Mùa thu trên những cánh đồng

Bóng thu
Share:

Mùa thu là mùa của thi ca. Nghe câu hát, “Hồn thu theo gió đến ngọn núi chót cao cạnh mây[1] tôi tự hỏi, có cái gọi là hồn thu không? Cái chất tinh túy, chất thơ, cái cốt lõi, cái hồn của mùa thu ở đâu?

Có lẽ, chất thơ của mùa thu nằm ở sự thay màu của lá. Và ở trong màu trời khi trong xanh khi xám bạc, không khí lành lạnh, trong hơi sương, khói sóng trên sông, ánh trăng, và còn nhiều không thể kể hết.

Từ giữa Tháng Chín đến giữa Tháng Mười lá cây bắt đầu đổi màu. Những dây leo một chùm năm lá như Virginia creeper trở màu, đỏ trước tiên. Loại dây leo này mềm mại uyển chuyển có thể leo lên dây điện hay vách tường nhà, rất đẹp mắt.

Khoảng giữa Tháng Mười đứng dưới tàng cây nhìn lên, có thể bắt gặp những chùm lá màu đẹp. Đỏ ối như lá sồi tía và lá phong đỏ. Vàng và cam của lá phong vàng. Đứng trong rừng thu lúc có nắng, ánh sáng sẽ có màu vàng hay màu hồng như thể bạn đeo một lớp kính màu. Vào khoảng giữa Tháng Mười Một, lá cây birch, cây elm có màu vàng của kim nhũ, óng ánh như mạ bạc. Tôi thích chụp ảnh lá khi ánh sáng chiếu phía sau chùm lá, vì nhìn thấy màu lá tươi và lóng lánh hơn.

Đứng trong rừng cây mùa thu bạn có thể thấy cây mà không thấy rừng. Để thấy cái đẹp của rừng thu, cần có tầm nhìn từ xa. Từ bờ sông hay bờ hồ nhìn sang bên kia, từ trên đồi cao nhìn xuống thung lũng, nhìn dọc theo con suối, ở những cung đường quanh co, hay uốn lượn quanh núi đèo, và nếu thuận chiều nắng sẽ nhìn thấy toàn vẹn vẻ đẹp của rừng thu. Từ trên cao nhìn xuống, những ngọn cây màu đỏ màu cam giống như những đốm lửa cháy rực.

Nhà thơ Isabel Neill trong bài thơ October đã dùng chữ gypsie fires[2] để tả những ngọn cây màu đỏ, cam, và vàng. Lửa giả, lửa phép, lửa nhiệm mầu, lửa thắp trên cây. Ở nơi có sông dài và hồ rộng sẽ có bóng cây phản chiếu xuống nước tạo thành những hình ảnh đẹp mắt.  Nếu nơi bạn ở không có núi cao, sông suối dài hay hồ rộng, đứng ở ven bìa những cánh đồng rộng bạn sẽ nhìn thấy cái đẹp của rừng thu. Mùa thu cũng như một bức tranh to, hay một người phụ nữ đẹp, nhìn từ xa sẽ thấy cái đẹp toàn vẹn hơn.

Đường vào nhà
Từ đồi Washington Rock (New Jersey) nhìn xuống thung lũng thấy những ngọn cây thắp lửa
Hoa của một loại cỏ khô
Gypsy fire

Mùa thu đẹp nhất là lúc nào? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Cây dogwood khi lá đổi màu thường có sắc tím nhất là ở những nơi khuất nắng. Tôi thích nhìn rừng phong sau cơn mưa, trời có nắng hửng lên, vỏ cây màu sậm, màu lá vàng lá đỏ phản chiếu ánh nắng lóng lánh. Đó là những lúc khi đang lái xe tôi muốn ngừng xe lại để chụp ảnh. Dĩ nhiên là không thể ngừng, vì nhiều lý do, trong đó có lý do là sợ bị hỏi có khùng không. Hay lúc lái xe quanh ngọn đèo nhìn thấy lá đủ thứ sắc màu, và sau cơn mưa có cầu vồng xuất hiện. Đó là những lúc mùa thu đẹp nhất. Đẹp, lúc ấy, vì cái đẹp này nằm ngoài tầm tay của mình. Với tôi, mùa thu đẹp nhất là khi mùa thu sắp tàn.

Như đã nói, nhìn mùa thu bên rìa những cánh đồng rộng sẽ thấy mùa thu rất đẹp. Gần nhà thờ Pillar trên đường trail Raritan and Delaware, có vài cánh đồng bắp, không lớn lắm nhưng cái màu nâu của những cánh đồng bắp mùa thu khiến tôi nghĩ đến những bức tranh nổi tiếng. Khi starlings, một loại chim màu đen giống như chim sáo, nhỏ hơn quạ, bay thành từng đàn cả ngàn con lượn lên đáp xuống cánh đồng bắp đã thu hoạch, tôi nghĩ đến vẻ đẹp của bức tranh cánh đồng lúa mì và đàn chim quạ của Van Gogh.

Hằng năm, hai lần, vào cuối thu và đầu xuân, tôi thường gặp một đàn sếu lông xám mặt đỏ, sandyhill cranes, đến ăn hạt bắp khô tích trữ năng lượng để bay về miền ấm, và khi tiết trời ấm áp chúng trở lại nơi này ăn cho no trước khi quay về quê cũ.

Ruộng bắp khô mùa thu
Đàn hạc xám đến ăn hằng năm
Còn ghé thăm chốn này?

Đàn starlings trên ruộng bắp khô gần nhà thờ Pillar (New Jersey)
Góc hồ Sunfish Pond
Đồng cỏ
Bóng lá thu

Cách cánh đồng bắp này, độ ba miles về hướng Nam, có một cánh đồng cỏ. Để xây những trụ điện cao thế người ta đã phá rừng. Khoảng đất trống dọc theo những trụ điện cao thế trở thành cánh đồng. Mùa xuân hoa diên vỹ mọc. Mùa hè cỏ mullein và cỏ lau. Đường trail trải đất và đá đỏ. Màu đất đỏ dường như lan tỏa đến cánh đồng khiến cỏ khô cũng có màu đỏ sậm. Chỗ này nhiều lần tôi gặp vạc xám (great blue heron) bay lượn thẳng cánh.

Ở một góc nhỏ cạnh đường trail giáp với đồng cỏ, có một tổ chim nhỏ như cái chung trà. Tôi thường thấy một đôi chim finch bay lượn chập chờn ở đây. Cái tổ hình như xây dang dở, rồi bị bỏ hoang, khuất trong cành lá rậm rạp mãi đến mùa thu khi bụi rậm dọc đường trail tàn rụi hết tôi mới nhìn thấy tổ chim. Tự hỏi cái tổ bé như thế thì cái trứng nó còn bé đến cỡ nào?

Xa thật xa, phía sau trụ điện cao thế có một ngôi nhà màu trắng, và bên cạnh là một ngôi giáo đường cũng màu trắng. Phía trước ngôi nhà và giáo đường là con đường chạy dọc theo sông Millstone. Đứng đây, đúng giờ người ta sẽ được nghe tiếng chuông giáo đường ngân nga. Điều này làm tôi nhớ đến một bài hát Việt “Tiếng Chuông Chiều Thu” của Tô Vũ.

Người phương trời xa xôi. Gửi em lời yêu thương khi lòng mơ màng trầm lắng tiếng chuông chiều thu.

Có lần tôi nghe tiếng chuông chùa, tiếng đại hồng chung, khiến tôi bàng hoàng ngẩn ngơ không biết mình có nghe lầm hay không. Có lẽ gần đây có chùa thờ Phật?

Duke Farms, cách nhà tôi độ nửa giờ lái xe, có một cánh đồng cỏ khá rộng. Mùa thu, hàng cây ginko biến thành màu vàng chanh. Trên đồng, cỏ màu hồng và goldenrod màu vàng tươi lẫn vào những bụi cỏ lau khô tạo thành màu sắc rất thu hút. Cánh đồng nhiều màu sắc đầu thu của Duke Farms làm tôi nghĩ đến thảo nguyên của Neil Gaiman trong quyển truyện Stardust.

Thảo nguyên là sự náo loạn màu sắc, giàn giao hưởng âm thanh, buổi đại yến của hương thơm. Hoa dại đủ thứ màu, bướm đủ mọi cỡ, chim với nhiều loại tiếng hót. Có tiếng ong vo ve, tiếng dế rỉ rả, tiếng ếch nhái rộn ràng. Có tiếng nước chảy róc rách, gió thì thầm, và tiếng lá rì rào. Thảo nguyên là một nơi chốn bạn có thể quên hết những mối bận tâm, và chỉ thấy vui vẻ hạnh phúc.

Còn một thảo nguyên nữa, rộng lớn hơn gấp mấy lần so với những cánh đồng gần nhà tôi.  Năm 2021, trên thảo nguyên của Yellowstone National Park, tôi bắt gặp màu nâu của mùa thu mà tôi rất yêu thích.  Màu nâu này tuy nhạt hơn nhưng cũng khiến tôi nghĩ đến những bức tranh vẽ đồng cỏ ở Maine của Andrew Wyeth.

Tôi chưa hề được nằm trong những cánh đồng này, nhưng thử tưởng tượng nằm ở đây ngó trời sao chắc là hồn thơ lai láng. Người không biết làm thơ có lẽ cũng ráng được vài câu ngô nghê chăng?

Cành khô
Bờ kênh D&R Canal

Lâu rồi, khi mới lần đầu đọc quyển truyện Rừng Na Uy của Haruki Murakami tôi đã chú ý đến đoạn văn nói về cánh đồng của ông.

“Cánh đồng là nơi mà thời gian đứng im, nơi chúng ta có thể trốn cuộc đời và những điều bất an của đời sống. Nó là một chỗ mà ta có thể là ta, không cần nhiều lời và cũng chẳng cần ẩn núp sau những cái mặt nạ. Đó là một nơi mà chúng ta có thể thấy mình đang sống, ngay cả khi tử thần đang rình rập đâu đó trong bóng tối.”

Tử thần chẳng mấy khi rình rập loài người ở những cánh đồng thu. Nhưng đối với loài thú thì cái chết đến khá dễ dàng và bất ngờ. Rùa thường hay băng ngang đường trail vào mùa thu. Nhiều lần tôi gặp mai rùa, nhỏ cỡ lòng bàn tay.

Cái mai rùa nhỏ bé
Chỉ còn lại hai lỗ trống hốc
Một buổi chiều mùa thu.

New Jersey, Sep 19, 2023

(Ảnh trong bài của tác giả)

_____

[1] Thu Trên Đảo Kinh Châu – thấy trên mạng ghi tên tác giả bài hát là nhạc sĩ Lê Thương.

[2] Now gypsy fires burn bright in every tree. October – Isabel Neill

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: