Vòi bạch tuộc Trung Quốc vươn tới các tiểu bang của Mỹ

CÂU CHUYỆN THỨ NĂM
Ảnh chụp ở Trung Quốc? Không. Đây là các tình nguyện viên người Hoa mặc y phục của Hồng quân Trung Quốc để phục vụ tại một bữa ăn trưa mà triệu phú Trung Quốc Chen Guangbiao bày ra để khoản đãi 200 người Mỹ vô gia cư, được tổ chức tại Công viên Central Park ở New York ngày 25 Tháng Sáu 2014 – một trong những hoạt động tuyên truyền cho Bắc Kinh ngay trên đất Mỹ. Ảnh Andrew Burton/Getty Images

Trung Quốc đang đẩy mạnh một nỗ lực sử dụng các phương tiện công khai và bí mật để tác động tới các quan chức, nhà lập pháp của chính quyền các tiểu bang và địa phương nhằm gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của họ và cả chính sách của chính phủ liên bang Hoa Kỳ.

Trung tâm Quốc gia về Phản gián và An ninh Hoa Kỳ (U.S. National Counterintelligence and Security Center – NCSC) mới đây đã phát hành một thông báo nội bộ (bulletin) cảnh báo các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương, tiểu bang đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn vận động, mồi chài và tác động của Bắc Kinh trong lúc căng thẳng với Washington gia tăng.

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn có chiến dịch vận động các quan chức lãnh đạo, các nhà lập pháp của Quốc Hội Hoa Kỳ để ngăn chặn những đạo luật, chính sách mà Bắc Kinh cho là không có lợi cho Trung Quốc. Những nỗ lực này hầu như có rất ít kết quả. Hiện nay quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc đang được cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ủng hộ mạnh mẽ; rất nhiều đạo luật, nghị quyết chống Trung Quốc trong các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan được ban hành.

Các quan chức của NCSC, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Nội An (DHS) nhận thấy Bắc Kinh đang thay đổi chiến thuật: Thay vì chỉ tập trung vận động ở thủ đô Washington, Trung Quốc đang mở rộng hoạt động gây ảnh hưởng tới các tiểu bang, địa phương, bộ lạc và các công ty lớn. Phương châm của Bắc Kinh là “lấy địa phương bao vây trung ương”, cải biên từ cẩm nang mà Mao Trạch Đông áp dụng trong thời chiến: “Lấy nông thôn bao vây thành thị”.

Bằng việc tác động đến các tiểu bang và địa phương, Trung Quốc không chỉ nhằm ngăn chặn các tiểu bang đưa ra các luật lệ không lợi cho Trung Quốc mà còn làm thay đổi quan điểm của các khối cử tri, từ đó tác động đến quan điểm của các nhà lập pháp trong Quốc Hội Mỹ.

Những nội dung cảnh báo này đã được đưa ra một hội nghị do Ủy ban Tình báo Thượng Viện tổ chức hồi Tháng Hai 2022 thảo luận về các nguy cơ từ hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc và được đúc kết trong thông báo tình báo nói trên. Lãnh đạo Ủy ban Tình báo, các thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ – Virginia) và Marco Rubio (Cộng Hòa – Florida) thúc giục chính phủ phải gia tăng nỗ lực chống lại nguy cơ đó.

Báo The Wall Street Journal dẫn lời ông Michael Orlando, phụ trách cơ quan NSCS nói các hoạt động của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới chính quyền các địa phương và tiểu bang của Mỹ đã gia tăng mạnh khi lập trường của Washington đối với Bắc Kinh ngày càng cứng rắn, đặc biệt là trong các thành viên Quốc Hội. Hoạt động của Trung Quốc “đã trở nên hung hăng và lan tỏa khắp”, ông Orlando nói. Hoạt động gây ảnh hưởng này khá đa dạng, từ hình thức ngoại giao công có vai trò rõ ràng của chính phủ Trung Quốc, cho đến những hoạt động lén lút, ở đó bàn tay của Bắc Kinh “được che giấu cẩn thận, có tính cưỡng bức, thậm chí phạm pháp về bản chất”.

Thủ đoạn của Trung Quốc bao gồm thu thập thông tin cá nhân của các nhà lãnh đạo tiểu bang, địa phương và các cộng sự của họ; thậm chí Bắc Kinh lập quan hệ từ rất sớm với các nhà lãnh đạo có triển vọng thăng tiến với mục đích sử dụng họ cho lợi ích của Trung Quốc khi họ lên chức vụ cao hơn; và sử dụng hoạt động thương mại và đầu tư để tưởng thưởng hoặc trừng phạt các nhà lãnh đạo tiểu bang.

Mục tiêu của Bắc Kinh là thúc đẩy các chính sách của Hoa Kỳ có lợi cho Trung Quốc và giảm bớt sự chỉ trích đối với các chính sách của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan và về nhân quyền ở các khu vực do Trung Quốc kiểm soát như Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương cũng như về các vấn đề khác. 

Các nỗ lực như vậy của chính phủ Trung Quốc có thể “đe dọa tính liêm chính của tiến trình hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và can thiệp vào cách thức hoạt động của đời sống dân sự, kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ”, theo thông báo.

Chiến lược của Trung Quốc là lấy lòng các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương để hỗ trợ các chương trình nghị sự được che giấu của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại TQ Gary Locke (trái) và cựu Thống đốc California Jerry Brown (phải) trong một chuyến viếng thăm và ký kết hợp tác với TQ ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh Andy Wong-Pool/Getty Images,

Trên trang The Diplomat ngày 23 Tháng Tám 2022, cựu dân biểu tiểu bang California Sam Blakeslee (Cộng Hòa) đã kể lại chi tiết một thất bại cay đắng trong sự nghiệp của ông năm 2008-2009. Năm đó ông đề nghị một nghị quyết vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma – nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng – và xác định ngày 10 Tháng Ba hàng năm là Ngày Tây Tạng.

Nghị quyết khẳng định Quốc Hội California ủng hộ “Đạt Lai Lạt Ma và nhân dân Tây Tạng trong nỗ lực tìm kiếm một chế độ tự trị có ý nghĩa cho Tây Tạng” và phản đối “Nỗ lực của Trung Quốc đàn áp người dân Tây Tạng thông qua việc sử dụng nỗi sợ hãi, khủng bố và giáo dục chính trị”. Nhưng năm lần bảy lượt đề nghị, nghị quyết vẫn không được đưa ra thảo luận và biểu quyết tại Quốc Hội tiểu bang California.

Ông Blakeslee cho rằng, thất bại lập pháp đó của ông có phần do tác động của Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, với sự giúp đỡ của một dân biểu đồng viện người Mỹ gốc Hoa là bà Fiona Ma. Bà Fiona Ma phụ trách tổ chức (whip) của khối Dân Chủ đa số trong Quốc Hội California, cũng là người tổ chức các phái đoàn nghị sĩ của tiểu bang viếng thăm Trung Quốc hàng năm và tham dự các buổi chiêu đãi tại tư dinh Lãnh sự Trung Quốc. Các nhân viên ngoại giao của Lãnh sự quán Trung Quốc thậm chí còn xuất hiện và đi nghênh ngang trong hành lang tòa nhà Quốc Hội California vào lúc các nghị sĩ thảo luận hoặc biểu quyết những đạo luật liên quan tới Trung Quốc!

Hồi Tháng Ba năm nay một điệp viên Trung Quốc đã thuê một thám tử tư ngăn chặn một người Mỹ gốc Hoa tranh cử một ghế đại diện cho New York trong Quốc Hội liên bang. Ứng cử viên này từng là một thủ lĩnh sinh viên trong phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đã trốn khỏi Trung Quốc và trở thành công dân Hoa Kỳ. Viên thám tử được yêu cầu “sử dụng bạo lực nếu cần thiết”, “đánh anh ta [ứng cử viên] thật nặng sao cho anh ta không thể ra tranh cử được nữa”, theo hồ sơ tòa án được bản tin tình báo dẫn lại.

Thông báo nói việc cảnh báo các lãnh đạo tiểu bang và địa phương không nhằm gây nghi ngờ đối với người Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa, và thừa nhận nhiều giao dịch kinh tế hợp pháp của Trung Quốc với chính quyền tiểu bang và địa phương là có lợi cho cả hai bên cho dù đôi khi Bắc Kinh tìm cách tận dụng các thương vụ để đạt được lợi ích chính trị. Việc Trung Quốc quyết định đầu tư hay không đầu tư tại tiểu bang nào đều có tính toán chính trị chứ không đơn thuần vì lợi ích thương mại.

Thông báo khuyến cáo các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương đề phòng các hoạt động của Trung Quốc, từ chối ký kết bất kỳ thỏa thuận nào đi ngược lại chính sách quốc gia của Hoa Kỳ ngay cả khi chúng mang lại lợi ích cho một địa phương trong ngắn hạn; nhấn mạnh vào các điều khoản công khai, minh bạch cho bất kỳ thỏa thuận nào; chia sẻ kinh nghiệm với các nhà lãnh đạo địa phương khác và với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ.

(ảnh: Cancan Chu/Getty Images)

Thông báo đặc biệt lưu ý một tổ chức của đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc gọi là Mặt trận Thống nhất (United Front – “Trung Cộng trung ương thống nhất chiến tuyến công tác bộ”), là đơn vị điều hành các nỗ lực gây ảnh hưởng ở nước ngoài, hoạt động thông qua nhiều tổ chức, qua các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Giáo dục; đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ; cùng và các “thực thể bán chính thức hoặc bình phong” khác. 

Tại thủ đô Washington có Hiệp hội quốc gia vì Thống nhất Hòa bình (National Association for China’s Peaceful Unification) của Trung Quốc, tự mô tả là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng thực chất là một cơ sở hải ngoại của Mặt trận Thống nhất nói trên, chuyên quảng bá tới các tổ chức truyền thông, học thuật và công chúng Mỹ lập trường của Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan và Tây Tạng. Năm 2020, chính quyền Trump đã chỉ định tổ chức này là một phái bộ đối ngoại của Trung Quốc và phải hoạt động theo quy chế dành cho một nhánh của chính phủ nước ngoài.   

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói nội dung của bản tin tình báo Mỹ chỉ dựa trên suy đoán và bác bỏ bất kỳ sự can thiệp nào của Bắc Kinh. Người phát ngôn của đại sứ quán Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) nói: “Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và chúng tôi không quan tâm đến việc can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ”.

Nhưng những hoạt động thực tế của Trung Quốc mà cộng đồng tình báo Mỹ, và cơ quan FBI phát hiện và theo dõi, chứng tỏ điều ngược lại.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: