Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học.

Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin – từ bàn nhậu – đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.

Chiều qua, lúc tiệc đã sắp tàn, bỗng có vị nổi hứng đặt vấn đề:

-Biết tại sao loài người đổi từ mẫu hệ qua phụ hệ, và đổi cách nào không?

Thế là bàn rượu lại râm ran và ồn ào như cũ:

-Còn sao nữa. Phụ nữ, đàn bà, con gái ăn ở cư xử ác nhân và ác đức quá mà. Đã vậy, còn có cái tật kỳ thị phái tính và lại thêm cái thói vợ chúa chồng tôi nữa. Áp bức người ta đến độ hết chịu nổi nên đám đàn ông con trai buộc phải vùng lên thôi?

-Vùng lên cách nào?

-Thì nghe nói là có tối mấy chả họp kín dưới suối lâu lắm. Xù xì tới khuya luôn rồi mới chia tay, ai về nhà nấy. Tới nhà ông nào cũng tốc mùng chui vô nằm kề bên vợ, hun hít tá lả bùng binh, không chừa một chỗ nào…

-Chi vậy, Trời ?

-Từ từ, nghe hết chuyện cái đã. Đúng 9 tháng 10 ngày sau, tất cả phụ nữ đều lâm bồn ráo trọi. Xe cứu thương hú còi inh ỏi, chở hết mấy bả vô viện bảo sanh, không xót một con mẹ nặc nô nào ráo.

-Rồi sao nữa?

-Còn sao nữa. Khoảng trống quyền lực được lấp đầy tức khắc. Qua bữa sau là loài người bắt đầu một thời kỳ mới: Thời Phụ Hệ. Nhân ái, nhân bản, nhân đạo, nhân đức, nhân nghĩa, nhân từ, nhân văn (và nhân nhượng) hơn nhiều. Dễ thở hơn thấy rõ!

Chuyện không đến nỗi nhạt nhưng có chi tiết hơi thô tục (thuận tay bóp cái này, tiện tay bóp cái kia, hay hun hít everywhere) khiến cho những thính giả nho nhã đều phải nhíu mày về cử chỉ thô lỗ của đám đàn ông, trước Thời Phụ Hệ. Với thời gian, mỗi lúc loài người một thêm lịch lãm, tình tứ và lãng mạn hơn xưa – như câu chuyện kể sau (cũng mới nghe qua bàn nhậu) vào bữa hôm kìa:

Sáng tinh mơ, có một ông người Thời Đồ Đá Mới, vác chầy vồ đi kiếm ăn nhưng chưa ra khỏi hang động bao lâu ổng đã vội vã quay về. Mặt mũi khẩn trương thấy rõ, hổn hển ôm chầm lấy vợ:

-Mình ơi, mình à…

-Chuyện gì vậy cà. Bộ bữa nay gặp nguyên bầy khủng long hoặc khổng tượng hả?

-Không.

-Hay gặp ma Cà Rồng giữa ban ngày?

-Cũng không. Ma quỷ gì đâu. Anh mới gặp ông Tám ở ngoài bìa rừng kìa.

-Rồi sao?

-Thằng chả cho hay là giai đoạn Tân Thạch Khí (Neolithic) đã chấm dứt hồi khuya rồi. Bắt đầu từ sáng nay là mình bước qua một thời đại mới, tới Thời Đồ Đồng rồi đó.

-Úy Trời! Lẹ dữ vậy sao honey?

-Chớ sao. Time’s flying mà cưng!

-Vậy thì phải sắm cho em cái gương bằng đồng à nha. Không phải là em đua đòi sắm sửa gì với mấy con đĩ ngựa cùng thời đâu nhưng sáng nào cũng phải lội bộ ra bờ suối soi mặt, chải đầu, trang điểm… thiệt mỏi chân (và sợ cọp) muốn chết luôn vậy đó…

Tưởng gì, chớ gương lược thì kể như là chuyện nhỏ thôi. Để đó tính sau. Bây giờ mình lo nhen lửa rồi nướng đồ mồi liền đi, còn cả đống khô cá sấu và khô voi hun khói trên giàn bếp kìa. Lẹ lên nha, anh hú vợ chồng ông Sáu, ông Tám, cậu mợ Năm, bà Bẩy với cô Tư qua uống sương sương vài xị để chào đón một thời đại mới.

Ngay sau đó là của lửa bập bùng, nhậu nhẹt tùm lum, karaoke um xùm, và phi cần sa mù mịt, rồi ôm nhau làm tình tưng bừng cho tới lúc gà (rừng) gáy sáng luôn.

Thiệt là quá đã, dù có hơi quá đáng!

Nhân loại – tất nhiên – không phải lúc nào cũng vui vẻ nắm chặt tay nhau, cười ha hả, nhẩy cà tưng/cà tưng (một cách nhịp nhàng và điệu đàng) qua từng thời kỳ hay giai đoạn văn minh. Đôi khi, vì sự cách trở của địa lý (hay vì sự khác biệt trong phương cách tổ chức xã hội) nên vẫn có những giống người bị bỏ rơi lại phía sau, hoặc đi theo những bước rất ngoằn ngoèo và tối tăm – so với đa phần nhân loại.

Từ Thời Đồ Sắt, thay vì bước vào Thời Đại Kỹ Nghệ, có hằng tỉ người lại rẽ vào Thời Đồ Nhựa. Họ biến cả lục địa thành một thứ công xưởng của thế giới, chuyên sản xuất đồ vật rẻ tiền (giá bán chỉ 99 xu thôi) bất chấp mọi hậu quả và tác hại môi sinh nên không có đối thủ cạnh tranh.

Ai mà lại đi dành việc với những người mưu sinh bằng nghề bán máu bao giờ. Cũng chả ai muốn “cộng chung vận mệnh” với những kẻ đắm đò cả.

Cùng lúc, lại có cả tộc người (gần trăm triệu mạng) thất thểu bước vào Thời Đồ Đểu – theo nhận định của những kẻ đương thời:

Nhà thơ Bùi Minh Quốc: “Cả thời kỳ đều cáng đã lên ngôi”

Nhà giáo Trần Thị Thảo: “Quả thật rất khốn nạn/ Thời đồ đểu lên ngôi!”

Kịch tác gia Lưu Quang Vũ: “Chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ: đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Nay thì đến Thời Đồ Đểu”!

Ủa! Sao lại kêu là Thời Đồ Đểu?

Họa sỹ Đỗ Duy Ngọc lý giải:

Thời mà miếng ăn bỏ vào mồm cứ sợ là thuốc độc, bệnh uống viên thuốc cứ nghi là thuốc giả. Thời mà ở đâu cũng có thể bị đe doạ, ở trong nhà sợ kẻ cướp, ra đường sợ lũ giật dọc, sợ cây rơi, điện giật, sập hố, sẵn sàng bị giết chỉ bởi một lời nói, một ánh nhìn… Con người mất lòng tin nên chạy theo thần linh, ma quỷ. Họ mê tín đến độ cuồng si, họ tin vào Thế Giới ảo vọng một cách cực đoan.”

Vậy là kể như tới luôn Thời Đồ Mã rồi!

Thảo nào mà báo Phụ Nữ (số ra ngày 29 Tháng Tám 2023) có bài phóng sự bằng hình, trân trọng giới thiệu ông Vua Đồ Mã Việt Nam cùng những sinh hoạt phong phú và đa dạng của nghề hàng mã hiện nay ở xứ sở này:

Đức Quang, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở “thủ phủ” của nghề vàng mã miền Bắc – xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bố mẹ Quang có một xưởng sản xuất đã hoạt động hơn 30 năm và nay đến lượt Quang tiếp nối. Tuổi thơ của Quang gắn liền với khung tre, hồ dán, các loại giấy đủ màu và những mô hình vàng mã…

Hiện tại, gia đình Đức Quang sở hữu một xưởng sản xuất rộng 20.000m2. Hằng ngày, bố mẹ Quang cùng những người thợ vẫn miệt mài với nghề thủ công đã tồn tại ở ngôi làng truyền thống suốt mấy chục năm qua. Trong khi đó, những công việc kinh doanh khác như giới thiệu sản phẩm, liên hệ đối tác… sẽ do anh trực tiếp phụ trách.

Ngay từ trong chính tư duy kinh doanh mặt hàng lâu năm này, Đức Quang quan niệm, mỗi sản phẩm vàng mã như một món quà mà “người ở lại” muốn gửi tặng cho “người ra đi” để tinh thần được thanh thản, vơi đi nỗi mất mát, nuối tiếc. Đức Quang mong muốn sẽ là người vận chuyển món quà tinh thần…

Có những câu chuyện khiến anh không thể nào quên: “Một chị khách ở Quảng Ninh muốn đặt một mô hình chiếc xe ôtô vàng mã gửi tặng người bố, bởi trước khi rời cõi tạm, người bố đã luôn phấn đấu để có thể chờ vợ con trên chiếc xe Lexus 570.” 

Nói cách khác là mọi nhu cầu, ước muốn, khát vọng (cũng như hy vọng) quá tầm tay với của con người ở Thời Đồ Đểu đều có thể được thực hiện dễ dàng trong Thời Đồ Mã mà không cần chờ đợi đến cuối thế kỷ này, thời điểm mà có kẻ vẫn đang lo “không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” nữa!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: