Đường sách Nguyễn Văn Bình: Điểm hò hẹn của dân Sài Gòn

Mẹ và con và sách – trong ngày nghỉ, thật hạnh phúc – Ảnh: Minh Anh

Thành lập Tháng Giêng 2016, đường sách Nguyễn Văn Bình mau chóng trở thành điểm hò hẹn của dân Sài Gòn.

Con đường nhỏ dài 144m, từ ngày 7 Tháng Tư 2000 chính thức mang tên cố Tổng giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình (vị Tổng giám mục tiên khởi của Tổng giáo phận Sài Gòn từ năm 1960-1995), nằm khiêm tốn bên hông Bưu Điện thành phố, nối quảng trường Công Xã Paris (nơi có nhà thờ Đức Bà) và đường Hai Bà Trưng (quận 1, Sài Gòn).

Con đường nhỏ này lặng lẽ suốt năm năm, bỗng trở nên đông vui nhộn nhịp, được nhiều người biết đến khi được tổ chức thành đường sách, nơi có hơn 20 kiosque bán sách và văn phòng phẩm, thuộc nhiều nhà xuất bản và hai quán cà phê (Đẹp Cà Phê và Phương Nam Book Cà Phê).

Phố đi bộ đúng nghĩa của Sài Gòn chính là đường sách Nguyễn Văn Bình khi có sự giao lưu giữa khách bộ hành và các hiệu sách hai bên đường trong bóng mát của cây xanh – Ảnh: Minh Anh

Tôi không nhớ được đã bao lần mình hẹn bạn ở đường sách này, một không gian văn hóa, kết nối nhiều địa điểm lịch sử khác, ngay trung tâm quận 1.

Theo tôi, nơi đây mới đích thực là phố đi bộ của Sài Gòn, khi cây xanh hai bên đường phủ bóng mát, người đi bộ không thấy mệt vì cảm được luồng gió mát và có thể ghé vào bất kỳ hiệu sách nào hai bên đường để ngắm nghía, lựa chọn. Nếu đi bộ mỏi chân thì hai bên đường hoặc giữa đường có để sẵn các hàng ghế mời chào, thật thuận tiện.

Điểm hẹn của nhiều bạn trẻ, kể cả người lớn tuổi và du khách ngoại quốc – Ảnh: MInh Anh

Hình ảnh đẹp nhất ở đây là bọn trẻ con tung tăng cùng cha mẹ hoặc cùng mẹ, cùng cha lục lọi tìm sách để đọc. Kế đến là hình ảnh các bạn trẻ (học sinh, sinh viên) đi tìm sách và đứng đọc sách.

Duy trì thói quen đọc sách cho bọn trẻ thời nay thật khó và tôi thật thán phục các bậc phụ huynh trẻ kiên nhẫn nuôi dưỡng cho con tình yêu với sách, bằng cách dẫn bọn trẻ đi mua sách vào cuối tuần.

30% khách bộ hành đến đường sách Nguyễn Văn Bình là người ngoại quốc, con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi nhà thờ Đức Bà sửa chữa xong – Ảnh: Minh Anh

Ngoài các bạn trẻ và các nhóm gia đình trẻ ở đây, đường sách Nguyễn Văn Bình còn đón chào khoảng 30% du khách ngoại quốc, đó là thống kê của công ty Đường Sách, chủ đầu tư và kinh doanh khu vực này, vì thỉnh thoảng ở đây còn có triển lãm và tổ chức các sự kiện văn hóa như giới thiệu tác giả và tác phẩm.

Số liệu từ công ty này cho biết tổng doanh thu năm 2022 của các đơn vị kinh doanh ở đây đạt 51.64 tỷ đồng, tăng 113.7%, không có đơn vị nào giảm doanh thu. Trong đó, doanh thu sách thiếu nhi đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 236% so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, số lượng sách bán ra đạt 659,697 cuốn (chiếm 80% doanh thu, còn 20% là từ nhóm hàng khác).

Ba đứa trẻ ngọ nguậy suốt trên ghế khi phải ngồi để ông họa sĩ họa chân dung bằng màu nước – Ảnh: Minh Anh

Năm 2022, đường sách Nguyễn Văn Bình tổ chức hơn 435 chương trình hoạt động và sự kiện, thu hút hơn ba triệu lượt khách. Còn sáu tháng 2023, doanh thu của các đơn vị trong đường sách đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn cả cùng kỳ các năm trước đại dịch COVID-19.

Điều này cho thấy sách vẫn là nhu cầu không thể thiếu của dân Sài Gòn. Mặt khác, đến đây mua sách trực tiếp, khách hàng được giảm khá nhiều, ít nhất 10%-30%, ngoài ra còn có vô số sách giảm giá 50% hoặc đồng giá vài chục ngàn, trong đó có những cuốn in rất đẹp với nội dung giá trị.

Trẻ em tập làm bánh Donut ở đường sách, một trò giải trí lành mạnh – Ảnh: Minh Anh

Ngoài sách mới, độc giả đến đường sách còn có thể lựa chọn những cuốn sách cũ, xuất bản thời Việt Nam Cộng Hòa, hoặc những sách văn học và hội họa in trên giấy Liên Xô thời thập niên 80.

Trở lại đường sách Nguyễn Văn Bình một ngày Chủ Nhật của Tháng Mười Một, tôi còn thấy một số hiệu sách bày trò chơi cho trẻ em. Chẳng hạn như Đông A hướng dẫn trẻ em làm một cái bánh Donut với giá chỉ 40,000 đồng, hoặc mua sách Đông A xuất bản trị giá 199,000 đồng thì được một vé làm bánh.

Trẻ em được hướng dẫn trò chơi nặn đất sét miễn phí tại một hiệu sách – Ảnh: Minh Anh

Giữa đường sách còn có hai người đàn ông vẽ chân dung. Một ông vẽ chân dung bằng màu nước miễn phí, nhưng trên bàn có một thùng nhỏ có thể bỏ tiền tùy hỉ. Một ông khác vẽ chân dung bằng bút chì, với giá 150,000 đồng/bức – có thể ngồi trước mặt cho ông vẽ hoặc đưa hình trong điện thoại cho ông vẽ.

Ông họa sĩ vẽ chân dung bằng bút chì đang loay hoay nhìn hình con chó trong điện thoại để vẽ cho người chủ – một phụ nữ ngoại quốc, nói với tôi: “Khách ngồi trước mặt thì tôi vẽ nhanh hơn, chỉ 10 phút”. Ông bảo chỉ Thứ Bảy và Chủ Nhật ông mới có mặt ở đây và khuyên tôi nên đi một vòng rồi quay lại nếu muốn ông vẽ chân dung.

Ông họa sĩ vẽ cái hình con chó thứ ba cho một du khách ngoại quốc, chỉ bằng bút chì. Trong khoảng một tiếng, ông kiếm được 450,000 đồng ($19) – Ảnh: Minh Anh

Tôi nhìn thấy ông đang vẽ bức hình thứ ba của con chó. Hai bức vẽ trước ông đã cẩn thận bỏ vào bao nylon đưa cho người phụ nữ. Hẳn đó là con chó mà bà rất yêu quý.

Thỉnh thoảng dù chả hẹn ai, tôi vẫn tạt ngang qua đường sách, khi đang ở quận 1, như để nghỉ mệt. Đến để tìm một góc trong tiệm cà phê, nhai một khúc bánh mì, uống một ngụm cà phê “bạc sỉu”, đọc vài trang sách, rồi ngắm người qua kẻ lại đang sửa dáng chụp hình trước một hiệu sách.

Một khoảng lặng của cả con và mẹ, để lấy lại cân bằng cho đời sống đô thị đầy áp lực – Ảnh: Minh Anh

Có thể nói đường sách Nguyễn Văn Bình hình thành nên một thói quen mới và tốt đẹp của dân Sài Gòn, là điểm sáng hiếm hoi trong sinh hoạt cộng đồng của một đô thị ngày càng chật chội vì xây dựng quá tải.

Đó là dấu lặng cần thiết khi con người vừa thoát khỏi dòng xe hỗn độn trên đường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: