Truyền hình Việt ngữ hải ngoại: Tương lai ảm đạm hay sáng sủa? (2)

Share:
Một buổi phát sóng của đài SBTN (SBTN.tv)
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Truyền hình Việt ngữ hải ngoại: Tương lai ảm đạm hay sáng sủa? (2)
Loading
/

Chương trình NetViet có gì?

Vào Tháng Mười năm 2016, Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai tổ chức buổi họp báo để “loan báo tình hình Cộng Sản Việt Nam sử dụng truyền hình để tuyên truyền tại California”. Nhờ đó nhiều người mới biết “có đài của Việt Cộng ở thủ đô tỵ nạn”.

Tuy nhiên, hoạt động của Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai cũng chỉ dừng tại đó, vì NetViet không có văn phòng đại diện ở Nam California, thì làm gì có chỗ để biểu tình.

Một số người đã xem đài truyền hình này nhận xét rằng, chính quyền trong nước tìm cách “tô hồng” chế độ khá khéo léo qua những chương trình văn hóa có chiều sâu như “Văn hóa ẩm thực Việt Nam”, “Văn hóa làng nghề”,… Cách dàn dựng, biên kịch được chuẩn bị kỹ, có thêm phần phụ đề Anh ngữ cho người nước ngoài. Họ cũng chú trọng đến tiểu tiết để không gây phản cảm cho người Việt hải ngoại, như tránh quay cờ đỏ sao vàng, hay tượng ông Hồ, nếu đoạn phân cảnh không bắt buộc.

Nói chung, đây là đài quảng cáo cho chế độ, được chính quyền CSVN cung cấp vốn, thực hiện Nghị quyết 36, nên họ ra sức quảng bá hình ảnh “tốt đẹp”, theo đúng nghĩa “tốt khoe, xấu che”. Cũng vì đã có nhiều kinh phí hoạt động, nên họ không cần lấy quảng cáo. Quảng cáo các doanh nghiệp trong nước thì không phù hợp, còn các cơ sở kinh doanh ở hải ngoại, có dù có mối làm ăn với trong nước, cũng không dám quảng cáo. Điều đó chẳng khác gì “tiếp tay cho cộng sản”!

Theo trang web của NetViet, hiện nay họ phát sóng tới hơn 20 quốc gia (có người Việt cư ngụ) ở bốn châu lục. Tạm tính chi phí mua giờ phát sóng là $20,000/tháng, thì mỗi năm đã tốn $240,000, chưa kể tiền làm chương trình, lương nhân viên, và nhiều chi phí khác. Con số này vẫn là quá ít và họ sẵn sàng bỏ ra thêm gấp nhiều lần nữa để phủ sóng toàn bộ cộng đồng người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới.

Thế nhưng không phải muốn là được. Hoạt động một thời gian, do thấy cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản ở Quận Cam lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đài NetViet âm thầm rút lui khỏi hệ thống đài truyền hình địa phương, chỉ còn phát sóng trên vệ tinh Galaxy 19 tại Bắc Mỹ.

Điều đó không có nghĩa là “mặt trận truyền hình đã yên tĩnh”.

Càng nhiều đài truyền hình, càng nhiều phim truyện Việt Nam

Mỗi đài truyền hình hải ngoại đều có những chương trình mang dấu ấn riêng, tùy theo nhân sự và khả năng, sẽ có hướng phát triển riêng về chương trình, nhờ đó khán giả có nhiều chọn lựa theo nhu cầu riêng của mình. Tuy nhiên, mặc dù cố gắng đến đâu chăng nữa, các đài vẫn thiếu chương trình nên phải mua bản quyền một số chương trình để chiếu, phổ biến là phim bộ từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, và nhiều nhất là phim bộ Việt Nam. Nhiều thứ hai là gameshow sản xuất trong nước, và sau đó là một số chương trình khác như ẩm thực địa phương Việt Nam, du lịch nội địa Việt Nam, v.v…

Chương trình “Café Sáng” trên đài truyền hình Little Saigon mỗi sáng, được nhiều người theo dõi. Hình: Nguyễn Trường (trái) và Hoàng Trọng Thụy trong chương trình “Café Sáng” – Ảnh chụp màn hình YouTube

Nhìn vào lịch chiếu phim bộ của các đài truyền hình, người ta dễ dàng nhận thấy nhu cầu rất lớn xem phim bộ, nhất là phim bộ sản xuất tại Việt Nam. Có phim chiếu ở đài này, một thời gian sau lại thấy xuất hiện ở đài khác, vẫn có người xem dù nhiều người đã thuộc làu nội dung từ đầu đến cuối. Giờ chiếu phim bộ Việt Nam trở thành giờ “vàng” của đài, vì lấy được nhiều quảng cáo, bảo trợ.

Phải công nhận một điều là phim trong nước rất thu hút khán giả hải ngoại. Một số rất ít phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng từ xưa, như các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, tái hiện cảnh sông nước, nhà cửa thời Pháp thuộc, còn lại đều có bối cảnh hiện tại.

Hầu hết diễn viên trong nước đã được đào tạo từ các trường nghệ thuật nên diễn xuất khá tự nhiên, nhập vai tốt, lôi cuốn người xem. Nhờ được chiếu trên các đài truyền hình hải ngoại, các diễn viên này được khán giả hải ngoại biết đến nhiều, điều này tạo thuận lợi cho họ (kể cả một số “nghệ sĩ ưu tú”, hay “nghệ sĩ nhân dân”) khi sang Mỹ biểu diễn.

Bà Thanh Nguyễn (Anaheim), một khán giả rất thích xem phim bộ truyền hình, cho biết: “Tối đi làm về mở tivi xem phim bộ giải trí thôi. Cứ hết đài này đến đài kia, tùy giờ chiếu. Nói chung là phim tình cảm tâm lý xã hội, diễn viên đẹp, đóng hay, dù cốt truyện cũng không có gì nhưng lôi cuốn. Xem cho hết giờ rồi đi ngủ, chứ tôi cũng không quan tâm đến chính trị, thời sự gì.”

Xem xong những phim truyền hình nhiều tập như thế, cái gì sẽ “đọng lại” nơi khán giả? Hình như điều lớn nhất là xã hội Việt Nam vẫn an ổn (?) Dù nhiều xung đột, mâu thuẫn nhưng kẻ xấu luôn bị pháp luật trừng trị thích đáng. Trong một số phim khác, khán giả còn được thấy công an Việt Nam nhân hậu, bản lĩnh (!).

Chắc chắn chẳng riêng giới sản xuất phim truyền hình nhiều tập ở Việt Nam, đạo diễn, diễn viên và khán giả của những phim này đang sống tại Việt Nam cũng biết thực trạng xã hội Việt Nam khác xa trong phim. Thành ra phim truyền hình ở Việt Nam không phản ảnh thực trạng xã hội, không có những người chỉ bị công an mời lên đồn uống cà phê thôi đã lên bàn thờ; không có những người chỉ viết blog mà bị vào tù,…

Cách đây chừng mười năm, hầu hết các đài truyền hình tiếng Việt ở Quận Cam đều kiểm tra rất kỹ hình ảnh của các bộ phim truyện trong nước trước khi trình chiếu. Họ cắt hình ảnh cờ đỏ sao vàng, bỏ hình ông Hồ, không dùng hình công an, bộ đội,… Nói chung, ban biên tập thẳng tay cắt bỏ những hình ảnh “nhạy cảm”, dễ làm cho người Việt hải ngoại nhớ lại ký ức đau buồn mà chế độ cộng sản đã gây ra cho gia đình họ.

Bây giờ thì khác. Các phim truyện Việt Nam chiếu trên đài truyền hình Việt ngữ ở Quận Cam nhan nhản hình ảnh công an phá án, bộ đội diệt “bọn phản động”, cờ đỏ sao vàng đầy màn hình,… Những hình ảnh ca ngợi công an trở thành bình thường trên nhiều bộ phim được chiếu trên đài truyền hình địa phương. Hình ảnh đó trở nên “quen thuộc” đến nỗi có một bà nội trợ “chuyên trị” phim bộ trong nước nói rằng “công an có người này người kia chứ họ cũng đâu có đến nỗi nào” (?!) dù chồng bà cũng là người tù cải tạo, và bà định cư ở Mỹ theo diện H.O.

Cộng đồng người Việt ở đây giờ gần như chẳng ai buồn lên tiếng phản đối. Một ông cụ “có chân” trong hội đoàn nổi tiếng chống cộng tỏ vẻ ngạc nhiên khi được hỏi ông nghĩ sao về những phim truyền hình như thế. Ông nói không xem nên không biết, còn hỏi lại “có thiệt không?”

Một ông khác giấu tên nói: “Chúng tôi biết điều này và đã từng góp ý với đài truyền hình chiếu những bộ phim như thế rồi. Họ nói ‘dạ dạ, để em xem lại…’ rồi thôi. Mình đâu kiểm soát họ 24/24 được. Quan trọng là ‘ý thức chính trị’ của họ”.

Theo ông, vấn đề này cũng thuộc loại “nhạy cảm”, làm không khéo dễ bị “chụp mũ” là vu khống người khác là cộng sản, bị ra tòa là phiền. “Lúc đó thân ai nấy lo, ‘cộng đồng cộng điếc’ gì cũng trốn biệt. Lỡ bị bắt bồi thường thì tiền đâu?”

Ông lo xa cũng đúng, vì ở đây đã có “bài học xương máu” về chuyện “chụp mũ”để rồi bị tán gia bại sản, nên ai muốn lên tiếng cũng phải ngó trước, nhìn sau.

Phim tài liệu “Hành trình xuyên Việt” của SBTN sản xuất năm 2009 – Ảnh chụp màn hình YouTube

Ở góc nhìn của người làm truyền thông, nhạc sĩ Trúc Hồ (Giám đốc đài SBTN) chia sẻ:

“Văn hóa của chúng ta đang bị tàn phá ít nhiều bởi phim bộ Việt Nam. Nó như sóng ngầm. Ai cũng biết nhưng tại sao mọi người lại làm ngơ? Những nhà giáo dục ở đâu? Những nhà làm chính trị, lãnh đạo cộng đồng đang ở đâu? Ca sĩ hải ngoại về nước hát những ca khúc trước năm 1975 thì bị ‘đánh’, trong khi nó (phim bộ Việt Nam) xuất hiện mỗi ngày ở nơi đông người Việt cư ngụ nhất, mà mình vẫn tỉnh bơ? Thực sự tôi không hiểu.”

Nếu nhìn tổng thể, xem tất cả hơn 20 đài truyền hình Việt ngữ tại Quận Cam, người ta dễ dàng nhận ra rằng, chỉ có một số ít đài có cố gắng thực hiện một số chương trình riêng, như đài SET, VNA, Saigon TV, Little Saigon TV, VietFace, VBS, AWM…

Nhiều đài truyền hình khác mở ra chỉ để chiếu phim Việt Nam, buôn bán dược thảo. Các chương trình khác họ đều “vay mượn” ở nơi khác mang về chiếu, như tin tức thì lấy ở trang web RFA, VOA,… gameshow thì lấy trong nước. Những “đài truyền hình” như thế không làm phóng sự cộng đồng, và cũng không “mặn mà” lắm đến loại phóng sự này vì một số nguyên nhân.

Thứ nhất, họ không có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp. Thứ hai, theo lời một chủ nhân đài truyền hình, thì họ “chỉ đơn thuần làm truyền hình ‘giải trí’ (entertainment)”, và “chúng em không muốn dính đến chính trị cộng đồng” (!)

Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là những cơ sở truyền thông nào có nhiều chương trình chống cộng, càng khó lấy quảng cáo. Một chủ nhân đài radio giấu tên cho biết, họ bị một số thân chủ gọi điện thoại đến hủy hợp đồng quảng cáo vì “ khách hàng của em phàn nàn đài anh chống cộng quá… nên cho em ngưng một thời gian cho êm rồi em quay lại”.

Còn quá sớm để đặt câu hỏi rằng, cách từ chối đó có nằm trong kế hoạch “tẩy chay” của một lực lượng nào đó hay không. Thế nhưng, nhiều người nhận ra rằng cộng đồng người Việt ở đây ngày càng đông thì sự “đổi màu” càng rõ nét.

Một người chuyên lấy quảng cáo cho các đài truyền hình nói rằng, những đài có nhiều giờ chiếu phim truyện Việt Nam dễ lấy quảng cáo hơn những đài khác. Điều này chứng tỏ lượng khán giả thích xem phim trong nước ngày càng tăng, vô hình chung, họ trở thành một lực lượng quan trọng trong việc thu hút quảng cáo cho đài truyền hình.

Lực lượng không nhỏ đó phần lớn là các bà nội trợ, hoặc đã về hưu. Trong số đó, chắc chắn có không ít gia đình đã từng là thuyền nhân, gia đình H.O… Chẳng lẽ tương lai truyền hình Việt ngữ hải ngoại lại do lực lượng này quyết định?

Tương lai truyền hình Việt ngữ hải ngoại đi về đâu?

Cách đây hơn mười năm, đài SBTN hợp tác với Việt Mỹ Film sản xuất phim “Chuyện tình Bolsa” dài 15 tập, được chiếu trên đài SBTN, sau đó phát hành DVD. Do quá tốn kém, lại không đạt hiệu quả về doanh thu, SBTN không tiếp tục làm phim truyện, mà chuyển hướng qua làm phim tài liệu. Nhạc sĩ Trúc Hồ nói:

“SBTN làm rất nhiều document, như Hành Trình Xuyên Việt, Giác Ngộ, Thánh Địa, 40 Năm Hành Trình Tỵ Nạn v.v… Những document đó rất giá trị. Tốn nhiều tiền lắm, nhưng tôi thấy đó là sự cần thiết, nếu mình không làm thì ai làm? Những document này mang tính giáo dục cao, dành cho thế hệ sau, xem để biết cha ông chúng như thế nào. Hành Trình Xuyên Việt là một chuyến đi dài ngày của anh em trong nước, đi lén, quay lén, ra tận mấy cái đảo luôn.”

Cảnh trong phim “Đời người Mỹ gốc Việt” của đạo diễn Nguyễn Đào Tam Anh, sản xuất năm 2017 – Ảnh chụp màn hình YouTube

Sự cố gắng của nhạc sĩ Trúc Hồ và đài SBTN cũng chỉ dừng lại ở đó. Dù biết là cần thiết, tự đặt cho mình nhiệm vụ phải làm, nhưng “tiền không có làm sao dám ló… đầu?”

Mãi đến năm 2017, đạo diễn trẻ Nguyễn Đào Tam Anh thực hiện bộ phim truyền hình Đời người Mỹ gốc Việt. Anh tự tìm nhà bảo trợ, lấy nguồn hoa hồng quảng cáo cho các đài truyền hình của chính anh, rồi “cân đo đong đếm” sản xuất bộ phim này được 12 tập. Phim được chiếu trên đài VietFace TV, S-Chanle TV, cùng trên hệ thống direct TV 2076 và Galaxy. Sau đó thì… ngưng! Không biết vì lý do gì anh không thực hiện tiếp những bộ phim truyền hình khác, nhưng có lẽ, lý do chính vẫn là khó khăn về kinh phí.

Nhà báo Trần Nhật Phong (tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh tại New York năm 1992), cho rằng làm phim bộ ở hải ngoại là không hợp lý, vì quá tốn kém, mà thị trường lại nhỏ. Ông cho rằng các đài truyền hình ở đây nên khai thác đề tài giáo dục, gia đình, vì “đỡ tốn kém hơn, mà lại có chiều sâu hơn, chinh phục được nhiều lứa tuổi”.

“Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong đài truyền hình Mỹ, những chương trình được nhiều người theo dõi không phải là phim bộ (mặc dù chúng rất hay), mà là những chương trình về đời sống như chương trình của Oprah Winfrey. Những chương trình đó tuy tốn công sức nhiều nhưng chi phí sản xuất thấp. Những nội dung đó vẫn kích thích khán giả. Ăn thua mình chọn cách làm như thế nào để đạt được rating cao mà vẫn có chiều sâu. Khai thác cảm xúc thật của con người tốt hơn là cường điệu hóa qua phim ảnh.” – Nhà báo Trần Nhật Phong.

Hiện nay một số đài truyền hình Việt ngữ ở Quận Cam đã và đang phát triển chương trình theo hướng này, tuy nhiên, hiệu quả của những chương trình này hiện vẫn còn thấp, chưa tạo ra hiệu ứng để khán giả phải đón xem tiếp.

Nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng làm gì thì làm, phải không được để “mất gốc”. Ông nói:

“Tương lai truyền hình sẽ như thế nào nếu bây giờ chúng ta không bảo vệ nền văn hóa của chúng ta. Nếu chúng ta quên đi nguyên nhân tại sao chúng ta ở đây thì mình không có khả năng tồn tại. Nếu chúng ta quên nền văn hóa của chúng ta là gì thì chúng ta cũng không xứng đáng tồn tại.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: