Hoa hậu Bồ Đào (24)

Phim trường của hãng phim “Bạch Thủ” là hai căn phố ván trong một ngõ hẻm tuyệt đạo tại đường Cô-Bắc. Hiếu đã cán đến hai mươi con chuột cống rồi mà chưa tìm ra con đường hẻm ấy. Phố Cô-Bắc sao mà lắm chuột cống thế, và những người cư ngụ ở đó có công diệt chuột, nhưng lại cũng có tội làm bẩn thành phố bằng cách vứt xác chuột ra giữa đường!

Mãi tới trước một vựa củi, Hiếu mới thấy số nhà mà ông Thanh ấy đã trao cho nàng hôm qua. Nơi số nhà đó quả có một ngõ hẻm. Hiếu đẩy xe đi vào ngõ và quả gặp một ngôi miếu cổ của người Trung Hoa, nằm sau vựa củi, y như Thanh đã tả. Phim trường trông ra hông ngôi miếu cổ ấy mà ngõ hẻm như con sông nhỏ ngăn cách hai thế giới, thế giới cổ kính của ngôi đền thờ và thế giới tân thời của một kỹ nghệ mới mang danh là nghệ thuật thứ bảy.

Hiếu đưa mắt nhìn và chỉ thấy một dãy nhà gỗ có gác và có bao lơn trên ấy thiên hạ phơi áo quần bay phấp phới. Đây là một cảnh xóm hang chuột rất linh động cho một phim xã hội, chớ một phim trường thì thật là mỉa mai.

Bỗng từ một căn nhà kia, Hùng bước ra. Lối ăn mặc đẹp của hắn, và cách nghiêng mình chào của hắn thật là không hòa điệu với khung cảnh chút nào. Hắn nói:

-May mắn quá, hoa hậu đến thật đúng giờ. Mời hoa hậu vào.

Hiếu dựng xe đạp ngoài vách, và gỡ kiếng mát ra. Nàng đã dạn đèn nên không hồi hộp bao nhiêu khi theo gót Hùng vào nhà đó, mặc dầu nàng biết bên trong đang có mấy mươi thanh niên cỡ ca líp của Hùng đang đợi nàng.

Hùng làm thằng mõ và reo to, giọng và điệu bộ hách dịch như một ông đội hô lính bồng súng giàn hầu:

-Cô Bích-Lệ!

-A!

-A!

-A!

-A!

Rất nhiều người đang ngồi dưới gạch, đứng lên:

-Chào hoa hậu!

-Chào Bích-Lệ!

-Chào người đẹp!

-Chào bạn đồng… ơ nghiệp, đồng tâm, đồng chí.

Hiếu chỉ thấy đám đông mà chưa phân biệt được ai là ai. Nàng mỉm cười, im lặng cúi chào họ. Nhà chỉ có một chiếc ghế độc nhứt mà một thanh niên bưng đến mời Hiếu ngồi. Thanh niên nói:

-Để khỏi mất thì giờ, chúng tôi không khách sáo xin tự giới thiệu ngay với cô, tôi là Trần-văn-Hai, đại diện cho anh em đây. Hãng phim là của chung, không ai là chủ hết. Tôi đứng ra ký hợp đồng với cô, nhưng hôm nay có đủ mặt anh em, ai có bỏ tiền vào đều có đến.

Hiếu không biết nói gì, đưa mắt ra nhìn qua một lượt nhưng vẫn chưa thấy ai cả.

-Anh em đông quá! Nàng nói một câu cho có chuyện.

-Phải, tất cả là hăm bảy người nhưng chỉ có hăm bốn người là bỏ tiền ra thôi. Một thanh niên khác đưa tới một tấm giấy bồi, lưng lịch cũ, tờ hợp đồng nằm trên tấm giấy cứng ấy. Hai trao lại cho Hiếu và nàng đặt trên vế nàng để đọc:

GIỮA HAI ĐÀNG:

MỘT BÊN LÀ CÔ NGUYỄN-THỊ-NGHĨA TỰ BÍCH-LỆ TỜ KHAI CĂN CƯỚC SỐ…

MỘT BÊN LÀ ÔNG TRẦN-VĂN-HAI, TỜ KHAI…

ĐÃ THỎA THUẬN NHỮNG ĐIỀU SAU ĐÂY…

Hiếu không hiểu vài điều khoản, nhưng nghĩ không cần hỏi, nên đọc xong, nàng mượn bút ký ngay vào đó.

Trần-văn-Hai cũng ký tên, đoạn xoa tay, hắn vui vẻ nói:

-Thật không ngờ mà mau xong như vầy. Để cho các bạn không có phận sự hôm nay, có thể đi lo công việc khác, chúng tôi xin giới thiệu với cô từng người một. Hiếu đứng lên bước theo Hai đến gần những bạn trẻ đang đứng thành vòng bán nguyệt:

-Đây anh Hùng, viết nhạc nền cho phim, khỏi giới thiệu dài dòng với cô. Anh Hạc chuyên hóa trang. Anh Lộc lo về y phục. Anh Hảo phụ trách mọi thứ phụ thuộc lặt vặt. Anh Thế viết chuyện phim. Anh Mạnh viết phân cảnh. Anh Nam người bỏ tiền ra nhiều nhứt. Anh Công, người không bỏ xu nào, không biết làm gì hết mà vẫn đòi chia lời, vì chính ảnh xúi giục chúng tôi tự tử trong cuộc phiêu lưu. Anh Nghi, họa sĩ chuyên viên trang trí…

Hiếu vừa trông thấy người mới được giới thiệu thì kêu lên một tiếng “a” khá to, rồi ngượng vì đã lỡ lời, nàng không dám nhìn thẳng thanh niên ấy nữa.

Nghi nghiêng mình thi lễ và nói:

-Kẻ không tên không tuổi: Chính là tôi. Cám ơn hoa hậu còn nhớ đến.

-Đã quen nhau rồi à? Hai hỏi. Như vậy thì may mắn biết bao nhiêu, vì anh Nghi lại là diễn viên và hơn thế, thủ vai chánh đóng cặp với cô.

Hiếu không chối cũng không xác nhận. Nàng bối rối hết sức, nhứt là khi nghe Hai cho biết rằng Nghi sẽ đóng cặp với nàng. Bước theo Hai, nàng vướng chân suýt té và những người sau đó không được hân hạnh được nàng nhớ tên và cho đến gương mặt của họ, nàng cũng không thấy cho rõ. Trước mắt nàng và trong trí nàng, chỉ còn có Nghi thôi, Nghi mà nàng sắp quên gương mặt chỉ thấy có một lần, trong chốc lát, lúc hắn tặng hoa sau hậu trường, và không mong bao giờ gặp lại cả.

Khi cuộc điểm binh chấm dứt, Nam, người bỏ tiền ra nhiều nhứt nói:

-Xin mời cô Bích-Lệ và tất cả anh em tối nay dùng cơm với… Hai phản đối:

-Chưa gì mà anh đã phá lệ. Không được xé rào sớm quá như vậy. Đã giao ước với nhau là không được tiệc tùng rùm beng, ăn nhậu tiêu pha những khoảng không cần thiết, anh chưa quên chớ?

-Nhưng mà cô bạn…

-Cô bạn mới không cần ăn tiệc.

-Nhưng đây là tiền riêng của tôi.

-Cũng mặc! Cuộc ăn nhậu sẽ làm anh em khó chịu với những kham khổ về sau.

Kỹ luật sắt của nhóm bị Hai đưa ra một cách nhát gừng và các tay thích nhậu nhẹt đành phải nhượng bộ. Họ rút êm ra về, chỉ còn lại trong nhà có các tài tử và các tay chuyên viên thôi. Hai mời Bích-Lệ ngồi trở lại ở chiếc ghế độc nhứt khi nãy rồi nói:

-Chỉ còn có độ hai tuần lễ nữa thì mùa mưa bắt đầu. Chúng tôi thấy cần phải làm việc ngay nay hay mai gì, nếu không, phải đợi năm sáu tháng nữa mới quay ngoại cảnh được. Vậy xin cô lấy phân cảnh về nhà đọc một hôm cho hết để có một ý niệm về vai trò của cô, rồi ngày mốt ta bắt tay vào việc ngay.

-Còn việc tập tuồng? Hiếu hỏi.

-Không có tập luyện gì hết. Chúng tôi không có tiền để mua món xa xí phẩm đó, mà chỉ dám dùng cái tự nhiên của các diễn viên. Các anh chị mà không tự nhiên được, thì hỏng cả.

Hiếu nhìn qua phim trường rồi thất vọng lắm. Nàng đã tưởng tượng một ngôi nhà đồ sộ, với những văn phòng rộng minh mông và trang trí cực kỳ sang trọng, trong đó máy móc, đèn rọi nằm ngổn ngang đây đó. Nàng nói lớn lên ý nghĩ của nàng:

-Phim trường hẹp quá…

-Không hại. Đây là một câu chuyện tình ở thôn quê, ngoại cảnh nhiều hơn nội cảnh. Nội cảnh cũng chỉ là cảnh một nếp nhà tranh nghèo nàn, nhỏ hẹp. Ta sẽ mua phên tre, biến căn phố ván nầy thành một nếp nhà tranh, chỉ có thế thôi.

Hai đưa cho Hiếu một tập vở đánh máy mà rằng:

-Cô đọc như đọc tiểu thuyết, mấy tiếng đồng hồ là xong, rồi tưởng tượng cho nhiều về nhân vật mà cô đóng vai, lại tưởng tượng về nhân vật đóng cặp với cô với lại khung cảnh, nhân vật chung quanh cô, thì cô sẽ biết phải làm gì.

Sáng mốt ta đi thật sớm, hồi năm giờ khuya, sau khi tụ họp tại đây hồi bốn giờ rưỡi, để có thể trở về trong ngày. Sự an ninh không cho phép ta ở ngoài đồng ban đêm đâu, với lại tốn kém lắm, phải quay cho xong nội trong một ngày những cảnh cần thiết ở cái nơi xa xôi và hiểm trở ấy.

-Không ở lại ban đêm, chắc khỏi phải xin phép gia đình khó khăn lắm, phải không cô?

-Nếu quả như vậy thì không phải khó khăn.

-Càng hay. Vậy sáng mốt, xin mời cô đến đây đúng bốn giờ rưỡi. Giờ mời anh Nghi làm quen với cô Bích-Lệ, để rồi ta giải tán.

Hai và các chuyên viên bắt đầu thảo luận sôi nổi với nhau trong khi Nghi lướt tới trước mặt Hiếu:

-Ngỡ không bao giờ tái ngộ với cô…

-Anh có dự phần trong việc mời em cộng tác hay không?

-Thú thật rằng không. Chúng tôi nghèo lắm, lại nghe người ta đề nghị với cô ca-sê to quá nên không dám nghĩ tới cô. Thằng Hùng nó bướng cứ xúi riết tới, không dè lại được.

-Em lo quá, nhứt là đã thấy mình thất bại trong khúc phim quảng cáo.

-Lần đầu ai cũng thế. Nhưng chắc cô đã dạn đèn, dạn ống ảnh rồi, sau lần đóng thí nghiệm ấy, à quên thằng Hai nó quên điều chánh, không biết cô lội có khá hay không?

-Em lội dưới rạch Cầu Kiệu từ thuở còn bé, nhưng không biết lội theo phương pháp như những ngươi đi hồ tắm.

-Càng tốt. Cô thủ vai một thôn nữ chăn trâu, thì phải lội theo ta mới đúng. Trong phim có một cảnh cô đứng trên lưng trâu, té xuống nước, quay ngay ngày mốt nầy.

-Đứng trên lưng trâu? Trời ơi, em đâu có dám!

-Không hề gì. Trâu coi hung tợn như vậy mà hiền lắm.

-Rắc rối quá, em cứ ngỡ…

-Có lẽ cô lầm. Đóng những cảnh của ngày mốt tuy rắc rối mà dễ lắm: Cô sẽ lùa trâu xuống sông tắm mát, cô gặp tôi cô té xuống nước, xem thì lộn xộn nhiều việc, nhưng cô sẽ tự nhiên được hơn là đóng những cảnh ngồi không mà buồn, mà đau khổ.

-Vì thế mà thằng Hai nó mới quyết định quay những cảnh dễ ấy trước, bởi ta thiếu tập, không thể bắt đầu ngay ở cảnh khó.

-Anh đã đóng nhiều lần rồi chớ?

-Không nhiều lắm, chỉ đóng chơi trong vài phim tám ly.

-Dầu sao, anh cũng có kinh nghiệm nhiều hơn em.

-Cô đừng lo. Cứ tự nhiên là được. Cô nhớ đọc cho kỹ tập phân cảnh nầy nhé.

-Nhà nầy, hình như không có ai ở thì phải.

-Đúng như vậy. Đây là phim trường, là trụ sở hội họp của anh em. Vì nghèo quá nên phải mướn một chỗ luộm thuộm như vầy cho rẻ tiền.

Hai đã bàn tính xong những chi tiết vặt vạnh với anh em, nên trở lại nói:

-Ta giải tán nè. Tôi thấy rằng cô Bích-Lệ nên quen nhiều hơn với anh Nghi. Sẵn anh Hùng đang có tiền và muốn mời cô đi ăn cơm, cô nên nhận. Trong bữa ăn sẽ có Nghi và sau bữa ấy, chắc hai người sẽ hiểu ý nhau nhiều.

Hùng cười hề hề, bước lại nói:

-Suzie muốn thọc gậy bánh xe cũng không được nữa. Nhưng tôi sẽ mời Suzie cho cô tin vậy.

Họ lên xe hồi đúng năm giờ, y như chương trình đã định mà họ muốn thi hành ăn khớp như một bộ máy tốt. Đoàn gồm ba xe, xe đỏ rằn ri của Hùng, một chiếc hai ngựa chúi mũi rất dữ của Hoạch, anh “xì-kiếp-gước” của nhóm, và một chiếc Peugeot 203, tắc-xi giải ngũ của Bửu. Tuy chỉ là tắc-xi giải ngũ thôi, chiếc Peugeot ấy là chiếc xe mạnh nhứt của đoàn, nên đoàn dành riêng nó để chở ca-mơ-ra và dụng cụ, bao nhiêu người chồng chất lên hai chiếc xe xập-ký-nìn kia, chúng nó thở hào hển, è ạch chở họ trên đoạn đường dài.

Hiếu rất hồi hộp trong kỳ xuất chinh đầu nầy, và có lẽ vì ngồi sát Nghi quá nên trống ngực nàng đánh thình thình. Bất giác nàng rờ tay lên ngực và giựt mình, nàng chợt nghe ông Phật chạm trên hột cà-na, món quà kỷ niệm của Trọng không còn nơi đó nữa.

Từ ngày được quà, Hiếu mua một sợi dây chuyền bằng vàng Tây để đeo tượng Phật nơi cổ, giấu phía trong áo. Nàng đeo món nữ trang ấy luôn ngày đêm, đi tắm cũng không cởi ra, xem nó như lá bùa hộ mạng. Sợi dây chuyền đứt hồi nào? Và tại đâu? Hiếu ngẩn người ra, không phải tiếc của, mà vì chạnh nghĩ đến mối tình đầu không trọn như nàng đã ao ước.

Có phải đây là điềm báo trước một cuộc đoạn tuyệt giữa Trọng và nàng? Sợi dây tình cảm giữa hai người gồm bằng nhiều thứ mà tượng Phật nhỏ ấy là một. Mặc dầu hai người đã gây gổ với nhau, nhưng chưa có gì dứt khoát và nàng định sẽ trở lại thăm Trọng để xem sao. Trời không muốn hai người tái hợp chăng mà khiến cho vật kỷ niệm ấy mất đi?

Hiếu nghe lòng quằn quặn đau, cảm giác như là nàng đã phụ bạn. Nàng lại băn khoăn không biết ăn làm sao nói làm sao với Trọng khi hai người cần chánh thức chia tay nhau, và cả hai đều phải trả nhau những món quà kỷ niệm.

Đoàn xe chạy lên Biên-Hòa, theo đường cũ chớ không đi xa lộ, vì khỏi cầu Hang, họ phải rẽ vào một con đường làng.

Nghi hỏi:

-Cô đọc kỹ phân cảnh rồi chớ?

-Dạ, đọc kỹ.

-Cô thấy câu chuyện như thế nào?

-Câu chuyện ấy hay lắm.

-Chúng tôi đã nhận ra rằng câu chuyện phải hay để cứu vãn mọi chỗ yếu khác của bọn tài tử chúng tôi. Và lại nhận rằng chỉ có các nhà tiểu thuyết mới viết chuyện hay được, nên chi đã nhờ anh ấy vốn là người chuyên môn viết chuyện hấp dẫn, nghĩ ra câu chuyện.

-Các anh quay đoạn nào hôm nay?

-Chỉ quay có vài cảnh tại Bến Trâu thôi vì mấy cảnh đó không quây ở đâu được hết. Người viết truyện đã dựa theo một chuyện có thật đặt trong một khung cảnh có thật, và hết sức là đặc biệt không tìm thấy ở đâu cả trừ phi nơi đã thật sự xảy ra câu chuyện. Những cảnh khác quay bất kỳ ở đâu cũng được hết.

Bấy giờ trời mới mờ mờ đất và đoàn ghé lại Thủ-đức để ăn điểm tâm. Họ ra khỏi thành phố nhỏ ấy thì chơn trời hướng Đông đã đỏ rực như rừng nơi đó cháy to.

Hùng lái xe, hút gió lên những đoạn nhạc nền do anh ta sáng tác. Hiếu ngồi giữa nhạc sĩ và họa sĩ trên chiếc xe hai chỗ ngồi ấy, sau lưng nàng, trên thùng xe một người bạn gõ nhịp lên thùng mà hát nghêu ngao.

Nếu Trọng thấy được cảnh nầy thì chàng sẽ ghen đến bực nào? Hiếu luôn luôn nghĩ đến Trọng, mặc dầu tình cảm của nàng đối với chàng bây giờ như là đã phai gần hết rồi. Nàng nghĩ đến và so sánh. Trọng chắc chắn là không hao giờ cho nàng sống được những phút ngây ngất như thế nầy.

Tốc độ của xe, gió sớm, những điệu nhạc lạ, cá nhân của những người bạn vây quanh nàng, tất cả những thứ ấy như là cốc rượu Mạc-ti-ni đầu tiên trong đời nàng mà người ta đã ép nàng uống trong bữa tiệc ông Bồ-Đào khoản đãi tân khách. Nó làm say nhè nhẹ một cách dễ chịu rồi đưa lần đến sự ngây ngất mà vẫn còn đủ sáng suốt để hưởng cảm giác bay bổng lâng lâng.

Bây giờ qua khỏi cầu Hang, đoàn xe rẽ vào một thôn lộ mà ngày xưa kia còn là một khúc của con đường Thiên Lý trước khi cái tắc Cầu Hang Chợ Đồn được đắp. Nhựa trải đường ngày trước giờ đã bị gỡ hết để lòi đá xanh ra khiến xe lắc và vồng và bỗng Hiền nghe một cảm giác kỳ lạ khi Nghi bị xe nghiêng, xô mạnh vào người nàng.

Trong giây phút nàng nghĩ đến cái khôn ngoan của người xưa khi lấy câu “Nam nữ thọ thọ bất thân” làm phương châm ăn ở cho người đời. Nếu hiểu chữ trinh theo nghĩa hẹp hòi ích kỷ của Á-Đông ra thì là nàng đã thất tiết rồi kể từ cái phút mà nàng nghe cảm giác rờn rợn do áp lực của thân thể của Nghi gây ra.

Trọng ghen rất phải và mình không nên sống như thế nầy nếu mình quyết vẹn tình với Trọng. Nhưng mình lại thích sống như thế nầy! Trọng có phản đối công khai, chắc mình đến phải ngụy biện rằng Trọng ích kỷ, mặc dầu trong thâm tâm, mình nhận rằng Trọng có lý. Trọng sẽ cắn răng ôm bụng chịu hay là đổ vỡ. Mặc, mình phải sống chớ!

Đến một nơi hẻo lánh lưa thưa vài nếp nhà tranh, đoàn xe ngừng lại. Hai nói to lên, chắc chỉ nói riêng cho Hiếu nghe, nhưng có vẻ là nói chung với cả đoàn:

-Trên kia có chợ, có đò. Nhưng qua đò xong lại phải đi bộ. Tôi quen người xóm nầy, họ đã chuẩn bị ghe để đưa ta qua sông.

Họ gởi xe cho một người quen trong xóm rồi đi bộ ra sau xóm đó. Hiếu ngạc nhiên hết sức, khi qua khỏi đồng mía, mà thấy một con sông khá rộng núp sau cây cối mà trên đường không sao thấy được.

Sông nầy là một nhánh của Đồng-Nai, Nghi giải thích cho bạn nghe và bên kia là một cái cù lao thật rộng, chứa đến sáu làng. Ấy, chỉ có bên ấy là có cái cảnh hiếm hoi trong phim. Người viết truyện phim là người gốc vùng nầy nên đã chép lại câu chuyện tình có thật trong vùng.

Những người khiêng máy móc, dụng cụ khệ nệ lên đòn dài để xuống ghe. Lần đầu tiên trong đời nàng, Hiếu qua sông, và hãi quá không dám để chơn lên chiếc đòn dài đẵ oằn dưới sức nặng của bọn khiêng máy.

Thấy bạn cứ do dự mãi, mất hết thì giờ, trong khi tất cả mọi người đều xuống hết dưới ghe, Nghi nói:

-Xin lỗi Bích-Lệ!

Nói rồi hắn bước lên đòn dài trước đoạn đưa tay mà nắm lấy tay của Hìếu để dìu nàng lên. Hiếu không kịp phản đối, rồi không dám phản đối nữa, riu ríu bước theo Nghi. Đòn dài khá to bản, rộng đến hai tấc, nhưng be ván đòn dịu quá nên hai người không muốn, vẫn cứ nhún lên nhún xuống trong những bước đi khiến nàng càng khủng khiếp hơn lên, nhứt là những lúc nhìn xuống mặt nước thấy dưới ấy sâu quá, bởi bờ sông rất cao.

Bấy giờ chính nàng nắm chặt lấy tay của Nghi chớ không phải Nghi nắm tay nàng nữa. Tay ở không nàng kéo hai ống quần lên cho khỏi vướng rồi bước lần, nói lết lần thì đúng hơn, không bao giờ dám dở hổng chơn lên cả.

Hai sốt ruột dậm chân lên sạp ghe rầm rầm, khiến Hiếu càng quýnh lên. Nhờ Nghi thản nhiên dìu dắt nên rốt cuộc hai người cuối cùng cũng xuống được với bạn đồng đội.

Ghe lui khỏi bến hoang vu ấy, chèo độ nửa tiếng đồng hồ thì đến một ngã ba sông, bên này có chợ búa, bên kia là đầu cù lao với một khóm rừng dày mịt nhô lên như một bức bình phong xanh.

Ghe rẽ qua nhánh thứ nhì chảy song hành với nhánh thứ nhứt khi nãy, cả hai ôm lấy hai hông cù lao. Nhánh thứ nhì rộng bằng hai nhánh thứ nhứt và Hiếu thấy nó minh mông như sông Bến Nghé ở Sài-gòn. Bờ sông ở đây, bên phía cù lao, cao đến sáu thước và trâu đứng ăn cỏ trên bờ, từ mặt sông mà trông lên, thấy nhỏ xíu. Bờ sông đứng sững như tường thành, trụi trơ không một cọng cỏ mọc, đất sét vàng và đá ong lòi ra từng lớp trông giống như một miếng bánh da lợn mới xắn.

Ghe lách qua hai cồn cát vàng thì đến trước một cồn đất từ bờ sông bò ra. Trạo phu đậu ghe lại. Trong khi mọi người lăng xăng khiêng vác thì Nghi chỉ tay lên bờ mà cắt nghĩa cho Hiếu hiểu địa thế nơi đó.

-Chỗ nầy, người địa phương gọi là Bến Trâu. Bích-Lệ thấy gì lạ?

-Như có ai vào đất để lấy đường đi xuống sông.

-Đúng, nhưng ai đó, chỉ là thiên nhiên thôi. Nước mưa trên đảo lần dò tìm một chỗ đất mềm để thoát xuống sông. Tìm được, nó mài mòn lần từ đời nầy qua đời khác con đường thoát ấy, biến cái thông lộ ấy thành một đường hầm rồi theo đó, trâu trên đảo mới xuống uống nước với lại tắm mát.

-Đất bị lôi xuống, không trôi đi, mà bồi thành cái cồn đất nầy.

Nghi chỉ tay lên cồn và đôi bạn thấy trên đó nằm mười mấy chiếc ghe to, được kê lên cao khỏi mặt cồn độ một thước tây.

-Sao ghe lại nằm trên cạn anh?

-Họ kê ghe lên đây để trét lại…

-Trét lại?

-Ừ, ván dóng ghe, ghép có kín mí đâu. Phải trét mí bằng chai, nước mới khỏi vào ghe. Vài ba năm, chai trét ghe khô cứng, long ra, nên phải trét lại.

Chiếc ca-mơ-ra được đặt trên chiếc ghe cao nhứt, đưa ống ảnh vào bờ, và Thức đứng thủ sau máy để. nhắm địa thế. Họ kéo nhau cả lên đảo. Đường hầm dốc lên, rộng bằng một thôn lộ, tối om vì tre mọc hai bên đường giao tàn lại thành một vòm lá xanh che khuất bóng mặt trời. Đất dựng lên hai lên con đường hầm ấy là một thứ đá quánh, tức là đất sét pha với đá rời rạc, giai đoạn còn biến thức của đá ong, người ta gọi là đá ong còn non. Rêu xanh bám vào thành đá quánh ấy trông như đá non bộ lâu đời, và không khí ở đây mát và hơi ẩm ướt.

Hiếu có cảm giác như từ dưới hang chun lên khi lên khỏi đường dốc ấy, bị ánh sáng một buổi mai đẹp trời làm chóa mắt.

Trâu ăn cỏ trên đảo rất nhiều, và lũ chăn trâu thấy người lạ đến, áp nhau lại để xem họ làm gì. Hai đưa cho Hiếu một gói giấy nhựt trình và nói:

-Cô đến lùm cây kia để thay y phục, mặc bộ đồ thôn nữ nầy vào. Mau lên, buổi mai nầy đẹp trời lắm, trễ thì hỏng.

Giọng Hai sẵng quá, như là quân nhân ra lịnh, Hiếu rất mích lòng, nhưng hắn nói với ai cũng bằng giọng ấy cả mà không ai có phản ứng gì, nàng phải nhẫn nại chịu vậy.

Tới lùm cây mọc dựa bờ sông, cách mé nước độ vài mươi thước, Hiếu mở gói ra thì thấy một bộ đồ bà ba cũ hai tay áo bị rứt đi mà không may lại cái lai tay tạm, có lẽ để xem như cũ lắm một cách giả tạo vì vải còn khá bền và màu đen còn khá mướt, trông không đủ nghèo khổ.

Mặc xong bộ y phục lao động nầy vào, Hiếu gói áo quần của nàng lại trong tờ giấy nhựt trình đã bỏ không, rồi bước ra ngoài để về chỗ cũ.

Nhà đạo diễn thô lỗ là Hai cười nói to lên:

-Cô chăn trâu yểu điệu quá, phải cứng hơn một chút nữa mới được. Hiếu đi đã gần đến nơi. Nàng cũng cười và đáp:

-Yểu điệu hay không, cũng thấy ngay là giả, vì chăn trâu phải là trẻ con, mà là con trai mới đúng sự thật. Các anh không nhớ bài: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ” hay sao?

Cả bọn cười ồ lên. Nghi cãi:

-Tôi đã có dịp vẽ một cô gái chăn trâu thứ thiệt, Bích-Lệ khỏi lo không đúng như thật. Các gia đình nông dân không khá lắm mà có con gái ở không thường hay bắt mấy cô coi trâu cho đỡ tốn tiền thuê người. Nhưng cô phải xăn ống quần lên mới ra vẻ một cô gái chăn trâu.

-A, anh Nghi nói đúng, tôi quên mất. Vậy chịu khó xăn quần lên đi cô Bích-Lệ.

Mặc dầu hơi sợ Hai, Hiếu vẫn không nhúc nhích. Đừng tưởng ai cũng dám mặc áo hở hang hay dám đưa giò đưa cẳng ra đâu. Những cử chỉ, những tác phong mà có người làm, có người có, một cách tự nhiên, một số người lại ngượng chết đi.

Nhóm nầy làm việc thật là tài tử, không kế hoạch, không phương pháp gì cả. Anh chàng lo việc y phục vẫn điềm nhiên, trong khi người phụ trách trang trí lại băn khoăn về ống quần buông hay ống quần xăn. Anh nhạc sĩ viết nhạc không có phận sự trong cuộc quay phim, lại đi theo ra đồng, chỉ vì anh ta có xe hơi, phải cho anh ta theo để cọp xe của anh ta. Và ra đây anh ta lại bỗng có sáng kiến về mục y phục.

Quả thế, Hùng mượn một chiếc nón trủm của bọn chăn trâu trẻ con mà trao cho Hiếu. Thế là cả bọn đồng thanh khen hắn rất có mắt nhìn đúng cuộc đời. Phải chớ, mớ tóc phi-dê của cô thôn nữ giả nầy, không giấu đi làm sao xem cho được.

-Thôi trưa rồi, cô Bích-Lệ, Hai hét lên. Cô nên nhớ là đã ký hợp đồng với chúng tôi và làm trễ công việc của chúng tôi thì sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Hiếu không sợ bị rầy bằng lo không tiền bồi thường cho họ nên day đi chỗ khác để xăn ống quần. Tất cả mọi anh con trai có mặt nơi đó đều cố tìm một công việc để khi Hai day lại, nàng khỏi khó chịu bị chú ý đến.

Khi cô gái chăn trâu đã mang khá đầy đủ cốt cách một nữ mục đồng, bạn đồng nghiệp cô vẫn tránh nhìn cô, Hùng nắm dây mũi một con trâu mà dẫn đến trước mặt Hiếu.

Tất cả mọi người đi dự vào cuộc quay ngoại cảnh hôm nay đều mặc y phục đen, hay nâu, hay sô-cô-la sậm màu, vì Hai đã cho họ biết rằng trâu không ưa trắng và các màu rực rỡ.

Tuy thế, con trâu mà Hiếu phải cởi vẫn nghinh mặt khịch mũi khi thấy Hùng rút từ túi quần ra một chiếc khăn mu-xoa trắng. Hiếu kinh sợ muốn chết điếng đi lận mà thấy vẻ mặt hầm hầm và dáng điệu toan tấn công của một con vật có vó man rợ ấy.

Hai vội nhảy đến giựt lấy khăn của bạn giấu vào túi quần anh, con trâu mới chịu bình tĩnh trở lại. Dưới kia, anh chàng phụ trách ca-mơ-ra réo om trời.

-Mau lên chớ! Có một cụm mây lớn đằng chơn trời. Nó mà kéo lại thì đường hầm sẽ tối om, không quay gì được hết cho mà coi.

Làm cho Hiếu dám lên lưng trâu và nhứt là lên được trên lưng con trâu là một kỳ công của cả đoàn và cả lũ chăn trâu, chúng được một bữa cười nôn ruột.

Hiếu khổ sở đến rưng rưng lệ. Nếu dè phải chịu nhiều cực hình như vậy, ca-sê có cao bằng mấy trăm ngàn, nàng cũng chẳng thèm ký hợp đồng.

Một thằng bé cởi trâu dẫn đường vì nó thạo công việc của nó, Hiếu mà có vụng về bao nhiêu, trâu nàng vẫn theo trâu đàn một cách suôn sẻ. Mấy đứa trẻ khác cũng lùa trâu của chúng theo và mỗi đứa thót lên lưng một con.

-Không được, xuống bớt, cho nó tự nhiên.

Mấy em nhỏ không hiểu ý Hai muốn nói rằng số chăn trâu nhiều quá, khó tin rằng sự thật là như vậy, chúng nó không chịu nghe. Vả chúng muốn được “chụp hình” lắm. Hai lại phải hét:

-Đứa nào coi trâu thật thì ngồi luôn ở trển, đứa nào đi theo ra đồng chơi thì phải xuống hết, để làm việc khác, có tiền thưởng.

Nghe nói có tiền thưởng, chúng nhảy hết xuống đất, kể cả mấy em chăn trâu thật, khiến Hai lại phải quát tháo cho mấy đứa chăn trâu thật thót trở lên lưng trâu.

Đó là những diễn viên không có hợp đồng không ca-sê nên rất khó sử dụng. Cả đoàn đã nhễ nhại mồ hôi mà chưa chụp được lấy một thước phim.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: