Nhân quyền Việt Nam 2022 – 10 vấn đề nổi cộm

Minh họa: thehaguepeace.org
Thời Sự
Thời Sự
Nhân quyền Việt Nam 2022 – 10 vấn đề nổi cộm
Loading
/

Tình trạng vi phạm nhân quyền Việt Nam vẫn không hề sáng sủa hơn. Bản tổng kết ngắn dưới đây cho thấy bức tranh nhân quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bi thảm.

1/

Nhà nước CHXHCN Việt Nam gia tăng việc bắt bớ, bỏ tù những công dân bày tỏ quan điểm khác biệt, hoặc chỉ trích các chính sách sai lầm của chính phủ. Đặc biệt nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền. Ước tính từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục người đã bị bắt, hoặc bị kết án bất công vì liên quan đến quyền tự do ngôn luận. Nhà nước Việt Nam nói họ không giam giữ ai vì bất đồng chính kiến, nhưng mọi điều luật hình sự được lập nên đều giăng bẫy và chụp mũ những người bất đồng chính kiến để giam hãm hoặc sách nhiễu tư pháp để xã hội bị bóp nghẹt mọi tiếng nói bất đồng.

Việt Nam nói họ chỉ có tù nhân hình sự, nhưng họ đủ tinh vi để tạo ra những điều luật chống lại con người, quyền con người và quyền tự do chính kiến.

2/

Đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, kể các các tổ chức đã được Nhà nước cấp phép hoạt động như LIN (Trung tâm Phát triển Cộng đồng), Change (Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển- đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng bị đóng cửa. Một số nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường, giáo dục như bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc tổ chức XHDS Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Đặng Đình Bách – GĐ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển Bền vững (LPSD). Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC) và Bạch Hùng Dương (phó GĐ) đều bị bắt và bị kết án tù một cách bất công.

Bà Ngụy Thị Khanh (goldmanprize.org)

Mục đích là nhà nước Việt Nam muốn tiêu diệt mọi tiềm năng tập hợp có thể dẫn đến sự khác biệt về quan điểm chính sách, vạch trần những mưu mô tham nhũng hoặc quyền lợi nhóm cầm quyền dựa trên các kế hoạch phát triển trên đất nước. Bên cạnh đó việc tiêu diệt mọi nhóm xã hội dân sự hiện nay, cũng là một cách để tạo thêm thời gian cho việc Hà Nội tạo dựng các nhóm xã hội dân sự giả hiệu để thao túng truyền thông và người dân.

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương (ảnh: Nguyễn Văn Hải)

3/

Chưa ra thông tư, nghị định hướng dẫn thành lập nghiệp đoàn cơ sở như EVFTA quy định. Hà Nội hẹn sẽ cho ra luật công đoàn cho công nhân, nhưng trên thực chất là nghiên cứu để ràng buộc các nhóm công nhân độc lập với các điều luật sẽ ra mắt, tương tự như cách ra luật an ninh mạng để triệt hạ không gian dân sự.

4/

Không công nhận quyền tư hữu về đất đai. Dựa vào quy định đất đai là “sở hữu toàn dân” để chiếm đất, chiếm nhà của dân, đẩy hàng vạn người vào cảnh tay trắng, khốn cùng. Các vụ cướp đất điển hình từ năm 2019 đến nay có thể kể đến như “Vườn rau Lộc Hưng”, vụ Đồng Tâm…

Đất đai của người dân cả nước đều ở trong tình trạng có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào, nhân danh dự án phục vụ đất nước. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm Bộ này nhận được gần 10,000 lượt đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98.6% tổng số đơn. Các địa phương có nhiều đơn gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường là Sài Gòn, An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang và Tây Ninh.

5/

Đàn áp, sách nhiễu cả những người Việt ủng hộ Ukraine, phản đối cuộc xâm lược của Nga. Thái độ hai mặt trong vấn đề công lý và hòa bình: Một mặt vẫn kết nối với Nga trong quan điểm về cuộc xâm lược, nhưng mặt khác vẫn kêu gọi luật pháp để cậy nhờ quốc tế bảo vệ trước khả năng xâm lược của Trung Quốc. Thói ứng xử hai mặt luôn diễn ra trước mọi vấn đề quan trọng luôn được ngụy trang với cái tên là “ngoại giao cây tre”, được ứng dụng chẳng hạn lên tiếng bảo vệ quyền của người đồng tính nhưng chà đạp quan điểm tự do dân chủ của phía khác.

6/

Gia tăng chính sách ngược đãi tù nhân lương tâm (TNLT) bằng nhiều hình thức như:

-Đưa các TNLT vào Bệnh viện Tâm thần trong khi họ hoàn toàn không bị bệnh, như trường hợp ông Trịnh Bá Phương, nhà văn Phạm Thành, bà Nguyễn Thuý Hạnh. Đặc biệt là trường hợp ông Lê Anh Hùng, một cộng tác viên đài VOA. Ông Hùng là nhà báo bị giam cầm lâu nhất trong Trại Tâm thần và Trại Tạm giam trước khi bị đưa ra xét xử.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh (amnesty.org)

-Không cho TNLT gặp thân nhân hoặc nhận đồ tiếp tế từ gia đình.

-Cùm chân, kỷ luật, giam trong phòng biệt giam chật chội, nơi được mệnh danh là “nhà tù trong nhà tù”.

-Một số TNLT bị ép buộc phải nhận tội. Bị cán bộ trại giam hoặc công an điều tra đánh đập, tra tấn, mạ lỵ. Hoặc bị tù hình sự (do công an xúi giục) hành hung, tra tấn tinh thần.

-Giam giữ ở những trại giam cách xa nhà hàng trăm, thậm chí hơn ngàn cây số khiến việc đi thăm nuôi gặp nhiều khó khăn, rủi ro và gây hao tổn về tiền bạc, thời gian và sức khỏe.

-Điều kiện giam giữ, ăn uống, sinh hoạt vô cùng khắc nghiệt khiến hầu hết các TNLT bị suy kiệt chỉ sau một thời gian bị giam cầm. Không được khám hoặc điều trị bệnh khiến một số TNLT đã phải bỏ mạng trong tù.

Ví dụ thầy giáo Đào Quang Thực, qua đời trong nhà tù Trại 6- Thanh Chương- Nghệ An vào Tháng Mười Hai 2019, chỉ sau hai năm bị cầm tù. Mới đây nhất là nhà báo tự do Đỗ Công Đương, qua đời ngày 2 Tháng Tám 2022 cũng trong nhà tù Trại 6- Nghệ An. Gia đình của cả hai TNLT trên đều xác nhận rằng khi chưa bị bắt, họ là những người khỏe mạnh. Sau khi qua đời, lãnh đạo Trại giam không cho gia đình được mang xác người quá cố về để tổ chức tang lễ mà phải chôn ở nghĩa trang thuộc nhà tù.

7/

Nhà nước một mặt hạn chế tối đa quyền tự do biểu đạt, đặc biệt kiểm soát người dùng Facebook. Mặt khác, sử dụng chính Facebook như một công cụ để truy lùng, bắt bớ các tiếng nói bất đồng chính kiến. Sau khi đã áp dụng luật an ninh mạng để bắt bớ tràn lan, nhưng có lẽ thấy chưa đủ, chính quyền lại tổ chức cho ra Nghị định 15/2020/NĐ-CP để có thể giăng lưới và kết tội tất cả những ai có những sinh hoạt bình thường trên mạng xã hội. Với cả hai đạo luật này, mọi người dân Việt Nam đều là những tù nhân dự bị.

8/

Lập và duy trì việc chặn tường lửa với những trang web, blog mang nội dung cổ xướng các giá trị tự do hoặc khác quan điểm với đảng. Tổ chức các nhóm tuyên truyền và tấn công ngôn luận trực tiếp trên các trang Facebook hay web có tương tác của các cơ quan ngoại giao, dùng những ngôn ngữ thù ghét và sỉ nhục khi những quốc gia này có ý kiến khác biệt với Hà Nội, chẳng hạn như về kết án tù nhân lương tâm. Đây cũng là một thái độ rõ nét của kiểu ngoại giao hai mặt, bất chấp sự khó chịu của công chúng trong nước.

Đặc biệt là việc áp dụng “Nghị định 53”, kể từ ngày 1 Tháng Mười 2022, đích thân Bộ trưởng Bộ Công an sẽ ký lệnh thu hồi tên miền đối với các trang web được báo cáo là vi phạm luật “An ninh mạng”.

9/

Sai lầm trong chính sách chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là áp dụng lệnh “phong tỏa” chặt chẽ đối với Sài Gòn từ Tháng Sáu đến hết Tháng Chín 2021 gây ra một “thảm họa nhân đạo”. Hàng ngàn người bị chết vì nhiễm bệnh, vì đói khát  hoặc chết vì các lý do khác mà nguyên nhân khởi đi từ chính sách chống dịch hà khắc, phản khoa học và vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà nước. Hàng ngàn người bị đưa đến các trại tập trung cách ly, hàng chục ngàn người rời bỏ Sài Gòn gây ra một thảm họa về nhân đạo… Truyền thông nhà nước đưa tin có hơn 16 ngàn người chết ở Miền Nam, đa số là ở Sài Gòn trong thời gian bị phong tỏa năm 2021. Nhưng con số thực tế có thể lớn hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam từ khi dịch bùng phát đến ngày 31 Tháng Mười Hai 2021 là 32,394 người.

Việc đàn áp và bỏ tù nhiều người lên tiếng phản đối các chính sách sai lầm và bê trễ trong đại dịch, nhưng lại che đậy các hoạt động sai trái của bộ máy nhà nước. Một năm sau đại dịch, chính quyền thú nhận đã chưa đưa tiền hỗ trợ trong dịch Covid-19 cho gần một triệu người, nhưng ai phản đối và vạch rõ điều này trước đó, đều đã bị tù.

10/

Canh giữ thường xuyên đối với những người bất đồng chính kiến, cựu tù nhân lương tâm vào các dịp lễ hoặc các sự kiện chính trị, các chuyến thăm của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ hoặc Âu châu tới Việt Nam. Sách nhiễu những người bị coi là có ý kiến khác biệt bằng các thủ tục hành chánh địa phương.

Nhiều người bị cấm xuất cảnh hoặc không được cấp lại passport. Gần đây nhất là vụ cấm xuất cảnh đối với linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc và linh mục Giu-se Trương Hoàng Vũ. Ngày 9 Tháng Chín 2022, Linh mục Lê Xuân Lộc đã bị lập biên bản “tạm hoãn xuất cảnh” tại phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) khi ông chuẩn bị bay sang Philippines.

Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (Amen TV)

Tương tự,  ngày 24 Tháng Mười 2022, Linh mục Trương Hoàng Vũ cũng bị công an cửa khẩu cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ra quyết định “tạm hoãn xuất cảnh”  và không thể thực hiện chuyến bay sang Philippines như dự định. Cả hai linh mục đều bị cấm xuất cảnh được giải thích vì “lý do trật tự, an toàn xã hội“. Cấm xuất cảnh đối với luật sư Võ An Đôn ngay cả khi ông và gia đình đã được Mỹ chấp thuận việc định cư tại Mỹ. Ông Đôn bị tước thẻ hành nghề luật sư vì dám tố cáo các sai phạm trong ngành tư pháp, bênh vực những người bị oan khuất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: