Toàn cảnh châu Á lau chùi nòng súng

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội – mức chưa từng thấy kể từ thập niên 1950 (ảnh: Koichi Kamoshida/Getty Images)
Share:
Thời Sự
Thời Sự
Podcast: Khi châu Á lau chùi nòng súng
/

Trừ những cuộc chiến qui mô cục bộ chẳng hạn cuộc chiến biên giới Tây-Nam Việt Nam với Campuchia hoặc cuộc chiến phía Bắc của Việt Nam với Trung Quốc, châu Á từ 1945 đến nay gần như im tiếng súng. Tuy nhiên, mỗi năm trôi qua, ít nhất một thập niên trở lại đây, đầu tư quốc phòng tại châu Á tăng liên tục. “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang thay đổi với tốc độ chưa từng có” – phát biểu của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida…

Mở rộng ngân sách quốc phòng

Không cần úp mở, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói: “Với việc tăng cường sức mạnh quân sự một cách không minh bạch, Trung Quốc tiếp tục nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng… Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với tất cả thành viên lực lượng vũ trang chúng ta là bảo vệ đất đai, vùng biển và không phận Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân Nhật Bản”. Nikkei Asia (ngày 23 Tháng Hai 2022) cho biết, Kishida cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội – mức chưa từng thấy kể từ thập niên 1950.

The Diplomat (ngày 8 Tháng Hai 2022) cho biết cụ thể hơn: Chỉ trong vài năm, Philippines đã ký hợp đồng mua bốn tàu chiến từ Hyundai Heavy Industries với giá gần $1 tỉ; chưa kể hợp đồng mua tên lửa BrahMos trị giá $375 triệu từ Ấn Độ. Trong khi đó, Indonesia mua ba tàu ngầm và một số tàu chiến mới. Chi xài quốc phòng của Indonesia đã tăng đều, từ 5.8% trong ngân sách chi tiêu quốc gia năm 2011 lên 9.3% năm 2017. Làn sóng hối hả nâng cấp quốc phòng châu Á đều xuất phát từ “động lực”: Thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Trung Quốc đã chi $207.3 tỉ cho quân đội vào năm 2021 – chiếm 43% ngân sách quốc phòng khu vực. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự trong khu vực đã tăng 52.7% từ năm 2010 đến năm 2020 – so với mức tăng 14.4% ở châu Âu và mức giảm 10.6% ở Bắc Mỹ. Giới chuyên gia lo ngại rằng việc tăng cường quân sự có thể tạo ra xung đột thực tế, trong khi khu vực này vốn có nhiều tranh chấp lãnh thổ và nhiều “oan ức” hận thù quá khứ.

Trung Quốc bằng mọi giá nâng cấp quốc phòng để có thể vượt mặt Mỹ (ảnh: Costfoto/Future Publishing/Getty Images)

Lịch sử cho thấy chơi súng thường dễ có khả năng bị cướp cò

Cuộc chạy đua vũ trang đầu thế kỷ 20 giữa Đức và Anh được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến Thế chiến thứ nhất. Và thời hiện đại, không thiếu ví dụ chẳng hạn trường hợp Ấn Độ với Pakistan hoặc Israel với các quốc gia Ả Rập. Chong Ja Ian, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng lịch sử có thể lặp lại. James Stavridis, Cựu đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, Tổng tư lệnh tối cao thứ 16 của NATO, cũng cho rằng không nên đánh giá thấp nguy cơ chiến tranh dẫn đến từ cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra một số mốc quan trọng để đưa quân đội nước mình “ngang cơ” Mỹ vào năm 2049. Theo SIPRI, chi tiêu quân sự Trung Quốc tăng liên tục trong 26 năm, khoảng thời gian dài nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Quốc gia này ước tính có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân vào năm 2021. Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại rằng con số này có thể tăng lên 1,000 vào năm 2030. Trong khi đó, Trung Quốc luôn nhấn mạnh họ sẵn sàng chiếm Đài Loan bằng vũ lực; và từ nhiều năm nay, họ liên tiếp khiêu khích tàu cá Nhật Bản, gây hấn với Việt Nam, tăng tốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và liên tiếp gầm gừ với Ấn Độ…

Với Nhật, trong năm tài chính bắt đầu từ Tháng Tư 2022, Tokyo sẽ chi một khoản kỷ lục cho quốc phòng. Bị ràng buộc bởi Điều 9 Hiến pháp, quốc gia này lâu nay chỉ có thể duy trì chi tiêu quân sự ở mức khoảng 1% GDP hoặc thấp hơn; tuy nhiên, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã cam kết mở “biên độ” lên 2% hoặc hơn.

Quân đội Mỹ luôn chi mạnh tay để duy trì sự hiện diện tại châu Á (ảnh: Lính Mỹ tập trận cùng lính Hàn Quốc – Chung Sung-Jun/Getty Images)

Sự hiện diện của chú Sam

Phần mình, dù luôn la làng quân đội Mỹ ngày càng sa sút và có thể bị Trung Quốc lấn lướt nhưng thật ra Mỹ vẫn là tay giang hồ “độc cô cầu bại”. Chẳng quân đội quốc gia nào bằng Mỹ cả. Washington đang có năm đồng minh được gắn kết với nhau bởi các hiệp ước chính thức: Úc, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan. Mỹ có khoảng 375,000 nhân viên quân sự và dân sự rải rác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hạm đội Thái Bình Dương của chú Sam có khoảng 200 tàu, trong đó có năm hàng không mẫu hạm và “sơ sơ” gần 1,100 máy bay. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chi $20.9 tỉ cho sự hiện diện của mình ở Nhật và $13.4 tỉ ở Hàn Quốc từ năm 2016 đến năm 2019, theo Văn phòng kiểm toán chính phủ Hoa Kỳ (GAO).

Sự hiện diện của Mỹ ở châu Á không chỉ nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Bắc Triều Tiên cũng là mối đe dọa thường trực. “Trong thế giới ngày nay, nơi mà nhiều quốc gia lãng phí thời gian đối phó với Mỹ bằng sự phục tùng mù quáng, chỉ có đất nước chúng ta trên hành tinh này mới có thể làm rung chuyển thiên hạ bằng cách bắn một tên lửa vào đất liền nước Mỹ”, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên phát biểu ngày 8 Tháng Hai 2022…

Xây dựng liên minh là chiến lược tối ưu

Tại Hàn Quốc, chính trường nước này đang chuẩn bị cuộc đổi ngôi. Hai ứng cử viên dẫn đầu cuộc bầu cử dự kiến ​​được tổ chức ngày 9 Tháng Ba 2022 có cách tiếp cận rất khác đối với vấn đề Triều Tiên. Ứng cử viên bảo thủ Yoon Suk-yeol ủng hộ việc “tăng ngân sách quân sự”; trong khi Lee Jae-myung, ứng cử viên của Đảng Dân chủ thiên tả, có khuynh hướng cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng và sẽ không ưu tiên tăng cường ngân sách quốc phòng.

Thiếu sinh quân Hàn Quốc dự cuộc Tranh tài kỹ năng quân sự Sandhurst tại West Point, 2020 (ảnh: Jong-Hyun Kim/Anadolu Agency/Getty Images)

Với Ấn Độ, Trung Quốc luôn là mối đe dọa bất tận. Ngày 15 Tháng Sáu 2020, các cuộc xung đột dữ dội tại Thung lũng Galwan đã dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ và bốn lính Trung Quốc. Theo báo cáo thường niên mới nhất của Ngũ Giác Đài tường trình Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đã xây một khu dân cư với 100 căn nhà tại lãnh thổ tranh chấp nằm giữa Khu tự trị Tây Tạng và bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ vào năm 2020.

Tàu chiến Đài Loan trong một cuộc tập trận Tháng Một 2022 (ảnh: Ceng Shou Yi/NurPhoto/Getty Images)

Một điểm nóng khác trong khu vực là Đài Loan. Tháng Mười 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng nói với Quốc hội mình rằng tình hình đang ở tình trạng “nghiêm trọng nhất” trong hơn 40 năm qua và có nguy cơ xảy ra “hỏa hoạn”. Gần như hàng ngày, Bắc Kinh đưa máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không dại khạc đạn một cách bất cẩn. Bắc Kinh vẫn trông chờ vào khả năng thống nhất Đài Loan bằng “con đường hòa bình”.

Chiến tranh hay hòa bình? Không ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra ở châu Á. Peter Dutton, Bộ trưởng Quốc phòng cứng cựa của Úc, người có khả năng trở thành thủ tướng tiếp theo, hồi Tháng Hai đã cảnh báo rằng Úc và các đồng minh sẽ “thua trong thập niên tới” trừ khi cùng đứng lên đối mặt Bắc Kinh ở Biển Đông. Phát biểu Peter Dutton cho thấy để đối phó Trung Quốc, xây dựng liên minh cần được xem là chiến lược tối ưu, chứ không phải giữ vị trí “trung dung” theo cách như một số nước trong đó có Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: