Vụ Bành Súy: Trương Cao Lệ biệt vô âm tín, vì sao?

Quan chức cao cấp Trung Quốc bị tố cáo tấn công tình dục ngôi sao tennis không lộ diện
Hôm 21 Tháng Mười Một, người Pháp ở Toulouse biểu tình phản đối tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Họ đòi chính phủ Pháp gây áp lực với Trung Quốc về vụ nữ vận động viên Bành Súy bị cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ cưỡng bức. Ảnh Alain Pitton/NurPhoto via Getty Images

Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, bị ngôi sao quần vợt Bành Súy (Peng Shuai) tố cáo hành vi tấn công tình dục, gây chấn động dư luận quốc tế, đã biệt vô âm tín suốt những ngày gần đây ngay cả sau khi cô Bành đã xuất hiện trong một cuộc gọi điện thoại truyền hình với Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế.

Trương Cao Lệ là ai, và tại sao khi bị tố cáo ông ta không xuất đầu lộ diện hoặc lên tiếng thanh minh?

Trương Cao Lệ, năm nay 75 tuổi, từng là Phó Thủ tướng Trung Quốc, nhân vật đứng thứ bảy trong guồng máy cai trị chóp bu của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trương đã về hưu năm 2018, và giống như các quan chức cao cấp Trung Quốc khác khi về hưu thường im hơi lặng tiếng và ít xuất hiện trước công chúng, Trương đã không ra mặt, không trả lời lời tố cáo của cô Bành và truyền thông quốc tế cũng không thể tiếp cận ông ta để phỏng vấn.

Vụ tai tiếng bùng ra ngày 2 Tháng Mười Một khi cô Bành, năm nay 35 tuổi, đăng lên mạng xã hội một bài tố cáo ông Trương đã cưỡng bức tình dục cô cách đây ba năm. Lúc đó Trương đang là phó thủ tướng, chỉ huy việc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, còn cô Bành là vận động viên ngôi sao, từng đạt nhiều giải Thế Vận Hội trong môn tennis đánh đôi. Cô Bành cho biết thêm rằng giữa hai người có một mối quan hệ tình cảm không suôn sẻ cho đến khi ông Trương chia tay với cô.

Lời tố cáo của cô Bành khó có thể kiểm chứng được, và nó đã bị rút xuống chỉ sau ba mươi phút và việc thảo luận đề tài này bị cấm ngặt trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhưng khi cô Bành “biến mất” khỏi tầm nhìn của công chúng trong suốt ba tuần sau đó thì dư luận quốc tế lo lắng cho sự an toàn của cô, những thông điệp với hashtag #WhereIsPengShuai lan truyền mạnh trên các mạng xã hội quốc tế và Hiệp hội Nữ Vận động viên Tennis Thế giới (WTA) tuyên bố sẽ hủy bỏ các giải đấu tại Trung Quốc nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh không bảo đảm an toàn cho cô Bành và thông tin về tung tích của cô.

Trước áp lực mạnh của dư luận, cuối tuần trước, Trung Quốc đã sắp xếp một cuộc điện thoại video giữa cô và ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), nhưng việc đó đã không xóa bỏ được mối hoài nghi của các vận động viên đồng nghiệp và các tổ chức quốc tế về sự an nguy của cô. Tổ chức Ân xá Quốc tế thậm chí tố cáo IOC đã “minh oan cho các vi phạm nhân quyền có thể có” của chính quyền Trung Quốc trước ngày diễn ra Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022.

Đấu đá nội bộ ĐCSTQ?

Giáo sư Alfred Wu, trường Hành chính công Lý Quang Diệu của Singapore nhận định: “Để cho ông Trương xuất hiện và lên tiếng sẽ dẫn tới hậu quả là tổn thất về danh tiếng mà Trung Quốc không muốn trước Thế Vận Hội Mùa Đông. Ngay cả khi đảng có quyết định xử lý kỷ luật nội bộ đối với Trương, họ sẽ không công bố ngay mà sẽ để cho cơn bão dư luận hoành hành trước nhằm thể hiện quyền lực của mình”. 

Còn ông Ngụy Kinh Sinh  (Wei Jingsheng) – một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tị nạn chính trị tại Mỹ – cho rằng Trương Cao Lệ là người phản đối Tập Cận Bình đi ngược đường lối của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Ông Ngụy cho rằng vụ tai tiếng tình dục của Trương và tình nhân bị tung ra dư luận với màu sắc chính trị và làm ầm ĩ ngay trước Hội nghị lần thứ Sáu Trung ương ĐCSTQ vừa qua là một đòn tấn công vào Tập, bộc lộ cuộc đấu đá gay gắt trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.   

Văn phòng Thông tin của Quốc Vụ Viện, tức chính phủ Trung Quốc, không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí, không bình luận về tố cáo của cô Bành và cũng không sắp xếp để ông Trương trả lời phỏng vấn. Dường như Trung Quốc đang cố che đậy và hy vọng thời gian sẽ làm vụ việc chìm xuồng nhằm bảo vệ thể diện cho giới quan chức tinh hoa của đảng Cộng sản.

Ông trùm từ Thiên Tân

Lần xuất hiện cuối cùng của Trương là vào ngày 1 Tháng Bảy, khi ông ta ngồi trên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Trước đó từ năm 2007 đến năm 2012, Trương là nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của thành phố Thiên Tân (Tianjin). Dưới thời ông, đô thị cấp tỉnh từng bị suy thoái ở phía Đông Nam thủ đô Bắc Kinh đã trở thành khu vực phát triển nhanh nhất của Trung Quốc vào năm 2011, và nhờ thành tích đó ông ta được thăng tiến vào Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Với tư cách là phó thủ tướng từ năm 2013 đến năm 2018, Trương phụ trách các vấn đề kinh tế, bao gồm sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời đứng đầu một “nhóm nhỏ lãnh đạo” chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 trước khi bàn giao công việc cho đương kim Phó Thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) năm 2018.

Im lặng là lựa chọn duy nhất

Trong bài đăng trên mạng Weibo, cô Bành tố cáo lần đầu tiên cô gặp ông Trương và quan hệ tình dục với ông ta ở Thiên Tân. Cô cho biết ngay sau khi Trương về hưu, ông ta đã liên lạc lại với cô thông qua một bác sĩ và yêu cầu nối lại mối quan hệ.

“Ông ta đã ngừng liên lạc với tôi sau khi ông ta thăng chức lên Bắc Kinh. Tôi đã muốn chôn chặt mọi thứ trong lòng. Vì ông ta không có ý định chịu trách nhiệm, tại sao ông ta vẫn tìm tôi, và ép tôi quan hệ tình dục tại chỗ ở của ông ta?” cô viết.

Cô Bành cũng cáo buộc trong bài đăng của mình rằng vợ của Trương, bà Khang Khiết (Kang Jie), biết rõ mối quan hệ này. Cũng như các bà vợ của hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc, có rất ít thông tin về bà Khang, kể cả tuổi của bà ta. Hai vợ chồng Trương-Khang có một cậu con trai.

Các chuyên gia nhận định, sự im lặng của ông Trương phù hợp với cách mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ xử lý các lời tố cáo các quan chức cao cấp của đảng trong quá khứ, từ cáo buộc tham nhũng trong Hồ sơ Panama cho đến những tin đồn về quan hệ ngoài hôn nhân.

Theo ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), nguyên là phó giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, hiện hành nghề luật tại Chile, và theo dõi sát sự việc thì lựa chọn duy nhất của Trương là giữ im lặng, “thủ khẩu như bình”.

“Nếu ông ta phủ nhận lời tố cáo thì sẽ không ai tin ông ta, bởi vì qua chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, giờ đây mọi người ở Trung Quốc đều biết các quan chức Trung Quốc dùng quyền lực đổi lấy tình dục là chuyện hết sức bình thường”, ông Trần nói.

Thông thường, các quan chức chỉ bị cáo buộc về hành vi sai trái trong tình ái sau khi đã bị điều tra về tội phạm chính trị hoặc kinh tế; vấn đề tình dục hoặc tư cách đạo đức chỉ được thêm vào như một tình tiết tăng nặng. Chưa có quan chức cấp cao nào của đảng bị cáo buộc tình dục tương tự như Trương.

Ngô Cường (Wu Qiang), một tác giả ở Bắc Kinh trước đây làm việc tại Đại học Thanh Hoa, nhận xét: “Đảng coi mình đứng trên luật pháp và không chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai khác ngoài các nhà lãnh đạo của mình. Nếu Trương thừa nhận cáo buộc của cô Bành, thì Bành có thể trở thành một biểu tượng cho phong trào nữ quyền của Trung Quốc và chuyện này có thể gây ra thách thức đối với quyền lực của đảng.”

(tham khảo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: