Khai giảng, thầy hút thuốc làm nổ bong bóng, 10 học sinh bị phỏng

Một học sinh bị phỏng hai tay vì bong bóng bay phát nổ sau lễ khai giảng tại trường tiểu học xã Yên Phú – Ảnh: Dân Trí

Mười học sinh bị phỏng vì bong bóng bay bị nổ trong lễ khai giảng tại trường tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hóa).

Trong số đó có bảy em nữ và ba em nam, được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Yên Định.

Theo VietnamNet chiều 5 Tháng Chín 2023, sau khi kết thúc lễ khai giảng, một thầy giáo hút thuốc vô tình chạm vào chùm bóng gây nổ, làm nhiều học sinh bị thương.

Ông Trịnh Hữu Tùng, hiệu trưởng trường tiểu học xã Yên Phú, cho biết trong lễ khai giảng sáng nay, nhà trường có treo hai chùm bóng bay oxy ở hai bên cánh gà sân khấu để trang trí.

Gần 9 giờ, khi kết thúc lễ khai giảng, nhiều học sinh chạy lên khu vực sân khấu để lấy bóng bay. Lúc này, một thầy giáo hút thuốc lá đi ngang qua vô tình chạm phải chùm bóng, khiến bong bóng phát nổ, làm phỏng học sinh.

Ông Tùng ân hận nói: “Nhà trường đã đưa các em xuống trạm y tế xã sơ cứu, đồng thời thông báo cho phụ huynh về sự việc. Sau khi sơ cứu, các em được chuyển xuống bệnh viện đa khoa huyện Yên Định”.

Cũng theo ông Tùng, 10 em bị phỏng chủ yếu ở phần cánh tay và mặt, ba học sinh bị nhẹ, sau khi bôi thuốc đã được về nhà, còn bảy học sinh tiếp tục nằm lại điều trị.

Em Q. là học sinh bị thương nặng nhất trong vụ nổ bong bóng bay ở trường tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa – Ảnh: VietnamNet

Trong số các em phải nằm lại bệnh viện, nặng nhất là em Đồng Ngọc Q. (học sinh lớp 5), bị đỏ hết phần mặt, hai cánh tay cũng bị phỏng, đang được băng bó.

Bà Hà Thị Hoa (mẹ của Q.) cho biết khi nghe tin báo con bị phỏng, bà chạy đến trường, thấy mặt và hai tay của con bị đỏ tấy, tinh thần hoảng loạn. Bà buồn rầu nói: “Hiện vùng mặt cháu đang bị bỏng rát nên chưa nói được gì”.

Một em khác là Trần Trà M. (lớp 5), bị cháy xém mặt và lông mày, đồng thời tay trái cũng bị phỏng, các bác sĩ phải cắt phần tay áo cháy để băng bó vết thương. Một số học sinh chứng kiến vụ việc cho VietnamNet biết bán kính bong bóng bay phát nổ chỉ khoảng 1m nên chỉ những học sinh đứng cạnh chùm bóng bay mới bị phỏng.

Ngoài hai cánh tay, có em còn bị phỏng ở vùng đầu và mặt – Ảnh: VietnamNet

Theo Dân Trí ngày 5 Tháng Chín 2023, phỏng do bong bóng bay thường không có vết thương sâu nhưng vùng bị phỏng lan rộng, để lại di chứng biến đổi sắc tố trên da, chỗ đen, chỗ thâm, chỗ trắng loang lổ. Nếu bệnh nhân cơ địa sẹo lồi thì vết phỏng sâu, gây sẹo lồi co dính.

“Việc biến đổi sắc tố da sau phỏng rất lâu bình phục, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khá nặng nề. Người bệnh phải tránh nắng tuyệt đối; bôi thuốc, kem chống nắng khi đi ra đường trong khoảng thời gian rất dài”, bác sĩ Nguyễn Thống, cựu Trưởng khoa Phỏng (bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thống nhận định tai nạn do bong bóng bay không phải hiếm gặp, nên ông thường khuyên mọi người không chơi bong bóng bơm khí hydro, đặc biệt là trẻ em. Bong bóng bay bơm khí hydro không chỉ phát nổ khi gặp mồi lửa mà nổ cả khi vô tình bị cọ xát; khi bị đưa vào phòng kín có nhiệt độ nóng như nhà bếp; đưa vào xe hơi, thang máy. Bác sĩ Thống cảnh báo: “Khí hydro khi cháy nổ, nhiệt độ còn cao hơn cháy gas, nên rất nguy hiểm”.

Hồi Tháng Tư 2014, trong lễ mừng trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều học sinh trường trung học cơ sở Suối Dây (huyện Tân Châu, Tây Ninh) được giáo viên phát bong bóng bay để chơi. Bất ngờ chùm bong bóng bay phát nổ làm 11 học sinh và hai thầy giáo bị phỏng, phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Theo bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân khiến các bệnh nhân bị phỏng là bóng bay được bơm khí hydro, một loại khí khi gặp oxy và ánh sáng mặt trời là gây nổ, lan tỏa nhiệt rất mạnh, làm những người tiếp xúc bị phỏng.

Thay vì bơm bằng khí heli (loại khí trơ) an toàn hơn, thì người bán bong bóng bay ở Việt Nam thường bơm khí hydro, vì giá rẻ hơn nhiều, dễ bán.

Trẻ em nào cũng thích bong bóng, đặc biệt là bong bóng bay, nhưng cho các em sử dụng loại nào an toàn là trách nhiệm của người lớn – Ảnh: Dân Việt

Không chỉ học sinh bị phỏng vì bong bóng bay mà cả sinh viên ở Việt Nam cũng bị. Hồi Tháng Năm 2015, sinh viên lớp Công tác xã hội K35, trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) dùng bong bóng bay để trang trí buổi chụp ảnh kỷ yếu cuối khóa.

Một bạn nam trong lớp dùng bật lửa đốt sợi dây buộc nhằm chia nhỏ chùm bong bóng bay. Do bất cẩn, ngọn lửa bùng lên, cả chùm bóng phát nổ khiến hai nam sinh và một nữ sinh phỏng vùng mặt và cánh tay, phải cấp cứu ở bệnh viện Y dược Huế (Thừa Thiên – Huế).

Từ Tháng Chín 2016, báo Dân Việt đã đề xuất cấm các trường học thả bong bóng bay trong ngày lễ khai giảng, nhưng ông bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là Phùng Xuân Nhạ nói: “Cấm thả bóng bay trong lễ khai giảng khó lắm”.

Theo ông Nhạ, lễ khai giảng năm học mới diễn ra, học sinh lại đang độ tuổi vui chơi nên rất khó cấm thả bong bóng bay trong lễ khai giảng.

Vì thế để ra quy định, ông Nhạ hứa Bộ Giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế về mức độ nguy hiểm của bong bóng bay tới sức khỏe con người. Sau khi có kết quả chính thức, Bộ Giáo dục sẽ cân nhắc việc có hay không sử dụng bong bóng bay trong trường học.

Đã bảy năm trôi qua, Bộ Giáo dục vẫn chưa cân nhắc xong nên mới có tai nạn 10 em học sinh bị phỏng vì bong bóng bay, phải nghỉ học một thời gian để điều trị không biết bao lâu!

Ngày khai giảng thay vì “thành công tốt đẹp” như trong báo cáo của nhà trường thì lại trở thành cơn ác mộng của số em học sinh bị phỏng vì bong bóng bay – do sự vô ý thức của giáo viên, đã hút thuốc lá mà còn cầm đi khơi khơi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: