Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 3

Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith
Share:
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (1924 – 2001) trong phòng làm việc ở Dinh Độc Lập, Saigon, 1968. Ảnh Dick Swanson/Getty Images.
Thời Sự
Thời Sự
Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 3
Loading
/

Bài 3: Nhìn lại Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

___________

Bài 1: Việt Nam Cộng Hòa – một công cuộc kiến quốc 

Bài 2: Bối cảnh lịch sử của cuộc chia rẽ dân tộc

___________

Như tác giả George J. Veith sẽ chứng minh trong cuốn sách đồ sộ của mình, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật chủ chốt trong công cuộc chuyển hóa Nam Việt Nam từ chế độ quân quản sang một nước cộng hòa lập hiến. Ông cũng là người đứng ở trung tâm thời kỳ hỗn loạn của VNCH từ lúc quân đội Hoa Kỳ đảm nhiệm vai trò chiến đấu trực tiếp cho đến khi cuộc chiến kết thúc.

Nhưng ông Thiệu đã phản ứng như thế nào với những thử thách của thời cuộc? Ông Thiệu có gì khác so với Tổng thống Ngô Đình Diệm? Phong cách điều hành của ông là gì? Ông quản lý như thế nào các vấn đề chính sách đối ngoại, chính sách nội trị? Liệu ông có thể tạo ra và điều hành một chiến lược quân sự và kinh tế đủ để đánh bại một kẻ thù tàn bạo? Cho đến nay, phần lớn những câu hỏi này chưa có lời giải đáp.

Tại sao các sử gia không nghiên cứu các chính sách của ông Thiệu hoặc tìm hiểu phản ứng của ông đối với những sử kiện trong nước và quốc tế? 

Ông Veith cho rằng câu trả lời nằm trong thành kiến có từ thời chiến tranh. Khi đó Việt Nam là trung tâm của Chiến tranh Lạnh và các nhà bình luận phương Tây thường vẽ chân dung ông Thiệu theo màu sắc ý thức hệ phản ánh quan điểm chính trị – nhiều lúc cực đoan – của họ. Các học giả phản chiến coi ông là một nhà độc tài tham nhũng và đàn áp. Việt Cộng lăng mạ ông là kẻ phản bội và là bù nhìn của Mỹ. Trên trường quốc tế, danh tiếng của ông Thiệu cũng không khá gì.

Hội nghị Mỹ – Việt ở Manila, Philippines bàn việc chấm dứt hỗn loạn chính trị ở Việt Nam ngày 23-10-1966. Ngồi quay lưng lại và đang nói là Tổng thống Lyndon B. Johnson, đới diện là Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Chung quanh là các quan chức Mỹ cao cấp, trong đó có Ngoại trưởng Dean Rust (bìa trái), tướng William Westmoreland (mặc quân phục)… Ảnh Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images

Tuy vậy, người dân Nam Việt Nam có cái nhìn đa dạng hơn. Cũng như các tổng thống khác, sự ủng hộ ông Thiệu của dân chúng tăng lên hay giảm xuống theo những đề tài thời cuộc: tình hình an ninh, phát triển kinh tế hoặc những vụ tai tiếng chính trị mới nhất. Công luận cũng ổn cố vào những đường ranh giới truyền thống của Nam Việt Nam: cư dân đô thị đối lập với nông dân, thành kiến giữa các giáo phái, giữa các vùng miền. Có một lực lượng ủng hộ ông Thiệu, một lực lượng đứng ngoài bàng quan và một bộ phận nhìn ông bằng cặp mắt căm thù. Tỷ lệ của các bộ phận này thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chiến thắng trên chiến trường hoặc giá gạo ở các khu chợ.

Cho dù Sài Gòn đã thất thủ, vẫn cần có một đánh giá mang tính lịch sử đối với Tổng thống Thiệu. Ông không phải là một nhà độc tài tàn ác và tham nhũng như nhìn nhận của cánh tả phản chiến, cũng không phải là “con rối” trong tay người Mỹ. Mặc dù ông có cái đặc tính chính trị-quân sự kết hợp cố hữu của các nhà lãnh đạo chống cộng sản ở các quốc gia khác như Đài Loan và Hàn Quốc – những người coi quyền lãnh đạo mạnh là đối trọng lớn nhất chống lại chủ nghĩa cộng sản – ông Thiệu cũng đã quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ, dựa trên quyền tư hữu thiêng liêng của người dân. Hai cái hướng đi đối lập nhau này thường xuyên giằng xé ông, không bao giờ thỏa hiệp được, nhất là khi các giá trị dân chủ của ông gần như tan biến khi ông “độc diễn” trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1971: ông là ứng cử viên duy nhất có tên trên lá phiếu của cử tri.

Ông Thiệu luôn tìm cách đạt được hai mục đích quá tầm:

Một là, ông quyết tâm đánh bại kẻ thù. Ông quan niệm mọi cuộc dàn xếp với Cộng sản đều là con đường dốc trơn trượt dẫn tới thất bại. Quan niệm đó hình thành từ kinh nghiệm trực tiếp của ông chứ không phải theo một ý thức hệ cứng nhắc và phi thực tế;

Hai là, ông muốn xây dựng đất nước của ông thành một nhà nước hiện đại, làm giảm nỗi nghèo khó đáng kinh tởm của đồng bào mình và cuối cùng là đưa họ tới một thể chế gần như là dân chủ. Những mục đích thiết yếu của ông là xây dựng một nhà nước hoạt động được, nâng cao mức sống vật chất trong khi tích hợp vào ý thức của người dân cái bản chất của dân chủ – chứ không phải là dân chủ hình thức.

Để đạt mục tiêu đó, các chính sách của ông vừa có tính tiệm tiến vừa có tính cách mạng. Ông duy trì các chính sách lâu dài của chính phủ VNCH trong một số lĩnh vực như đàm phán hòa bình, trong khi ông dứt khoát chia tay với các chính sách của những người tiền nhiệm, đặc biệt là trong công cuộc cải cách điền địa và tái cơ cấu nền kinh tế.

Đi xa hơn, ông Thiệu cố gắng tái tạo miền Nam Việt Nam theo kiểu mẫu của Hoa Kỳ bằng việc củng cố quyền tự trị của địa phương và cải cách bộ máy hành chính nặng nề và kém hiệu quả. Cũng quan trọng không kém, ông làm việc cần mẫn để cải thiện an ninh ở thôn xã bằng cách vũ trang cho người dân để họ tự bảo vệ làng xóm của họ – một rủi ro rất lớn ở một đất nước mà lòng trung thành của nông dân với chính phủ luôn bị nghi ngờ. Nói vắn tắt, ông Thiệu muốn tạo ra sự thịnh vượng cho những người nông dân ở nông thôn bằng việc cung cấp cho người dân Nam Việt một môi trường tư bản chủ nghĩa, để họ tham gia vào công cuộc phát triển chính họ thông qua quyền tự chủ.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong dịp công bố bộ luật Người cày có ruộng, ngày 26 tháng Ba 1970. Ảnh: file

Nói như thế không nhằm ám chỉ rằng Thiệu là một nhà cải cách theo xu hướng tự do. Một số chính sách của ông được tiếp thu từ các chế độ chuyên chế chống cộng khác ở châu Á. Ông có nhiều điểm chung với nhà độc tài Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Park Chung-hee ở Hàn Quốc.

Cũng giống như họ, ông theo đuổi các mục tiêu đối nội của mình trong khi bịt miệng giới đối lập chính trị và tin rằng những người đối lập bị Cộng sản giật dây. Mặc dù ông Thiệu dung nạp những tiếng nói đối lập không cộng sản và ông thừa nhận rằng ủng hộ và phản đối trong xã hội dân chủ là quan trọng cho sự tồn tại của xã hội ấy, ông vẫn coi sự bất đồng chính kiến công khai như một khối ung thư làm suy yếu cơ thể chống cộng trong cuộc chiến đấu chống lại một kẻ thù độc ác và xảo quyệt.   

Với ông, đoàn kết dân tộc tạo ra sức mạnh của quốc gia, nhân tố chủ yếu để thuyết phục Hà Nội rằng họ không thể thắng. Một khi Hà Nội đã chấp nhận điều đó thì những cuộc đàm phán hòa bình thực chất mới có thể bắt đầu. Ngược lại, bất đồng chính kiến công khai đồng nghĩa với sự chia rẽ và yếu đuối, chỉ khích lệ Hà Nội tiếp tục chiến tranh.

Giống như mọi chính khách khác, ông Thiệu có những nhược điểm về cá tính và những thói tật quản trị ảnh hưởng tới các chính sách của ông, nhưng rất nhiều hành động của Thiệu làm cho những người chỉ trích ông ở Phương Tây phải kinh ngạc lại có ý nghĩa hoàn toàn khác trong bối cảnh của Việt Nam.

Với ông Thiệu, phản ứng của công chúng trong quốc nội quan trọng hơn rất nhiều so với phản ứng của những kẻ phản đối ông trên trường quốc tế. Ngoài ra, ông thực hiện trách nhiệm của mình với một sự điềm tĩnh không lay chuyển được, khiến cho những người muốn tìm một sự thỏa hiệp chính trị với một kẻ thù cũng cương quyết như thế đã phải tức giận. Nhưng mặc dù ông có những khuyết điểm của một nhà lãnh đạo, nhiều quan chức Hoa Kỳ vẫn tin không có chính trị gia Việt Nam nào có sự kết hợp giống như ông sự từng trải, cứng rắn và trí thông minh. Theo quan điểm của họ ông Thiệu là nhà lãnh đạo tốt nhất ở Nam Việt Nam.

Giáo sư Veith nói ông gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng ông may mắn đã phỏng vấn được nhiều quan chức cao cấp trong nội các Nam Việt Nam, những người chịu trách nhiệm thiết kế và thực hiện các chính sách lớn của chính phủ.

Những cuộc thảo luận đó làm hé lộ những thông tin lịch sử mới, chưa từng có trước đây, chẳng hạn như vụ đảo chính ông Diệm đã gần như bị chặn đứng như thế nào, những chi tiết mới về vụ phản đảo chính tháng Giêng 1964, cuộc đánh đổi trong giới quân sự để ông Thiệu vượt lên trên ông Kỳ ở cương vị tổng thống, bối cảnh thực sự của Vụ Chennault trong suốt kỳ bầu cử năm 1968 và những chi tiết nóng, những bí mật lớn xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.

_________________

_________________

Trong bốn năm sau cuộc đảo chính tháng Mười Một 1963, Nam Việt Nam đã trải qua những biến động to lớn cả về quân sự, chính trị, xã hội và kinh tế, được đánh dấu bởi cường độ của chiến tranh gia tăng và sự leo thang can dự của người Mỹ. Mặc dù có những xáo trộn lớn như vậy, Nam Việt Nam vẫn tạo ra được một hiến pháp mới và thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa nhờ vào công lèo lái của Kỳ và Thiệu.

Thế rồi những biến cố lớn như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 của Cộng sản, công cuộc cải cách điền địa “Người Cày Có Ruộng”, việc vũ trang cho dân địa phương “Nhân Dân Tự Vệ” nhằm cải thiện an ninh thôn xóm đã giúp nhiều người nông dân trước kia còn lừng chừng hoặc thù nghịch chuyển sang phía chính quyền.

Tuy vậy, cuộc tấn công của Hà Nội năm 1972 “Mùa Hè Đỏ Lửa” đã tàn phá hầu hết những công trình phát triển kinh tế và phát triển chính quyền địa phương mà ông Thiệu gầy dựng được. Hiệp định Hòa bình Paris 1973 và tiếp theo đó là cuộc rút quân của Hoa Kỳ đã để lại một miền Nam Việt Nam đầy thương tích, cuối cùng trở thành miếng mồi cho cuộc tấn công cuối cùng của miền Bắc Việt Nam năm 1975.

Qua tất cả những biến cố lịch sử đó, người đọc sẽ thấy trong công trình nghiên cứu của GS Vieth hình ảnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cũng như phần lớn các nguyên thủ quốc gia có trách nhiệm, là một chính trị gia đã cố làm những điều tốt nhất cho đất nước mình hơn là một nhà độc tài chỉ quan tâm tới chuyện nắm giữ quyền lực. Có điều, như thường thấy, những hoàn cảnh bất thường đã buộc những con người không hoàn hảo đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên những thông tin sai trái. Ông Thiệu không phải là ngoại lệ.

(còn tiếp)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: