Lương thực – vũ khí tàn độc của Putin

Bình luận cuối tuần
Share:
Tàu Zanker chở ngũ cốc của Ukraine đi qua eo biển Bosphorus thuộc Thổ Nhĩ Kỳ để ra Địa Trung Hải hôm 2/11/2022 trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải. Ảnh Cem Tekkesinoglu/ dia images via Getty Images)

Moscow đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận về hành lang an toàn cho các chuyến tàu vận chuyển ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới, đồng thời tấn công các kho chứa lúa mì xuất cảng, cơ sở hạ tầng cảng biển của Ukraine và đe dọa bắn chìm tàu thuyền đi đến Ukraine trên Hắc Hải. Hành động của Nga đe dọa gây ra tình trạng thiếu lương thực và nạn đói ở các nước nghèo châu Phi và gây bất ổn ở cả châu Âu

Thỏa thuận về vận chuyển lương thực, được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải, do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian dàn xếp, có hiệu lực từ tháng Bảy năm ngoái, cho phép tàu bè vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của Nga và Ukraine trên Hắc Hải, đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus để ra Địa Trung Hải, cung cấp cho các thị trường lương thực ở châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á. Ukraine – cùng với Nga, là nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch và dầu thực vật chính cho các quốc gia đang phát triển. Từ đầu năm đến nay hai nước này đã vận chuyển 32.9 triệu tấn ngũ cốc ra thị trường và cung cấp 80% lúa mì cho Chương trình Lương thực Thế giới để viện trợ nhân đạo.

Khi thỏa thuận hết hiệu lực hồi giữa tháng Bảy, Nga đã đơn phương tuyên bố không gia hạn và rút khỏi thỏa thuận, bất chấp lời thỉnh cầu của Liên hiệp quốc và các tổ chức viện trợ quốc tế.

Thêm vào đó, trong mấy ngày qua Nga đã gia tăng pháo kích vào các kho chứa ngũ cốc xuất cảng, các phương tiện trên hải cảng Odessa của Ukraine và nhiều nơi khác, không gây nhiều tử vong cho người nhưng phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho việc tồn trữ, chế biến và xuất cảng lương thực. Nguồn tin từ báo The Telegraph của Anh cho biết trong bốn ngày đầu tuần này đã có 60,000 tấn lúa mì và ngũ cốc của Ukraine bị phá hủy trong các cuộc không kích bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Trong một bước leo thang chiến tranh, Nga tuyên bố coi các tàu thuyền đi trên Hắc Hải hướng tới Ukraine là những “mục tiêu nổi”, bị nghi ngờ vận chuyển vũ khí đạn dược cho Kyiv và do vậy hải quân Nga được phép đánh chìm. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết hôm thứ Sáu rằng hạm đội Hắc Hải của Nga sẽ kiểm tra các tàu để đảm bảo chúng không mang theo vũ khí trước khi có hành động khác.

Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov (bên phải) viếng thăm tàu Negmar Cicek trên cảng Odessa trước khi con tàu nhổ neo chở 30,000 tấn lúa mì tới Yemen cung cấp cho Chương trình Lương thực Thế giới. Ảnh Nina Lyashonok / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images

Những hành động hung hăng đó của Moscow đang đẩy thế giới vào nguy cơ thiếu lương thực và có thể là một nạn đói, nhất là ở châu Phi, nơi hơn 50 triệu người ở Somalia, Kenya, Ethiopia và Nam Sudan đang cần viện trợ lương thực do nhiều năm liên tiếp mất mùa. Hàng ngàn, có lẽ hàng chục ngàn người, có thể sẽ chết khi nguồn cung cấp ngũ cốc từ Ukraine bị cắt đứt. “Một số sẽ đói, một số người sẽ chết đói, nhiều người có thể chết vì những quyết định này [của Nga]”, Giám đốc Viện trợ của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths nói trước Hội đồng Bảo an.

Trong một dòng tin đăng trên Twitter tối thứ Sáu 21 tháng Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo: “Do hành động của Nga, thế giới một lần nữa đứng trước bờ vực khủng hoảng lương thực. Tổng cộng có 400 triệu người ở nhiều quốc gia Châu Phi và Châu Á có nguy cơ chết đói. Cùng nhau, chúng ta phải ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.”

Nga cho rằng hành động của họ là nhằm đáp trả các vụ tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea trên bờ Hắc Hải và cây cầu Kerch dài 12 cây số nối bán đảo với lãnh thổ Nga, làm cho con đường huyết mạch để tiếp tế cho các lực lượng Nga ở Crimea và chiến trường miền Nam Ukraine bị gián đoạn.  Moscow cáo buộc Ukraine sử dụng hành lang trên biển để thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố”.

Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy hành lang an toàn vận chuyển lương thực trên Hắc Hải bị sử dụng vào các mục đích quân sự. Thay vì vậy, các phân tích gia cho rằng Nga cố tình gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đẩy một phần châu Phi vào nạn đói. Nạn đói sẽ thôi thúc hàng triệu người châu Phi vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và gây nên cuộc khủng hoảng di dân khổng lồ có thể khiến các đồng minh của Ukraine ở châu lục này rơi vào tình trạng hỗn loạn; chính sách ủng hộ tối đa cho cuộc kháng chiến của Ukraine của các chính phủ châu Âu chắc chắn sẽ bị gián đoạn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado hôm thứ Sáu, cáo buộc Nga “vũ khí hóa nguồn cung cấp thực phẩm”. Rõ ràng Nga đang biến lương thực thành một thứ vũ khí tối hậu để buộc Ukraine và châu Âu phải ngồi vào bàn thương lượng nhằm chấm dứt chiến tranh theo các điều kiện mà Moscow đòi hỏi.

Tàu TQ Samsun chở chuyến ngũ cốc cuối cùng rời Ukraine hôm 17/7/2023 ngay sau khi Nga tuyên bố từ bỏ thỏa thuận về hành lang an toàn để vận chuyển lương thực trên Hắc Hải. Ảnh Sercan Ozkurnazli/ dia images via Getty Images

Để phá vỡ âm mưu thâm độc của Vladimir Putin, hôm thứ Bảy 22 tháng Bảy, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm mở lại hành lang an toàn trên Hắc Hải cho các chuyến hàng ngũ cốc, không chỉ vì sinh kế của nông dân Ukraine mà còn nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực ở quy mô toàn cầu.

Ông Zelensky đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan – nhà trung gian hòa giải cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải. Khác với các nhà lãnh đạo trong Liên minh NATO, ông Erdogan vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với ông Putin của Nga và hai ông có kế hoạch gặp nhau vào tháng tới.

Theo thông tin ít ỏi từ cuộc thảo luận, ông Erdogan nói Moscow muốn sử dụng vụ leo thang chiến tranh ở Hắc Hải để mặc cả với phương Tây: tuyến vận chuyển lương thực sẽ được nối lại nếu phương Tây, đứng đầu là Mỹ, bãi bỏ các lệnh cấm vận kinh tế hiện hành đối với Nga – một điều kiện mà chắc chắn phương Tây không chấp nhận.

Ông Zelensky cũng thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về “các bước ưu tiên và cần thiết trong tương lai để bỏ phong tỏa và vận hành bền vững hành lang ngũ cốc ở Hắc Hải” nhưng chưa rõ hai nhà lãnh đạo đã đạt được giải pháp gì, theo tường thuật của hãng tin AP. Liệu hải quân của NATO có hộ tống, bảo vệ các tàu thuyền chở ngũ cốc đi trên vùng biển quốc tế ở Hắc Hải hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Ukraine vẫn có thể xuất cảng ngũ cốc theo đường bộ và đường sông qua lãnh thổ châu Âu. Trước chiến tranh 75% ngũ cốc của Ukraine được đưa ra thế giới theo đường này. Nhưng theo các nhà kinh doanh, chi phí vận chuyển sẽ cao hơn. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hôm thứ Năm rằng Ukraine đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện các tuyến đường đó nhưng cách tốt nhất để xuất khẩu ngũ cốc là đi qua Hắc Hải. 

Nước Nga đang rơi vào ngõ cụt; ông Vladimir Putin biết chắc quân Nga không thể chiến thắng trên chiến trường. Mục tiêu của nhà độc tài máu lạnh Nga bây giờ là làm thế nào lôi kéo Ukraine và các đồng minh như Hoa Kỳ vào một cuộc thương lượng có lợi cho Nga, phá vỡ thế bị cô lập của Moscow và ông ta sẽ không từ thủ đoạn nào.

Việc sử dụng lương thực làm vũ khí là một tính toán tàn độc, táng tận lương tâm của Putin, nhưng nó sẽ không có hiệu quả mà chỉ ghi thêm một tội ác vào danh sách dài dằng dặc những tội ác chiến tranh của người đứng đầu một nhà nước khủng bố.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: