WHO lại tổ chức điều tra nguồn gốc COVID-19

Thiêu xác bệnh nhân Covid tại lò thiêu Sagraha Mandrakantha Santhi ở Bali, ngày 13 Tháng Tám 2021 (ảnh: Muhammad Fauzy/NurPhoto/Getty Images)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa chỉ định một cơ quan tư vấn mới nhằm tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và các đợt bùng phát dịch khác trong tương lai, xử lý một trong những vấn đề nhạy cảm nhất về chính trị.

Báo The Washington Post hôm Thứ Tư 13 Tháng Mười cho biết cơ quan tư vấn gồm 26 thành viên, trong đó có các nhà khoa học của Mỹ, Trung Quốc và 24 quốc gia khác. Danh sách thành viên sẽ được công bố chính thức sau thời gian ngắn tham vấn ý kiến cộng đồng.

WHO cho biết nhiệm vụ của cơ quan tư vấn không chỉ là xem xét vấn đề làm thế nào coronavirus lây nhiễm sang con người lần đầu tiên mà còn thiết lập một khuôn khổ ứng phó cho tương lai. Gần hai năm sau đại dịch, những nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của virus đã bị cản trở bởi chính phủ Trung Quốc, gây căng thẳng trong chính trị quốc tế, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một số chuyên gia ở Hoa Kỳ và các nơi khác cho rằng virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19 có thể đã thoát ra khỏi Viện Virus Vũ Hán hoặc một viện nghiên cứu khác nghiên cứu về coronavirus ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi COVID-19 được ghi nhận lần đầu tiên. Bắc Kinh đã bác bỏ giả thuyết này, cho rằng nó không được khoa học ủng hộ; họ còn đi xa hơn khi tuyên bố mà không có bằng chứng rằng coronavirus mới có thể có nguồn gốc bên ngoài biên giới Trung Quốc – ngay cả ở Hoa Kỳ. Các quan chức Trung Quốc cho biết họ coi như đã hoàn tất việc điều tra về nguồn gốc của virus trên đất Trung Quốc.

Cơ quan tư vấn mới, được gọi là Nhóm Cố vấn Khoa học về Nguồn gốc của các Mầm Bệnh Mới (Scientific Advisory Group for the Origins of Novel Pathogens – SAGO) không có thẩm quyền buộc Trung Quốc phải mở cửa biên giới. “Nếu bạn tin rằng SAGO sẽ trả lời câu hỏi, nguồn gốc của SARS-CoV-2 là gì, thì bạn đã nhầm lẫn một cách đáng buồn vì có rất ít hoặc không có cơ hội để họ tiếp cận thông tin hoặc điều tra thực địa chừng nào Trung Quốc còn lo ngại”, Giáo sư Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết.

Trước đây sáu tháng, WHO và Trung Quốc đã kết thúc một cuộc điều tra chung về vấn đề này. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đến thăm các địa điểm được coi là nơi xuất phát của virus ở Vũ Hán, nhưng đã không thể đưa ra kết luận vì vướng vào các cuộc tranh cãi nội bộ. Sau khi một số nhà khoa học trong nhóm cho rằng khả năng virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là “rất khó xảy ra” và không đáng để điều tra thêm, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng đánh giá này là “chưa đủ rộng rãi”. Trong một lời chỉ trích bất thường trực tiếp đối với Bắc Kinh, ông Tedros cũng cho biết ông mong đợi “các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn”.

Các quan chức của WHO khẳng định rằng SAGO sẽ không lặp lại sứ mệnh mất uy tín ở Vũ Hán trước đây.

Trong một bài xã luận được công bố hôm Thứ Tư trên tạp chí Science, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng bộ phận bệnh mới nổi và bệnh lây từ động vật của WHO, ông Tedros và ông Michael Ryan, phụ trách hoạt động khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh không thể loại trừ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. “Các giả thuyết trong phòng thí nghiệm phải được xem xét cẩn thận, tập trung vào các phòng thí nghiệm ở nơi xuất hiện các báo cáo đầu tiên về bệnh nhiễm trùng ở người ở Vũ Hán”, các tác giả viết.

Cơ quan tư vấn sẽ tư vấn cho WHO và yêu cầu tổ chức này sắp xếp các chuyến đi nghiên cứu, có thể sẽ có thêm các phái đoàn tới Trung Quốc và cả những nơi khác.

Tuy nhiên, liệu chính phủ Trung Quốc có cho phép các nhà điều tra tiếp cận nhiều hơn hay không vẫn chưa rõ ràng. Áp lực từ các quan chức và nhà nghiên cứu Trung Quốc đã làm cho phái đoàn WHO-Trung Quốc đến Vũ Hán trước đây không có được những phát hiện rõ ràng và không thể kết luận được.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: