Trong quyển The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization năm 1999 với nội dung mổ xẻ hiện tượng toàn cầu hóa, cây bút sừng sỏ Thomas Friedman khẳng định chắc như bắp rằng, không hai quốc gia nào có cái “vòm vàng” – biểu tượng của McDonald’s – lại có thể gây chiến với nhau.
Đẩy ý tưởng này lên như một lý thuyết, Thomas Friedman tin rằng trong thời toàn cầu hóa, khi một quốc gia đạt đến sự phát triển kinh tế với tầng lớp trung lưu đủ mạnh để có thể mang lại sự hiện diện của McDonald’s thì nó sẽ trở thành một “quốc gia của McDonald’s” và những nước có “Vòm Vàng” thì không quan tâm đến việc đấm đá nhau.
Thomas Friedman thậm chí hơi quá khi cho rằng “Vòm Vàng” hiện diện ở đâu thì nơi đó không có chiến tranh. Quan điểm này dựa trên luận điểm rằng các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ thì chẳng dại gì đánh nhau để khiến ảnh hưởng lợi ích song phương và lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên, với việc McDonald’s – cùng vô số tập đoàn Mỹ khác – đang rút khỏi Nga (dù Mỹ và Nga không ôm súng bắn nhau), cái gọi là “lý thuyết Vòm Vàng” (Golden Arches theory) coi như đổ sụm.
McDonald’s khai trương “Vòm Vàng” đầu tiên ngày 31 Tháng Một 1990, tại Quảng trường Pushkin. Đó là nhà hàng McDonald lớn nhất thế giới thời điểm đó. McDonald’s thành công ngay lập tức. Vào ngày đầu tiên, 30,000 người đã được phục vụ, một kỷ lục đối với McDonald’s trong ngày mở cửa khai trương. McDonald’s đến Moscow không chỉ đơn thuần là Big Macs và khoai tây chiên. Nó là hình ảnh tượng trưng cho sự mở cửa của Liên Xô, báo hiệu những thay đổi dữ dội đang và sắp diễn ra. Khoảng hai năm sau, Liên Xô sụp đổ. Một bài báo có tựa Moscow Plays Ketch-Up đăng trên Washington Post đề ngày 1 Tháng Hai 1990 đã tường thuật sự kiện này như sau (với cách miêu tả vừa hài hước vừa mỉa mai)… Trích:
Công nhân nhà máy Mikhail Negilko đứng bên dưới cặp vòm bằng vàng lấp lánh, rao giảng cho đám đông với lòng nhiệt thành của một người cải đạo. Anh ấy đã nhìn thấy tương lai – và nó rất ngon. “Hãy cho chúng tôi biết, Beeg Mak là cái gì thế?” – một ông già tóc nhuộm đỏ hét lên, nhìn một cách nghi ngờ vào hàng nghìn đồng chí đang xếp hàng cách Điện Kremlin ba dãy nhà. “Bolshoi Mak đấy, các đồng chí ạ” – Negilko nói với vẻ quan trọng, một tay cầm chặt ba lá cờ McDonald’s bằng giấy và cái túi đầy ắp cốc và đĩa dùng một lần.
“Bolshoi Mak là một thứ mà bạn chưa từng được nếm trước đây. Bạn lấy một bánh, rất ngon, và bạn cắt nó làm đôi. Sau đó, bạn thêm một ít thịt nướng, chất lượng thịt hàng đầu, mà nè, nó không giống như thứ thịt mà chúng ta có ở đây. Sau đó là một ít pho mát, rồi rất nhiều vitamin và…”. Nói đến đó Negilko dừng lại để tìm cách miêu tả cảm giác được tạo ra trên đầu lưỡi mình khi lần đầu tiên gặp được chủ nghĩa tư bản. “Và sau đó bạn thêm một ít rau bina. Và đó, các đồng chí, đó là Bolshoi Mak”…
Sau gần 14 năm đàm phán quanh co, thức ăn nhanh của Mỹ cuối cùng có mặt tại Moscow, thủ đô đồ ăn chậm của thế giới… Vào thời điểm McDonald’s mở cửa lúc 10 giờ sáng nay, đã có một hàng dài xếp hàng hàng trăm mét bên ngoài. Lực lượng dân quân túc trực để ngăn chặn một cuộc bạo động. Máy quay truyền hình quay tít. Các diễn viên hóa trang thành nhân vật hoạt hình nhảy múa trên đường phố để gây thích thú cho đám đông… “Ai quan tâm chúng ta phải đợi bao lâu?” – Viktor Kondratyev, một công nhân trong hợp tác xã thương mại, cho biết – “Chúng tôi đã quen với việc đứng xếp hàng. Chúng tôi xếp hàng hàng giờ, đôi khi hàng ngày”…
Nhà hàng 900 chỗ ngồi ở Quảng trường Pushkin – cửa hàng McDonald’s lớn nhất thế giới – là cửa hàng đầu tiên trong 20 cửa hàng dự kiến mở ở thủ đô Liên Xô vài năm tới… Quầy nhận thức ăn là một khung cảnh náo nhiệt điên cuồng gần như chắc chắn chưa từng có trong lịch sử ăn uống của Liên Xô. Những thanh niên trẻ mặc quần đen và áo phông màu hạt dẻ quay mòng mòng như bầy ong trong tổ, xúc gamburger (sic) cho vào những gói xốp. Mọi người đều đeo nút “How Can I Help You” trên ve áo và dán sticker McSmiles trên mặt.
Các nhà quản lý McDonald’s nhấn mạnh rằng họ cam kết ở lại thị trường Liên Xô, cho dù điều gì có thể xảy ra. Họ đã đầu tư $35 triệu vào một khu phức hợp chế biến thịt, sữa và tiệm bánh lớn ở ngoại ô Moscow – được du khách mệnh danh là “McGulag” vì có hàng rào thép gai bao quanh. Họ cũng đang cử các giám đốc điều hành hàng đầu của Liên Xô đến “Đại học Hamburger” ở Chicago cho chương trình đào tạo…
(Hết trích)
____________
Ngày 8 Tháng Ba 2022, McDonald’s loan bố họ tạm thời đóng cửa tất cả 847 nhà hàng của mình ở Nga, kể cả địa điểm ở Quảng trường Pushkin nhắc ở trên. McDonald’s cho biết họ sẽ trả lương cho 62,000 nhân viên tại Nga. Trong gần 850 cửa hàng McDonald’s ở Nga, 84% thuộc sở hữu của công ty. Phần còn lại chủ yếu do công ty nhượng quyền Rosinter Restaurants Holding (ROST.MM) có trụ sở tại Moscow điều hành.
Sau 32 năm, Moscow có thể không còn những công nhân nhà máy đói khát lần đầu tiên háo hức nếm được “mùi tư bản” như nhân vật Mikhail Negilko trong phóng sự Washington Post nhưng nước Nga đang khốn đốn khi bị bắn tan nát trên một mặt trận không tiếng súng: Đòn trừng phạt kinh tế khốc liệt của phương Tây cũng như một số nước châu Á. Vladimir Putin không phải đếm xác theo cách như quân đội Nga đếm số lính tử trận tại chiến trường Ukraine nhưng Putin phải đếm những thiệt hại kinh tế cực kỳ nghiêm trọng khiến ngân sách quốc gia bị thâm lạm từng giờ.
Không chỉ McDonald’s, nhiều biểu tượng tư bản sừng sỏ Mỹ cũng gửi thông điệp phản ứng với cuộc chiến của Putin tại Ukraine, từ Starbucks, Pepsi, Apple, Microsoft đến Boeing. Người phát ngôn của Brands Inc. cho biết công ty tạm ngừng mọi hoạt động đầu tư và phát triển nhà hàng ở Nga, đồng thời tạm đóng cửa 70 địa điểm KFC thuộc sở hữu của công ty và ký một thỏa thuận với bên nhận nhượng quyền Pizza Hut để ngừng kinh doanh tại 50 địa điểm. Công ty có khoảng 1,000 nhà hàng KFC ở Nga…
Tất cả cho thấy khái niệm toàn cầu hóa theo cách miêu tả của Thomas Friedman trong The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization đã biến đổi. Mối quan hệ kinh tế từng được xem là chỉ dấu của “hòa bình” có thể giúp hóa giải xung đột dẫn đến chiến tranh đã không còn đúng.
Chiến tranh ngày nay, qua những gì thể hiện ở cuộc xung đột giữa Nga và phần còn lại của thế giới, không cần đến bom đạn, không cần đến hỏa tiễn, không cần đến oanh tạc cơ. Những trận oanh kích bằng kinh tế có thể gây tổn thất thậm chí nghiêm trọng hơn đạn pháo, vì nó đánh toàn diện, bằng tổng lực, bằng một liên minh áp đảo với sức công phá không gì có thể “đo đạc” và định lượng một cách chính xác.