Mỹ cạnh tranh nhưng không muốn xung đột với Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman sắp thăm Trung Quốc. Ảnh Ukraine Crisis Media Center

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman sẽ nói với Trung Quốc trong cuộc đàm phán sắp tới rằng mặc dù Washington hoan nghênh cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh, nhưng cần phải có một sân chơi bình đẳng và các lan can phòng vệ để đảm bảo cạnh tranh sẽ không dẫn đến xung đột và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần có những cách thức có trách nhiệm để quản lý cạnh tranh.

Các quan chức cao cấp Hoa Kỳ hôm Thứ Bảy 24 Tháng Bảy cho biết, bà Sherman sẽ hội đàm với ông Vương Nghị (Wang Yi), Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào ngày Thứ Hai tại thành phố Thiên Tân (Tianjin) gần thủ đô Bắc Kinh.

Đây là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một quan chức cao cấp trong chính quyền Joe Biden và diễn ra cùng lúc với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Singapore, Việt Nam và Philippines, và Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Ấn Độ – những dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường kết nối với các nước láng giềng của Trung Quốc vào lúc Bắc Kinh thách thức ảnh hưởng của Washington ở châu Á. 

Cuộc đàm phán giữa Thứ trưởng Sherman và Bộ trưởng Vương Nghị diễn ra sau vài tháng căng thẳng kể từ cuộc họp ngoại giao cấp cao đầu tiên của hai nước hồi cuối Tháng Ba. Tại cuộc họp ở Alaska, các quan chức Trung Quốc đã công khai chỉ trích Hoa Kỳ, cáo buộc Hoa Kỳ có các chính sách bá quyền trong khi các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc cao ngạo.

Trước chuyến đi Trung Quốc, Thứ trưởng Sherman đã công du tới Thái Lan, Cambodia và Indonesia hồi tháng trước.

Về nội dung chuyến đi Trung Quốc của bà Sherman, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói với phóng viên: “Bà ấy sẽ nhấn mạnh rằng chúng tôi không muốn sự cạnh tranh gay gắt và kéo dài đó dẫn đến xung đột. Hoa Kỳ muốn bảo đảm hai bên quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm. Mọi người cần phải chơi theo cùng một luật và trên một sân chơi bình đẳng.” 

Quan chức này cho biết cuộc gặp ở Thiên Tân sẽ là sự tiếp nối của các cuộc đàm phán giữa Alaska và “tất cả các khía cạnh của mối quan hệ Trung – Mỹ sẽ được đặt lên bàn đàm phán”.

Kể từ cuộc họp ở Alaska, hai nước đã gần như thường xuyên lên án và tố cáo lẫn nhau. Vụ ăn miếng trả miếng mới nhất diễn ra vào hôm qua Thứ Sáu khi Bắc Kinh ban hành biện pháp trừng phạt cựu Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross và các cá nhân và nhóm khác để trả đũa các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc đàn áp hoạt động dân chủ ở Hong Kong.

Quan hệ song phương đã trở nên tồi tệ đến mức các chuyên gia chính sách đối ngoại không mong đợi kết quả gì đáng kể từ Thiên Tân.

Tuy nhiên, nếu cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi, chúng có thể tạo tiền đề cho cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý vào cuối Tháng Mười sắp tới. Kể từ khi lên làm tổng thống Hoa Kỳ cho tới nay, ông Biden chỉ mới có một cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Tập dù ông đã tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều nguyên thủ quốc gia thế giới, kể cả ông Vladimir Putin, Tổng thống Nga. 

Ông Ngô Tâm Ba (Wu Xinbo), giám đốc chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Phúc Đán (Fudan) Thượng Hải, nhận định: “Nếu có sự tin tưởng, hai bên có thể sử dụng cuộc đàm phán này để ban việc hợp tác trong các vấn đề song phương như dỡ bỏ hạn chế đối với các nhà ngoại giao và thị thực sinh viên, cũng như vấn đề đa phương liên quan đến Iran, Afghanistan, Myanmar và biến đổi khí hậu”.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, cho biết các chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin, cũng như các nỗ lực ngoại giao như một hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ (QUAD – gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) vào cuối năm nay có thể khiến Trung Quốc cảm thấy mình bị bao vây. Bà Glaser nói: “Người Trung Quốc chắc chắn đang lo ngại Hoa Kỳ đã đạt được một số tiến bộ trong việc tạo dựng các liên minh nhằm gây sức ép với Trung Quốc”.

Chính quyền Biden đã tìm cách huy động các đồng minh chống lại những gì họ coi là những chính sách ngày càng hung hăng và cưỡng bức của Trung Quốc, bao gồm việc đối xử với những người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương mà Washington cho là tội diệt chủng.

Hôm Thứ Hai tuần trước, Washington đã tập hợp một liên minh rộng lớn bất thường gồm các quốc gia, bao gồm cả NATO và Liên minh châu Âu, để công khai tố cáo Bắc Kinh thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu

Sự cay đắng giữa hai bên đã bộc lộ rõ khi Trung Quốc nhấn mạnh trong thông báo về chuyến thăm của bà Sherman rằng chuyến thăm này là do Washington yêu cầu chứ không phải do Bắc Kinh mời. Trung Quốc rất coi trọng “thể diện” và họ không muốn tỏ ra yếu thế hoặc cầu cạnh Hoa Kỳ. Các quan chức hai bên đã mất nhiều ngày mặc cả về nghi thức ngoại giao, kể cả việc ông Vương hoặc một quan chức cấp cao hơn của Trung Quốc – như ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Trung Quốc gặp Ngoại trưởng Blinken ở Alaska trước đây –  sẽ gặp và đàm phán với Thứ trưởng Sherman.

Giáo sư Evan Medeiros, một chuyên gia về châu Á trong chính quyền Obama hiện giảng dạy tại Đại học Georgetown ở thủ đô Washington, nói rằng ông không có ảo tưởng về tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, nhưng việc Bộ trưởng Vương sẵn sàng gặp Thứ trưởng Sherman cho thấy Trung Quốc đang xem xét cuộc đàm phán một cách nghiêm túc. “Cuối cùng, đó là việc xác định trạng thái cân bằng ổn định của mối quan hệ sẽ như thế nào. Việc đó sẽ mất thời gian, nhưng bạn phải yêu cầu đối phương làm như vậy”, ông nói.

(theo Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: