Một trung tâm mua sắm ở Gaza hứng đạn của Israel ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Ashraf Amra/Anadolu Agency via Getty Images)

“Bão Al-Aqsa” – sự kiện 9/11 của Israel

Share:

Khoảng 6:30 sáng giờ địa phương ngày Thứ Bảy 7 Tháng Mười 2023, khi nhiều người Israel còn đang ngủ, còi báo động đã vang lên ở phía Bắc tới tận khu vực Tel Aviv, phía Đông đến Beer Sheba và nhiều địa điểm khác.

Hàng ngàn hỏa tiễn của lực lượng Hamas bay đỏ trời Israel, trong một chiến dịch quân sự kinh hoàng chưa từng có kể từ cuộc chiến 1973. Hamas gọi đây là chiến dịch “Bão Al-Aqsa” (gọi theo tên khu vực được xem là một trong những nơi được tôn kính nhất trong đạo Hồi lẫn Do Thái giáo). Điều đáng chú ý nhất là tình báo Israel lẫn Mỹ hoàn toàn mù tịt về chiến dịch quân sự qui mô này…

Hàng ngàn người Iran xuống đường ủng hộ Hamas và Palestine, ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency via Getty Images)
Hàng ngàn người Yemen ủng hộ Hamas-Palestine (ảnh: Mohammed Hamoud/Anadolu Agency via Getty Images)

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel cho thấy sự thất bại lớn đầy ê hề về mặt tình báo khi chính phủ Israel hoàn toàn không phát hiện bất kỳ động tĩnh gì trước sự xâm nhập của Hamas qua biên giới phía Nam cùng với việc phóng hàng nghìn quả tên lửa. Các chuyên gia và cựu quan chức tình báo cho biết, cuộc tấn công của Hamas trên diện rộng – bằng đường không, đường bộ lẫn đường biển – đặt ra câu hỏi tại sao tình báo Mỹ cũng không lường trước được điều này.

Giới chức Mỹ đang thảo luận việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Israel để hỗ trợ chính phủ Israel ứng phó cuộc tấn công chớp nhoáng và tàn khốc của Hamas. Thông tin tình báo bổ sung cho Israel có thể bao gồm những gì được thu thập từ máy bay không người lái, nghe lén và vệ tinh.

Cuộc tấn công dữ dội diễn ra một ngày sau lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973. “Đây là vụ 11/9 của Israel” – nhận định của Marc Polymeropoulous, người từng làm việc 26 năm cho CIA, chuyên gia về chống khủng bố ở Trung Đông và Nam Á. Kể từ năm 1973, chưa có sự thất bại tình báo thảm khốc như vậy ở Israel, trong khi tình báo Israel từ lâu đã được coi là một trong những cơ quan có năng lực nhất trên thế giới.

Cựu viên chức CIA Polymeropoulous nói thêm: “Gần như không thể tưởng tượng được tại sao Israel mù tịt về chiến dịch tấn công qui mô như vậy”. Marc Polymeropoulous nói rằng ông cũng không rõ tại sao tình báo Hoa Kỳ dường như không thấy trước cuộc tấn công, cũng như các quốc gia Ả Rập thân thiện Israel như Ai Cập, Jordan, Qatar và Ả Rập Saudi. “Tôi bị choáng váng” – Polymeropoulous nói.

Trong bệnh viện Ichilov tại Tel Aviv, Israel, sau cuộc tấn công khốc liệt và bất ngờ của Hamas ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Matan Golan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Dĩ nhiên Israel phải chịu trách nhiệm chính – như nhận định của Colin Clarke, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề an ninh toàn cầu. “Israel có khả năng thu thập và phân tích thông tin tình báo đẳng cấp thế giới và phải có được bức tranh rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra ở sân sau của mình”.

David Friedman, đại sứ Hoa Kỳ tại Israel trong chính quyền Trump, bày tỏ:

“Trong hơn 40 năm theo dõi Israel bằng cách này hay cách khác, tôi chưa bao giờ thấy điều này xảy ra. Tôi chưa bao giờ thấy biên giới Israel bị xâm phạm theo cách này. Thông thường, một người nào đó từ Gaza đến gần biên giới cũng đã bị chặn lại và bị vô hiệu hóa ngay tức thì trước khi họ kịp làm gì. Đây là điều tôi chưa từng thấy trước đây. Tất nhiên đó là một thất bại lớn về mặt tình báo.”

________________

Ảnh: Samuel Corum/Getty Images

Sáng nay, tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu về cuộc tấn công khủng khiếp diễn ra ở Israel. Hoa Kỳ dứt khoát lên án cuộc tấn công tàn khốc của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza nhằm vào Israel, và tôi đã nói rõ với Thủ tướng Netanyahu rằng chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho Chính phủ và người dân Israel.

Chủ nghĩa khủng bố không bao giờ được biện minh. Israel có quyền bảo vệ đất nước và người dân họ. Hoa Kỳ cảnh báo chống lại bất kỳ bên nào thù địch với Israel đang tìm kiếm lợi thế trong tình huống này. Sự hỗ trợ của Chính quyền tôi đối với an ninh Israel là rất vững chắc và không lay chuyển.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tòa Bạch Ốc ngày 7 Tháng Mười 2023

________________

Các quan chức Mỹ cho biết những đánh giá ban đầu cho thấy thời điểm xảy ra vụ tấn công có liên quan đến các dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel sắp đạt được. Sau vụ tấn công, cả Hamas và Hezbollah đều nói rằng trận “Bão Al-Aqsa” là lời cảnh báo đối với bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào tìm cách đạt được hòa bình với Israel. Người phát ngôn của Hamas, Ibrahim Hamad, nói trên đài truyền hình Al Jazeera rằng cuộc tấn công vào Israel “hoàn toàn là một thông điệp” gửi tới các nước Hồi giáo đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel.

Izz ad-Din al-Qassam – lực lượng vũ trang của Hamas – tiêu diệt một xe tăng Israel tại Gaza ngày 7 Tháng Mười 2023 (ảnh: Hani Alshaer/Anadolu Agency via Getty Images)

Cuộc tấn công đã gây sốc toàn thế giới, xảy ra vào ngày Simchat Torah, một trong những ngày vui vẻ nhất trong lịch Do Thái. Dịch vụ cứu hộ Zaka (Israel) cho biết ít nhất 200 người đã thiệt mạng ở miền Nam Israel và 1,100 người bị thương. Và ít nhất 198 người ở Dải Gaza thiệt mạng và khoảng 1,610 người bị thương trong bối cảnh Israel trả đũa. Hamas tuyên bố các chiến binh của họ đã bắt nhiều người Israel.

Những đoạn video khủng khiếp rợn da gà được Hamas công bố cho thấy cảnh đám chiến binh khát máu Hamas kéo lê những người lính Israel đầy máu trên mặt đất và đứng trên xác chết. Vài nạn nhân bị lột đồ lót. Hamas nói thêm rằng sĩ quan quân đội cấp cao của Israel nằm trong số những người bị bắt.

Chiến dịch quân sự cực kỳ qui mô và hoàn toàn bất ngờ đã khiến Israel thiệt hại nghiêm trọng. Trong ảnh là một chiến lợi phẩm Hamas lấy được từ quân đội Israel (ảnh: Ali Jadallah/Anadolu Agency via Getty Images)

Hamas đưa ra lý do cho cuộc tấn công Israel: Nguồn gốc gây căng thẳng kéo dài giữa Israel và người Palestine, đặc biệt vấn đề tranh chấp quanh khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi linh thiêng đối với cả Hồi giáo lẫn Do Thái. Các yêu sách tranh giành địa điểm này, được người Do Thái gọi là Núi Đền, từng dẫn đến bạo lực trước đây, trong đó có cuộc chiến  đẫm máu kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas vào năm 2021.

Những năm gần đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo Israel – chẳng hạn Ben-Gvir, Bộ trưởng An ninh quốc gia – đã tăng cường các chuyến thăm tới khu phức hợp Al-Aqsa. Tuần trước, trong lễ hội thu hoạch Sukkot của người Do Thái, hàng trăm người Do Thái Chính thống cực đoan và các nhà hoạt động Israel đã đến Al-Aqsa, khiến Hamas nổi điên, cáo buộc người Do Thái vi phạm thỏa thuận nguyên trạng. Hamas nói thêm việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái trên những vùng đất mà người Palestine tuyên bố là nhà nước tương lai cũng khiến họ nổi giận và muốn trả đũa.

Ngôi đền Al-Aqsa, trung tâm của xung đột Israel-Palestine (ảnh: Jerusalem Islamic Waqf / Handout /Anadolu Agency via Getty Images)
Lính Israel tại Đền Al-Aqsa (ảnh: Mustafa Alkharouf/Anadolu Agency via Getty Images)

Một số nhà phân tích chính trị nhấn mạnh rằng cuộc tấn công Hamas xuất phát từ các cuộc đàm phán hiện tại do Mỹ làm trung gian về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi. Chính Bassem Naim, một quan chức cấp cao Hamas, cũng nói với AP: “Chúng tôi luôn nói rằng bình thường hóa sẽ không mang lại an ninh, ổn định”.

Ismail Haniyeh (giữa), thủ lĩnh Hamas (ảnh: Marwan Naamani/picture alliance via Getty Images)

Bạo lực chiến tranh bùng phát vào thời điểm khó khăn đối với Israel, quốc gia đang đối mặt làn sóng biểu tình lớn nhất trong lịch sử, cáo buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành quyền lực, gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel và gây ra tình trạng hỗn loạn trong quân đội Israel.

Hàng trăm quân nhân dự bị đã dọa ngừng tình nguyện trình diện để phản đối cuộc cải tổ tư pháp. Lực lượng dự bị là trụ cột của quân đội Israel và các cuộc biểu tình trong quân đội đã làm dấy lên mối lo ngại về sự gắn kết, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh răn đe khi quân đội đối mặt với các mối đe dọa trên nhiều mặt trận.

Israel và Hamas đã trải qua bốn cuộc chiến lớn, cùng với vô số cuộc đấu súng lẻ tẻ kể từ khi nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas giành quyền kiểm soát Gaza từ tay các lực lượng trung thành với Chính quyền Palestine vào năm 2007. Lệnh ngừng bắn đã ngăn chặn giao tranh lớn trong những vòng xung đột trước đây nhưng chưa bao giờ mang lại ổn định. Mỗi thỏa thuận trong quá khứ đều dẫn đến một khoảng thời gian yên bình ngắn ngủi, nhưng những vấn đề cơ bản, sâu sắc hơn của cuộc xung đột hiếm khi được giải quyết và lại tạo tiền đề cho những đợt không kích và phóng tên lửa tiếp theo.

___________

Israel ban bố tình trạng chiến tranh

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: