Nghệ sĩ Nam Lộc, kỷ niệm nửa thế kỷ tha hương-Kỳ 2

Tấm cheque đầu tiên & sáng tác đầu đời
Share:
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Nghệ sĩ Nam Lộc, kỷ niệm nửa thế kỷ tha hương-Kỳ 2
/

Cuộc sống tha phương, nỗi ray rứt, khoắc khoải đeo bám chàng thanh niên Nam Lộc từ khi phải rời Sài Gòn với biết bao kỷ niệm đẹp, để chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, ông bất thần viết nên một sáng tác đầu đời và để đời.

Khi đã quen quen với cuộc sống “vô gia đình”, hàng ngày, Nam Lộc đứng chờ ở trạm xe bus có những chiếc xe màu vàng chở người tị nạn từ nơi khác tới, đêm xuống lại chạy ra chỗ gửi thơ, xem có tin tức gì của nhà không. Cứ thế, cuộc sống chậm rãi trôi qua với niềm hy vọng được đoàn tụ cùng gia đình, cho đến một hôm…

Công việc đầu tiên $2.1/giờ

Hôm ấy, Nam Lộc gặp được một cô gái đến từ trại Hong Kong. Qua lời kể của cô gái, ông biết bố của mình đang ở Hong Kong. “Em gặp bác bên đó, bác nói chỉ có một mình bác lên được tàu Trường Xuân, cả nhà bị kẹt lại hết rồi anh ơi.”

“Nghe xong, bầu trời trước mặt tôi tối sầm lại,” Nam Lộc kể. “Tôi ráng gượng để nhận địa chỉ bên Hong Kong mà cô bé đưa, để viết thơ cho bố, nhưng ngay lúc ấy, tôi cảm giác cuộc đời mình hoàn toàn bị đổi thay, suy sụp hết rồi!”

Chia tay cô bé, Nam Lộc vội vàng viết thơ cho bố. Một tháng sau, ông nhận được tin, bố ông đã được đưa sang quốc gia thứ ba ở Âu châu, là Bỉ. Sau khi liên lạc được và nghe người cha kể lại, lòng dạ ông đau đớn như bị cắt từng khúc, gia đình ông, từ ngày 28 Tháng Tư đến sáng 30 Tháng Tư, 1975, chờ đợi trực thăng tới đón, nhưng cuối cùng bị bỏ lại, nên phải trở về ngôi nhà cũ. Riêng bố của ông thoát được bằng đường biển.

Trước 30-4 ông cụ là nhà báo với vai trò chủ nhiệm của một đặc san về chính trị, nhưng khi biến cố xảy ra, mạnh ai nấy tìm đường thoát, ông cụ chạy lên chiếc tàu gần như bất khiển dụng, vì máy móc hư hỏng rồi. 5,000 người la liệt trên tàu, nhiều người chịu không nổi nên xuống tàu, chỉ còn những người tuyệt vọng thì ráng ngồi lại, vào giờ chót, máy sửa được, và con tầu Trường Xuân từ từ ra khơi rồi đến Hong Kong trong phép lạ.

Hình tầu Trường Xuân, do ông chủ tầu Trần Đình Trường ký tặng. (ảnh: Nam Lộc)

Sau một thời gian ở trại, những người độc thân được chuyển ra ngoài để sớm định cư. Nam Lộc nghĩ, bố thì tạm thời ổn rồi, còn mẹ và các em tuy bị kẹt nhưng vẫn còn một chút le lói là biết đâu sẽ còn nhiều “phép lạ”, nên ông không muốn đi đâu cả, hy vọng gặp gia đình. Ông được chấp thuận, nhưng phải ký vào đơn tình nguyện ở lại, và làm việc cho đến khi đóng cửa trại. Tuy làm thiện nguyện, nhưng ông vẫn được trả mức lương tượng trưng: $5/ngày, gọi là tượng trưng.

Một cảnh phát đồ dùng ở trong tại Pendleton. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Nhưng khi đã chính thức ở lại trại và được thuê làm việc hẳn hoi, ông được trả $2.1/giờ, là mức tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động Hoa Kỳ thời ấy. Công việc của ông là liên lạc với những người ở Los Angeles, San Diego, Riverside,…  sao cho phù hợp để bảo trợ người tị nạn trong trại, và làm thông dịch viên cho người tị nạn.

Đa số người những Việt biết nói tiếng Mỹ, hầu hết đều là các sĩ quan cao cấp trong quân đội hay nhân viên sở Mỹ, còn dân thường hoặc những người đánh cá đi theo các linh mục do không rành Anh ngữ, cần ông thông dịch, hoặc giải thích.

Ở trong trại, không tốn tiền chi tiêu, ăn uống gì, nên ông để dành được tiền, và “tậu” cho mình một chiếc xe, lại được trả góp, mỗi tháng vài chục đồng.

Đến ngày 31 Tháng Mười, 1975, trại đóng cửa.

Nam Lộc trong ngày dỡ lều, đóng trại. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Những cuộc gặp định mệnh

Thời gian còn ở trong trại, Nam Lộc có giới thiệu cho ông Nguyễn Văn Cư, đại úy cảnh sát, một người Mỹ bảo trợ. Lúc Cư xuất trại sống ở San Clemente, cứ tới cuối tuần lại rủ Nam Lộc “trốn trại”, leo lên GreyHound đi Los Angeles chơi.

“Đó mới là lúc tôi biết được cảm nhận đầu tiên đến nước Mỹ,” Nam Lộc kể. “Tụi tôi lên Los Angeles  mua quần mua áo, hoặc có ai trong trại gửi mua trái cây thì mua vác về giùm người ta. Thời gian ấy ở Los Angeles rất an ninh, thanh bình. Tụi tôi lang thang thâu đêm suốt sáng, chỉ thấy có một, hai người vô gia cư, không cướp giật gì cả. Tuần nào cũng vậy, cứ sáng Thứ Bảy đi, chiều Chủ Nhật về.”

Làm công việc kết nối người trong trại tị nạn với người bảo trợ, nhưng tới mình thì Nam Lộc lại bị… bỏ quên, nên khi ra trại, lúc được hỏi sẽ đi đâu, ông ngớ người: “Ừ nhỉ, đi đâu bây giờ. Thôi thì tôi mặc kệ, đi đâu cũng được, vì trong thời gian làm việc trong trại, tôi cũng đã quen với nhiều người, nên không bỡ ngỡ cho lắm.”

Ngày Nam Lộc chia tay ra trại, Cư nói: “Nam Lộc, tao thấy mày dân văn nghệ sĩ, không biết nấu nướng, đau yếu lấy ai cạo gió, nấu cháo cho mà ăn, tao không bỏ mày được, thôi tụi mình hãy đi cùng nhau.” Nghe vậy, Nam Lộc rất cảm động.

Sau khi bàn luận, hai người quyết định trực chỉ Los Angeles, nộp đơn vào nhà máy ép giường nước (waterbed) ở Inglewood, thành phố nằm gần phi trường LAX, phía tây nam Los Angeles. Có job rồi, hai người đi tìm nhà, thuê được cái studio có một giường và một sofa, giá $175/tháng. Sáng sớm ra khỏi cửa, làm tới trưa, hai người lại nhảy qua job thứ hai, đến 8, 9 giờ tối mới về tới nhà, mua mấy lon bia, với chân giò heo ngâm dấm, ngồi uống nhâm nhi, ngẫm nghĩ sự đời.

“Hai thằng cố gắng để dành tiền mua chăn gối mền, nồi niêu xoong chảo,” Nam Lộc nhớ lại. “Nhưng cái cheque đầu tiên lãnh, chỉ được $150. Hai thằng ngồi tính, còn tiền điện, tiền nước, còn phải gửi về Việt Nam cho mẹ và các em nữa chứ, sao đủ đây!” Chợt nhớ lúc xuất trại, họ dặn, mỗi người tị nạn sẽ nhận được $300 tiền định cư – khoản tiền cho người bảo trợ – và vì không có ai bảo trợ nên ông được nhận trực tiếp, nhưng lúc đó ông không lấy, nghĩ có thể tự mình kiếm sống được, không cần đến khoản trợ cấp đó. Giờ gặp lúc khó khăn, bần cùng bất đắc dĩ, dẹp phăng tự ái, ông đành đi lãnh tiền.

Ngày đến nhận tiền, ông gặp cô nhân viên tên Thúy nói chuyện và cho biết sẽ gửi ngân phiếu về sau, nhưng khi vừa bước chân ra khỏi cửa, Thúy gọi giật ông lại: “Anh Nam Lộc ơi, bà giám đốc muốn nói chuyện với anh.” Giám đốc? Sao bà biết ông tới đây, lại muốn nói chuyện? Thì ra, khi ông đi ngang qua văn phòng của giám đốc, là bà Elizabeth Kirnis, bà nhận ngay ra ông, nên kêu nhân viên mời ông trở lại.

Elizabeth Kirnis là giám đốc Cơ Quan Di Trú và Tị Nạn thuộc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCC), Tổng Giáo Phận Los Angeles, gặp Nam Lộc bà mừng ra mặt: “Trời đất ơi, may quá, gặp anh rồi, tụi tôi tìm anh quá chừng luôn.” “Có chuyện gì sao? Tìm tôi để làm gì?,” Nam Lộc hỏi. Bà trả lời: “Tụi tôi mới có chương trình giúp đỡ và hỗ trợ người tị nạn định cư, đang tìm người có kinh nghiệm về người tị nạn, thì chỉ có anh, người từng hoạt động trong trại Pendleton, anh là ứng viên thích hợp nhất, chúng tôi mời anh làm phụ tá cố vấn định cư nhé.”

Bà Elizabeth Kirnis và Nhạc sĩ Nam Lộc tại sở làm. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Nghe lời mời này, mà việc lại đúng “nghề của chàng”, còn hơn bắt được vàng, Nam Lộc đồng ý liền! Đó là cuộc gặp bất ngờ và định mệnh, khiến anh trở thành nhân viên của USCC trong những công tác định cư người tỵ nạn, suốt từ ngày ấy, cho đến năm 2016 mới nghỉ hưu, sau 41 năm phục vụ.

Từ phụ tá cố vấn, chẳng bao lâu sau Nam Lộc trở thành cố vấn định cư. Công việc này đòi hỏi sự lanh lợi trong giao tế và đủ uy tín để tìm được những cá nhân, nhà thờ hay hội đoàn đứng ra bảo lãnh người tỵ nạn. Ông chứng tỏ được khả năng của mình, để rồi được đề cử làm “Supervisor”, sau đó trở thành phụ tá giám đốc. Năm 1992, ông thay thế chức vụ của giám đốc Elizabeth Kirnis, khi bà về nghỉ hưu.

Cho đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, Nam Lộc vẫn còn giữ tấm cheque đầu tiên nhận từ USCC vào Tháng Sáu 1975, vì với ông, đó là kỷ niệm vô giá.

 ‘Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt’ – 45 phút diệu kỳ, dòng lệ hay dòng nhạc tuôn trào?

“Cuối tuần, Cư và tôi vẫn ghé đến phòng trà Roosevelt ở Hollywood, nơi tụ họp các ca nhạc sĩ như Huỳnh Anh, Hồ Xuân Mai, Trung Nghĩa, Vũ Huyến, Đoàn Thanh Tuyền, Trung Hành, Quang Minh… Tụi tôi ghé đến chơi, uống vài ly bia, tản mạn vài câu chuyện, xong rồi về nhà để mai đi cày tiếp! Chợt nghĩ không lẽ cuộc đời mình chỉ là những chuỗi ngày sống như vậy thôi sao! Thật là vô nghĩa,” Nam Lộc kể. “Đêm đó là Thứ Sáu, Cư rủ tôi lên Roosevelt. Tôi không muốn đi, nói Cư đi một mình. Cư đi được 45 phút thì quay trở về, tay xách theo 6 chai bia Lucky và mấy cái giò heo ngâm dấm.”

Nam Lộc, “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, Tháng Mười Một, 1975. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Thì ra, Cư đi giữa đường, nghĩ tội cho bạn mình, nên ông ghé mua đồ, về nhậu giải sầu với bạn. Đó cũng là lúc Nam Lộc vừa xong bài “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, liền hát cho Cư nghe. Vừa nghe vừa khóc, lúc Nam Lộc dứt bài, Cư hỏi: “Ở đâu ra bài này, lẹ quá vậy!”. “Bài này tao nhen nhúm từ khi ngồi trên phi cơ rời khỏi Sài Gòn, qua đến trại thì viết được vài đoạn đầu. Đêm nay, lúc mày đi, tao buồn quá, ngồi viết tiếp, niềm xúc động cứ thế tuôn trào. Tao có cảm tưởng như mình chép ra chứ không phải là sáng tác? Có ngờ đâu chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã viết xong bản nhạc.”

Cư nhìn đồng hồ lúc đó chỉ 10 giờ đêm, bèn xốc nách Nam Lộc: “Đi, mày phải đến Roosevelt, hát cho mọi người nghe bài này, nhanh!”

Roosevelt đóng cửa lúc 1 giờ sáng, kịp để Nam Lộc đến nơi và xin nhạc sĩ Huỳnh Anh lên hát ca khúc “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”.

“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng!

Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối người về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đang khóc thương cho người yêu

Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng phút sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên ai mãi thôi.

Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, anh xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.”

Nghe xong bài hát, cả khán phòng lặng người, đến vài giây sau mới vỗ tay rầm rầm. Đó là đêm 12 Tháng Mười Một, 1975, cái đêm mà nhạc sĩ Nam Lộc không bao giờ quên, vì ông như đã trút được nỗi đau tận cùng ở trong lòng, niềm ray rứt, đắng cay kể từ giây phút phải vĩnh biệt Sài Gòn.

“Bài ‘Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt’ được nhạc sĩ Huỳnh Anh kẻ nhạc dùm cho tôi, vì khi ấy trình độ nhạc lý của tôi chưa đủ để viết thành một bài hoàn chỉnh”, nhạc sĩ Nam Lộc thiệt tình, kể lại. “Bản nháp mà anh Huỳnh Anh kẻ bằng bút chì trong ngôi nhà của anh ở Hollywood, tôi còn giữ đây, và chắc chắn sẽ là một kỷ niệm quý giá trong đời.”

Nguyên bản “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, được Nhạc sĩ Huỳnh Anh ghi lại bằng bút chì. (ảnh: Nam Lộc)

Ngoài “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, viết lời Việt cho hàng chục nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng, nhạc sĩ Nam Lộc còn sáng tác nhiều ca khúc khác nữa như “Anh Đã Quên Mùa Thu” (viết chung với Tùng Giang), “Người Di Tản Buồn”, “Xin Đời Một Nụ Cười”, “Mẹ Ơi, Khi Con Vừa Trở Lại”, “Em Vẫn Chờ Anh”, “Giọt Tình Sầu (thơ Trần Mộng Tú), “Một Mai Khi Trở Lại” (thơ Ngô Văn Quy), “Sài Gòn Bây Giờ Buồn Không Em?”…

Nhưng với câu chuyện mang đầy cảm xúc, “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” có lẽ là sáng tác để đời, mang dấu ấn rõ nhất của một nghệ sĩ mang nặng tình cảm với đất nước, quê hương.

(còn tiếp)

Kỳ 1: Dòng đời đổi thay…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: