Dư luận chưa hết bàng hoàng sau các vụ con giết cha rồi đổ xi măng giấu xác phi tang, cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu, bé gái 8 tuổi bị nhân tình của mẹ đánh đến chết, cha đánh con gái đến tử vong khi dạy học thì lại nghe tin cha ruột cắt cổ hai đứa con đẻ ở Thái Bình… Những hành động tàn ác và man rợ xảy ra dồn dập trong thời gian ngắn, mà hầu hết nạn nhân là con cái, là người thân của thủ phạm, nhiều nạn nhân là trẻ em không dám và không thể phản kháng, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: “Sao bây giờ người ta ác thế?” “Do đâu mà tội ác lan tràn như vậy?”
Mà đây mới chỉ là những vụ gần nhất, gây rúng động dư luận vì được báo chí tường thuật cặn kẽ; còn rất nhiều những vụ tương tự nhưng ít được nói tới. Chỉ cần vào Google tiếng Việt tìm cụm từ “bạo hành trẻ em” ta sẽ có ngay 42 triệu kết quả trong vòng 0.48 giây đồng hồ.
Rất nhiều người lên mạng xã hội đòi loại bỏ những kẻ thủ ác ra khỏi xã hội để chúng không còn tác oai tác quái được nữa, và cũng để ngăn chặn những tội ác tương tự trong tương lai. Nhưng trừng phat, kể cả bằng án tử hình, cũng chỉ là giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ và thường không có nhiều tác dụng răn đe. Cái cần suy nghĩ là, do đâu mà những kẻ vô nhân tính này – khi sinh ra cũng là người như chúng ta, thậm chí có kẻ còn được học cao, giàu có và có địa vị xã hội – đã trở thành quỷ dữ như vậy. Nếu không nhận ra và giải quyết tận gốc thì hiện tượng bạo hành, giết người dã man sẽ tiếp tục diễn ra và không ai có thể sống yên bình.
Cái gốc sinh ra thảm cảnh hiện nay là giáo dục. Mạnh Tử – nhà triết học lớn của Trung Hoa thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, một trong những ông tổ của Nho Giáo – cho rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện,” bản tính tự nhiên của con người là hiền lành; cái ác là do giáo dục, do môi trường sống tạo nên. Mẫu thân của ông Mạnh, lúc đầu sống gần chợ, sau phải dời nhà đi nơi khác vì không muốn con tiêm nhiễm thói hư tật xấu của nơi buôn bán lọc lừa. Có thể khẳng định, cái ác tràn lan trong xã hội Việt Nam hiện nay là hậu quả tất nhiên của một nền giáo dục sai lầm, phản động, kéo dài đã nhiều chục năm và chưa có dấu hiệu thay đổi.
Giáo dục, sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 trên cả nước, đặt căn bản trên hệ tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, theo đó lịch sử xã hội loài người là lịch sử “đấu tranh giai cấp”, các giai cấp cần lao đấu tranh để lật đổ chế độ của giai cấp phong kiến, thực dân, kiến tạo một xã hội mới không có cảnh “người bóc lột người”. Phương tiện đấu tranh của họ là sử dụng “bạo lực cách mạng” để giành quyền cai trị, rồi khi đã nắm quyền thì “chuyên chính vô sản” để tiêu diệt các thành phần đối lập. Muốn đấu tranh có kết quả thì trước tiên phải “căm thù” – căm thù càng sâu thì quyết tâm làm cách mạng càng cao.
Trái với nền giáo dục ở miền Nam trước năm 1975 đề cao tính nhân bản lên hàng đầu (trong triết lý giáo dục ‘nhân bản, dân tộc và khai phóng’), nền giáo dục của chủ nghĩa cộng sản đề cao lòng thù hận, thấm trong từng bài giảng, từng môn học. Bài quốc ca mà học sinh hát trong buổi chào cờ đầu tuần có những câu thật sắt máu: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đường vinh quang xây xác quân thù…” (lời cũ: Thề ăn gan uống máu quân thù!) Lịch sử dân tộc bị đồng hóa với lịch sử chiến tranh; văn chương bị đơn giản hóa thành cuộc đấu tranh của người dân lao động chống lại ách cai trị của phong kiến địa chủ. “Văn học cách mạng” được giảng dạy trong nhà trường không có gì khác hơn là minh họa cho cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, trong đó kẻ thù được vẽ ra như những tên ác quỷ ăn gan uống máu đồng bào, đối lập với tấm gương hy sinh kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Tình yêu, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào… là những thứ khá xa lạ trong nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Ngoài xã hội cũng vậy. Cả dân tộc lúc nào cũng căng thẳng căm thù và đấu tranh với những thế lực phản động: Kẻ thù là thực dân Pháp, là đế quốc Mỹ, là “ngụy quyền tay sai”, là “bọn xét lại”, là giai cấp địa chủ, tư sản cần phải cải tạo, phải quét sạch để đi lên chủ nghĩa xã hội. Đến khi hòa bình thống nhất, “cách mạng thắng lợi” rồi mà kẻ thù vẫn hiện diện, đó là những “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình”, “tay sai nước ngoài” v.v… Trong cuộc chiến đấu triền miên bất tận đó, lòng thù hận được cổ xúy, lòng nhân ái, tình yêu con người bị coi là những biểu hiện “ủy mị tư sản” phải bị xóa bỏ. Nhà thơ Hữu Loan lận đận một đời chỉ vì sáng tác bài Màu Tím Hoa Sim bộc lộ nỗi đau vì cái chết vô lý của người vợ trẻ: “không chết người trai khói lửa mà chết người em gái hậu phương”!
Với quan niệm “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, chế độ cộng sản có chiến lược kiểm soát, lũng đoạn tín ngưỡng tôn giáo theo đường lối của họ, hoặc trấn áp các giáo hội hoặc biến tôn giáo thành một thứ mê tín dị đoan, chùa lớn đền to chỉ để cầu tài cầu lộc, che khuất cái bản chất của tôn giáo là gieo trồng vun xới lòng từ bi, nhân ái trong mọi tầng lớp nhân dân.
Sống và học tập trong một môi trường đầy lòng hận thù như vậy, cái căn tính thiện lương bẩm sinh của con người bị bào mòn, bị thui chột dần, con người trở thành kẻ vô cảm, thành kẻ ác lúc nào không hay biết; đạo đức xã hội suy đồi tới mức khó tưởng tượng nổi. Truyền thống “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”… bây giờ chỉ còn là quá khứ.
Tác động của giáo dục, môi trường xã hội đến tư cách con người tất nhiên không diễn ra theo đường thẳng và không phải mọi người sống trong môi trường giáo dục đó đều trở thành ác nhân. Hiền hay dữ còn phụ thuộc vào giềng mối gia đình (gia phong), vào nỗ lực tu thân của từng người nhưng rõ ràng, nếu sinh sống trong một xã hội đề cao sự lương thiện và nhân ái thì con người có điều kiện thuận lợi hơn để trở thành người hiền; ngược lại cũng vậy. Đã trót sinh ra trong một xã hội bạo lực thì người ta phải cố gắng nhiều hơn để tự rèn luyện và dạy dỗ con cái phát triển cái tính thiện trời ban, xa lánh những cám dỗ tai ác của môi trường xã hội chung quanh.
***
Có người quan niệm cái ác thời nào cũng có nhưng ngày nay truyền thông phát triển, nên cái ác cái xấu của người Việt mới bị phơi bày trên báo đài, mạng xã hội. Nhưng những người có tuổi, trải đời thì hầu như đều nhận định đạo đức xã hội ngày nay đã suy đồi tới mức thê thảm so với ngày xưa; giềng mối văn hóa đã sụp đổ khó mà cứu vãn nổi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau – cây bút được hâm mộ nhất ở trong nước hiện nay – than thở dường như con người đã tiến hóa từ con thú lên tới đỉnh rồi bây giờ quay ngược lại, từ người xuống thành con thú!…
Cũng có người cho rằng xã hội nào cũng có người hiền kẻ ác; ngay cả xứ văn minh giàu có như Mỹ thỉnh thoảng cũng có chuyện học sinh xách súng vào trường học thảm sát thầy cô giáo và bạn bè đó thôi; đâu có thể nói giáo dục của Mỹ đề cao bạo lực. Quả thật bạo lực hay tội ác thì xã hội nào cũng có vì loài người vẫn chưa phải là thần thánh. Nhưng nên phân biệt hành vi giết người lúc bốc đồng của một số cá nhân có thể có vấn đề về tâm lý với hiện tượng thủ ác có tính hệ thống, phổ biến và được “tôn vinh” bởi một thế lực cầm quyền đề cao bạo lực, đàn áp thay cho đối thoại và bao dung.
Trong lúc các vụ án bạo hành trẻ em gây chấn động công luận trong nước, người ta không khỏi ngạc nhiên và bất bình khi thấy nhà cầm quyền tặng huy chương cho diễn viên Hồng Quang Minh, tức Minh Béo – kẻ đã phạm tội “ấu dâm,” “lạm dụng tình dục” và bị tù giam ở Mỹ cách đây chưa lâu. Một tòa án ở Thủ Đức mới đây tuyên phạt Lê Duy Hiến, 74 tuổi, đảng viên, cựu sĩ quan cấp tá trong quân đội, phạm tội dụ dỗ bé gái 13 tuổi vào nhà để quan hệ tình dục làm bé gái này mang thai, mức án chỉ bốn năm tù do bị cáo “có công cách mạng.” Nên để ý ở các nước văn minh, ấu dâm là trọng tội đại hình, kẻ thủ ác không chỉ bị án tù dài mà còn bị cả xã hội ghê tởm.
Trong một xã hội mà cái ác không bị trừng trị đích đáng, lòng hận thù được cổ xúy thì không ai có thể có cuộc sống yên bình. Đừng ngạc nhiên vì sao dòng người Việt bỏ nước ra đi, từ tị nạn chính trị đến tị nạn kinh tế rồi tị nạn giáo dục, tị nạn môi trường cứ diễn ra bất tận, không có dấu hiệu giảm bớt. Giấc mơ một cuộc sống yên bình, thân ái xem ra ngày càng xa vời ở đất nước khốn khổ của chúng ta.
Đọc thêm: