Lễ Độc Lập hoảng loạn vì súng đạn

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ xả súng vào đoàn diễn hành Lễ Độc Lập tại Highland Park gần Chicago hôm qua, 4 tháng Bảy. Nghi phạm Robert “Bobby” E. Crimo III, 22 tuổi, được cho là đã nổ súng giết chết 6 người và làm bị thương hàng chục người khác đã bị bắt giữ sau tám tiếng đồng hồ lẩn trốn. Ảnh Jim Vondruska/Getty Images.

Vụ xả súng vào đoàn diễn hành mừng lễ Độc Lập ở thị trấn Highland Park ngoại ô Chicago giàu có đã làm sáu người chết, ít nhất 30 người bị thương. Ảnh hưởng của vụ thảm sát đã được cảm nhận trên toàn quốc. Tại nhiều thành phố khác, pháo hoa bị nhầm với tiếng súng đã gây ra sự hoảng loạn vào đêm qua thứ Hai 4 tháng Bảy 2022 và người ta nhận ra rằng không có thành phố hay thị trấn nào miễn nhiễm với bạo lực súng đạn đang làm rung chuyển nước Mỹ.

Tại Orlando, bang Florida, lễ bắn pháo hoa tại hồ Eola đã đột ngột kết thúc sau khi có báo cáo về một vụ nổ súng làm cho đám đông người xem tháo chạy hỗn loạn.

Harrisburg, Pennsylvania, nỗi lo sợ một vụ nổ súng đã khiến hàng trăm người chạy tán loạn trước khi màn bắn pháo hoa của thành phố bắt đầu. Cảnh sát cho biết, sự hoảng loạn có thể bắt nguồn từ việc những đứa trẻ ném pháo nổ xuống đất.

thủ đô Washington D.C., hai tiếng động lớn gần Đường 11 và Đại lộ Pennsylvania NW đã khiến những người gần đó bỏ chạy về phía quảng trường quốc gia National Mall, theo báo The Washington Post. Nhân viên công lực có mặt tại hiện trường xác nhận âm thanh đó là pháo hoa và cho biết những tiếng nổ có thể đã gây ra báo động.

Tám người bị thương, một số người bị thương nặng, trong một vụ xả súng ở công viên Minneapolis tiểu bang Minnesota trong lễ kỷ niệm không chính thức ngày 4 tháng Bảy. Cảnh sát cho biết vụ hành hung xảy ra vào khoảng 11:30 tối thứ Hai tại Boom Island Park.

Tại Philadelphia – nơi khai sinh nền độc lập Hoa Kỳ – hai sĩ quan cảnh sát đã bị bắn trong bữa tiệc của thành phố Chào mừng nước Mỹ vào tối thứ Hai 4 tháng Bảy. Cả hai đã được điều trị tại một bệnh viện và đã được ra viện vào sáng nay thứ Ba.

***

Trở lại Highland Park tiểu bang Illinois, chính quyền thị trấn đã thông qua một sắc lệnh cấm buôn bán và sở hữu súng tiểu liên AR-15 và AK-47 vào tháng Sáu năm 2013, khoảng sáu tháng sau khi một tay súng 20 tuổi gây ra vụ thảm sát giết chế 20 học sinh và sáu giáo viên trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sau đó đã từ chối xét xử đơn kháng cáo đòi hủy bỏ sắc lệnh đó.

Thị trưởng Highland Park, bà Nancy Rotering – người đã ký sắc lệnh cấm vũ khí tấn công gần một thập kỷ trước – nói bà không biết chi tiết làm thế nào mà nghi phạm vụ thảm sát hôm qua có được khẩu súng tiểu liên sử dụng trong vụ tấn công, nhưng bà nói rằng khẩu súng đã được mua một cách hợp pháp.

“Quốc gia này cần một cuộc thảo luận về những vụ giết người hàng loạt xảy ra hàng tuần bằng những khẩu súng được sở hữu một cách hợp pháp. Nếu đó là luật của chúng ta thì tôi nghĩ chúng ta phải xem xét luật”, bà Rotering nói trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Today của NBC. Bà Rotering nói rằng có những người bị suy nhược tinh thần nhưng trọng tâm của luật nên tập trung vào việc tiếp cận với súng đạn chứ không phải sức khỏe tâm thần.

“Tôi muốn chúng ta nói về thực tế là có những loại vũ khí chiến tranh trên đường phố mà mọi người có thể có mua được một cách hợp pháp – và sau đó giết hại hàng chục người. Cộng đồng của chúng tôi sẽ không bao giờ hồi phục sau vết thương,” bà nói, theo USA Today.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vài giờ sau vụ thảm sát, Thống đốc bang Illinois JB Pritzker, cho biết khi viết ra Tu Chính Án thứ Hai cách đây hơn hai thế kỷ, các nhà lập quốc chỉ mang súng hỏa mai, không phải súng tiểu liên và chắc chắn họ sẽ không đồng ý với quyền hiến định đối với vũ khí tấn công có băng đạn dung lượng lớn. “Đau buồn sẽ không đưa các nạn nhân trở lại, và cầu nguyện sẽ không thể chấm dứt nỗi kinh hoàng của bạo lực súng tràn lan ở đất nước chúng ta. Tôi sẽ giữ vững lập trường với người dân Illinois và người Mỹ: chúng ta phải – và chúng ta sẽ – chấm dứt nạn bạo lực súng đạn này,” ông Pritzker, Đảng Dân chủ, viết trên Twitter. Các chính trị gia Cộng Hòa, sau một vụ thảm sát bằng súng, thường chỉ kêu gọi mọi người chia buồn và cầu nguyện, đồng thời phản đối mọi ý định sửa chữa luật lệ về an toàn súng, viện dẫn Tu Chính Án thứ Hai bảo vệ quyền sở hữu súng của người Mỹ. 

***

Mới mười hôm trước, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành một đạo luật lưỡng đảng siết chặt việc kiểm tra lý lịch và bệnh lý tâm thần của người muốn mua súng và gia tăng đầu tư vào việc phát hiện và chữa trị bệnh tâm thần cho người dân sau khi đạo luật được Thượng Viện và Hạ Viện thông qua như là một phản ứng sau các vụ thảm sát gây chấn động cả nước tại Buffalo, New York và Uvalde, Texas.

Đạo luật không đề cập tới những biện pháp mạnh hơn mà đảng Dân Chủ đề nghị như cấm buôn bán và sở hữu súng tiểu liên, băng đạn có sức chứa lớn v.v… nhưng được coi là một bước tiến, một sự thỏa hiệp lưỡng đảng cần thiết để tiến tới cải cách luật an toàn súng và ngăn chặn bạo lực súng đạn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Quốc Hội bị bế tắc do sự đối lập gay gắt giữa hai đảng, một luật súng mạnh hơn có thể phải đối mặt với sự phủ quyết của Tối cao Pháp Viện. Tuần trước, Tối cao Pháp Viện đã ra một phán quyết gây nhiều tranh cãi, bác bỏ một đạo luật của tiểu bang New York đã có từ năm 1913, cấm cư dân mang súng ra khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng. Tiến sĩ Jonathan Metzl, giáo sư xã hội học và giám đốc Trung tâm Y khoa, Sức khỏe và Xã hội tại Đại học Vanderbilt nói với USA Today: “Chúng ta đang thấy ​​các chính trị gia lên tiếng mạnh mẽ đòi thay đổi luật súng để làm cho các cộng đồng như Highland Park an toàn hơn với súng đạn. Tuy nhiên, trong thực tế, mọi đề nghị can thiệp, chẳng hạn như cấm súng tiểu liên ở nơi công cộng, thực thi luật ‘cờ đỏ’ (red flag – cho phép cảnh sát tước súng của những người bị nghi là có thể gây hại cho bản thân và người khác) có khả năng sẽ bị coi là vi hiến theo phán quyết gần đây về luật súng của Tối cao Pháp Viện.”

Khi luật kiểm soát súng còn lỏng lẻo và súng đạn tràn lan trong xã hội thì người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị biến thành nạn nhân. Từ đầu năm nay đến vụ xả súng ngày Độc Lập ở Highland Park, toàn nước Mỹ đã có 15 vụ thảm sát có từ bốn người trở lên bị thiệt mạng, theo The Associated Press / USA TODAY / cơ sở dữ liệu giết người hàng loạt của Đại học Northeastern. Thống đốc Pritzker cay đắng nhận xét: “Trong khi chúng ta kỷ niệm ngày 4 tháng Bảy chỉ một lần mỗi năm thì các vụ xả súng hàng loạt đã trở thành một truyền thống hàng tuần – vâng, hàng tuần – của nước Mỹ.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Bình tâm
Bình tâm là mục tiêu theo đuổi của nhiều người, nhưng thường khiến bạn cảm thấy khó nắm bắt trong nhịp sống hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Đau nửa đầu
Trên khắp nước Mỹ, chứng đau nửa đầu đang trở nên tồi tệ hơn, theo nghiên cứu gần đây đăng trên một tạp chí y khoa. Tỷ lệ người bị…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: