“Chơi lớn” cuối đời

Share:

The Duke (2020) và Jerry and Marge Go Large (2022) – hai phim điện ảnh độc lập phát trực tuyến gần đây khiến tôi một lần nữa phải ngạc nhiên vì sức hấp dẫn và duyên dáng của những diễn viên cựu trào.

Nếu bạn không thích những bộ phim siêu anh hùng hay khủng long ồn ào ngoài rạp, hai phim độc lập này là lựa chọn đáng giá cho bạn trong dịp cuối tuần, để thưởng thức bên một ấm trà ngon và ngẫm nghĩ những câu chuyện về nhân sinh. Cứ thấy phim của mấy anh chị diễn viên già gân này là tôi phải xem ngay. Nhất là những phim độc lập nhỏ nhỏ, duyên duyên và để lại một bồ cảm xúc hoặc vài thông điệp nhẹ nhàng ấm áp về cuộc đời.

Bryan Cranston và Annette Bening trong ‘Jerry and Marge Go Large’ (Paramount+)

Phải công nhận điện ảnh Âu-Mỹ rất giỏi làm những phim như thế này, sẵn sàng chọn những “protagonist” (nhân vật chính) là người già ngoài 60, 70 và tất nhiên là diễn viên thể hiện cũng phải ở tầm đó hoặc thậm chí gần 80, như hai ông bà diễn viên kỳ cựu của Anh Helen Mirren và Jim Broadbent trong The Duke chẳng hạn. Những cụ diễn viên này là những tài năng thượng thặng và việc “cân cả bộ phim” với họ là chuyện quá dễ dàng. Nhưng quan trọng là những người sáng tạo phải có câu chuyện để kể và khán giả cũng phải chịu đi xem.

Nhớ mấy lần vào vài rạp phim nghệ thuật ở New York hay New Orleans, hay hồi đi Scotland dự một liên hoan phim, tôi ngạc nhiên khi thấy khán giả toàn các ông cụ bà lão ít nhất cũng 60 ngồi say sưa thưởng thức, từ phim bi August: Osage County với hai tên tuổi lớn Meryl Streep và Julia Roberts đóng vai mẹ con chửi nhau chan chát, đến phim nghệ thuật tranh giải Cành cọ vàng Like Father Like Son của đạo diễn Nhật Koreeda khiến các cụ khóc sụt sịt trong rạp. Có những khán giả như vậy nên những bộ phim độc lập lấy nhân vật trung tâm là người già và do các diễn viên lớn tuổi đóng chính vẫn luôn có đất sống.

Hai minh tinh thượng thặng Helen Mirren (77 tuổi) và Jim Broadbent (73 tuổi) trong buổi giới thiệu ‘The Duke’ tại The National Gallery, London, Tháng Hai 2022 (ảnh: David M. Benett/Dave Benett/WireImage)

Hai gương mặt điện ảnh Anh Jim Broadbent và Helen Mirren đã từng thắng giải Oscar nhưng vẫn hoạt động liên tục trên phim trường. Họ đóng từ những phim bom tấn đến phim độc lập, từ những vai lớn kiểu Nữ hoàng Anh, Công tước Anh đến vai bình dân, tầm thường như quản gia, người lái taxi – như hai vai mà họ diễn rất duyên trong The Duke.

Bryan Cranston và Annette Bening cũng là những tên tuổi lớn của điện ảnh Mỹ. Loạt phim truyền hình Breaking Bad đã biến Bryan Cranston trở thành diễn viên với tài năng xuất chúng mà đến tên tuổi lớn hơn như cụ Anthony Hopkins, người từng thắng hai giải Oscar, cũng phải viết “tâm thư” đến “đàn em” Cranston để bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Helen Mirren nhận giải Thành tựu suốt đời của Hiệp hội diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ (SAG), Santa Monica, California, ngày 27 Tháng Hai 2022 (ảnh: Rich Fury/Getty Images)

Trong khi đó, Annette Bening là một trong vài nữ diễn viên xuất sắc nhất của thế hệ bà, dù chưa bao giờ thắng giải Oscar sau bốn lần được đề cử. Những vai diễn mẫu mực của Bening trong American Beauty (1999) hay The Kids Are All Right (2010) luôn khiến thế hệ đàn em phải học hỏi, từ kỹ thuật diễn xuất đến khả năng hóa thân phi thường của bà. Thế nhưng, trong Jerry and Marge Go Large, họ đóng hai vai diễn rất bình thường, những người già trung lưu sống một cuộc đời bình dị ở một thị trấn nhỏ của nước Mỹ cho đến khi họ phát hiện ra một “kẽ hở” và quyết định… chơi lớn.

Tình cờ nữa là hai phim này, một của Anh (The Duke), một của Mỹ (Jerry and Marge Go Large) đều dựa theo hai câu chuyện có thật kể về những ông bà già sắp hết “xí quách” nhưng quyết định “chơi lớn” một phen cho thiên hạ lác mắt. Tất nhiên, kiểu “chơi lớn” của họ khác với bọn trẻ trâu nông nổi thích ồn ào. Bọn họ chơi lớn là vì muốn làm một điều gì đó vì không thể tặc lưỡi nhắm mắt trước những cái chuyện vô lý, chướng tai gai mắt; hoặc cũng có thể họ muốn làm gì đó có ích cho cộng đồng. Hẳn đó cũng là tâm thế của một số người lớn tuổi, nhất là ở phương Tây. Sống đến tầm tuổi ấy, sắp gần đất xa trời rồi, còn gì nữa mà phải hối?

Cảnh trong ‘The Duke’

Trong The Duke, diễn viên kỳ cựu Jim Broadbent đóng vai một ông già làm nghề taxi, đam mê viết kịch bản sân khấu, sống ở một thị trấn nhỏ với bà vợ già khó tính hay xét nét (Helen Mirren) và thằng con trai cũng chưa có công ăn việc làm tử tế. Sau một lần bị chính quyền bỏ tù 13 ngày vì xem lậu tivi không trả phí (thực ra ổng đủ khả năng chi trả nhưng từ chối vì cho rằng nó nên được miễn phí cho những người hưu trí từng cống hiến và đóng thuế cả đời cho đất nước), thế là ổng làm một quả chấn động nước Anh.

Ổng tự nhận là người đánh cắp bức tranh nổi tiếng Công tước Wellington của danh họa Goya trị giá 140,000 bảng Anh (thời điểm năm 1961) ngay tại Phòng trưng bày Quốc gia của nước Anh và biến câu chuyện đánh cắp bức tranh quý này trở thành một… huyền thoại. Cả nước Anh loạn lên và cho rằng đây hẳn phải là một vụ đánh cắp tranh của một… đường dây tội phạm xuyên quốc gia, ai ngờ tác giả của nó là một ông già làm nghề lái taxi vừa bị mất việc và suốt ngày bị vợ trách móc vì không có việc làm lại khoái làm chuyện bao đồng. Sáu tháng sau, ông đích thân mang trả lại bức tranh và đối mặt với phiên tòa kết tội trộm cắp tài sản quốc gia…

The Duke kể lại câu chuyện có thật bằng điện ảnh qua một bộ phim độc lập duyên dáng và trào lộng, nhất là ở phiên tòa với tài năng hùng biện của ông già đang khát khao trở thành nhà viết kịch sân khấu lừng danh như Shakespeare hoặc Chekhov… Phim tất nhiên không đơn giản như tôi tóm tắt mà có khá nhiều uẩn khúc và cú twist vừa hài hước vừa hấp dẫn ở cuối phim, đặc biệt khi thủ phạm thật sự đánh cắp bức tranh bắt đầu lộ diện.

Diễn viên Bryan Cranston (66 tuổi) – ảnh: Vittorio Zunino Celotto/Vittorio/Getty Images for BFI
Annette Benning (64 tuổi) – ảnh: Paul Drinkwater/NBCUniversal via Getty Images

Jerry and Marge Go Large không “charming” như The Duke, và hơi phí tài năng của hai diễn viên Bryan Cranston và Annette Bening. Nói như vậy không phải họ diễn không đủ hay, mà kịch bản hơi thiếu chất liệu để hai diễn viên thượng thặng này “bung” hết khả năng diễn xuất, nhất là cái chất “bi” từng làm nên những vai diễn “phản anh hùng” vang danh của họ. Bộ phim dựa theo câu chuyện có thật từng xảy ra ở một thị trấn nhỏ tại Michigan. Jerry (Bryan Cranston) là một ông già mới về hưu sau 42 năm cần mẫn làm giám đốc một nhà máy. Coi như những năm tháng sắp tới của ông an nhàn hưởng tuổi già bên bà vợ đầu gối tay ấp gần nửa thế kỷ thôi.

Thế rồi một hôm Jerry phát hiện ra một sơ hở trong trò chơi xổ số của tiểu bang. Nhờ năng khiếu toán học thiên phú, ổng và bà vợ song kiếm hợp bích “chơi lớn” một phen và kiếm được một số tiền to. Nhưng thay vì dùng số tiền đó để dưỡng già, hai ông bà quyết định… chơi lớn hơn nữa, quy tụ người dân trong cái thị trấn buồn tẻ này đầu tư vào ván bài của hai ông bà và nhờ đó kiếm được hàng triệu đôla, cho đến khi chính quyền phát hiện ra sai sót và dừng trò chơi. Giá trị cộng đồng và sự kết nối với những người khác, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội, có lẽ là thông điệp nhỏ nhẹ và ấm áp nhất của bộ phim này, dù có chút khuôn mẫu. Nhưng tôi vẫn khá thích bộ phim này, có lẽ vì quá mê diễn xuất của Cranston và Bening.

“Không bao giờ quá muộn để chơi lớn một phen”. Bốn ông bà già trong hai phim độc lập vừa nhắc nói với chúng ta như vậy. Tin hay không thì tùy nhưng phim của mấy ông bà già gân với đẳng cấp thượng thừa thì thật xứng đáng để coi, tủm tỉm cười, và ngẫm nghĩ vài điều.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: