Tay trùm cuối trong Điện Kremlin

Share:
Vladimir Putin (Getty Images)

Cái chết của ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, tay sai của Putin, đã cho thấy rõ quá trình phát triển của nước Nga thành một quốc gia mafia duy trì quyền lực bằng sự tàn ác. Dĩ nhiên họ không có khả năng lãnh đạo toàn cầu như ảo tưởng.

Nhà nước mafia và “trùm cuối”

Trước lúc mất mạng trong một vụ tai nạn máy bay nhiều ẩn số (vào ngày 23 Tháng Tám 2023), Yevgeny Prigozhin đã trở thành biểu tượng cho “quỹ đạo tội ác” của nhà nước Nga. Từ một kẻ bị cầm tù ở Liên Xô vào thập niên 1980 và bán hàng rong thời hậu Xô Viết, ông ta trở thành cộng sự thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Trong số công trạng đáng chú ý của Prigozhin, có việc phục vụ hết lòng giới thượng lưu, can thiệp bầu cử ở Mỹ và điều hành Tập đoàn Wagner, một bộ máy bán quân sự đánh thuê tư nhân nhận tiền tài trợ của một số chính phủ.

Sau khi thể hiện sức mạnh của Nga tại Syria, châu Phi và mới đây là Ukraine, Wagner không có “lòng nhiệt thành về ý thức hệ” và phát triển kinh tế mà thay vào đó, tự biến tướng thành một tổ chức tội phạm với những hoạt động lan rộng ra nhiều điểm nóng trên thế giới, làm “ma cô” bảo kê theo hợp đồng cho những kẻ độc tài và lãnh chúa.

Michael Kimmage, giáo sư sử Catholic University, cựu thành viên nhóm chính sách Nga/Ukraine tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ 2014-2016, viết trên Wall Street Journal: Đây không phải là vấn đề quyền lực cứng hay quyền lực mềm mà là “quyền lực của bọn tội phạm” mà trùm cuối là Putin. Prigozhin thăng nhanh lên hàng “ngôi sao” nhờ cuộc xâm lược Ukraine. Đỉnh điểm (và cũng là bước ngoặt) trong sự nghiệp của Prigozhin là cuộc binh biến do ông ta lãnh đạo vào cuối Tháng Sáu sau khi tố cáo toàn bộ bộ ban lãnh đạo quân đội Nga bất tài (thậm chí cả chính Putin, dù là bóng gió). Cuộc nổi dậy của Wagner được tiến hành dễ dàng cho đến khi Prigozhin được thuyết phục từ bỏ để rồi tự đưa mình vào chiếc thòng lọng với hồi chuông báo tử chờ reo.

Hiện trường nơi chiếc máy bay chở Yevgeny Prigozhin rơi tại vùng Tver ngày 23 Tháng Tám 2023 (ảnh: Wagner Telegram Account/Anadolu Agency via Getty Images)

Prigozhin là “bản sao thay thế” của Putin. Cả hai đều có mối quan hệ với thành phố St. Petersburg. Putin đã đối phó không khoan nhượng với các đối thủ chính trị, đuổi Boris Berezovsky và Mikhail Khodorkovsky, những nhà tài phiệt hoạt động chính trị độc lập ra khỏi nước Nga.

Lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny và Vladimir Kara-Murza đều bị đầu độc và bị bỏ tù vì chỉ trích gay gắt Putin. Putin cũng lãnh đạo một hệ thống ám sát và xử tử những người bị ông ta xem là kẻ phản bội; điển hình là vụ bắn chết Boris Nemtsov, một chính trị gia đối lập có sức lôi cuốn cao vào năm 2015; vụ đầu độc Sergei Skripal, một cựu sĩ quan quân đội Nga sống ở Anh vào năm 2018 (nhưng may mắn sống sót) và bây giờ là giết Prigozhin (giả sử máy bay của trùm Wagner không ngẫu nhiên bị rơi).

Xe quân sự chặn đường tại khu vực Rostov-On-Don ngày 24 Tháng Sáu 2023 sau khi Yevgeny Prigozhin dự tính kéo quân về Moscow làm binh biến (ảnh: Arkady Budnitsky/Anadolu Agency via Getty Images)

Việc các ông trùm mafia biểu dương quyền lực tàn bạo đều có mục đích lớn hơn: Đe dọa số đông những người có ý kiến khác, và cho thấy rằng họ có thể làm bất cứ thứ gì để bảo vệ chính mình. Có thể nói, hiện nay “bố già” Putin là trung tâm của chế độ tội ác Nga. Nước Nga của Putin không có “tinh thần châu Âu” và sự nhạy bén ngoại giao như Đế quốc Nga (Russian Empire). Nó cũng không có sức hấp dẫn mang tính cách mạng của Liên Xô. Nền kinh tế Nga phụ thuộc nặng nề vào các doanh nghiệp nhà nước, trong khi đối ngoại được thực hiện với chính sách tự cô lập khỏi phương Tây một cách không cần thiết.

Điều mà “bố già” Putin giỏi nhất là làm đầy kho tiền nhà nước và biến sự giàu có thành phương tiện đàn áp không giới hạn. Đây cũng là cách tiếp cận của Wagner ở châu Phi, một mô hình thu nhỏ của chính phủ Nga mà Prigozhin đứng mũi chịu sào. Sai lầm của Prigozhin khi phát động cuộc binh biến Tháng Sáu là giáng một đòn “chí mạng” vào uy tín của ông chủ. Động thái “vuốt mặt không nể mũi” này là không thể chấp nhận được vì làm rung chuyển “đường thẳng quyền lực” và chứng tỏ nhà nước mafia của Putin cũng có điểm yếu giống như chiến lược tồi trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Nếu không có chiến tranh, một kẻ mạo hiểm như Prigozhin không đời nào có thể dùng một đội quân tư nhân để uy hiếp Kremlin. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của Prigozhin lại hết sức ngu xuẩn. Ông ta không có các cơ quan an ninh, không có đồng minh thực sự trong giới thượng lưu Nga, và những tuyên bố trên mạng xã hội của ông ta không phải là “tuyên ngôn cách mạng” mạch lạc. Mờ mắt trước huyền thoại bản thân tự phóng đại, Prigozhin nghĩ ông ta có thể thách thức “kẻ đỡ đầu” và ông trùm cuối Putin, kẻ lãnh đạo chóp bu của mạng lưới tội phạm Nga.

Cái chết của Yevgeny Prigozhin là lời nhắc nhở rợn người cho bất kỳ kẻ nào dám chống lại Putin (ảnh: Artem Priakhin/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Putin đã dành hơn hai thập niên để xây dựng những bức tường kiên cố bảo vệ mình và thiết lập các công cụ kiểm soát chính trị, xã hội rất vững chắc. Phe đối lập theo chủ nghĩa tự do còn khá mạnh mẽ vào năm 2011-2012 khi Putin quay trở lại làm tổng thống đã biến mất kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu. Trái ngược với những dự đoán rằng chiến tranh sẽ dẫn đến sự sụp đổ chính trị của Putin, chiến tranh lại rất… được ưa chuộng ở Nga.

Phải thừa nhận Putin có tài điều hành nước Nga như một quốc gia mafia dù hình ảnh quốc tế của Nga bị suy giảm nhiều do vi phạm nhân quyền, do sự kém cỏi của quân đội và bản thân Putin cũng gặp khó khăn khi ra nước ngoài vì lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Khi trùm cuối Kremlin muốn làm “đại ca” thế giới

Các nhà quan sát đồng ý rằng, cuộc xâm lược Ukraine của Putin không chỉ chiếm lãnh thổ mà còn nhắm vào quyền lực của phương Tây. Putin muốn cuộc chiến giúp Nga vạch trần “con hổ giấy sức mạnh phương Tây” và chứng minh Nga có thể đóng trò kẻ kiến tạo trật tự quốc tế mới. Đây là nỗ lực hàng đầu của Nga. Nếu cuộc xâm lược Ukraine diễn ra tốt đẹp, Putin sẽ cố tách châu Âu khỏi Mỹ. Ông có vẻ sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến lâu dài để đạt được mục tiêu này. Giấc mơ của Putin ở Ukraine là để chứng minh “sự xuống dốc” của Mỹ.

Đối với Putin, sự xuống dốc của Mỹ đồng nghĩa với sự nổi lên của sức mạnh Nga. Kể từ khi phát động chiến tranh, Putin đã nỗ lực đóng vai một “chính khách đáng tin cậy”, cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov công du dài ngày đến châu Phi, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latin. Tháng Bảy, Putin tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi tại St. Petersburg để làm hồi sinh tiếng tăm của nước Nga thời hậu Xô Viết.

Để ve vãn châu Phi, Putin gọi những chỉ trích của phương Tây đối với Nga là “đạo đức giả”, đồng thời đổ lỗi “việc mở rộng NATO là nguyên nhân gây ra cuộc chiến Ukraine”. Nga còn tìm đến châu Phi để phổ biến “chủ nghĩa bảo thủ văn hóa Putin” (người luôn tuyên bố phương Tây đã suy đồi và Nga là một thay thế có đạo đức!).

Vài ngày qua, Putin nêu một số đề xuất chống phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, những nước không hào hứng với cuộc chiến tại Ukraine nhưng họ cũng từ chối lên án nó. Họ tiếp tục giao thương với Nga, giữ cho Moscow duy trì một huyết mạch quan trọng vào thời điểm các lệnh trừng phạt của phương Tây ào ạt tấn công chưa từng có. Kể từ năm 2014, Putin đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Hai nước tự xem mình là trụ cột của trật tự quốc tế “hậu kỷ nguyên Mỹ” và tiến tới “một thế giới đa cực được giải phóng khỏi lệ thuộc vào Mỹ”.

Tham vọng lớn nhất sự nghiệp chính trị của Putin là làm… “đại ca thế giới” (ảnh: Kremlin Press Office / Handout/Anadolu Agency via Getty Images)

Tự “vạch mặt” mình

Trong mắt Putin, thâu tóm quyền lực là cách thế giới vận hành; và trong một thế giới đầy rẫy “những kẻ bất hảo”, không có chỗ cho những người yếu bóng vía. Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, Putin đã tự giới thiệu mình với thế giới như “nhà hiện đại hóa can trường” của Nga.

Tuy nhiên, Putin luôn thích bạo lực và bạo lực hiện diện khắp nơi dưới bề mặt đổi mới, thể hiện ở cuộc chiến Chechnya lần thứ hai (1999-2009), ám sát hàng loạt các nhà báo, sáp nhập Crimea năm 2014 và chiếm vùng Donbas ở miền Đông Ukraine, cũng như vụ đánh bom bừa bãi vào các thành phố Syria sau 2015. Trong cuộc chiến ở Ukraine, sự khát máu và tàn nhẫn của Putin hầu như không có điểm dừng. Càng lúc càng thiếu phân biệt thiện-tà, Putin gây ra nhiều cái chết đau thương và sự tàn phá cho dân thường. Đã 70 tuổi nhưng Putin ngày càng bạo liệt.

Dù nguyên nhân là gì đi nữa, cái chết của Prigozhin đã cho thấy những mâu thuẫn rõ ràng trong chế độ Putin, những mâu thuẫn sẽ làm phức tạp, thậm chí cản trở chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai. “Chế độ tội phạm Putin” sẽ không thể giới thiệu với các quốc gia khác một giải pháp thay thế hấp dẫn cho phương Tây. Cuộc tấn công vào nguồn cung cấp ngũ cốc của Ukraine là một ví dụ điển hình. Bằng cách phá hoại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, Nga (một nhà cung cấp ngũ cốc lớn) làm suy yếu nền kinh tế Ukraine và đẩy giá cả toàn cầu lên cao, để thu được lợi nhuận đúng kiểu hành xử của trùm mafia.

Tập đoàn đánh thuê Wagner do Yevgeny Prigozhin dày công xây dựng giờ đây nằm trong tay “trùm cuối” Vladimir Putin (ảnh: Artem Priakhin/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Chiến thuật này là đòn giáng nghiêm trọng vào màn tuyên truyền: Nga ít hung hăng, ít ích kỷ hoặc biết lắng nghe hơn phương Tây. Những gì Nga đạt được trong ngắn hạn thông qua bạo lực đã tác động xấu đến độ tin cậy và sự đứng đắn (vốn là hai yếu tố quan trọng của chính sách đối ngoại không kém gì sức mạnh quân sự) trong chiến dịch thu phục các quốc gia khác.

Thời Stalin, khi Điện Kremlin đang bất ổn nội bộ và thiếu minh bạch với bên ngoài, thủ tướng Anh lúc đó Winston Churchill từng nhận xét: “Những âm mưu của Điện Kremlin có thể so sánh với cuộc đấu chó bull dưới tấm thảm. Người ngoài chỉ nghe được tiếng gầm gừ!”.

_________________________

“Kremlin political intrigues are comparable to a bulldog fight under a rug. An outsider only hears the growling, and when he sees the bones fly out from beneath it is obvious who won.”

― Winston S. Churchill

_________________________

Sau cái chết của Stalin năm 1953 và sau khi xương xẩu văng tung tóe từ cuộc cắn xé của bầy chó bull, người ta phải phỏng đoán gương mặt nào giữ vị trí nào tại các sự kiện công chúng. Sau khi đánh bại Mikhail Gorbachev trong cuộc đối đầu tóe lửa, Boris Yeltsin được bầu vào năm 1991 và một lần nữa vào năm 1996. Nhưng đến năm 2000, Yeltsin bệnh tật đã bất ngờ đưa Putin lên thay mình. Putin tiếp tục truyền thống “bí ẩn” bằng cách đưa Dmitry Medvedev lên làm tổng thống năm 2008 rồi quay lại sau đó.

Từ 2012 đến 2022, Nga dường như là một đất nước “trùm chăn” và không có chính trị gì cả. Thậm chí không có tiếng gầm gừ nào dưới tấm thảm được nghe thấy. Người đầu tiên kéo tấm thảm ra khỏi sự yên tĩnh chính là Yevgeny Prigozhin. Ông ta không chờ cơ hội mà tự mình đưa đội quân đánh thuê đến cách Moscow vài trăm dặm. Dù kế hoạch dở dang nhưng Prigozhin vẫn xuất hiện nổi bật trước công chúng cho đến khi bị “tai nạn”.

Cuối cùng, sự xấu xa của cuộc tranh giành quyền lực ở Nga lộ rõ, bí ẩn của chủ nghĩa Putin được phô bày. Một lần nữa, điều mà thế giới thấy là, nhà nước mafia có thể là công thức lý tưởng cho sự tồn tại lâu dài của Putin nhưng không thể làm khuôn mẫu cho bất kỳ hình thức lãnh đạo toàn cầu nào.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: