Ghé bến “Little” Saigon, thấy Xuân về

Tết ở Little Saigon, Westminster, California được xem là nơi gần như duy nhất ở hải ngoại có không khí vui nhộn và náo nhiệt nhất (ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times via Getty Images)

Đọc bản tin “Nửa Thế Kỷ Người Việt Hải Ngoại” của báo Saigon Nhỏ mời viết về cảm nghĩ và hồi ức của những cư dân đầu tiên đến “Little Saigon-Bolsa,” tôi băn khoăn và nghĩ rằng mình không thể viết chủ đề này, vì tôi đến Mỹ vào những ngày cuối của thiên niên kỷ cũ, khi Little Saigon đã được xây dựng hơn hai mươi năm rồi, nên đâu biết gì để viết… 

Một hôm, xem lại các tấm ảnh xưa, tình cờ thấy hình mình chụp chung với anh bạn đứng trước Phước Lộc Thọ tại phố Bolsa-Little Saigon năm nào, mới chợt nhớ nhiều kỷ niệm mình có ở chốn này. 

Rồng bay đón Tết Giáp Thìn bên hông Thương Xá Phước Lộc Thọ. (ảnh: Đ. Trang)

… Năm 2003, từ South Carolina, chúng tôi đáp máy bay về nhà đứa em ở Anaheim. Hôm sau cả bọn kéo nhau ra Westminster uống cà phê, ăn sáng và dạo phố. Đường sá đông đúc, người Việt đông đảo, xe cộ tấp nập, nối đuôi nhau vào các trung tâm mua sắm, chợ ABC, tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches, thật náo nhiệt. Các quán phở gà, phở Bắc, phở Hòa, bún bò Huế, cơm tấm Thuận Kiều nhộn nhịp tất bật, đầy thực khách…

Trên đường đi chúng tôi còn thấy tiệm thịt quay Tôn Thọ Tường, Thạch chè Hiển Khánh; ngó sang bên kia là khu “shopping center” khác, có siêu thị, nhà hàng Việt Nam với bò bảy món, quán bánh canh giò heo, bánh bèo, cho tới “shop nail supply” chạy dài tới cuối góc; rồi trên lầu là dãy văn phòng luật sư, bác sĩ, nha sĩ, văn phòng bán bảo hiểm, bán vé máy bay, dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam.

Tất cả ồn ào tấp nập, chứng tỏ cuộc sống của người dân ở đây sung túc no ấm. Nhìn cảnh đó khiến tôi thích thú, thầm nghĩ “đúng là Saigon Nhỏ”, và bỗng nao nao nhớ tới “Hòn Ngọc Viễn Đông” năm nào bên nhà. Tôi chợt buột miệng hát nho nhỏ bài “Ghé bến Sài Gòn” của nhạc sĩ Văn Phụng:

“Cùng nhau đi tới Sài Gòn 

Cùng nhau đi tới Sài Gòn 

Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do

Dừng chân trên bến Cộng Hòa

Người Trung Nam Bắc một nhà

Về đây chung sống hát khúc hoan ca”

Sau đó bọn tôi kéo đến Asian Garden Mall. Đứng chụp tấm hình kỷ niệm với ba ông Phước Lộc Thọ, nghe bà con mình gọi nhau ơi ới, trò chuyện rổn rảng như hồi còn trong nước, bọn tôi cảm giác quen thuộc ngày cũ. Những hình ảnh này chỉ có ở các khu Việt Nam trên xứ Mỹ mà thôi. 

Tác giả (trái) và người bạn với tấm ảnh kỷ niệm chụp trước Phước Lộc Thọ (ảnh: Triều Phong)

Thấy bà con đồng hương lũ lượt ra vào Asian Garden Mall, chúng tôi tò mò bước vô. Dạo quanh một vòng bên dưới, xem các gian hàng bày bán đủ thứ đồ ăn nhanh như bánh cuốn, xôi, chè, nước mía; rồi bánh bao, bánh mì thịt nguội, cháo lòng, bún riêu… Đông đảo khách hàng ăn uống xì xụp ngon lành, giống như cảnh trong nhà lòng chợ Bến Thành-Sài Gòn. Tôi thấy rất vui. Đoạn bọn tôi rảo bước lên lầu, vào chỗ bán sách báo, tôi thấy không chỉ sách mà còn rất nhiều băng cassette với đủ mọi thể loại nhạc từ tiền chiến tới “new wave,” rồi băng video của các trung tâm Paris By Night, Asia, Vân Sơn…

Bên trong Phước Lộc Thọ (ảnh: Cao Trí)

 Trên đường trở ra, tôi chợt chú ý tới tiệm sách nằm bên phải, gần cửa chính mà lâu quá tôi không nhớ tên. Như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, tôi bước vào. Đây là một nhà sách đúng nghĩa với các tạp chí và đủ loại sách, từ triết học, tôn giáo, đến chính trị như quyển “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” của Nguyễn Tiến Hưng; sách văn học có giá trị từ trước năm 1975 tới hải ngoại; rồi báo Làng Văn, Người Việt, Việt Báo, Văn, Thế Kỷ 21, Văn Học, Trăm Con, Hợp Lưu, các tuyển tập truyện ngắn “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo; thậm chí cả tập thơ “Sau Cuộc Chiến” của Cao Mỵ Nhân do Cội Nguồn xuất bản…

Trước khi rời đi, tôi háo hức ôm lấy cuốn “Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995”; tuyển tập hai quyển dày cộm của hơn một trăm năm tám tác giả được xuất bản bởi Đại Nam.

Năm 2006, khi có dịp trở lại Cali để nhận giải khuyến khích cho cuộc thi viết “Ba Mươi Năm Tỵ Nạn và Chuyện Đời Tôi” do báo Người Việt tổ chức, tôi thấy Little Saigon đã lớn mạnh và phồn thịnh. Người Việt kéo nhau tới sinh sống ngày càng đông đảo. Nhiều khu mua sắm và trung tâm thương mại được thành lập thêm. 

Tác giả và vợ con trong lần về Cali dự lễ trao giải cuộc thi viết “30 năm tỵ nạn và đời tôi” do báo Người Việt tổ chức (ảnh: Triều Phong)

Đến năm 2008 trong chuyến về Bắc Cali thăm thân nhân, gia đình tôi dành hai ngày xuống Orange County chơi và thăm bạn bè. Lần đó, tôi cũng vô chợ Phước Lộc Thọ, tới tiệm chuyên may âu phục nổi tiếng đặt may bộ veston. Xong việc, chúng tôi lang thang qua mấy gian hàng bán nữ trang, bỗng thấy tiệm vàng Minh Hải với chữ “Nha Trang” và chữ “Mabuhay” to đùng vẽ bên dưới. 

Cả đám giật mình kinh ngạc. Chữ này là tiếng Tagalog của người Phi, mà một trong những nghĩa quen thuộc của nó là “xin chào”. Chúng tôi ngơ ngác không hiểu tại sao nó lại xuất hiện ở đây. Gian hàng này của người nước nào mà cùng có cả hai ngôn ngữ Việt, Phi? Thật bất ngờ, cô chủ tiệm không ai khác hơn là chị Lan, vợ anh Hải làm vàng cùng ở bên đảo với bọn tôi ngày nào. “Tha hương ngộ cố tri,” thế là anh em chúng tôi vui mừng, xúm xít trò chuyện rôm rả, kể lể đủ điều…

Năm 2014 gia đình tôi lại đến Cali nhân dịp tôi nhận giải danh dự “Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo. Kỳ này tôi nhận thấy Little Saigon ngoài sự phát triển thương mại rực rỡ với vô số cơ sở làm ăn mọc nhan nhản thì còn có sự lớn mạnh về văn hóa giáo dục, nghệ thuật, âm nhạc, với những đài phát thanh Việt ngữ và khu vui chơi giải trí cho giới trẻ…

Ngoài cuộc thi viết được duy trì tổ chức mỗi năm của Việt Báo, còn có những cuộc thi văn thơ của những tờ báo khác. Tất cả nhằm bảo tồn văn hóa, lịch sử, trong đó có cả những chia sẻ xương máu của việc ra đi tìm tự do sau 1975, để con cháu mai sau hiểu vì sao chúng có mặt ở hải ngoại… 

Bên cạnh đó còn là những dịp lễ lạc quan trọng như kỷ niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng Sáu, Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư do những hội đoàn, đoàn thể tôn giáo tổ chức mà trong đó chính yếu vẫn là những Hội Ái Hữu của quân dân cán chính VNCH, Hội Cựu Quân Nhân, Hội Đoàn Giới Trẻ Nam Cali, các Liên Đoàn Hướng Đạo… Tôi cũng nhận thấy chùa Phật giáo, nhà thờ Công giáo, Tin lành được dựng lên nhiều hơn để chăm lo đời sống tinh thần cộng đồng. 

Gần đây nhất – Tháng Tám 2022, khi trở về Westminster, California để nhận giải thưởng cuộc thi viết “Muôn Nẻo Đường Đời” do báo Saigon Nhỏ tổ chức – chúng tôi thấy một Little Saigon khác nữa: Một Little Saigon hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ khởi sắc trở lại; chẳng hạn “Cuộc Thi Tiếng Hạc Vàng Senior Voice” do Đài SBTN phát động.

Tác giả và vợ trong lần về Cali dự lễ trao giải cuộc thi viết “Muôn Nẻo Đường Đời” do báo Saigon Nhỏ tổ chức (ảnh: Triều Phong)

Thư Viện Việt Nam cũng vững mạnh so với thời gian đầu mới thành lập, với nhiều sách báo, tài liệu, kỷ vật của miền Nam Việt Nam ngày trước do bà con mang đến tặng. Viện Việt Học cũng trưởng thành sau bao năm tháng. Trung Tâm Việt Ngữ vẫn hoạt động mạnh, với những lớp dạy tiếng Việt cùng các chương trình đào tạo thầy cô Việt Ngữ dạy cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ hiểu được chữ Việt, văn hóa Việt, và tinh thần dân tộc Việt. “Tiếng Việt còn, nước Việt còn”. 

Và trong mục tiêu “tạo sự cảm thông và góp phần duy trì mối liên hệ mật thiết cho người Việt sống khắp nơi trên thế giới”, Câu Lạc Bộ Văn Nghệ tổ chức thành công nhiều đêm nhạc thính phòng cho người yêu nhạc. Tại Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, tôi cũng thấy du khách đến viếng nhiều hơn.

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum) mới thành lập chưa lâu nhưng cũng có nhiều hoạt động phong phú, đầy ý nghĩa với mục đích bảo tồn lịch sử và di sản của người tị nạn ở Mỹ cũng như trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, sinh hoạt cộng đồng người Việt rất sôi động với những cuộc tranh cử của các vị dân cử trẻ gốc Việt tham gia vào dòng chính của chánh quyền cấp tiểu bang lẫn liên bang.

Với riêng tôi, có thể nói mỗi lần trở lại Little Saigon là tôi lại có cảm giác rằng “Xuân đang về”, bởi cuộc sống cộng đồng người Việt nơi này lúc nào cũng sôi nổi, tấp nập, với những sinh hoạt văn hóa phong phú, qua những buổi hội thảo văn chương, ra mắt sách, chương trình ca nhạc, hội xuân, hội chợ, chợ đêm Bolsa…

Tất cả đầy màu sắc Việt Nam với không khí luôn nhộn nhịp và vui như Tết! Thảo nào người Việt sinh sống ở mấy tiểu bang xa lúc nào cũng muốn về đây ăn Tết. Bolsa-Little Saigon ở Cali có khác gì là ngôi nhà thứ hai của người Việt trên đất Mỹ. 

Ngựa xe như nước rộn ràng

Ngập muôn sức sống tiềm tàng…

Trải qua gần năm mươi năm ly hương, cộng đồng người Việt với sức mạnh tinh thần mãnh liệt và ý chí kiên cường, đã xây dựng lại thành công một Sài Gòn khác bên ngoài Việt Nam. Họ đã viết lại lịch sử dân tộc trên vùng đất mới, tại “tiểu Sài Gòn” này. Họ đã dựng lại quê hương trên một xứ sở mới. Họ đã quây quần với nhau trên một đất nước không thuộc cội nguồn mình nhưng họ luôn tự hào nói với nhau rằng, “Tôi là người Việt Nam”. 

(Ohio, Xuân 2024) 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: