Để tránh thảm họa vỡ nợ trong vài ngày tới, các nhà đàm phán của Tòa Bạch Ốc và Hạ Viện Mỹ đã ký một thỏa thuận nâng trần nợ trong hai năm và cắt giảm một số chương trình liên bang.
Theo tường thuật của The New York Times, hôm thứ Bảy 27 tháng Năm, các nhà thương lượng hàng đầu của Tòa Bạch Ốc và đảng Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc nâng giới hạn nợ trong hai năm đồng thời cắt giảm và giới hạn một số chi tiêu của chính phủ trong cùng thời kỳ – bước đột phá sau hơn ba tuần thương lượng căng thẳng và kéo dài nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng về nợ công có thể khiến nước Mỹ bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Tuy nhiên, tờ báo nhấn mạnh, vẫn chưa bảo đảm Quốc hội Mỹ, đặc biệt là Hạ viện, sẽ thông qua dự luật nâng trần nợ trước ngày 5 tháng Sáu – ngày mà Bộ Tài chính nói họ sẽ cạn kiệt khả năng thanh toán các nghĩa vụ. Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số mong manh ở Hạ viện, và các nhà lập pháp Cộng hòa cánh hữu, chắc chắn sẽ chống đối thỏa thuận đã thương lượng được vì họ đòi cắt giảm ngân sách nhiều hơn nữa.
Những điểm chính
Điểm chính của thỏa thuận là “đóng băng” mức chi tiêu ngân sách liên bang đã được cả Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) ủng hộ, làm dấy lên hy vọng sẽ phá vỡ được thế bế tắc của cuộc thương lượng. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện qua điện thoại vào tối thứ Bảy để giải quyết những điểm vướng mắc cuối cùng. Trước đây, Tòa Bạch Ốc đã đề nghị “đóng băng” mức chi tiêu ngân sách năm 2024 ở mức hiện tại, và tăng 1% vào năm 2025 nhưng nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa nói rằng như thế là chưa đủ. Nay thì dường như ông McCarthy đã nghe theo đề nghị của ông Biden.
Thỏa thuận được cấu trúc là một sự thỏa hiệp, mỗi bên nhân nhượng một phần, sao cho thu hút được phiếu thuận từ cả hai đảng. Thỏa thuận mang lại cho đảng Cộng hòa cơ hội nói rằng họ đã thành công trong việc giảm một số khoản chi tiêu ngay cả khi ngân sách cho quân đội và các chương trình hỗ trợ cựu chiến binh tiếp tục tăng; đồng thời cho phép đảng Dân chủ nói rằng họ bảo vệ được hầu hết các chương trình trong nước không bị cắt giảm đáng kể. Tuy vậy có thể nó sẽ bị phản đối từ những dân biểu Cộng hòa bảo thủ đòi chính phủ giảm chi tiêu nhiều hơn, lẫn từ các dân biểu Dân chủ không đồng ý với việc cắt giảm các chương trình xã hội.
Mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận là mức trần nợ, hay giới hạn nợ hiện là $31.4 nghìn tỷ, sẽ được nâng lên trong hai năm, đủ để kéo dài qua cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.
Thỏa thuận cũng sẽ đặt ra yêu cầu về việc làm đối với một số người nhận hỗ trợ của chính phủ trong các chương trình như phiếu thực phẩm (food stamps) và chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo khó (TANF) – đúng như yêu cầu của đảng Cộng hòa. Nó đặt ra những giới hạn mới về khoảng thời gian mà người nhận phiếu thực phẩm được hưởng nhưng cũng sẽ mở rộng khả năng cấp phiếu thực phẩm cho cựu chiến binh và người vô gia cư.
Thỏa thuận dự kiến thu hồi một số khoản tiền chưa tiêu từ dự luật cứu trợ đại dịch trước đó và giảm $10 tỷ tài trợ cho Sở Thuế (I.R.S.) để chống lại việc gian lận thuế. Nó cũng bao gồm các biện pháp nhằm tăng tốc độ đánh giá môi trường của một số dự án năng lượng.
Các yêu cầu công việc đối với người nhận trợ cấp của chính phủ và thay đổi cách đánh giá môi trường là những chi tiết cuối cùng mà hai bên đã thảo luận vào thứ Bảy.
Một phân tích của New York Times về giới hạn chi tiêu ở điểm chính của thỏa thuận cho thấy nó sẽ giúp giảm chi tiêu liên bang khoảng $650 tỷ trong một thập niên – quá thấp so với yêu cầu cắt giảm 18% ngân sách mà đảng Cộng hòa đặt ra trong một dự luật mà Hạ viện đã thông qua hồi tháng Tư, có tên Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển. Đạo luật này đã không được đưa ra bàn bạc ở Thượng viện, nơi đảng Dân chủ nắm đa số.
Tờ báo nhận định: Trong nhiều tháng, đảng Cộng hòa đã từ chối tăng giới hạn nợ trừ khi ông Biden đồng ý cắt giảm chi tiêu và giảm nợ trong tương lai, sử dụng nguy cơ vỡ nợ làm đòn bẩy chính trị của họ. Thỏa thuận cuối cùng cho thấy họ hoàn thành được mục tiêu nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.
Ngoài ra, đảng Cộng hòa đã buộc ông Biden phải làm điều mà ông nhiều lần nói rằng ông sẽ không bao giờ làm: đàm phán về nâng trần nợ.
Vẫn chưa chắc chắn?
Các nhà thương lượng của hai nhánh hành pháp và lập pháp đã làm việc suốt ngày đêm tại Điện Capitol, tại Tòa Bạch Ốc để tìm một giải pháp thỏa hiệp trong lúc các nhà kinh tế và các nhà phân tích Phố Wall cảnh báo một vụ vỡ nợ sẽ rất tàn khốc và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Để tránh vỡ nợ, Hạ viện và Thượng viện phải thông qua dự luật nâng trần nợ và gửi cho ông Biden để ông ký, có thể vào thứ Năm tuần tới, ngày 1 tháng Sáu 2023. Thời gian từ nay đến ngày đó là khá nặng nề cho cả ông McCarthy và Dân biểu Hakeem Jeffries của New York, lãnh đạo khối Dân chủ thiểu số ở Hạ viện.
Ông McCarthy nhiều lần nói ông tin đa số dân biểu trong đảng của ông sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu đảng viên Cộng hòa sẽ chống đối — và cần bao nhiêu đảng viên Dân chủ bỏ phiếu thuận để bù vào số phiếu chống của các dân biểu Cộng hòa.
Ngay trước khi các nhà thương lượng hoàn tất thỏa thuận cuối cùng vào tối thứ Bảy, thông tin về cắt giảm ngân sách của chính phủ đã gây thất vọng cả cho các dân biểu bảo thủ cánh hữu của Cộng hòa và dân biểu cấp tiến của Dân chủ. Hai nhóm dân biểu đông đảo nhất, House Freedom Caucus của Cộng hòa và Congressional Progressive Caucus của Dân chủ đã bắt đầu bày tỏ sự tức giận của họ về những điểm chính của thỏa thuận. Do vậy, số phận của thỏa thuận lần này vẫn chưa chắc chắn.
Quốc hội sẽ làm việc trở lại sau khi nghỉ lễ Memorial Day vào ngày thứ Hai 29 tháng Năm. Ông McCarthy đã hứa sẽ tuân thủ quy tắc cho phép các nhà lập pháp có 72 giờ để xem xét văn bản dự luật trước khi bỏ phiếu.
Đọc thêm: