân, cho tuổi thơ Việt Nam, và cho cả một Việt Nam bên ngoài Việt Nam.

Một trái tim nhân ái

Ngồi với Trần Quốc Bảo, khi nhắc lại chuyện vô số lần anh chạy xin mỗi người một ít, dốc túi bù cho đủ số để gửi về cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ nghèo và đau yếu ở Việt Nam, anh chỉ cười. “Tại mình thấy phải làm vậy, không làm thì cứ nhớ về nó hoài, vậy thôi”, Trần Quốc Bảo nói. Thời gian phủ bóng lên đời người với những mệt mỏi, những đường chân chim rõ hơn trên gương mặt, nhưng trái tim Trần Quốc Bảo lúc nào cũng là một Trầm Từ Đông ngày mới đến, nguyện trong kiếp sống của mình đem niềm vui và sự chia sẻ đến mọi nơi, đến tận cuối đường.

Mới đây, lần thăm nhạc sĩ Hà Phương ở Mỹ Tho đang bệnh nặng, ông nhắc về Trần Quốc Bảo. “Thiệt tình, nghệ sĩ, nhạc sĩ cũ ở Việt Nam biết ơn Bảo lắm”. Những lần đi viện gần đây, ông nhận được tiền gửi về giúp thuốc men. Có cả những ca sĩ khác cũng gửi về, nói là “nghe anh Bảo kể”. Lê Hựu Hà lúc sinh thời cũng nhắc về Trần Quốc Bảo với sự thích thú và trân trọng. “Bảo hay lắm em, nó thương tất cả mọi người” – nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói với tôi.

Trong một chương trình văn nghệ nối kết mang tính lịch sử của văn nghệ sĩ hải ngoại với trong nước năm 1996, sau khi Việt Nam thông thương với Mỹ, Trần Quốc Bảo là người được chọn cầm $20,000 thu được từ chương trình Chút Tình Trao Nhau do ca sĩ Thanh Thúy tổ chức (Tháng Hai 1996) để đem về Việt Nam, chia sớt tấm lòng của những nghệ sĩ hải ngoại với 75 nghệ sĩ thuộc thế hệ trước 1975. Đó là chuyến đi đại diện cho tình đồng bào, tình nghệ sĩ, tình thương với một thế hệ tài danh còn kẹt lại, đang sống lặng lẽ ở Việt Nam, đau yếu và khó khăn.

Vì yêu thương, Trần Quốc Bảo không biết giận ai, không nói điều buồn lòng với ai. Vì nguyện nối kết mọi văn nghệ sĩ ở cuộc sống này, nên với mọi người, anh là bạn, là người để mọi người tìm đến. Trần Quốc Bảo chân thành với mọi người, làm mọi chuyện để an ủi những nghệ sĩ không còn đất đứng trong nghề, chìa bàn tay với những người nghĩ rằng mình đã bị quên lãng.

Cùng các nghệ sĩ trong một chương trình Thúy Nga Paris với vai trò MC

Để tin nhau giữa cuộc đời

Hỏi về mục đích chuyện làm báo Thế Giới Nghệ Sỹ, giữa thời đại báo giấy khó khăn, anh nói, “để nối kết mọi người, để giữ tin nhau giữa cuộc đời”. Nếu biết có những lúc anh dốc hết túi để lo cho ai đó, hay để in tròn số báo, mới biết đời của Trần Quốc Bảo như sống tạm để làm điều thích, làm không toan tính, làm với nụ cười nhẹ nhàng.

Gần như mọi tin tức, chi tiết, lịch sử ngọn nguồn của sinh hoạt âm nhạc người Việt hải ngoại, Trần Quốc Bảo giữ trọn trong văn khố nhà mình, giữ trong trí nhớ và tình thương. Anh lưu giữ nhiều chi tiết và nhiều điều đến nỗi khi nghe anh kể, phải ngẩn người. Nhưng Trần Quốc Bảo nhớ, biết, ghi lại và chia sẻ với mọi người không bằng câu chữ đơn thuần của nhà báo, mà bằng sự yêu thương và ân cần đặc biệt. Những điều đó đã tạo nên một nhà báo – nghệ sĩ Trần Quốc Bảo có một không hai trong lịch sử của văn nghệ Người Việt tự do tại Little Saigon.

Nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi, người bạn thân của Trần Quốc Bảo, nhận xét rằng “có thể Bảo không để lại điều gì lớn lao, nhưng mà tình nghĩa sống với nhau cùng những bạn bè nghệ sĩ, thì quả là điểm son còn lưu mãi trong sự nghiệp và cuộc đời Trần Quốc Bảo”. Quả thật, đời văn nghệ, và tình văn nghệ của người Việt – không chỉ ở Little Saigon – nếu không có một Trần Quốc Bảo, thì thật thiếu vắng tình anh em, tình đồng bào, và thiếu cả một trái tim ân cần kết nối lại tất cả với nhau trong cuộc đời mà sự xa nhau bao giờ cũng dễ hơn sự gần gũi bên nhau và chia sẻ lúc cần nhau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: