Ảnh do tác giả gửi

Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt – Sơn Tây.

Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.

Chớ có dại mà múa rìu qua mắt thợ!

Tôi giữ được lời hứa này rất nhiều năm cho mãi đến nay, ngày cưới của con gái nhà văn Nguyễn Tường Thụy (NTT) vào ngày 24 Tháng Mười 2023, Một trong những vị quan khách được mời, T.S Nguyễn Xuân Diện, cho biết:

Anh Tường Thuỵ đang chấp hành án tù ở trong Nam, nên một mình chị Lân thay anh gả chồng cho con gái út. Anh chị em đến rất đông đủ khắp mặt. Xa thì có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn từ Hải Phòng lên. Mạn Tây Hồ thì có hai nhà văn Phạm Viết Đào, Nguyễn Nguyên Bình. Bạn trẻ Đỗ Cao Cường từ Hải Phòng lên, bạn già Nguyễn Quốc Trung từ Thạch Thất xuống. Toàn là bạn bè của anh Tường Thuỵ. Già nhất hội là cụ Khánh (Châm) năm nay tròn 90 tuổi, cựu tù Quản Bạ không án, lặn lội từ Lĩnh Nam tới dự.

Có 6 bác trai đã tu nghiệp tại các đại học Quản Bạ, Ba Sao, Hoả Lò, Yên Định… phong độ ngời ngời. Lại có 6 bác gái đang nuôi chồng ăn học là các bác: Phạm Thành, Phạm Văn Trội, Trịnh Bá Phương, Lê Dũng, Đỗ Nam Trung, Trương Dũng. Ai cũng ăn mặc đẹp và rất tươi tắn. Hội phụ nữ nên kết nạp họ hoặc tặng huy chương giỏi việc nước đảm việc nhà cho họ.  

Nghe nói, trước đám cưới bên an ninh đã đoán rằng đám biểu tình viên sẽ tụ tập tại đám cưới rất đông, nên họ có gặp mẹ cô dâu dặn dò rằng khách của cô chú không được hô khẩu hiệu Đả đảo Tập Cận Bình, nếu hô là an ninh ập vào liền đấy! Lúc Trọng thay mặt bố Tường Thuỵ dắt em gái lên trao cho chú rể, mình nhớ và thương lão Thuỵ quá! Phải chi hôm nay lão có mặt ở đây trong ngày trọng đại của con gái út của lão thì lão vui lắm. 

Tiếng chép miệng của Nguyễn Xuân Diện (“phải chi hôm nay lão có mặt ở đây trong ngày trọng đại của con gái út”) khiến tôi chợt nhớ đến một câu chuyện cũ, hơi khó tin, qua lời kể của một chứng nhân thế giá – dịch giả & nhà văn Nguyễn Ước:

“Nhà thơ Lê Nhược Thuỷ tức Lê Hữu Huế vừa tốt nghiệp ban Việt Hán Ðại học Sư phạm Huế năm 1972 và đã có nghị định bổ dụng thì bị bắt vì hoạt động cho ‘phía bên kia’. Trong thời gian bị giam ở Nhà lao Thừa phủ Huế, anh được cho ‘đi phép’ 48 tiếng đồng hồ để làm lễ thành hôn với chị Ph.H. tại Trung tâm Sinh viên Phanxicô Xaviê.

Lúc ấy tôi là Chủ tịch Sinh viên Công giáo nên được hân hạnh đứng chủ hôn đám cưới có tên là Từ Ân đó. Sau khi anh Lê Nhược Thuỷ vào tù lại, chị Ph.H. lên Pleiku, tới nhiệm sở chỉ định của chồng, xin cho chồng được hoãn trình diện vì đang bận ở tù. Chị được Hiệu trưởng mời ở lại dạy Triết. Còn anh Lê Nhược Thuỷ, sau khi ra tù, lên nhận nhiệm sở, an toàn dạy Văn cho tới năm 1975.”

Ảnh do tác giả gửi

Lúc sinh thời, L.S Lê Hiếu Đằng cũng đã thuật lại một mẩu chuyện “khó quên (và khó tin) không kém:

“Tôi đã từng tham gia phong trào đấu tranh Sinh viên học sinh Huế lúc còn học đệ nhị, đệ nhất Quốc học Huế và đã từng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế gần một năm với Lý Thiện Sanh (nay là bác sĩ định cư ở Úc)…

Nhắc đến đây tôi có một kỷ niệm khó quên: Ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi.”

Tuy Lê Hiếu Đằng và Lý Thiện Sanh bị bắt giam vì tham gia vào những phong trào do nhà nước cộng sản miền Bắc giật dây nhưng “chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó” vẫn chỉ coi họ như những thiếu niên bồng bột, chứ không phải là phần tử nguy hiểm cần phải trừng phạt (hay trừng trị) nên không có lý do gì để ngăn chặn con đường học vấn của cả hai.

Tương tự, dù nhà thơ Lê Nhược Thủy bị bắt giam vì “hoạt động cho phía bên kia” nhưng “bên này” vẫn không xem ông như là kẻ tử thù mà chỉ là một người bất đồng chính kiến. Do đó, ông vẫn được chính quyền miền Nam đối xử một cách rất mực nhân văn: Cho phép rời nhà tù 48 tiếng đồng hồ để làm lễ cưới, và sau khi hết hạn giam giữ thì vẫn lên Pleiku nhận nhiệm sở để đi dạy học như thường.

Nguyễn Tường Thụy, tiếc thay, không có cái may mắn để được sống trong một bối cảnh xã hội văn minh và “bình thường” như thế. Tuy là một cựu chiến binh, và dù hòa bình đã tái lập gần nửa thế kỷ ở Việt Nam, chuyện ông có thể được “tạm tha” vài tiếng đồng hồ (để tham dự lễ cưới của con) là điều bất khả dưới chế độ Đảng trị hiện nay.

Why?

Cô giáo Thảo Dân có sẵn câu trả lời: “Đảng dek có sự tự tin nào hết… Chẳng bao giờ tin dân.”

Thì dân cũng thế. Họ cũng chả đời nào tin Đảng. Tác giả hồi ký Lời Ai Điếu, nhà văn Lê Phú Khải, tường thuật:

“Sáng sớm ngày 14/09/1985 tôi đang ở bến đò Cà Mau chờ đi Năm Căn thì nghe tin đổi tiền. Mới tối hôm trước Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ quan tôi làm việc) còn nói ‘Không có chuyện đổi tiền, đồng bào đừng nghe kẻ xấu tung tin đổi tiền’, vậy mà sáng hôm sau… chính cái đài ấy lại hô hào nhân dân đến các trạm đổi tiền để đổi tiền. Một bà già lớn tuổi ngồi cùng ghe đã chỉ tay lên cái loa đang loan tin đổi tiền ở trên bờ chửi, cái đài này nó nói dóc còn hơn con điếm”.

Lê Phú Khải chấm dứt cuốn sách bằng câu: “Tôi đã phải sống với ‘con điếm’ ấy cả đời người!”

Hôn nhân cưỡng bách giữa dân tộc Việt Nam với “con điếm ấy” đã kéo dài gần cả thế kỷ rồi, và e sẽ không thể nào tiếp tục mãi như thế nữa. Mọi sự đều có giới hạn, kể cả bạo lực của cường quyền và những lời tuyên truyền dối trá. Với thời gian, cả hai đều không còn tác dụng.

Ngày 05 tháng 01 năm 2021, ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (NBĐLVN) bị kết án rất nặng nề:

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội NBĐLVN, 15 năm tù, 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch HNBĐLVN, 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, Biên tập viên Vietnamthoibao.org, 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Tổng cộng gần 40 năm tù nhưng không làm cho những người trong cuộc nao núng hay khiếp sợ. Cùng ngày, nghĩa là ngay tức khắc, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam vẫn thản nhiên tuyên bố: “Sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên tôn chỉ, mục tiêu thành lập Hội nhà báo độc lập, nhấn mạnh đối thoại, phản biện ôn hòa để đưa đất nước, dân tộc đi lên văn minh, hiện đại.”

Cùng lúc, RFA đi tin: “Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, một blogger của Đài Á Châu Tự Do đã xé bỏ đơn kháng cáo, sau khi bị buộc phải viết theo hướng dẫn của viên công an.”

Đài Little Saigon TV cho biết thêm: “Vợ ông Thụy cho rằng năm nay ông đã 72 tuổi, ‘khó có thể ở tù đủ án’. Tuy nhiên ông Thụy cho biết trong bức thư gửi cho bà rằng ông nhất định không nhận tội để giảm án…  Người ta chỉ sống một lần. Nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn làm như thế thôi.”

Tuy chồng bị giam cầm (và “khó có thể ở tù đủ án”) bà Phạm Thị Lân, phu nhân của nhà văn Nguyễn Tường Thụy, vẫn chu toàn được trách nhiệm của một người làm mẹ. Đám cưới của cháu Thuỵ Châu đã tổ chức chu đáo đến độ khiến mọi người đều phải ngạc nhiên và thán phục:

Nguyễn Xuân Nghĩa: “Tiệc cưới đàng hoàng không thua kém gì ở các gia đình có đủ cả chồng lẫn vợ. Tôi nhận ra một chút hãnh diện trong khuôn mặt chị. Hãnh diện vì không chỉ chị có trách nhiệm với chồng trong các chuyến thăm nuôi tận một nhà tù trong Nam Bộ mà còn với một ngày hoàn hảo, là ngày vui nhất trong cuộc đời con gái, như gia đình anh & chị không bị chia ly.”

Nguyễn Xuân Diện: “Anh Tường Thuỵ đang chấp hành án tù ở trong Nam, nên một mình chị Lân thay anh gả chồng cho con gái út. Anh chị em đến rất đông đủ khắp mặt. Lâu lắm rồi, anh chị em bác cháu mới gặp được nhau. Vui mà thương nhau lắm.”

Đặng Bích Phượng: “Một số người được mời dự đám cưới, đã được công an ‘hỏi thăm’ từ hôm trước. Gia đình cô dâu cũng bị dọa dẫm, nếu trong đám cưới mà hô hào phản đối Tập Cận Bình sang Việt Nam, là an ninh sẽ ập vào ngay đấy… Đồng cỏ mênh mông nhà chúng mày, ập vào rồi thì chúng mày làm gì”?

Tôi không hiểu cái cụm từ mới lạ này (“đồng cỏ mênh mông nhà chúng mày”) nên chỉ đoán chừng đây là một câu mắng nhiếc, cùng với một lời thách thức: “Ập vào rồi thì chúng mày làm gì”?

Không khí tươi vui và thân mật trong ngày vui của hai cháu Thụy Châu – Đức Bằng, và “phong cách ngời ngời” của những khách mời (theo như nguyên văn cách dùng từ T.S Nguyễn Xuân Diện) thì xem chừng đây không phải chỉ là thách thức riêng của cá nhân nhà hoạt động xã hội Đặng Bích Phượng mà còn là sự biểu lộ thái độ sẵn sàng đối đầu của cả một giới người – giới tinh hoa – với chế độ toàn trị hiện hành.

Họ là ai?

Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cho biết: “ (Họ)… có thể chưa phải là tinh hoa về học thức và địa vị xã hội nhưng chính họ là mầm mống xây dựng một xã hội văn minh, đạo đức, dân chủ, và tự do hơn trong tương lai.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: