Sau ba năm, lư hương Đức Thánh Trần được trả lại cho dân Sài Gòn

Lư hương Đức Thánh Trần đã được trả lại vị trí cũ (ảnh: Facebook nhà báo Lê Đức Dục)

Việc dời lư hương tại tượng Đức Thánh Trần năm 2019 đã gây không biết bao nhiêu phẫn nộ trong dư luận. Còn nhớ, một ngày sau khi chính quyền Thành Hồ dời lư hương theo lệnh bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, bà Trần Kim Yến – bí thư Quận ủy quận 1 – nói rằng, việc dời lư hương là do “quận đã trang trí lại khu vực trước tượng đài để phục vụ cho việc tham quan của người dân” và “việc này không có vấn đề gì, rất bình thường”.

Tuy nhiên, dư luận không nghĩ như vậy và suốt ba năm qua, áp lực dư luận đối với việc trả lại lư hương Đức Thánh Trần về vị trí cũ là rất lớn. Tháng Chín năm ngoái, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nhấn mạnh: “Làm sai thì phải nhận lỗi, sửa lỗi, tạ lỗi. Đó là đạo lý thông thường ở đời. Đối với những người Lãnh đạo, đại diện cho Dân, cho Nước càng phải nêu gương về đạo lý đó”; và kiến nghị nhấn mạnh ba việc chính quyền Thành Hồ cần làm:

1/. Bước đầu chỉnh trang khuôn viên Tượng đài Đức thánh Trần tại quảng trường Mê Linh dọc Bến Bạch Đằng, giữ được sự tôn nghiêm vốn có;

2/. Trả lại Lư hương dưới chân tượng đài và an vị đúng vị trí cũ;

3/. HĐND cùng các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức Lễ tạ tội với Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cầu nguyện cho Quốc thái Dân an…

Trần Kim Yến – bí thư Quận ủy quận 1 – trả lời báo chí sau khi dời lư hương: “Việc này không có vấn đề gì, rất bình thường” (ảnh: Tuổi Trẻ)

…………….

Trong bài viết cuối năm ngoái, nhà báo Cù Mai Công cũng nhắc lại (trích):

“Ai cũng hiểu chiếc lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần này mới thực sự là quan tâm lớn nhất của người dân TP.HCM chứ không phải những chuyện trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang khác… Chỉnh trang một khu vực, một tượng đài sau một thời gian vốn là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường ở đây là một hình ảnh, sinh hoạt bình thường quen thuộc hơn nửa thế kỷ nay trong khuôn viên công trường Mê Linh bỗng không còn từ 17-2-2019: lư hương bị cẩu đi, mang về Đền thờ Đức Thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu, với lễ an vị vào ngày 20-2-2019.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (Trung tâm phong thủy Đông Phương Cát, TP.HCM), cấu trúc thờ tự thường tuân theo phong thủy tâm linh để bố trí làm sao cho đạt năng lượng tốt nhất. Các nơi thờ tự thường có ba lư hương, nương theo tam cực trong triết lý cổ của đạo giáo: vô cực, thái cực và hoàng cực. Cũng theo bà, lư hương phía ngoài cùng thường phải được đặt thấp nhất và cao dần vào bên trong. Vì nguyên lý của “khí” phải đi theo một mạch, một luồng suôn sẻ. Nếu thứ tự cao thấp thất thường, xét về cấp bậc để thờ và năng lượng để đi đều không đúng.

Khu vực tượng Đức Thánh Trần sau khi lư hương bị dời (ảnh: Hữu Khoa)

Trong khi đó, sau khi an vị lư hương ở chân tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh, để đảm bảo “nguyên lý tam cực”, khu vực sân Đền thờ Đức Thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu trước đó có ba lư hương thì sau đó vẫn ba lư hương. Chiếc lư hương được dời từ công trường Mê Linh về thay vị trí một lư hương nhỏ, thấp hơn vốn đặt ở phía ngoài cùng (từ cổng đền vào). Thay một lư hương có ở đó xưa nay, nội chuyện này đã không hay rồi. Rồi lại thêm một điều không hay khác: lư hương ở công trường Mê Linh sau khi an vị ở đền cao hơn lư hương ở phía sau (đặt trước tượng Đức Thánh Trần).

Nghĩa là việc an vị lư hương có vẻ “trái khoáy”, “không bình thường” với thông lệ tâm linh của người Việt. Cùng với việc trước đó, lư hương bị cẩu đi vội vã, cũng không bình thường trong ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc 1979 (17-2-1979 – 17-2-2019). Rõ ràng đây là vấn đề tâm linh, ẩn ức của dân tộc Việt phương Nam muôn đời này: Luôn cảnh giác, đề phòng các thế lực xâm lược phương Bắc…

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà khu vực hiện nay là công trường Mê Linh từng đặt tượng đài Rigault de Genouilly và tên của nó là công trường Rigault de Genouilly – vị đô đốc chỉ huy các lực lượng Pháp và Tây Ban Nha trong giai đoạn mở đầu của chiến dịch Nam Kỳ (1858-1862), bắt đầu cuộc chinh phục, xâm lược nước Việt của Pháp – từ nơi cửa sông này, khu vực này.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà năm 1967, tượng đài Trần Hưng Đạo, vị tướng triều Trần ba lần đại thắng giặc Nguyên Mông từ những chiến thắng sông nước được dựng nên trước khu vực sông nước Sài Gòn này. Trước đó, từ thời chúa Nguyễn, theo Petrus Ký, ở khu vực sau này là bến phà Thủ Thiêm, xưa có Thủy Các, nơi làm việc, nghỉ mát bên sông của vua và một khu vực tắm riêng cho vua, gọi là Lương Tạ. Vùng đất bao quanh Thủy Các và Lương Tạ gọi chung là Bến Ngự: Bến sông dành cho vua.

Các bậc đế vương, vua chúa xưa làm gì, ở đâu, thậm chí yên nghỉ nơi nào, đầu tiên cũng là tính chuyện phong thủy, chọn thế đất cho muôn đời.

Theo nhà nghiên cứu Phúc Tiến (ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), đoạn bờ sông ngày nay từ công trường Mê Linh đến bến Water Bus Sài Gòn và bến tàu cao tốc Greenlines là đất Bến Ngự. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ánh – Gia Long chọn khu đất làm “hành dinh” thủy bộ của mình. Hẳn người xưa cho rằng nơi đây là điểm “đắc địa” vì cảnh sắc khoáng đạt và thuận thiên theo thuật phong thủy phương Đông”.

Cũng theo ông Phúc Tiến, ở khu vực “khí thiêng thịnh vượng” này, “tượng đài cùng với chiếc lư hương uy nghi phía trước, được tạo dáng như một chiến hạm dũng mãnh, đã tạo ra ấn tượng lớn về lịch sử Việt Nam trong lòng nhiều thế hệ người dân và du khách. Từ ấy đến nay, công trường Mê Linh và tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là nơi chốn du ngoạn hay đẹp mà còn là một địa điểm bồi đắp tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn thờ tiền nhân bất khuất. Chắc chắn cái hồn thiêng sông nước được hun đúc qua bao năm tháng đã và đang là một nguồn sức mạnh độc đáo của Sài Gòn!”.

“Cái hồn thiêng sông nước được hun đúc” ấy ít nhất với người Sài Gòn cụ thể là những bái lạy, thắp hương thành kính ở chiếc lư hương trước tượng đài. Nói như anh Nguyễn Văn Phước (founder & CEO của nhà xuất bản First News Trí Việt), “lư hương là nơi tích lũy nhiều năng lượng của bao nhiêu thế hệ người dân thắp hương, nguyện cầu. Nó có năng lượng chứ không như những thứ khác”.

Năng lượng ấy có thật, ẩn chứa trong ước mơ, ý chí, quyết tâm… của dân mình xưa nay khi thành tâm thắp hương, cúng viếng. Đó là thực tế chứ không phải chỉ là tâm linh. “Năng lượng” ấy rõ ràng cần cho đất nước ta trong công cuộc bảo vệ đất nước, trường tồn dân tộc. Lư hương xét cho cùng là năng lượng của lòng dân. Chọn phương án gì cũng được, trước hết xin trả lại năng lượng của lòng dân – lư hương của tượng đài Đức Thánh Trần về nơi năng lượng ấy tích lũy bao năm nay. Thần thánh Việt bao đời nay luôn đứng cùng phía với lòng dân Việt.

(Hết trích)

Lư hương đã được trả lại (ảnh: Tuổi Trẻ)

Cuối cùng, lư hương cũng được trả lại. Báo Tuổi Trẻ cho biết, khuya ngày 16 rạng sáng 17 Tháng Ba 2022 (giờ địa phương), việc cung thỉnh lư hương về an vị dưới tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh đã hoàn tất, chuẩn bị cho lễ khánh thành “Dự án chỉnh trang công viên Mê Linh và công viên bến Bạch Đằng”.

Cũng cần nói thêm, việc “trả lại” là chuyện có lẽ chẳng đặng đừng nên “cách trả” cũng không bình thường. Tại sao phải chờ đến nửa đêm nửa hôm mới “cung thỉnh lư hương về tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo” (tựa của Tuổi Trẻ)? Cần nhấn mạnh, việc “bốc” lư hương đi cũng được thực hiện lén lút vào ban đêm. Bây giờ, khi trả lại lư hương, chính quyền Thành Hồ cũng lại lấm la lấm lét không dám đường đường chính chính cho ra cái tư cách của một chính quyền. Thôi thì coi như cũng đã là “trả”. Nhưng mai này chớ có “đem quân” ra đánh đập người dân khi họ đến thắp hương bày tỏ lòng thành kính trước bao thế hệ tiền nhân đã ngã xuống trong lịch sử chống giặc phương Bắc.

____________

Bài liên quan đã đăng trên SGN:

Chiếc lư hương Đức Thánh Trần – “Trời còn để có hôm nay…”

Có thật lư hương của Đức Thánh Trần sẽ được trả lại?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: