Những ‘núm ruột’ của bác Chi, cho đi và nhận lại

Share:

Chuyến xe cuộc đời” của một phụ nữ Nam bộ mà chúng tôi sắp kể sau đây, trải qua nhiều phong ba bão táp, nhưng cũng không thiếu những điều kỳ diệu, nhất là ở chặng sau, dài 50 năm, chiếm hai phần ba cuộc đời bác.

Một ngày cuối tuần, tôi đến nhà bác Chi ở thành phố Garden Grove, bác mở cửa, vọng ra bài hát tôi thích, của nhạc sĩ Quốc Dũng… “Rồi anh sẽ thấy thấp thoáng, bao lần tóc em bay dài, thấy bóng dáng yêu thương ngày mai…”

Bác Chi tướng người phốp pháp, gương mặt phúc hậu, có giọng cười sảng khoái. Đưa tôi trái bắp còn nóng hổi và chỉ một bàn toàn những món ăn chơi, nói: “Cứ tự nhiên, để bác tắt nhạc, rồi nói chuyện, hén! Chính phủ mới cho bác cái iPad nè, lúc ở nhà mình ên, bác nghe nhạc miết.”

Cô nữ sinh Gia Long

Tên đầy đủ của bác là Trương Lệ Chi, tôi gọi “bác Chi” cho thân mật. Bác người quê Sóc Trăng. Năm 1953, bác Chi 13 tuổi, được cha mẹ cho lên Sài Gòn, thi đậu vô trường nữ sinh Gia Long, học nội trú.

Nữ sinh Gia Long Trương Lệ Chi. (ảnh: Gia đình cung cấp)

“Trường nội trú hồi đó nghiêm ngặt lắm, học sinh chỉ được ra ngoài mỗi tuần một ngày Chủ Nhật, mà phải có người tới đón đi, chiều đưa về, bác đâu có ai, nên chỉ ở ru rú trong trường,” bác Chi nhớ lại. “Bác siêng học, ráng học giỏi để đền đáp công ơn cha mẹ.”

Năm thi Tú Tài 2, ai cũng sợ rớt nên mọi người tìm thầy học thêm, nhất là môn Vật Lý, vì thường thi Tú Tài 2 hay ra môn này. Được mấy người chị lớp trên giới thiệu, nhóm của bác Chi theo học một “ông Thầy” tên là Hoàng Đại Bá – sinh viên khóa đầu tiên của Ngành Điện lực, học rất giỏi, lớn hơn bác Chi sáu tuổi.

Vì chủ quan, mọi người cắm đầu cắm cổ ôn môn Vật Lý, nào dè kỳ đầu năm đó họ ra môn Hóa Học, thí sinh rớt như… sung rụng. Bác Chi cũng trong “rổ sung” ấy. Bác về quê, nhưng một tháng sau thì lên lại Sài Gòn để ôn thi kỳ hai. 

Gặp lại cô học trò có nụ cười duyên, mái tóc xoăn tự nhiên gợi cảm, “Thầy Bá” mừng rỡ, đặt ngay vấn đề: “Để anh dạy cho mà thi lại, mình em thôi.”

-Úi trời, nhóm học đông còn chia nhau tiền mà đóng học phí, có mình tui, làm sao có đủ tiền mà đóng cho Thầy chứ!

-Không không, anh chỉ muốn cho em đậu Tú Tài, cứ học đi, anh không lấy tiền.

Tới lúc đó, bác Chi mới biết “ông Thầy đã thương mình rồi.”

Năm 1960, với sự tận tâm của “Thầy Bá”, bác Chi đậu Tú Tài 2, sau đó ghi danh vô ngành Dược. “Thầy Bá” ra trường, làm việc cho Bộ Công Chánh tám tháng thì được cử đi tu nghiệp ở Mỹ theo chương trình của UCEF.

Góa phụ 30 tuổi và sáu đứa con thơ

Để người yêu ở nhà, sợ người này ngó, người kia dòm, “Thầy Bá” kêu làm đám cưới trước khi ông đi du học.

Bác Chi giãy nảy, “Trời, mới vô học được có một năm mà chồng con gì, tui hổng có chịu đâu!” Nhưng ông Bá thuyết phục, là cứ làm đám cưới, rồi một năm sau ông học xong, lúc đó mới tính chuyện con cái. Bác đồng ý!

Đám cưới. (ảnh: Gia đình cung cấp)

Đúng một năm sau, ông Hoàng Đại Bá trở về. Năm 1963, bác Chi sanh người con đầu tiên, đặt tên là Hoàng Đại Hải.

Khi về nước, ông Bá làm ở trung tâm phối trí điện năng của Điện Lực Miền Nam, sau được lên làm phụ tá Tổng giám đốc Điện Lực Miền Nam.

Người con trai thứ hai của bác Chi ra đời năm 1964, tên là Hoàng Đại Hanh. Sau khi có thêm cô con gái Hoàng Thị Minh Khuê vào năm 1966, ông Bá hay than đau bụng, cứ nghĩ là bị đau bao tử, nên chỉ uống thuốc cho qua cơn đau. Một thời gian sau, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư. Năm 1968 ông mất khi bác Chi đang mang thai người con thứ ba được bảy tháng, là Hoàng Đại Huy.

Đám tang người chồng, lúc bác Chi mới ngoài 30 tuổi. (ảnh: Gia đình cung cấp)

Mất chồng khi mới ngoài 30, bác Chi một nách bốn đứa con, đứa nhỏ nhất mới sanh đỏ hỏn, không biết làm gì, học cũng chưa xong, dù chỉ còn một năm nữa là ra trường, nhưng bác không có tiền học tiếp, bèn mang lũ con về Biên Hòa, mở tiệm thuốc tây.

Có một ông người Úc gốc Đại Hàn, tên Lee Young Sae thấy mấy mẹ con bác nheo nhóc, hay tới tiệm thuốc phụ phành này nọ. Một hôm, ông Lee ngỏ ý: “Em lấy tôi nhe, tôi sẽ bỏ ra 1 triệu để hùn vô tiệm thuốc tây của em.”

Số tiền ấy rất lớn đối với mẹ con bác, nằm mơ cũng không thấy nổi, nên bác gật đầu. Bác Chi sanh cho ông Lee hai người con gái, đặt tên là Hiếu và Trúc.

Những người con của bác Chi, lúc còn nhỏ. (ảnh: Gia đình cung cấp)

Năm 1973, ông Lee hết hạn visa, nên phải rời Việt Nam. Về nước, ông làm hồ sơ bảo lãnh cho mấy mẹ con bác qua Úc.

Tháng Ba năm 1974, trong thời gian chờ đợi giấy tờ bảo lãnh của ông Lee, bác tình cờ gặp  được một người bạn, cho biết có một trung tâm từ thiện chuyên đưa trẻ mồ côi cho các gia đình ngoại quốc nhận làm con nuôi. Bà bạn tử tế đích thân đưa bác đến trung tâm từ thiện này.

Thật ra có tới hai trung tâm từ thiện, là FCVN (Friend of children of Vietnam) và “Welcome Home” đều thuộc chương trình Operation Babylift, nhận trẻ mồ côi đưa qua các gia đình bên Mỹ, Úc, Pháp, Tây Đức, Canada.

Bác Chi hỏi rất kỹ về chương trình này, xem những tấm hình bằng cớ xác thực về những đứa trẻ Việt đã đến Mỹ, được gia đình Mỹ nhận làm con nuôi cho ăn học. Bác nghe họ nói, khi các con đến Mỹ, gia đình bên Việt Nam vẫn có thể thường xuyên liên lạc được, tới năm 18 tuổi, đứa trẻ có quyền quyết định nhận quốc tịch Mỹ hay quốc tịch Việt Nam.

Nghe vậy, bác Chi cảm thấy yên lòng, một phần do cuộc sống quá khổ, không nuôi nổi sáu đứa con, nên sau một tuần suy nghĩ, bác quyết định làm đơn gửi luôn sáu đứa vào hai trung tâm trên.

Đến Tháng Tám 1974, cả hai trung tâm đều trả lời, là họ chỉ nhận bốn đứa nhỏ, còn hai đứa lớn vì đã trên 10 tuổi, nên không nằm trong chương trình.

“Mình cần là hai đứa lớn đi, chứ mấy đứa nhỏ còn bé quá, mình đâu muốn xa con, mà các con cũng không muốn xa mẹ,” bác Chi nhớ lại. “Mà vì tương lai của các con, bác vẫn giữ nguyên ý định, nhưng phải nát đầu nghĩ cách. Cuối cùng bác đem bốn đứa nhỏ gửi FCVN, còn bên Welcome Home, lấy khai sanh của Huy (7 tuổi) đem sao y ra nộp hồ sơ bên FCVN để Hanh (11 tuổi) được đi.”

Người con trai lớn là Hải, lúc đó 12 tuổi, không còn cách gì để tráo khai sanh, nên ở lại với mẹ.

Quyết định chính xác!

Khi đem gửi năm đứa con vô trung tâm, bác Chi như người ngây dại. Nhà đang đông đúc, lúc nào cũng rộn ràng tiếng đùa giỡn của lũ nhỏ, giờ yên ắng quá. Yên lặng một cách đáng sợ, nhiều đêm trằn trọc, không ngủ được, bác tự chất vấn mình: “Chi ơi, việc mày làm như vậy có đúng không?” Sáng thức giấc, bác lại suy nghĩ viển vông, hay là đến trung tâm xin lại con. Thôi thì chúng không có tương lai cũng được, đói khổ cũng không sao, miễn là có mẹ có con.

Ngày 4 Tháng Tư năm 1975, bác nghe đài phát thanh loan tin dữ: Một chuyến bay của chương trình Operation Babylift, mang số hiệu C5A Galaxy, từ phi trường Tân Sơn Nhất bay sang San Francisco, cất cánh được 12 phút thì bị rớt, 138 người thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ em và 35 người lớn.

Trời đất trước mắt bác sụp đổ, tối sầm lại, bác run rẩy, bấn loạn vì không biết những đứa con của mình có bay trong chuyến đó không. Bác cầu Trời khẩn Phật, nếu các con bay chuyến đó, thì nằm trong số 176 người còn sống. Trong khi chờ đợi tin tức cập nhật, ruột gan như lửa đốt, bác còn nhận thêm sự sỉ vả thậm tệ của gia đình bên chồng và bạn bè của chồng. Người ta nói bác không ra gì, nào là đem con bỏ chợ, nào là bán con cho Mỹ để lấy tiền. Bác đau đớn đến tột cùng.

May mắn thay, năm người con của bác Chi vẫn chưa đi, còn ở trung tâm hôm xảy ra tai nạn.

Trong Tháng Tư đó, chương trình đưa trẻ mồ côi đi nhiều chuyến thành công, và chuyến cuối cùng rời khỏi Sài Gòn là ngày 28 Tháng Tư 1975, trong đó có đứa con thứ hai của bác, mà mãi sau này bác mới biết.

Anh hai (lớn nhất) đưa các em đi Sở thú. (ảnh: Gia đình cung cấp)

Thời gian này, tình hình chiến sự rất căng thẳng, xáo trộn, người từ Đà Nẵng ùn ùn vào Sài Gòn tránh nạn Cộng Sản. Do có người anh rể là Thiếu tá Không quân, nên từ đầu Tháng Tư, bác Chi và người con lớn theo vào phi trường Tân Sơn Nhất với hy vọng được đi trong các chuyến bay di tản.

Ngày 28 Tháng Tư, người anh đổi ý, không chịu đi vì còn cha mẹ già, nên chở mọi người ngược ra ngoài. Hai hôm sau, Sài Gòn mất. Người anh của bác Chi phải đi học tập mấy năm, sau đó vượt biên trót lọt qua Mỹ.

Lúc đó, thấy nhiều người đi vượt biên, mà “một đi không trở lại” vì bỏ mạng ngoài biển khơi cũng nhiều, người bạn thân gặp bác giữa đường, nói: “Chị Bá, càng ngày tui càng thấy việc chị làm là đúng đó nhen.” Nghe vậy, bác Chi tạm yên lòng, dù sao con mình cũng đi bằng phi cơ, và quan trọng là… còn sống.

Hội ngộ

Sau Tháng Tư 1975, các tiệm thuốc tây bị dẹp, bác Chi đi buôn bán thuốc ở chợ trời Nguyễn Huệ và các chợ khác kiếm tiền sinh sống qua ngày cho hai mẹ con. Sau người bán thuốc tây ở chợ trời bị bắt quá, bác bán thuốc ngay tại nhà trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình).

Nhớ lúc gửi con, bác Chi có làm quen được với một cô trong trung tâm trẻ mồ côi, tên Thủy, bác có mua tặng cô mấy đòn chả lụa – món khoái khẩu của cô Thủy, đổi lại, cô cho bác địa chỉ của trung tâm nhận trẻ mồ côi bên ở Colorado.

Sống cực khổ thì chịu được, mà cứ nghĩ đến mấy đứa con, bác lại bồn chồn, lo lắng không biết phải làm sao, dưới chế độ mới, hệ thống liên lạc đâu còn như xưa, có địa chỉ đây, nhưng làm sao mà gửi thơ qua đó!

Đầu năm 1978 miền Nam mới liên lạc được với quốc tế. Còn miền Bắc vẫn gửi thơ qua Pháp bình thường. Bác Chi có một người bác bên Pháp, và một người cậu ở miền Bắc, nên bác Chi viết thơ, nhờ ông cậu gửi cho người bác. Trong lá thơ đó, bác kèm một lá thơ cho cô Thủy, đề địa chỉ ở Colorado mà cô Thủy cho.

Thơ từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội qua Pháp, Pháp qua Mỹ và được trao tận tay cô Thủy. Cô Thủy đi theo đoàn trẻ mồ côi và thật may mắn là khi lá thơ tới Mỹ thì cô nhận được, nên viết thơ báo tin cho bác Chi về tình hình của những người con. Từ lá thơ bác Chi viết đi, cộng với thời gian lá thơ cô Thủy từ Mỹ gửi sang Pháp, từ Pháp về Hà Nội, từ Hà Nội về Sài Gòn, mất đúng một năm!

Với bác Chi, dù có phải chờ lâu hơn bác vẫn có thể đánh đổi, vì việc bác liên lạc lại được những đứa con mình rứt ruột đẻ ra, đã là “phép màu” mà bác may mắn nhận được.

Bác Chi và bốn người con của người chồng đầu. (ảnh: Gia đình cung cấp)

Trước khi giao con cho trung tâm trẻ mồ côi, bác Chi có ghi vào tà áo của Hanh, địa chỉ ở Sài Gòn, và địa chỉ người bác ở Pháp. Hanh được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi, được bốn năm thì gia đình này chuyển sang Thụy Sĩ. Ra đi lúc 11 tuổi, Hanh chưa viết được rành tiếng Việt, có địa chỉ mẹ ghi, mấy năm sau, quên nhiều tiếng Việt, nên lá thơ Hanh viết cho mẹ vài hàng, trong đó có câu “Lòng con là một lòng Việt”, diễn tả anh vẫn luôn nhớ Việt Nam.

Thơ về tới Việt Nam lúc bác Chi đã dời nhà, nhưng may mắn là người phát thơ biết địa chỉ mới nên đem đến tận tay cho bác. Ngày nhận được lá thơ đầu tiên của Hanh, bác mừng rỡ, nhưng lại đúng ngày Hải bị ở tù vì vượt biên. “Cuộc đời là thế, vui buồn lẫn lộn, có khi lại đến cùng một lượt,” bác Chi bồi hồi nhớ lại.

Hanh đi làm và gửi tiền về để bác lo cho Hải tiếp tục vượt biên, sau khi ra tù.

Năm 1986 tình cờ bác Chi gặp một cựu sĩ quan QLVNCH, ông Trần Quang Thế – Thiếu tá Biệt động quân Khóa 11 Thủ Đức. Ông Thế bị ở tù Cộng Sản tám năm, khi được trả tự do về thì người vợ đã đi lấy chồng khác. Bác Chi tái hôn với ông Thế, và cùng ông đi Mỹ theo diện HO, vào năm 1990, lúc Hải đã định cư tại Austin, Texas.

Trước đó, đầu năm 1989, Minh Khuê, lúc này 22 tuổi, trong chuyến du lịch cùng bạn trai, là người chồng sau này, trở về Việt Nam thăm mẹ. Khuê và Huy được một gia đình ở Colorado nhận làm con nuôi, sau gia đình này dọn lên Oregon, rồi lại chuyển sang Texas.

Khi tới Mỹ, bác Chi và người chồng thứ ba ở chung với hai con trai là Hải và Huy. Lúc này, Hanh vẫn đang ở Thụy Sĩ. Cuối năm 1990, Minh Khuê lấy chồng, Hanh từ Thụy Sỹ bay qua. Đó là lúc bác Chi gặp lại được tất cả các con, sau 16 năm, kể từ ngày bác dẫn tay từng đứa trao cho trung tâm trẻ mồ côi.

Khi gặp lại các con, trừ người con trai lớn, còn chẳng ai nhớ tiếng Việt, bác Chi thì không rành tiếng Anh, mẹ con bác nói chuyện với nhau bằng ánh mắt, nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc.

Bác Chi và đàn con cháu. (ảnh: Gia đình cung cấp)

Đời sống viên mãn…

Bác Chi ở Texas, không sống lệ thuộc vào con, mà mở nhà hàng mà bác nói là ai “gan cùng mình” mới dám làm như bác, vì nhà hàng lớn, rộng tới 5,000 sqft, bán thức ăn Việt, Tàu,… Thật ra bác chỉ quản lý, còn thuê đầu bếp và nhân viên phục vụ.

Sau một thời gian làm cực quá, ba năm sau bác sang lại nhà hàng, đi học nails, mở hai tiệm cùng một lúc. Khi Hải tốt nghiệp bác sĩ nha khoa, bác bán tiệm nails theo con sang Seattle, Washington, mở phòng răng.

Hanh học kỹ sư điện, rồi lấy được bằng MBA (Master of Business Administration) làm cho một công ty điện tử của Mỹ tại Thụy Sĩ. Sau 30 năm ở Thụy Sĩ, Hanh dọn sang Mỹ từ cuối năm 2008, hiện làm việc cho Nikon, sống ở Irvine, California.

Minh Khuê học về tài chánh, từng về Việt Nam làm cho CitiBank chi nhánh Việt Nam, rồi về Mỹ lấy bằng MBA, làm CFO cho Unilever ở Hòa Lan, Singapore, sau làm cho Chase Morgan trước khi nghỉ hưu về Anh quốc theo chồng là Jefferson Edwards, Phó tổng giám đốc của hàng Shell.

Thời gian làm việc tại New York, văn phòng của Khuê đặt trong Twin Tower. Vào ngày 11 Tháng Chín, do tối hôm trước làm khuya, 2 giờ sáng mới về đến nhà, nên Khuê thoát trong sự kiện kinh hoàng đó. Bác Chi kể lại mà giọng còn run, bác nói: “Nhờ ơn trên cả!”

Người con trai út là Huy hiện là bác sĩ nội soi làm việc tại một bệnh viện lớn ở Sacramento. sinh sống tại San Francisco. Hai cô con gái của bác Chi và ông Lee cũng đều thành tài, một người sống ở Colorado, và một người ở Ohio. 

Năm 2006, vợ chồng bác Chi theo tiếng gọi của bạn bè, quyết định “Nam tiến”, nhưng nguyên do chính là ở miền Bắc quá lạnh, chịu không nổi. “Nam California nắng ấm, đông người Việt, vui quá,” bác Chi cười, nói. Mấy năm sau, ông Thế qua đời.

Hồi còn trẻ không được học đến nơi đến chốn, sang Mỹ lo cho con, rồi cho cháu, năm 66 tuổi, bác Chi trở lại trường, học Anh ngữ ở Golden West College. Bác thích đọc sách và viết sách về tâm linh, in ra rồi tặng free cho mọi người. Bác khoe mới xong cuốn sách “Sống hạnh phúc, chết bình yên”.

Năm 2001, bác viết lại câu chuyện “Gửi Con Vô Viện Mồ Côi Để Chúng Đi Mỹ” và đoạt giải cuộc thi “Viết về Nước Mỹ” của Việt Báo.

Bác Chi và giải thưởng “Viết về Nước Mỹ”. (ảnh: Đoantrang/SGN)

Bác Chi thích nghe nhạc bolero, yêu giọng hát của Lệ Thu, Phi Nhung, chơi piano nhuần nhuyễn, và mê làm vườn.

Bác nói làm vườn là thú vui của bác từ lâu rồi, nhưng Texas thì nóng quá, Washington thì lạnh quá, chỉ ở Nam California bác mới trồng được cái loại hoa trái miền nhiệt đới. Trên mảnh vườn sau ngôi nhà mà con trai lớn mua cho bác ở thành phố Garden Grove, bác trồng toàn cây ăn trái, nào hồng, mãng cầu, ổi, xoài, sapoche, nhãn, bưởi, chanh,… và nhiều loại rau thơm.  

Bác Chi bên cây xoài trĩu quả. (ảnh: Đoantrang/SGN)

Giống cha và người anh cả của mình, bác Chi ăn chay trường, nhưng có quãng thời gian dài gián đoạn từ lúc học nội trú cho đến năm 1990. Từ ngày sang Mỹ định cư, bác ăn chay trở lại, cho tới giờ. Mỗi sáng, bác dành ra 30 phút để thiền. “Hổng phải gì, thiền là để kiểm điểm lại mình thôi,” bác nói. “Bác nghiên cứu về Thông Thiên Học, sống yêu đời, yêu người, làm việc thiện, tránh việc ác. Năm nay 86 tuổi, con cái trưởng thành, được đi khắp nơi trên thế giới, giờ bác đang chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống mới ở bên kia thế giới.”

Bác Chi bên chiếc tủ trưng những kỷ vật bác mang về từ những chuyến du lịch vòng quanh thế giới. (ảnh: Đoantrang/SGN)

Là chuẩn bị thôi, chứ chuyến xe cuộc đời của bác Chi vẫn chưa dừng lại. Ở tuổi “bát thập đắc hi hỉ” nhưng bác còn đang làm nhiều điều, nào viết sách, trồng cây, và một dự án lớn khác: Mua đất cất nhà theo ý mình.

Tôi hỏi đùa: “Đã qua ba lần đò rồi, bác có dự định… làm thêm một chuyến nữa, trước khi trăm tuổi không ạ?”

Bác cười lớn và trả lời rất nhanh: “Bác ‘làm’ rồi chứ con! Ông này bác sĩ người Mỹ, nhỏ hơn bác. Thôi kệ, tuổi này mà còn có người thương mình, chiều mình, làm bầu bạn với mình, là vui rồi, con hén!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: