Thảm sát ở New York và nguy cơ của lý thuyết thượng tôn da trắng

Thiếu niên xả súng giết 10 người hôm qua được cho là được thúc đẩy bởi tư tưởng cực đoan người da trắng thượng đẳng.
Sáng Chủ Nhật 15-5, người dân New York tập trung tại hiện trường vụ thảm sát ở Tops Friendly Markets để tưởng nhớ 10 nạn nhân thiệt mạng vì thù ghét. Một người mặc áo in khẩu hiệu đứng lên chống lại nạn phân biệt chủng tộc. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

Thiếu niên 18 tuổi xả súng tại một siêu thị ở Buffalo, New York vào chiều hôm qua Thứ Bảy 14 Tháng Năm 2022 được cho là được thúc đẩy bởi tư tưởng cực đoan của người da trắng được gọi là lý thuyết thay thế (replacement theory) – một “nạn dịch” trong xã hội Hoa Kỳ hiện nay.

Sử dụng một súng trường tấn công hiệu Bushmaster, Payton S. Gendron, 18 tuổi ở Conklin, một thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn New York, đã giết chết 10 người và làm bị thương ba người khác, hầu hết là người da đen. Vụ tấn công được chuẩn bị chu đáo, thực hiện một cách có phương pháp; hung thủ đã lái xe hơn 200 dặm từ nhà đến siêu thị Tops Friendly Markets ở Buffalo, mặc áo giáp chống đạn, đeo máy quay phim (video camera) trên nón bảo hiểm và truyền hình trực tiếp (livestream) cảnh bắn giết lên mạng xã hội. 

Ngay sau khi Gendron bị bắt, cảnh sát đã phát hiện một “bản tuyên ngôn” được cho là do tay súng này đăng lên mạng, đầy dẫy những quan điểm phân biệt chủng tộc, chống người nhập cư, cho rằng người Mỹ da trắng có nguy cơ bị thay thế bởi người da màu. Gendron đã đăng lên mạng hơn 180 trang, quảng bá cho lý thuyết người da trắng là “chủng tộc thượng đẳng” nhưng đang “bị thay thế” bởi người da màu, gồm có người da đen, da vàng đến từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin. Lý thuyết sai trái và sặc mùi phát xít này từng được gắn với những kẻ cực hữu nhưng ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo, được thúc đẩy bởi các chính trị gia và các chương trình truyền hình nổi tiếng.Và nó cũng đã nhiều lần trở thành động lực cho các cuộc tấn công trên khắp nước Mỹ và xa hơn nữa. 

Vụ tấn công xảy ra tại một khu phố phần lớn là người da đen ở phía Đông Buffalo, gây liên tưởng tới một loạt vụ thảm sát khác do phân biệt chủng tộc, bao gồm cả việc giết chết chín giáo dân da đen tại một nhà thờ ở Charleston, South Carolina năm 2015; cuộc tàn sát ở một giáo đường Do Thái ở Pittsburgh, Pennsylvania năm 2018 khiến 11 người chết; cuộc tấn công tại siêu thị Walmart ở El Paso, Texas năm 2019 mà 20 người chết đều là người Mỹ Latinh. Cũng trong năm 2019, một kẻ cực đoan theo lý thuyết da trắng thượng đẳng đã xả súng vào hai nhà thờ Hồi Giáo ở Christchurch, New Zealand, giết chết 51 người đang hành lễ.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland sáng nay Chủ Nhật ra tuyên bố cho biết bộ đang điều tra vụ thảm sát ở Buffalo hôm qua “như là một tội ác thù hận và một hành vi bạo lực cực đoan có động cơ phân biệt chủng tộc”. Từ đường phố Buffalo vào sáng Chủ Nhật mù sương, Thống đốc tiểu bang New York Kathy Hochul nói chuyện với phóng viên CNN đã kêu gọi các quan chức dân cử và lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết “sự kết hợp chết người” của tư tưởng thù hận trực tuyến và quá nhiều súng

Thuyết “da trắng thượng đẳng” – từ lý thuyết tới thực tế

Lý thuyết về chủng tộc da trắng “thượng đẳng” đã có từ rất lâu, sinh ra từ phong trào xâm chiếm thuộc địa và thực hiện chủ nghĩa thực dân những thế kỷ trước. Nhờ các phát kiến của cuộc cách mạng công nghiệp và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, người da trắng ở châu Âu đi chinh phục các vùng đất rộng lớn ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ, lập thành các thuộc địa. Trong quá trình này, người châu Âu tự coi mình là chủng tộc thượng đẳng, xem các sắc dân khác, có màu da sậm hơn, là những chủng tộc man di mọi rợ, cần được khai hóa văn minh.

Từ thời thực dân, người da trắng đã tự coi mình là chủng tộc thượng đẳng. Ảnh trên mạng, một bưu thiếp của Pháp phát hành ở Paris năm 1930 tả cảnh một người Việt kéo xe phục vụ một bà đầm Pháp.

Quan niệm một chủng tộc là cao quý hơn các chủng tộc khác là một nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa phát xít (fascism). Adolf Hitler xây dựng phong trào Quốc Xã ở Đức và tiêu diệt người Do Thái (holocaust) dựa trên nền tảng lý thuyết rằng dân tộc Đức là dân tộc thượng đẳng, không thể để dòng máu Đức bị pha trộn bởi các sắc dân khác.

Nhưng cho đến gần đây, lý thuyết “da trắng thượng đẳng” chỉ bao hàm nội dung khẳng định tính chất ưu việt của chủng tộc da trắng so với các sắc dân da màu. Công cuộc toàn cầu hóa kinh tế, làn sóng di cư trên khắp các lục địa đưa người da màu từ châu Phi, châu Á đến châu Âu, châu Mỹ và châu Úc ngày càng nhiều trong thế kỷ 20 đã gây ra những vụ xung đột về tôn giáo, văn hóa giữa các cộng đồng sắc tộc và làm thay đổi cả quan niệm “da trắng thượng đẳng”.

Đầu những năm 2010, một lý thuyết gia người Pháp là Renaud Camus phát triển nó sang một hướng mới: cảnh báo nguy cơ “diệt chủng người da trắng”. Ông Camus (xin đừng lẫn lộn với nhà văn Albert Camus) viết về nỗi sợ hãi một cuộc diệt chủng của người da trắng; ông cho rằng những người nhập cư da màu ngày càng đông, sinh đẻ nhiều con hơn là mối đe dọa đối với người da trắng. Ông dự báo một ngày không xa, người da trắng sẽ trở thành sắc tộc thiểu số, thậm chí bị diệt chủng ở châu Âu là quê hương ngàn đời nay của họ.

Dù tác giả Renaud Camus cố nhấn mạnh rằng ông chỉ là một lý thuyết gia, không can hệ gì với những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng bạo lực và ông lên án những vụ giết người nhân danh chủng tộc, nhưng thực tế, lý thuyết của ông đã được viện dẫn để biện minh cho nhiều vụ tấn công. Ý tưởng cho rằng người da trắng nên lo sợ bị thay thế bởi “những người khác” đã lan truyền qua các nền tảng trực tuyến cực hữu, định hình các cuộc thảo luận giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng của Mỹ.

Trong vụ thảm sát 20 người Mỹ Latin (Hispanic) tại siêu thị Walmart ở El Paso năm 2019, lý thuyết phân biệt chủng tộc được hung thủ đề cập trực tiếp trong một bản phác thảo dài bốn trang, trong đó xác nhận mục tiêu của cuộc tấn công là nhằm đáp trả “cuộc xâm lược của người Tây Ban Nha ở Texas” và nêu lên nỗi sợ hãi về việc nhóm sắc tộc này giành được quyền lực ở Hoa Kỳ.

Một năm trước đó, khi giết 11 người tại Giáo đường Tree of Life ở Pittsburgh, hung thủ đã ám chỉ những người tị nạn được giáo hội Do Thái Giáo giúp đỡ là “những kẻ xâm lược”.

Tại một cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, Virginia năm 2017, những người tuần hành đã hô vang, “Người Do Thái sẽ không thay thế chúng ta.” Một kẻ cực đoan da trắng đã lái xe tông vào đoàn biểu tình chống phân biệt chủng tộc, giết chết một phụ nữ.

Theo dữ liệu của Liên đoàn Chống Phỉ Báng (The Anti-Defamation League) được báo The New York Times dẫn lại, khoảng 60% các vụ giết người cực đoan xảy ra ở Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2019 là do những người tán thành các tư tưởng cực đoan của người da trắng như lý thuyết thay thế, 

Sự kết hợp chết người

Payton S. Gendron, hung thủ 18 tuổi gây ra vụ thảm sát ở New York hôm qua ca ngợi chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng và trách cứ người châu Âu đã cho phép mình “bị thay thế về mặt sắc tộc” khi mở cửa tiếp nhận người nhập cư từ châu Á và châu Phi. Anh ta than phiền về sự đa dạng sắc tộc và văn hóa ở Mỹ; anh ta cảnh báo người da màu nên “rời đi trong khi còn có thể.” Và anh ta chỉ trích những chính trị gia tiến bộ, nói rằng họ chỉ thành công trong việc “dạy những đứa trẻ da trắng ghét bản thân”

Khẩu súng tấn công Bushmaster mà hung thủ Gendron sử dụng để giết người được mua “một cách hợp pháp”, sau đó được hung thủ “độ” lại để tăng tính sát thương,  theo tin từ cảnh sát New York.

Bà Heidi Beirich, đồng sáng lập Dự án Toàn cầu Chống Thù ghét và Cực đoan (the Global Project Against Hate and Extremism), người đã đọc qua “bản tuyên ngôn” của hung thủ Gendron, nhận xét: “Ý tưởng của anh ta lấy cảm hứng về bạo lực hàng loạt trong giới cực đoan của người da trắng hiện nay. Ý tưởng cụ thể này đã vượt qua mọi thứ khác trong các tập thể những người theo chủ nghĩa “người da trắng tối cao” để trở thành ý tưởng đoàn kết xuyên biên giới.” 

Trong các bài viết trên mạng xã hội Gendron viết rằng anh ta được truyền cảm hứng từ thủ phạm của các vụ bạo lực theo chủ nghĩa tối cao người da trắng khác, đặc biệt là Dylann Roof, kẻ đã giết chín giáo dân da đen ở Nam Carolina vào năm 2015. Anh ta lập kế hoạch vụ xả súng ở Buffalo mô phỏng theo vụ thảm sát năm 2019 tại Walmart ở El Paso, Texas; trong vụ đó hung thủ cũng đã đăng một “tuyên ngôn” dài bốn trang chứa đầy quan điểm của những người theo chủ nghĩa tối cao của người da trắng.

Gendron nói rằng anh ta cảm thấy có mối liên hệ đặc biệt với Brenton Harrison Tarrant – kẻ đã bị kết án chung thân không ân xá vì đã giết 51 người Hồi Giáo trong buổi cầu nguyện ngày Thứ Sáu tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand. Gendron nói rằng anh ta đã xem buổi phát trực tiếp của Tarrant về vụ tấn công và đọc các bài viết của ông và đeo máy quay video trên nón bảo hiểm khi xả súng ở New York để truyền hình trực tiếp như cách làm của Tarrant!

Những lời kêu gọi không tới đâu

Như mọi lần, sau một vụ xả súng giết người hàng loạt, các chính trị gia ở Washington lại kêu gọi cải cách luật lệ về kiểm soát súng đạn, nhưng hầu như chẳng đi tới đâu. Lần này, các chính trị gia báo động về “sự kết hợp chết người” giữa tư tưởng thù hận lan tràn trên các mạng trực tuyến và tình trạng súng đạn tràn lan thiếu kiểm soát ở Mỹ.

Một gia đình theo chủ nghĩa cực đoan tặng bánh sinh nhật 10 tuổi cho con với hình khẩu súng và những lời miệt thị Tổng thống Biden. Ảnh Twitter Eunice Burns.

Tổng thống Joe Biden sáng nay Chủ Nhật 15 Tháng Năm mô tả vụ thảm sát ở Buffalo là một “hành động mang động cơ chủng tộc của người da trắng” và cho rằng “sự thù ghét lẫn nhau vẫn còn là vết nhơ trong tâm hồn nước Mỹ.”

Trong một tuyên bố, Phó Tổng thống Kamala Harris chia buồn với các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Biden lên án rõ ràng vụ xả súng là một cuộc tấn công có động cơ phân biệt chủng tộc và thù hận. “Điều rõ ràng là chúng ta đang chứng kiến ​​một đại dịch căm thù trên khắp đất nước, thể hiện qua những hành động bạo lực và không khoan dung. Chúng ta phải gọi nó ra và lên án nó. Những tội ác thù hận có động cơ phân biệt chủng tộc hoặc các hành vi bạo lực cực đoan là những tác hại đối với tất cả chúng ta”, bà Harris nói.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) đi xa hơn khi nhận định các vụ thảm sát bằng súng đạn là hành vi “khủng bố nội địa”. Bà nói rằng quan điểm phân biệt chủng tộc mà hung thủ thể hiện trong tuyên ngôn của anh ta là một phần của triết lý của cánh hữu cực đoan. Bà cho biết Hạ Viện sẽ áp dụng luật để “tăng cường các nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố nội địa” và kêu gọi thông qua luật liên bang để mở rộng kiểm tra lý lịch người mua súng, mà bà nói là “ưu tiên lớn” đối với Đảng Dân Chủ.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ – Connecticut), một người đấu tranh cho luật an toàn súng đạn, nói trên MSNBC rằng “sau vụ thảm sát ở Buffalo, có thể chúng ta phải bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện – hãy cho người dân Mỹ biết chúng ta đứng ở đâu.”

Nói như vậy nhưng thực tế hoàn toàn không dễ dàng. Pháp luật để mở rộng kiểm tra lý lịch người mua súng và áp đặt các biện pháp bảo vệ khác cho việc mua súng đã bị đình trệ tại Thượng Viện – nơi mỗi đảng có một nửa số ghế – mà dự luật cần tới 60 phiếu mới thông qua được. 

Nhưng cũng như bao nhiêu lần trước đây, những lời kêu gọi như vậy chắc sẽ rơi vào thinh không mà không mang lại sự thay đổi đáng kể nào ở đất nước đang bị tê liệt về chính trị vì hai đảng lớn không thể thỏa hiệp với nhau về nhiều chuyện, đặc biệt là chuyện súng đạn, khi mà văn hóa tôn sùng súng đạn đã thâm căn cố đế trong những cộng đồng người da trắng ở xứ này.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: