Động đất ở biên giới Trung Quốc – Miến Điện, cao ốc Hà Nội bị rung lắc

Hà Nội cách vị trí xảy ra động đất ở khu vực biên giới Trung Quốc – Myanmar khoảng 660 km. Đồ họa: Đăng Hiếu

Dù vị trí động đất ở cách xa Hà Nội tới 660km, thế nhưng nhiều người sống tại các tòa nhà cao tầng ở quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân vẫn cảm nhận bị chóng mặt, và đồ vật bị rung lắc rõ rệt.

Theo thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, vào lúc 8:37 ngày 17 Tháng Mười Một, một trận động đất xảy ra tại khu vực biên giới Trung Quốc – Miến Điện.

Trận động đất mạnh 5.4 độ richter, độ sâu tâm chấn khoảng 48km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Mặc dù cách xa tâm chấn động đất, ngay thời điểm đó, nhiều người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội có thể cảm nhận, thấy rõ đồ đạc bị rung lắc.

Anh Nguyễn Hoàng, làm việc tại tầng 14 một tòa cao ốc trên phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể, thời điểm xảy ra động đất, anh thấy bóng điện trong phòng làm việc bỗng lắc lư. Anh Hoàng kể:

“Lúc đấy, tôi cùng mấy anh em đồng nghiệp tưởng bị hoa mắt, nhìn lên thành bàn thấy rõ rung nghiêng. Sau đấy, mọi người đọc tin tức mới biết xảy ra động đất”

Bản đồ chấn tâm động đất – Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu

Một số đồng nghiệp của anh Hoàng đang lái xe hơi đến giữa cầu Chương Dương cũng cho biết, họ cảm nhận rõ mặt đất có rung lắc.

Anh Nguyễn Đức ở tầng 16 chung cư CT13B, đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, mô tả “cảm giác choáng váng như người say rượu, đèn trần trong nhà rung lắc nhẹ khoảng 2 phút”.

Đến 13:02 cùng ngày, cũng tại  khu vực biên giới Trung Quốc – Miến Điện, một trận động đất khác lại xảy ra có độ lớn 4.8 độ richter, với sâu chấn tiêu khoảng 10km. Ở trận này, người Hà Nội không cảm nhận được rung chấn lan truyền.

Theo thang đo richter, các trận động đất mạnh 5.4 độ richter có mức độ mạnh trung bình, tần suất xảy ra khoảng 800 lần/năm.

Với cường độ này, động đất có thể gây thiệt hại nặng cho những kiến trúc không theo tiêu chuẩn phòng ngừa địa chấn; thiệt hại nhẹ cho những kiến trúc xây cất đúng tiêu chuẩn.

Vị trí chấn tâm của trận động đất xảy ra sáng 3 Tháng Mười Một – Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu

Vào đầu Tháng Mười Một, tại hai huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã xảy ra nhiều trận động đất.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, khoảng 4:41 sáng 3 Tháng Mười Một, tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra động đất 3 độ richter tại vị trí có tọa độ 15.220 độ vĩ Bắc – 108.182 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Đây là trận động đất nối tiếp trận động đất diễn ra trong ngày trước đó, cũng tại khu vực này.

Trước đó, khoảng 0:32 ngày 2 Tháng Mười Một, tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, một trận động đất có độ lớn 2.8 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.973 độ vĩ Bắc – 108.150 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Cũng tại huyện Bắc Trà My, khoảng 22:56 ngày 29 Tháng Mười, một trận động đất có độ lớn 2.8 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.217 độ vĩ Bắc – 108.235 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km.

Điều khiến nhiều người lo ngại là nơi xảy ra các trận động đất này có hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, được xác định là động đất kích thích.

Động đất xảy ra khi hồ chứa tích nước, tạo áp lực lên đứt gãy phía dưới.

Năm 2012, hiện tượng động đất kích thích xuất hiện tại thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) và đến nay vẫn còn xảy ra động đất ở khu vực này. Trận động đất lớn nhất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có độ lớn 4.7 độ richter.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: