Việc Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine là một cam kết chính trị có giá trị rất ý nghĩa đối với Ukraine lẫn với châu Âu, thậm chí với thế giới (ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Quốc hội Hoa Kỳ ngổn ngang trăm mối, việc “bơm máu” cho Ukraine ảnh hưởng ra sao?

Nỗi ám ảnh của bi kịch Quốc hội Mỹ bỏ rơi VNCH quay trở lại

Share:

Mối nghi ngờ về tương lai hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine đang tăng trong bối cảnh chính trường Mỹ hỗn loạn và âm thanh từ những tiếng nói phản đối của những ông nghị cực đoan ngày càng vang vọng…

Khoản viện trợ mới nhất trị giá $300 triệu cho Ukraine đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ áp đảo vào Thứ Năm tuần trước, trong cuộc bỏ phiếu 331-117, nhưng tất cả 117 người không bỏ phiếu đều là đảng viên Cộng hòa. Nhóm Cộng hòa cực hữu đã lật đổ Kevin McCarthy chính là những người ủng hộ cắt nguồn bơm máu tài trợ của Hoa Kỳ cho Kyiv. Việc lựa chọn một Chủ tịch Hạ viện mới sẽ hết sức quan trọng đối với tương lai Ukraine. Tổng thống Joe Biden nói rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine không thể bị gián đoạn “trong bất kỳ trường hợp nào” và ông vẫn tin tưởng vào sự ủng hộ của lưỡng đảng.

Thời điểm hiện tại, những ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Hạ viện có nhiều quan điểm khác nhau về việc ủng hộ Ukraine. Nhóm Defending Democracy Together đã đánh giá theo thang điểm từ A đến F, trong đó A biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ nhất và F phản đối mạnh nhất.

Steve Scalise, nhân vật quyền lực số hai của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và hiện là ứng cử viên hàng đầu cho ghế Chủ tịch Hạ viện, đạt điểm B, cao hơn một bậc so với điểm B- của McCarthy.

Các ứng cử viên khác như Jim Jordan và Kevin Hern có điểm F, tương tự Matt Gaetz, người dẫn đầu chiến dịch lật đổ McCarthy và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trong việc lựa chọn người kế nhiệm. Jim Jordan (điểm F) đã nói rõ rằng ông sẽ không ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ viện.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến công du Kyiv vào Tháng Tư 2022 (ảnh: Ukrainian Presidential Press Office via Getty Images)

The Guardian cho biết, một cuộc thăm dò được Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu (Chicago Council on Global Affairs) công bố ngày 4 Tháng Mười 2023 cho thấy 6/10 người Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine nhưng tâm lý ủng hộ đang dần suy yếu, đặc biệt là trong số những người theo đảng Cộng hòa.

Theo hãng tin NPR, Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp $24 tỷ cho viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine cho đến cuối năm 2023. Nhưng Hạ viện đã loại chi tiết này ra khỏi biện pháp tạm thời nhằm duy trì nguồn tài trợ của chính phủ cho đến ngày 17 Tháng Mười Một. Giờ đây, với việc “The House” không có chủ, số phận của yêu cầu từ Tổng thống Joe Biden đang trở nên mong manh.

Những người ủng hộ Ukraine khẳng định rằng nguồn tài trợ liên tục là rất quan trọng khi Ukraine tiến hành cuộc phản công ở phía Nam và phía Đông, trong bối cảnh chiến dịch quân sự diễn ra chậm hơn và gây thiệt hại về nhân mạng cũng như trang thiết bị cao hơn nhiều so với dự đoán. Ngoài ra, Ukraine đang chuẩn bị đối phó cuộc tấn công dữ dội của Nga,  tương tự mùa Đông năm ngoái, khi lưới điện dân sự của Ukraine bị Nga bắn phá tan nát.

NPR cho biết Ngũ Giác Đài đang thúc ép các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện hành động nhanh chóng để dòng vũ khí và những hỗ trợ quân sự khác không bị gián đoạn; đặc biệt, sự cần thiết phải bổ sung hệ thống phòng không và cung cấp thêm pháo, trong đó có đạn pháo 155mm mà Ukraine đang bắn với tốc độ chóng mặt. Ngũ Giác Đài vẫn còn khoảng $5 tỷ viện trợ quân sự đã được Quốc hội cho phép nhưng chưa xài. Khi được hỏi về việc Mỹ có thể tiếp tục tài trợ cho Ukraine bằng số tiền sẵn có trong bao lâu, John Kirby – phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia – nói “khoảng vài tháng”.

Với những người chỉ trích, họ nói rằng châu Âu cần phải mở hầu bao nhiều hơn chứ không thể để Mỹ è cổ ra gánh vác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng châu Âu nói chung đã viện trợ nhiều hơn Hoa Kỳ. Ngoài ra, Ba Lan và các nước châu Âu còn tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine.

Xét riêng về vũ khí, Mỹ là nước cung cấp nhiều hỗ trợ nhất cho Ukraine. Điều này thật sự mang lại hiệu quả đáng kể. Dân biểu Jason Crow (Dân chủ-Colorado) nói: “Chúng tôi đã chi khoảng 5% ngân sách quốc phòng hàng năm của mình; với số tiền đó, người Ukraine đã tiêu diệt hơn 60% quân đội Nga”. Crow là cựu biệt kích (Army Ranger) từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan.

Viết trên The Washington Post ngày 2 Tháng Mười, sử gia Max Boot chứng minh thêm:

Washington đã viện trợ rất nhiều cho Ukraine: Tổng hỗ trợ là $76.8 tỷ, bao gồm $46.6 tỷ viện trợ quân sự; và đó chỉ là một phần rất nhỏ – chỉ 0.65% – trong tổng chi tiêu liên bang trong hai năm qua là $11.8 nghìn tỷ.

Nga đã thiệt hại nghiêm trọng, mất khoảng 120,000 binh sĩ và 170,000 đến 180,000 người bị thương. Nga cũng mất khoảng 2,329 xe tăng; 2,817 xe chiến đấu bộ binh; 2,868 xe tải và xe jeep; 354 xe bọc thép chở quân; 538 xe pháo tự hành; 310 pháo kéo; 92 máy bay cánh cố định và 106 trực thăng. Tất cả điều đó đã đạt được mà Mỹ không cần phải đưa người lính nào của mình ra trận. Max Boot viết thêm:

“Bằng cách tài trợ cho Ukraine, chúng ta đang tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và giữ vững niềm tin với các đồng minh thân cận nhất của mình. Nếu chúng ta cắt đứt Ukraine, đó sẽ là một sự phản bội không thể tả không chỉ đối với người dân Ukraine mà còn đối với toàn bộ châu Âu. Ngăn chặn sự xâm lược của Nga là một vấn đề mang tính sống còn của toàn bộ lục địa. Cắt đứt Ukraine có nghĩa là Hoa Kỳ đang quay lưng lại với cam kết an ninh sau năm 1945 với châu Âu – một cam kết đã củng cố thời kỳ dài nhất không xảy ra xung đột giữa các nước lớn kể từ khi xuất hiện hệ thống nhà nước hiện đại vào thế kỷ 17.

Lính Ukraine với vũ khí Mỹ (Javelin missile) – ảnh: John Moore/Getty Images

“Hỗ trợ Ukraine cũng cần thiết nhằm có thể ngăn chặn cuộc xâm lược (Đài Loan) của Trung Quốc. Một số người cho rằng cuộc chiến Ukraine khiến dẫn đến sự xao lãng khỏi Thái Bình Dương nhưng đó không phải là cách người Đài Loan nhìn nhận. Đại diện của Đài Loan tại Washington năm nay lưu ý rằng việc hỗ trợ Ukraine “sẽ giúp ngăn chặn bất kỳ sự cân nhắc hoặc tính toán sai lầm nào rằng một cuộc xâm lược có thể được tiến hành mà không bị trừng phạt”.

Tuy nhiên, sử gia Max Boot, dù là tác giả một quyển sách về chiến tranh Việt Nam – ‘The Road Not Taken: Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam (Norton/Liveright, 2018) – đã quên đưa ra thêm một chứng minh nữa. Đó là sự bỏ rơi miền Nam Việt Nam của Quốc hội Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1970, dẫn đến bi kịch 1975 khiến một miền đất dân chủ từng là nơi đáng tự hào nhất của thế giới tự do tại châu Á cuối cùng bị mất hẳn vào tay cộng sản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: